Bloomberg: Không phải Mỹ, Trung Quốc mới là cường quốc kinh tế số 1 thế giới

Từ cách đây 10 năm, sản lượng sản xuất của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong khi kim ngạch xuất khẩu thì đã cao hơn 1/3. Những quan chức của Mỹ có thể chưa nhận ra được sức mạnh thật sự của nền kinh tế Trung Quốc nhưng những nước khác thì bắt đầu nhìn nhận lại vị thế kinh tế của chính quyền Bắc Kinh.

Nếu nói về thị trường số 1 thế giới, nhiều chuyên gia chắc chắn sẽ gọi tên Trung Quốc. Đất nước với hơn 1,3 tỷ dân này đã trở thành chiến trường của nhiều tập đoàn quốc tế nhằm cạnh tranh những khách hàng trung lưu đang ngày một giàu lên tại đây.

Tuy nhiên, nói về nền kinh tế số 1 thế giới, nhiều người lại liên tưởng đến Mỹ bởi quốc gia này vẫn là nước có GDP cao nhất toàn cầu đã quy đổi theo tỷ giá. Mặc dù vậy, liệu điều này có thực sự chính xác?

Tổng GDP theo tỷ giá năm 2016 (nghìn tỷ USD)

Trung Quốc mới là số 1 thế giới?

Sự so sánh về sức mạnh kinh tế giữa các nước đang khá khập khiễng bởi chi phí sinh hoạt ở các quốc gia là khác nhau. Chỉ số GDP chỉ có thể đo lường số sản phẩm, dịch vụ của một nước sản xuất ra mà không thể tính đến chi phí sinh hoạt ở các nền kinh tế này.

Ví dụ một chiếc điện thoại có giá 400 USD ở Mỹ thì khi được bán ở Trung Quốc, chúng có thể chỉ được bán với giá 200 USD cho phù hợp với thu nhập của người dân. Như vậy, chỉ số GDP nếu tính cho chiếc điện thoại này đã bị đánh giá thấp 50% tại Trung Quốc nếu chỉ xét đến tỷ giá đơn thuần.

Nói đơn giản, những nền kinh tế đang phát triển thường có mức chi phí sinh hoạt thấp hơn và cách đo lường GDP hiện nay đã đánh giá thấp sức mạnh kinh tế của họ.

Những chuyên gia kinh tế hiện nay đã cố gắng sửa sai bằng chỉ số sức mua tương đương (PPP) dù chúng chưa thể tính đến những yếu tố như chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Dẫu vậy, PPP cũng có thể cho thấy một bức tranh chính xác hơn về nền kinh tế hiện nay và theo đó, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành số 1 thế giới.

Tổng GDP theo PPP năm 2016 (Nghìn tỷ USD)

Nếu chỉ số PPP không thể làm bạn tin tưởng, vậy hãy xem xét chỉ số Big Mac. Đây là chỉ số đo giá của một chiếc bánh Big Mac tại các nền kinh tế khác nhau. Giá của một chiếc bánh Big Mac tại Mỹ đắt gấp 1,8 lần so với tại Trung Quốc và nếu tính GDP quy đổi theo chỉ số này, kết quả của Trung Quốc còn vượt xa rất nhiều so với Mỹ.

Từ cách đây 10 năm, sản lượng sản xuất của nước này đã vượt qua Mỹ trong khi kim ngạch xuất khẩu thì đã cao hơn 1/3. Những quan chức của Mỹ có thể chưa nhận ra được sức mạnh thật sự của nền kinh tế Trung Quốc nhưng những nước khác thì bắt đầu nhìn nhận lại vị thế kinh tế của chính quyền Bắc Kinh.

Mặc dù tính theo thu nhập bình quân đầu người, những nước như Qatar, Luxembourg, Singapore… mới là quốc gia đứng đầu thế giới nhưng không có nhiều chuyên gia cho rằng những thị trường này sẽ dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người chỉ nói lên mức sống của một đất nước nhưng không thể diễn tả hoàn toàn sức mạnh kinh tế của quốc gia đó, trừ khi tổng dân số của những thị trường này vô cùng lớn như Trung Quốc.

Mức thu nhập bình quân đầu người khiêm tốn của Trung Quốc cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn của nền kinh tế này. Khi những nước phát triển sáng tạo ra những công nghệ mới hoặc cải tiến được năng suất, những nền kinh tế đang phát triển có thể sao chép những bước đi này và tránh được các sai lầm của những quốc gia trước đó.

Tỷ lệ người dân coi Trung Quốc hoặc Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới ở các nước khác (%)



Vững chắc ngôi vương?

Tất nhiên, con đường phát triển của những nước đi sau có thể không thuận lợi khi nhiều nền kinh tế mắc kẹt trong cái bẫy tăng trưởng khi ngân sách lãng phí lúc nhiều nguồn vốn và buộc phải thắt chặt chi tiêu khi thị trường xì hơi. Thêm vào đó, sự yếu kém của nguồn nhân lực và những rào cản khác đã khiến rất nhiều nền kinh tế đang phát triển gặp khó dù sao chép từ những quốc gia đi trước.

Bất chấp điều đó, những nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Randall Morck và Bernard Yeung cho thấy Trung Quốc nói chung đang đi đúng những con đường mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm để trở thành một quốc gia phát triển.

Bởi vậy, Trung Quốc không chỉ đã là nền kinh tế số 1 thế giới mà khoảng cách của họ với Mỹ đang ngày càng kéo xa. Dù tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm tốc, con số này vẫn được giữ hơn 6%, cao hơn nhiều so với mức hơn 2% của Mỹ. Với đà tăng trưởng như vậy, kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nâng khoảng cách này lên gấp đôi trong vòng chưa đầy 20 năm tới.

Nếu xét về lĩnh vực quân sự, dù Mỹ chi nhiều cho quốc phòng hơn Trung Quốc cũng như có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn. Dẫu vậy, chưa thể xác định ai sẽ là người chiến thắng nếu một cuộc xung đột quân sự toàn diện nổ ra.

Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể bỏ qua do chẳng có nước nào chiến thắng nếu dùng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Bởi vậy chúng ta chỉ cần xem xét đến một cuộc chiến tổng lực phi hạt nhân.

Để có cái nhìn rõ hơn, hãy quay trở lại Thế Chiến thứ II khi Nhật Bản và Mỹ có chiến tranh. Ban đầu, Nhật Bản có lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn của Mỹ, đồng thời quốc đảo này có lực lượng hải quân hùng mạnh do trải qua các cuộc hải chiến với Trung Quốc trước đó. Tuy nhiên, ưu thế này dần bị san bằng và thậm chí để Mỹ vượt qua.

Sản lượng sản xuất máy bay chiến đấu của Mỹ và Nhật Bản qua các năm

Khi 2 quốc gia có cùng cấp bậc công nghệ và tiềm lực quân sự tham chiến, số lượng quân nhân cũng như tiềm lực kinh tế chiếm vai trò vô cùng quan trọng và trong Thế chiến II, số quân nhân có thể tham chiến cũng như sức mạnh kinh tế của Mỹ cao hơn rất nhiều so với Nhật Bản. Đây là một trong những lý do khiến tình thế chiến tranh dần nghiêng về phía Mỹ khi Thế chiến II gần về cuối.

Quay trở lại câu chuyện Trung Quốc, đất nước này có GDP được coi là số 1 thế giới xét theo PPP, sản lượng sản xuất lớn hơn Mỹ trong khi dân số thì nhiều gấp 4 lần. Khoảng cách công nghệ quân sự giữa 2 quốc gia cũng không quá xa khi Trung Quốc đang sao chép và thậm chí tự phát triển rất nhiều khí tài.

Nói cách khác, Trung Quốc giờ đây đang ở vị thế tương tự như Mỹ vào đầu thế kỷ 20 với sức mạnh phát triển vượt bậc cả về kinh tế, quân sự, công nghệ… Mặc dù chưa có những bước đi bành trướng quân sự như Mỹ đã làm thời kỳ đầu thế kỷ 20 nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, cán cân quyền lực về quân sự và kinh tế trên thế giới hiện nay đang dần thay đổi.

Theo THỜI ĐẠI

Tags: , , ,