Bức tranh toàn cảnh về xung đột, nội chiến ở Yemen

Yemen từng là một quốc gia bị chia cắt và đã thống nhất năm 1990. Tuy nhiên, đất nước này hiện đang ở trong tình trạng nội chiến chưa có hồi kết.

Bức tranh toàn cảnh về xung đột, nội chiến ở Yemen

Bài viết của PGS. TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.

Xung đột, nội chiến

Khởi đầu bùng phát xung đột vũ trang ở Yemen vào cuối 2014 khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shia và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh – người đã nắm quyền trong suốt 34 năm ở Yemen – giao tranh với lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi – người được quốc tế công nhận. Phiến quân Houthi đã đánh chiếm thủ đô Sana’a và chiếm giữ phần lớn khu vực phía Tây Bắc Yemen, buộc lực lượng chính phủ của Tổng thống Hadi phải chuyến tới thành phố Aden – thành phố cảng lớn thứ hai của Yemen – còn bản thân Tổng thống đương nhiệm Hadi phải lưu vong tại Ả rập Xê Út.

Xung đột leo thang vào tháng 3/2015 khi Liên minh quân sự các quốc gia Ả Rập do Ả rập Xê Út đứng đầu đã can thiện vào Yemen để hỗ trợ chính phủ Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Ả rập Xê Út và các quốc gia Ả rập khác gồm Ai Cập, Jordan và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã tiến hành hàng loạt chiến dịch không kích nhằm vào các địa điểm của phiến quân Houthi tại Yemen. Cuộc xung đột nội bộ ban đầu giữa các phe phái ở Yemen đã bị biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự tham gia của nhiều quốc gia, giữa Ả rập Xê Út, quốc gia đứng đầu Liên minh quân sự các quốc gia Ả rập ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hadi, và Iran – quốc gia Hồi giáo Shia ủng hộ phiến quân Houthi…..

Mặc dù cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen, song xung đột và bạo lực ở quốc gia Nam bán đảo Ả rập lại trở nên khốc liệt hơn vào cuối năm 2017, khi lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh và phiến quân Houthi không đạt được thỏa thuận hòa giải chính trị, trong đó phiến quân Houthi đã cáo buộc cựu Tổng thống Saleh tiến hành “lật đổ” chính phủ liên minh giữa hai bên khi ông Saleh mong muốn đàm quán với Liên quân quân sự các quốc gia Ả rập và tuyên bố chấm dứt liên minh giữa lực lượng của ông với phiến quân Houthi.

Giao tranh ác liệt đã nổ ra tại thủ đô Sana’a vào đầu tháng 12/2017, nhiều vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố này. Kết quả, cựu Tổng thống Saleh đã bị phiến quân Houthi sát hại vào ngày 4/12/2017 khi đang tìm cách chạy trốn cùng gia đình tới tỉnh Marib do quân chính phủ kiểm soát. Trong khi đó, lợi dụng sự hỗ loạn và bất ổn về an ninh tại Yemen, lực lượng Al-Qaeda ở bán đảo Ả rập (AQAP) tấn công và thắt chặt sự kiểm soát của lực lượng này ở các khu vực phía Nam và Đông Nam của quốc gia Arab này.

Tính phức tạp của cuộc xung đột ngày càng gia tăng khiến đất nước Yemen chìm sâu trong bất ổn, khi nhóm phiến quân ly khai lớn nhất ở miền Nam Yemen gọi là Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) – một bộ phận tham gia chính phủ lâm thời của Yemen do Liên Hợp quốc bảo trợ – đã nổi dậy chống lại chính phủ Yemen, đánh chiếm Aden làm thủ phủ và lập khu “tự trị” ở miền Nam Yemen với sự hậu thuẫn của UAE vào tháng 8/2019.

Giao tranh dữ dội lại một lần nữa xảy ra giữa STC và các lực lượng của Tống thống Hadi trong nhiều ngày tại địa bàn chiến lược Aden. Xung đột giữa Houthi và lực lượng thân Tổng thống Hadi chưa tìm được lời giải thì xung đột giữa lực lượng chính phủ với Lực lượng ly khai STC lại xảy ra, xung đột đan xen xung đột khiến đất nước Yemen chìm sâu trong bất ổn và rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài không có hồi kết.

Hậu quả

Từ một đất nước vốn được coi là “đất nước tươi đẹp và hạnh phúc” nay đã bị tàn phá nghiêm trọng, “chia năm xẻ bảy” bởi xung đột và nội chiến. Trong 6 năm qua, từ 2015 đến nay, xung đột và nội chiến kéo dài tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và châm ngòi cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Theo thống kê từ tháng 1/2016 đến cuối tháng 7/2018 đã có khoảng 57.000 người chết, chủ yếu là do các vụ không kích của lực lượng Liên minh quân sự các quốc gia Ả rập do Ả rập Xê Út đứng đầu tham chiến. Chỉ trong vòng 4 ngày giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Hadi và lực lượng ly khai STC được UAE hậu thuẫn cũng đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường và hơn 200 người khác bị thương tại thành phố cảng Aden.

Theo Liên Hợp Quốc, các cuộc xung đột vừa qua tại Yemen đã làm khoảng 3,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 24,1 triệu người (80% dân số) cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó 10 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói bởi những cuộc giao tranh tại đây đã cản trở công việc vận chuyển và phân phát đồ cứu trợ.

Trẻ em Yemen là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo. Theo số liệu thống kê của UNICEF, trung bình mỗi ngày có 8 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương tại 31 khu vực có xung đột ở Yemen và mỗi năm có khoảng 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng nặng tại Yemen. Trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường vốn có thể dễ dàng phòng ngừa nếu không có xảy ra nội chiến tại quốc gia này. Khoảng 2.500 trẻ em Yemen đã phải đi lính và ½ thiếu nữ đã phải kết hôn trước tuổi 15.

Theo dự báo của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc phụ trách công tác nhân đạo Mark Lowcock, nửa triệu người sẽ bỏ mạng nếu nội chiến vẫn tiếp diễn tại quốc gia này, trong đó, hơn 300.000 người sẽ chết do thiếu đói, không được chăm sóc y tế và dịch bệnh. Khoảng 25% trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng, gần 40% trẻ em không được đến trường.

Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Yemen cần khoảng 89,4 triệu USD trong thời gian tới nhằm duy trì các chương trình viện trợ cứu sinh. Sự thiếu hụt tài chính đang đe dọa sự hỗ trợ trợ quan trọng đối với người dân Yemen, đặc biệt là những người tị nạn “dễ bị tổn thương nhất”. Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định, những năm xung đột vừa qua đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm và hơn thế nữa, cuộc chiến kéo dài ở Yemen là nguy cơ, mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Căn nguyên của xung đột, nội chiến

Căn nguyên dẫn đến những xung đột và nội chiến trong những năm gần đây ở Yemen trước hết xuất phát từ di sản lịch sử để lại. Vào thế kỷ 11 TCN, Vương quốc Sabaeans bao gồm một phần của Ethiopia và Eritrea đã ra đời và phát triển thương mại mạnh mẽ trong hơn 1.000 năm. Vào năm 275, khu vực này nằm dưới sự cai trị của người Do Thái và trở thành Vương quốc Himyarite. Vào đầu thế kỷ 20, khu vực này bị chia cắt bởi đế chế Ottoman và thực dân Anh. Miền Bắc đã độc lập từ năm 1920 và trở thành nước Cộng hòa Ả rập Yemen vào năm 1962 bao gồm đại diện các bộ tộc và được hưởng nguồn lợi từ dầu mỏ.

Còn miền Nam thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Yemen vào năm 1967 với sự hỗ trợ từ Liên Xô. Cuộc chiến giữa miền Bắc do Ả rập Xê Út ủng hộ và miền Nam do Liên Xô hậu thuẫn đầu tiên nổ ra vào tháng 10/1972 và kết thúc bằng Hiệp định Cairo vào ngày 28/10/1972, mở đường cho tiến trình thống nhất đất nước. Song cho đến ngày 22/5/1990, Cộng hòa Yemen mới ra đời, với Hiến pháp thống nhất được chấp thuận sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 5/1991.

Mặc dù đã thống nhất hai miền, song sự khác biệt về văn hóa, tư tưởng và những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, chính trị vẫn âm ỉ tồn tại, không được hóa giải để rồi khi có cơ hội bùng cháy thành cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ của tổng thống Hadi và lực lượng ly khai miền Nam (STC) trong năm 2019.

Thứ hai, cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh với lực lượng chính phủ của Tổng thống Hadi cũng bắt nguồn từ trong lịch sử cách đây hàng chục năm. Khi đó, với sự ủng hộ của Ả rập Xê Út cũng với sự hậu thuẫn của Mỹ, Hadi đã tiến hành các vụ trấn áp Houthi – một giáo phái Shia. Khi trở thành tổng thống, Hadi tiếp tục dùng các biện pháp để không thực hiện các thỏa thuận về chia sẻ quyền lực đã đạt được tại các cuộc đàm phán “Đối thoại quốc gia Yemen” – là một quá trình được thực hiện kể từ khi Tổng thống Saleh buộc phải từ chức do tác động của phong trào Mùa xuân Ả rập vào năm 2011 sau 34 năm cầm quyền.

Việc sa thải 19 thống đốc vùng và 4 chỉ huy quân đội dưới thời ông Saleh nhằm hạn chế quyền lực của các thành viên Đảng GPC của cựu Tổng thống Saleh – vốn vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong đời sống chính trị của Yemen – và việc Houthi bị gạt ra khỏi sân chơi chính trị và các lợi ích của họ không được bảo đảm đã khiến Houthi liên kết với lực lượng ủng hộ của cựu Tổng thống Saleh, tấn công lực lượng chính phủ của Tổng thống Hadi, chiếm thủ đô Sana’a và buộc Tổng thống Hadi phải đi lưu vong tại Ả rập Xê Út. Điều đó cho thấy vấn đề hòa bình và hòa hợp dân tộc của Yemen còn rất nhiều chông gai.

Thứ ba, cuộc chiến giữa Houthi được sự hậu thuẫn từ Iran với lực lượng Liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia ủng hộ chính phủ Tổng thống Hadi phản ánh thực trạng hiện nay của khu vực Trung Đông, đó là mâu thuẫn, xung đột giữa hai giáo phái lớn thuộc dòng Sunni và Shia trong thế giới Arab. Trên thực tế, đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa một bên là phe Hồi giáo Sunni mà đứng đầu là Saudi Arabia với sự hậu thuẫn từ Mỹ và một bên là phe Hồi giáo Shia gồm Houthi và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh được Iran hỗ trợ. Từ xung đột nội bộ chuyển thành chiến tranh ủy nhiệm, từ tranh giành quyền lực quy mô địa phương chuyển thành xung đột sắc tộc và giáo phái ở quy mô quốc gia và khu vực, khiến việc giải quyết xung đột và nội chiến ở Yemen trở nên khó khăn và phức tạp.

Thứ tư, sự chia rẽ, mâu thuẫn ngay trong nội bộ của các liên minh cũng là căn nguyên gia tăng xung đột, đổ thêm dầu vào đám cháy nội chiến ở Yemen. Đó là mâu thuẫn giữa Houthi và lực lượng ủng hộ cựu Tống thống Saleh khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong liên minh chính trị non trẻ, từ chỗ ủng hộ cựu Tổng thống Saleh trong cuộc lật đổ Tổng thống Hadi, Houthi đã ám sát cựu Tổng thống Saleh, dẫn đến việc tìm kiếm biện pháp đàm phán hòa bình tại Yemen rơi vào bế tắc. Bên cạnh đó, bản thân Ả rập Xê Út và UAE – hai quốc gia có vai trò quan trọng trong Liên minh quân sự các quốc gia Ả rập chống Houthi – nay đứng ở hai bên chiến tuyến. UAE rút khỏi Liên minh hỗ trợ lực lượng ly khai (STC), đánh chiếm Aden – thành trì của lực lượng chính phủ Hadi đang được Ả rập Xê Út ủng hộ. Hệ lụy làm cho Yemen lại chìm sâu trong giao tranh, bạo lực sau rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế để các bên ngừng bắn, đi đến đám phán hòa bình, chấm dứt nội chiến ở quốc gia này.

Thứ năm, sự bất ổn an ninh chính trị do các cuộc xung đột, cuộc nội chiến như đã đề cập ở trên tạo điều kiện thuận lợi cho nhánh Al-Qeada trên bán đảo Arab thực hiện các vụ tấn công khủng bố và kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của Yemen ở phía Nam và Đông Nam. Sự lớn mạnh của lực lượng khủng bố cực đoan Al-Qeada không chỉ đe dọa an ninh quốc gia của riêng Yemen mà còn là nguy cơ đối với khu vực Trung Đông và toàn thế giới trong khi các bên tại Yemen đang còn bận giao tranh với nhau.

Cuối cùng, đó là Yemen nằm ở địa thế chiến lược vì hầu hết các tàu chở dầu từ các nước vùng Vịnh đều phải đi ngang bờ biển Yemen, qua vùng vịnh Aden rất hẹp, trước khi vào Hồng Hải để qua kênh Suez đưa dầu xuất cảng sang Châu Âu. Chính vì vậy, Mỹ cũng như các nước Ả rập không thể để một chính quyền thuộc giáo phái Shia như Houthi kiểm soát con đường giao thương huyết mạch này của thế giới. Hơn thế nữa, nội chiến Yemen dường như trở thành chiến trường cho các nước lớn thể hiện ảnh hưởng, hay nói cách khác sự can thiệp từ các bên vào cuộc chiến tại đây là vì những tính toán lợi ích riêng, do vậy đã cản trở các nỗ lực đàm phán hòa bình do Liên Hợp quốc làm trung gian.

Có thể nói rằng nếu các bên liên quan vẫn tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì mọi hậu quả đau thương đề đổ lên đầu dân thường vô tội. Bất ổn ở Yemen có thể châm ngòi cho một cuộc chiến sắc tộc toàn khu vực. Với những lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo như vậy, các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen vẫn chưa có hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này vẫn dường như còn quá xa vời.

Theo VIETTIMES

Tags: ,