Bước ngoặt lịch sử của mối quan hệ NATO – Trung Quốc

NATO lần đầu tiên công khai gọi Trung Quốc là thách thức mang tính hệ thống và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh với Moskva đi ngược lại với lợi ích của phương Tây.

Bước ngoặt lịch sử của mối quan hệ NATO – Trung Quốc

Tham vọng và các chính sách của Trung Quốc đã thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi” – Khái niệm chiến lược mới của NATO được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid – Tây Ban Nha hôm 29/6/2022 nêu rõ.

Trung Quốc sử dụng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu. Họ cũng đang cố gắng phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian mạng và hàng hải” – kênh ABC News dẫn tài liệu của NATO nhấn mạnh.

Tài liệu cũng nói rằng Trung Quốc đang tìm cách “kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quan trọng, cơ sở hạ tầng quan trọng, nguyên liệu chiến lược và chuỗi cung ứng. Họ sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược“.

Về cơ bản, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân” – Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói – “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng từ phía họ“.

Đây là tài liệu quan trọng đặt ra chiến lược an ninh và quân sự của NATO trong 10 năm tới. NATO chưa cập nhập tài liệu này kể từ năm 2010. Kể từ đó, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách quân sự và kinh tế với Mỹ và các thành viên của khối.

Tài liệu cũng nói rằng Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh các thành viên NATO” sau chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moskva nhắm vào Ukraina hôm 24/2.

NATO cũng khẳng định mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh với Moskva “đi ngược lại với lợi ích của phương Tây“.

Cũng trong tài liệu trên, NATO nhận định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vai trò quan trọng đối với liên minh, đồng thời cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện tại để đối phó “các thách thức xuyên khu vực và các lợi ích an ninh chung“.

Trước những lo ngại ngày càng tăng về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO.

Phát biểu tại Hội nghị với tư cách khách mời, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhấn mạnh: “Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn và sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế“, đồng thời kêu gọi áp dụng giải pháp ngoại giao và liên minh kinh tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bà Ardern cho rằng khả năng phục hồi của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải được tăng cường thông qua các mối quan hệ và kiến trúc kinh tế hơn là quân sự hóa.

New Zealand gần đây đã tỏ ra cứng rắn về cả vấn đề an ninh và sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương, một phần là do việc ký kết hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc với Quần đảo Solomon, theo Reuters.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG 

Tags: , , ,