⠀
Biển – thành tố ‘trẻ’ trong cấu trúc địa chính trị Trung Hoa
Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là trở thành một đế chế cường thịnh nhất thế giới. Muốn làm được như vậy, Trung Quốc buộc phải khống chế được Biển Đông, tuyến đường chiến lược nối Đông Á với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là bắt mạch đúng căn nguyên cội nguồn và dã tâm của những tuyên bố gần đây trên biển của Trung Quốc. Và ở tầm vĩ mô chúng ta cần có nhìn nhận đúng động thái này để có những biện pháp ứng xử phù hợp với tham vọng của Trung Quốc.
Đặt vấn đề
Tính đến thời điểm này, nhìn toàn trạng của tiến trình vận động, xu hướng vận động của lãnh thổ Trung Hoa và lãnh thổ châu Âu đi theo hai vécto trái chiều nhau. Lãnh thổ châu Âu, định hình bởi khu vực hạt nhân là văn minh Hi – La đi theo hướng từ tập quyền đến phân tán, và đang có xu hướng ngày càng phân lập nhỏ hơn (xét về quốc gia lãnh thổ). Lãnh thổ Trung Quốc tính từ thời đại Xuân Thu – Chiến Quốc, thời đại cơ sở của nhiều truyền thống lớn Trung Hoa vận động qua nhiều trạng thái nhưng theo hướng từ phân tán đến tập quyền đế chế và ngược lại, nhưng ngày nay xu hướng tập quyền với quy mô lớn hơn.
Nhìn từ địa chính trị, mô hình đế chế Trung Hoa trước thế kỷ 20(1) được định vị bởi đất liền và hai con sông lớn. Trước thế kỷ 20 mô hình đế chế Trung Hoa sống động và lan tỏa chủ yếu trên hai trục chính. Nhìn từ trục đất liền, lãnh thổ đế chế Trung Hoa có xu hướng lan tỏa mạnh và mở rộng theo hướng Đông, Đông Nam, Tây Nam và sự trải rộng lãnh thổ theo xu hướng từ Tây, Tây Bắc sang Đông, Đông Nam(2). Nhìn từ các dòng sông, mô hình đế chế Trung Hoa xuôi theo các con sông lớn: Hoàng Hà và Trường Giang cùng với nó là mở rộng và thâu nạp vào đó nhiều vùng đất mới. Trước thế kỷ 20, mô hình này chủ đạo vẫn lan tỏa theo hướng đất liền và men theo chiều các dòng sông. Biển chưa từng trở thành một thành tố trong tiến trình lan tỏa của đế chế Hán.
Vì vậy, điểm đặc biệt nhất của đế chế Trung Hoa thời điểm này so với trong lịch sử nhìn từ địa chính trị là bổ sung thêm thành tố mới trong cấu trúc mô hình đế chế: thành tố Biển.
Bài viết đi từ trong lịch sử chỉ ra cơ sở lịch sử, quy luật sống động và lan tỏa của thực thể Trung Hoa, căn nguyên sâu xa của thành tố Biển tham gia vào mô hình cấu trúc đế chế Hán. Đồng thời chỉ ra ý nghĩa và ảnh hưởng của yếu tố này đối với thực thể Việt.
Về mặt thuật ngữ, cần minh bạch nội hàm hai khái niệm: Thành tố trẻ và địa chính trị. Thành tố trẻtrong bài viết có những nội hàm: 1. Ở nghĩa trừu tượng nhất, thành tố trẻ là một thành tố trong tam giác mô hình cấu trúc địa chính trị Trung Hoa được chúng tôi quan niệm đến thời điểm này gồm: Sông – Đất liền và Biển. 2. Thành tố trẻ là thành tố được quy chiếu với những thành tố vốn có trước là sông và đất liền. Ở ý nghĩa này thành tố trẻ đồng nghĩa với thành tố Biển. Trẻ là mới so với hai thành tố trước đó. Thành tố trẻ được hiểu là thành tố bộ phận và là thành tố của tính liên tục và sống động. Khái niệm địa chính trị được hiểu với hai nội hàm:1. Là gạch nối giữa địa lý và chính trị. 2. Quan trọng hơn, thể hiện đặc trưng tư duy của đế chế.
1. Lược sử tiến trình hình thành đế chế Trung Hoa cổ đại và Hi-La cổ đại nhìn từ địa chính trị
1.1. Nhìn từ Trung Hoa cổ đại
1.1.1. Đế chế mở rộng theo lưu vực các dòng sông
Sông Hoàng Hà không chỉ là nguồn cội của văn minh Hoa Hạ, còn là nơi định hướng vận động tự nhiên của sự lan tỏa và sống động của lãnh thổ Hoa Hạ. Từ lưu vực con sông này, lãnh thổ Trung Hoa bắt đầu tiến trình lan tỏa và sống động của nó theo hai mạch chủ đạo: một là, lan tỏa của lãnh thổ theo lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang, hai là, lấy lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang làm điểm quy chiếu, từ đó lan tỏa ra xung quanh, không có biên giới cố định và ổn định.
1.1.1.1. Từ thời cổ đại đến trước thời Tần (221 TCN)- Đế chế tập trung quanh lưu vực sông Hoàng Hà
Từ rất sớm, cư dân Hoa Hạ cư trú ở lưu vực sông Hoàng Hà. Tính từ Tam Hoàng, Ngũ đế, cho đến Hạ, Thương, Tây Chu, lãnh thổ Trung Quốc chưa vượt ra khỏi lưu vực sông Hoàng Hà. [1]
Sự đột phá của tiến trình lan toả và sống động lãnh thổ Trung Quốc mang tính bước ngoặt ở thời điểm họ thâu nạp vào mình những cư dân, quốc gia đã tồn tại và phát triển nền văn hóa riêng ở lưu vực sông Trường Giang. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, lưu vực sông Trường Giang tồn tại với tư cách những quốc gia riêng biệt, có nền văn hoá độc lập. Tiêu biểu: Sở, Ngô, Việt… Thậm chí thời điểm này, những quốc gia tiêu biểu như nước Sở, Ngô, Việt thay nhau vươn lên làm chủ chư Hầu và là một đối trọng cạnh tranh thiên hạ với nhà Chu.[2]
1.1.1.2.Thời Tần – lãnh thổ đế chế hợp nhất giữa sông Hoàng Hà và sông Trường Giang
Đến thời nhà Tần, lãnh thổ Trung Quốc đã hình thành trên một quy mô rộng lớn nhất chưa từng có trong lịch sử. Trong đó, lãnh thổ chủ yếu của Trung Quốc thời kỳ này hợp nhất bởi các quốc gia ở lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang. Về cơ bản lãnh thổ Trung Hoa chủ yếu mở rộng từ hạt nhân là hai con sông này. Sử ký còn ghi lại lời tấu của Vương Quán, Phùng Kiếp và Lý Tư về lãnh thổ thời Tần: “Ngũ đế ngày xưa, đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của Man Di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không sao cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh… bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ tới nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng”[3].
Như vậy, tính từ thời điểm này cho đến thời nhà Thanh, lãnh thổ Trung Quốc sống động và lan tỏa, luôn lấy điểm quy chiếu từ lưu vực hai con sông này. Tư duy của sự sống động và lan tỏa của lãnh thổ Trung Hoa gắn với sự xuôi dòng của các dòng sông và quy chiếu từ lưu vực hai dòng sông này và điều đó có nghĩa Biển chưa trở thành một thành tố trong mô hình cấu trúc địa chính trị thực thể Trung Hoa là đặc điểm nổi bật của thực thể Trung Hoa trong thời kỳ chuyên chế.
1.1.2. Lãnh thổ của sự quy chiếu từ lưu vực các dòng sông
Sự sống động và lan tỏa của lãnh thổ Trung Hoa không chỉ men theo và lớn mạnh theo chiều xuôi dòng của hai con sông lớn Hoàng Hà và Trường Giang. Cùng với cung đường mở rộng lãnh thổ xuôi theo chiều các con sông lớn, lãnh thổ Trung Hoa cũng mở rộng và lan tỏa theo những hướng khác nhau quy chiếu từ hạt nhân là lưu vực hai dòng sông này.
Ở các thời đại Tam Hoàng, Ngũ đế, trải qua Hạ, Thương, Chu lãnh thổ Trung Quốc vẫn tập trung ở lưu vực sông Hoàng Hà.
Sự vươn rộng và cơ bản định hình lãnh thổ Trung Hoa đến thời đại nhà Tần đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hình thành lãnh thổ quốc gia này. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành lãnh thổ Trung Hoa, một lãnh thổ có quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử được định hình. Xu hướng dịch chuyển lãnh thổ Trung Hoa từ Hạ, Thương, Chu, qua Xuân Thu – Chiến Quốc đến thời đại đế chế Tần dịch chuyển mạnh theo hướng Đông, Nam, Đông Nam và Tây Nam
Trải qua Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh lãnh thổ Trung Quốc về cơ bản co giãn trên cơ sở sự ổn định tương đối lãnh thổ hình thành thời nhà Tần. Đáng chú ý nhất, đến thời Nguyên, lãnh thổ Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử thể hiện và hiện thực hóa khát vọng của mình vượt qua Trung Á, đánh sang tận Roma. Đặc biệt, khu vực phía Nam, Đông Nam, tức vùng Vân Nam ngày nay, nước Nam Chiếu, Đại Lý trước kia, chính thức trở thành lãnh thổ ổn định của Trung Quốc rộng lớn(3). Ba lần nhà Nguyên định nhập Đại Việt và một số nước khác ở Đông Nam Á hợp vào lãnh thổ của mình nhưng đều thất bại trước Đại Việt. Có thể nói, những thời đại đánh dấu sự định hình và mở rộng lãnh thổ Trung Quốc là Tần, Nguyên và nhà Thanh. Nhà Tần đánh dấu sự hình thành lãnh thổ quốc gia lớn nhất trong lịch sử. Thời Nguyên tiến thêm một bước quy chiếu và vươn xa lãnh thổ sâu xuống phía Nam, Đông Nam, Đông Nam Á, phía Tây và châu Âu.
Đặc biệt thời nhà Thanh, lãnh thổ Trung Quốc chinh phục thêm Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan một phần Kadacstan, Kyrukistan, Udebekistan ngày nay và cùng với Mông Cổ, trước đó vào đế chế của mình. Thanh sử cảo: Nhà Thanh mở rộng cương giới về phía Bắc đến Mông Cổ, phía Tây đến Tân Cương, phía Đông quản lý Đảo Đài Loan. “Từ đó [đầu Thanh] đến nay, Đông đến tận Tam tính (Tam tính đời Gia Khánh đặt Tam Tính phó đô đốc hạt khu, thuộc tỉnh Cát Lâm, Tam tính gồm toàn bộ khu vực sông Amour và đảo Sakhalin. Nay là các tỉnh thành komsomd, Khabarovsk, Vladivostok, O.Sakhalin thuộc Russia) Gồm cả Khố Hiệt [O.Sakhaline], Tây tận phủ Sơ Lặc Tân Cương (Sơ Lặc, tên phủ, cực tây Tân Cương. Nay là thành phố kashi, Tân Cương Duy Ngô Nhĩ tự trị khu). Cho đến Thông Lĩnh (vùng núi Muztagata, nơi giáp với Afghanistan, Tajikitan), Bắc đến Tận Ngoại Hưng An Lĩnh [gồm vùng Nội và Ngoại, Vùng Nam sông Amaour (Hắc Long Giang) thuộc tỉnh Hắc Long Giang gọi là Nội Hưng An Lĩnh. Phía Bắc Sông Amour gọi là Ngoại Hưng An Lĩnh, năm Hàm Phong thứ 8 (1858) theo điều ước Ái Huy, nhà Thanh giao vùng đất này cho Nga], Nam Tận Nha Sơn đảo Quỳnh Châu Quảng Đông, không ai không lạy về nội địa, buộc chặt với bản triều. Ôi thật lớn lao mạnh mẽ! Từ Hán, Đường đến nay chưa có vậy” [4].
Như vậy, lãnh thổ Trung Quốc vừa sống động và lan tỏa theo chiều các dòng sông của lưu vực hai con sông lớn Hoàng Hà và Trường Giang, xu hướng lãnh thổ lan tỏa theo hướng từ Tây sang Đông và từ Tây Bắc xuống Đông, Đông Nam, và luôn khao khát thực hiện khát vọng chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á, xâm lấn cả Trung Á và xu hướng lan sang cả châu Âu. Điều này có nghĩa, khoảng trên 2000 năm lịch sử lan tỏa và sống động của lãnh thổ Trung Hoa, mô hình đế chế Trung Hoa về cơ bản chỉ tồn tại và định hướng vận động mở rộng lãnh thổ đế chế dựa trên hai trục hệ thống lớn là: hai dòng sông lớn và đất liền. Biển chưa từng trở thành một thành tố trong cấu trúc mô hình đế chế địa chính trị Trung Hoa.
1.2. Nhìn từ Hi- La cổ đại
Hi La cổ đại không có những bình nguyên rộng lớn được tạo tác bởi những con sông lớn như ở Trung Hoa cổ đại. Hi-La cổ đại hình thành chủ yếu trên cơ sở những đảo và hải đảo [5]. Tiến trình hình thành đế chế Hi – La cổ đại không lan tỏa theo lưu vực các dòng sông và không quy chiếu từ các đồng bằng bình nguyên lớn được hình thành bởi hệ thống những sông lớn như ở Trung Hoa cổ đại. Đế chế Hi – La hình thành từ sự thôn tính và tiêu diệt các thành bang trên các đảo trên biển. [6]. Một cách tự nhiên, từ rất sớm, cư dân của Hi-La cổ đại đã đối mặt với biển khơi. Sự chiến đấu và hình thành đế chế gắn với những cuộc chiến lớn bằng những hải đội lớn từ sớm trong lịch sử. Hệ thống thần thoại và sử thi Home đã ghi lại rất rõ vấn đề này.
Từ rất sớm, phương Tây là quê hương của những nhà hàng hải thám hiểm vĩ đại và cũng từ những cuộc thám hiểm đó đã đưa đến những phát kiến vĩ đại trong lịch sử (như Cristoforo Colombo, người Ý(1451 -1506), nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan (1480-1521).
Với sự phát triển mạnh mẽ từ nền văn hóa Phục Hưng, nhiều thương thuyền và những nhà truyền giáo phương Tây đã vượt biển đến với Đông Á, Ấn Độ. Cuộc tiếp xúc Đông – Tây này đánh dấu một tiến trình lan tỏa của đế chế phương Tây. Những thuộc địa hoặc bán thuộc địa ở châu Á như là một phần lãnh thổ kéo dài của đế chế phương Tây.
1.3. Tiến trình hình thành địa chính trị Trung Hoa cổ đại và Hi – La cổ đại nhìn so sánh.
Lược sử tiến trình hình thành đế chế Trung Hoa cổ đại và Hi – La cổ đại nhìn từ địa chính trị, chúng ta có thể sơ bộ ghi nhận những nét tương đồng và dị biệt như sau.
1.3.1 Những tương đồng
Cả đế chế Trung Hoa cổ đại và Hi – La cổ đại trong tiến trình hình thành đế chế của mình chịu sự quy định của yếu tố địa lý. Ở Trung Hoa cổ đại, do đế chế được hình thành từ lưu vực dòng sông với những bình nguyên rộng lớn nên đế chế lan toả gắn liền với những dòng sông lớn và đế chế mở rộng quy chiếu từ các dòng sông lớn. Từ phía khác, đế chế Hi – La không hình thành từ những dòng sông và bình nguyên rộng lớn mà hình thành từ các đảo, bán đảo quần đảo và hải đảo trên biển. Điều này có nghĩa, cả đế chế Trung Hoa cổ đại và đế chế Hi La cổ đại trong tiến trình hình thành của mình đều chịu sự chi phối của đặc tính địa lý tự nhiên thuần tuý.
1.3.2. Những khác biệt
Tuy nhiên do đế chế hình thành và tạo tác trong những điều kiện tự nhiên và tộc người khác nhau nên trong tiến trình hình thành của mình, những định hướng phát triển đế chế và tư duy lan tỏa đế chế cũng tạo ra những khác biệt hết sức đáng quan tâm.
Do đế chế Trung Hoa cổ đại hình thành và tạo tác từ lưu vực của các con sông lớn và lãnh thổ mở rộng quy chiếu từ các dòng sông nên cội nguồn đế chế mang đặc tính sông đậm nét. Các dòng sông lớn của Trung Hoa là Hoàng Hà và Trường Giang tạo ra hai bình nguyên lớn bậc nhất thế giới là bình nguyên Hoa Bắc gắn với sông Hoàng Hà và bình nguyên Hoa Nam gắn với sông Dương Tử. Phù sa của hai bình nguyên này là cơ sở hình thành nền nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp của toàn đế chế. Việc hình thành những thương thuyền buôn bán Trung Quốc với bên ngoài Trung Quốc có từ sớm nhưng nó không phải là đặc trưng của đế chế Trung Hoa.
Ngược lại, do được tạo tác và hình thành từ các đảo và quần đảo trên biển. Cùng với những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau của các thành bang, đế chế Hi- La và sau này là Châu Âu sớm phát triển thương thuyền. Thương mại là đặc trưng nền tảng của kinh tế đế chế. Vai trò của các dòng sông về cơ bản mờ nhạt hơn so với biển trong thời đại phát triển chủ nghĩa tư bản về sau.
2. Những ghi chép về Biển và vùng đất giáp Biển trong chính sử Trung Quốc
Trong phần này chúng tôi sẽ tiến hành lược sử những ghi chép trong chính sử của đế chế Trung Hoa cổ đại để từ đó làm cơ sở luận bàn về quan niệm về biển và tư duy biển của đế chế Trung Hoa. Những ghi chép trong chính sử, với tư cách là tuyên ngôn của đế chế nên có thể xem là tiếng nói và đặc trưng tư duy của đế chế.
Sử ký chưa có mục “địa lý chí”. Từ Hán thư bắt đầu có mục địa lý chí. Những ghi chép liên quan đến Biển bắt đầu có từ Nam tề thư.
Hán Thư – địa lý chí chép các quận ven biển Trung Quốc gồm 7 quận
– Nam Hải (nay là địa bàn thành phố Quảng Châu)
– Hợp Phố (nay là khu vực Trạm Giang (Quảng Đông) và Bắc Hải (Quảng Tây))
– Đam Nhĩ (nay là vùng Đam Châu, Lâm Cao, Trừng Mại, tức là vùng Tây Bắc tỉnh Hải Nam ngày nay)
– Châu Nhai (nay là vùng đất từ cảng Hải Khẩu đến thành phố Văn Xương, tức là vùng Đông Bắc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc
– Giao Chỉ (nay là Bắc bộ Việt Nam)
– Cửu Chân (Nay là Bắc Trung Bộ Việt Nam)
– Nhật Nam (nay là Trung Bộ Việt Nam) [7]
Nhận xét: Hán thư chỉ chép các quận ven biển, đảo Hải Nam. Không chép thêm gì về biển Đông.
Hậu Hán thư: các vùng đất ven biển gồm 5 quận chép trong Quận quốc chí là
Nam Hải (địa bàn như thời Tây Hán, 4 quận dưới đây cũng vậy)
– Hợp phố
– Giao chỉ
– Cửu chân
– Nhật Nam
Cũng tương tự như Hán thư, Hậu Hán thư chép các quận ven biển, không chép về biển Đông.
Tấn thư: Giao Châu thời Hán và Tam Quốc đến thời Tấn phân ra làm hai là Giao châu ở phía nam và Quảng Châu ở phía Bắc. Giao châu lãnh 7 quận gồm
– Hợp Phố, 6 huyện
– Giao chỉ, 14 huyện
– Tân Xương, 6 huyện
– Võ Bình, 7 huyện
– Cửu Chân, 7 huyện
– Cửu Đức, 8 huyện
– Nhật Nam, 5 huyện
Nam tề thư, quyển 14, 15, Châu Quận chí, đất cực Nam Nam Tề vẫn là Giao Châu và Việt Châu như hồi Tống: “Giao Châu, trị sở châu đặt tại Giao Chỉ, lãnh 9 quận.
1. Quận Cửu Chân, lãnh 10 huyện: Di Phong, Tứ (Tư) Phố, Tùng Nguyên, Cao An, Kiến Sơ, Thường Lạc, Tân Ngô, Quân An, Cát Bàng, Vũ Ninh.
2. Quận Vũ Bình lãnh 6 huyện: Vũ Định, Phòng (Phong) Khê, Bình Đạo, Vũ Hưng, Căn Ninh, Nam Di.
3. Quận Tân Xương, lãnh 8 huyện: Phạm Tín, Gia Ninh, Phong Sơn, Tây Đạo, Lâm Tây, Ngô Định, Tân Đạo, Tấn Hóa
4. Quận Cửu Đức, lãnh 7 huyện: Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Giao, Việt Thường, Tây An,11 huyện
5. Quận Nhật Nam, lãnh 7 huyện
6. Quận Giao Chỉ
7. Quận Tống Bình, lãnh 3 huyện
8. Quận Tống Thọ
9. Quận Nghĩa Xương
Việt Châu, trị sở đặt ở quận Lâm Chương, quận này vốn là đất giáp giới phía Bắc Hợp Phố. Việt châu lãnh 20 quận
Cựu Đường thư, Địa lý chí gồm 4 quyển 38, 39, 40, 41 chia làm 10 đạo. Lĩnh Nam đạo là đất 2 châu Giao, Quảng thời Tấn, thuộc quyền Nam Hải Tiết độ sứ, lãnh 17 châu. Đảo Quỳnh đặt 5 châu: Nhai, Đam, Quỳnh, Chấn và Vạn An. Cực nam là châu Chấn: “Châu Chấn, thời Tùy là quận Lâm Chấn. Năm Võ Đức thứ năm 622, đặt châu Chấn. Năm Thiên Bảo nguyên niên 742, đổi làm quận Lâm Chấn. Năm Càn Nguyên nguyên niên, đổi trở lại làm châu Chấn. Lãnh 4 huyện, 819 hộ, 2.821 nhân khẩu. Từ trị sở châu đến kinh sư 8.606 dặm, đến Đông đô 7.797 dặm. Phía Đông đến huyện Lăng Thủy châu Vạn An 160 dặm, phía Nam đến biển lớn, phía Tây đến châu Đam 420 dặm, phía Bắc đến châu Quỳnh 450 dặm, Đông Nam đến biển lớn 27 dặm, Tây Nam đến biển lớn 1000 dặm, Tây Bắc đến huyện Diên Đức 90 dặm, cùng với châu Nhai là đất trong biển lớn [8]
Nhận xét, Địa lý chí trong Đường thư về phía Nam trên phương diện quản lý hành chính không chép nơi nào ngoài biển khơi ngoài vùng đất đảo Hải Nam ngày nay.
Tống sử, Địa lý chí gồm 6 quyển, từ quyển 85-90. Chế độ quản lý hành chính thời Tống phân 2 cấp Châu và Huyện.
Về quản lý hành chính, chia đảo Quỳnh làm 4 địa bàn cấp Châu và tương đương: 1/Quỳnh Châu ở phía bắc và Đông Bắc. 2/Vạn An quân ở phía Đông và Đông Nam. 3/Cát Dương quân ở phía nam và tây nam. 4/ Xương Hóa quân ở phía Tây. Cực Nam là chấn Lâm Xuyên thuộc Cát Dương quân (là đất Chấn Châu thời Đường). Về mặt giám sát 4 đơn vị này thuộc Quảng Nam Tây lộ.
Nhận xét, Địa lý chí trong Tống sử cho thấy cương vực nhà Tống về phía Đông Nam vẫn dừng lại ở phần đất cực nam đảo Quỳnh như hồi thời Đường.
Nguyên sử: Địa lý chí chép đảo Quỳnh được quản lý bởi 4 đơn vị hành chính.1/ Càn Ninh Quân dân an phủ ty, là đất châu Nhai đời Đường, Quỳnh Quản An phủ đô giám đời Tống; 2/ Nam Ninh quân, là đất châu Đam đời Đường, Xương Hóa quân đời Tống. 3/Vạn An quân, là đất châu Vạn An đời Đường, Tống đổi làm quân. 4/Cát Dương quân, là đất châu Chấn đời Đường, châu Nhai đời Tống. Các đơn vị này thuộc Hải Bắc Hải Nam Đạo Tuyên úy ty [9]
Nhận xét, cương vực tổng thể thời Nguyên chỉ đến cực nam đảo Hải Nam ngày nay.
Minh sử: Phần đất cực nam trên đảo Quỳnh lập thành một phủ. Năm Hồng Vũ nguyên niên (1368) nhập 4 đơn vị thời Nguyên lập phủ Quỳnh Châu. Cực nam phủ Quỳnh Châu là châu Nhai là phần đất Cát Dương quân thời Nguyên: “Châu Nhai, thời Nguyên là Cát Dương quân, thuộc Hải Bắc Hải Nam đạo Tuyên úy tỵ. Thánh 10 năm Hồng Vũ nguyên niên (1368) đổi làm châu Nhai, thuộc vào phủ (Quỳnh Châu). Tháng 6 năm Chính Thống thứ 4 (1439), đặt trị sở của Châu ở huyện Ninh Viễn, nên nhập huyện Ninh Viễn vào. Phía Nam có Nam Sơn, phía Bắc có Đại Hà, phân dòng từ Ngũ Chỉ Sơn, chảy vào biển theo hướng nam, phía Đông có Đằng Kiều; Tây có Bão Tuế, phía Tây Bắc lại có 3 ty Tuần kiểm Thông Viễn. Châu Nhai cách phủ trị 1.410 dặm về phía Bắc. Lãnh 1 huyện Cảm Ân, ở phía Tây Bắc châu. Trước thuộc Châu Đam, năm Chính Thống thứ năm 1440 chuyển thuộc châu Nhai. Phía Tây đến Biển; phía Nam có sông Nam Tương, nguồn từ núi Lê Mẫu, đổ vào biển theo hướng Tây Nam; phía Đông Nam có ty Tuần kiểm Diên Đức”[10]
Nhận xét, cương vực quản lý hành chính thời Minh về phía biển nam vẫn nằm trong cương vực có từ thời Nguyên.
Sự kiện Trịnh Hòa
Trịnh Hòa với đội hải thuyền hùng hậu 7 lần vượt biển vào các năm 1405, 1408, 1412, 1416, 1421, 1425, 1430, đến 37 nước/ địa phương: “Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 3 (1405), ban mệnh cho Hòa cùng bọn Vương Cảnh Hoằng đi sứ Tây Dương. Tướng và binh lính hơn 27.800 người, đem nhiều vàng, tiền làm lễ vật. Chế tạo thuyền lớn, dài 44 trượng, rộng 18 trượng, tất cả 62 chiếc. Từ cửa sông Lưu Gia Hà ở Tô Châu ra biển đi đến Phúc Kiến, rồi từ cửa Ngũ Hổ thuộc biển Phúc Kiến giương buồm ra khơi, đầu tiên đến nước Chiêm Thành, sau đó đi khắp các nước Phiên, tuyên đọc chiếu chỉ của Thiên Tử, nhân dịp này cũng ban tặng lễ phẩm cho các quân trưởng, ai không phục thì uy hiếp bằng vũ lực. Tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), bọn Hòa trở về, các nước cho sứ giả theo Hòa đến triều kiến” [11]
Thanh sử cảo: Nhà Thanh mở rộng cương giới về phía Bắc đến Mông Cổ, phía Tây đến Tân Cương, phía Đông quản lý Đảo Đài Loan. “Từ đó [đầu Thanh] đến nay, Đông tận Tam tính (Tam Tính đời Gia Khánh đặt Tam Tính phó đô Thống hạt khu, thuộc tỉnh Cát Lâm, Tam Tính gồm toàn bộ khu vực sông Amour và đảo Sakhalin. Nay là các tỉnh thành Komsomd, Khabarovsk, Vladivostok, O.Sakhalin thuộc Russia).
Gồm cả Khố Hiệt [O.Sakhaline], Tây tận phủ Sơ Lặc Tân Cương (Sơ Lặc, tên phủ, cực tây Tân Cương. Nay là thành phố Kashi, Tân Cương Duy Ngô Nhĩ tự trị khu). Cho đến Thông Lĩnh (vùng núi Muztagata, nơi giáp với Afghanistan, Tajikitan), Bắc đến Tận Ngoại Hưng An Lĩnh [gồm vùng Nội và Ngoại, Vùng Nam sông Hắc Long Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang gọi là Nội Hưng An Lĩnh. Phía Bắc Sông Amour gọi là Ngoại Hưng An Lĩnh, năm Hàm Phong thứ 8 (1858) theo điều ước Ái Huy, Nhà Thanh giao vùng đất này cho Nga], Nam Tận Nhai Sơn đảo Quỳnh Châu Quảng Đông, không ai không lạy về nội địa, buộc chặt với bản triều. Ôi thật lớn lao mạnh mẽ! Từ Hán, Đường đến nay chưa có vậy”[12]
Cương vực nhà Thanh tuy mở rộng cương giới về phía Bắc đến Mông Cổ, phía Tây đến Tân Cương, Phía Đông đến Đảo Đài Loan nhưng cực Nam tận cùng ở Đảo Hải Nam. Không có ghi chép về chủ quyền lãnh thổ trên Biển ngoài những đảo này.
3. Luận về Biển trong cấu trúc địa chính trị đế chế Trung Hoa trong lịch sử và Biển trong cấu trúc địa chính trị Trung Hoa ngày nay
3.1. Luận về Biển trong cấu trúc địa chính trị đế chế Trung Hoa trong lịch sử
Dựa vào những ghi chép trong chính sử của Trung Hoa và căn cứ vào tiến trình vận động và lan tỏa lãnh thổ Trung Hoa, có thể rút ra những nhận xét về Biển với tư cách là một thành tố trong mô hình địa chính trị Trung Hoa như sau;
Trước hết, trong lịch sử nền chuyên chế, Biển chưa trở thành một thành tố trong mô hình cấu trúc địa chính trị Trung Hoa.
Nhìn từ thực tế tiến trình sống động và lan tỏa của đế chế Hán, đã có nhiều vùng đất và nhiều con sông được nhập vào và trở thành một phần lãnh thổ của đế chế. Nếu hình dung nguồn cội của đế chế Hán bắt nguồn từ sông Hoàng Hà thì từ rất sớm, thời Tần đế chế Hán đã đưa sông Trường Giang nhập vào cùng với Sông Hoàng Hà trở thành một bộ phận của đế chế. Nhìn từ những vùng đất, trước thời Tần, đất của đế chế chỉ tập trung chủ yếu ở trung, thượng lưu sông Hoàng Hà. Sau thời Tần có thêm cả vùng đất của lưu vực sông Trường Giang. Thời Nguyên nhập thêm vùng đất Vân Nam ngày nay trước đó là nhà nước Nước Nam Chiếu, và sau là nước Đại Lý, cụ thể là vào thế kỷ 13, năm 1258. Thời Thanh có thêm cả Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan… Ngược lại, trong thực tiễn lan toả đế chế chưa bổ sung vào cấu trúc của mình thành tố Biển
Mặt khác, căn cứ vào những ghi chép trong chính sử của Trung Quốc không tồn tại những ghi chép về những vùng biển với tư cách là một thành tố của đế chế. Chính sử của Trung Quốc chỉ ghi chép lãnh thổ Trung Quốc đến những hòn đảo Đài Loan và Đảo Hải Nam.
Như vậy, điều này có nghĩa, từ trong lịch sử, nhìn từ tiến trình sống động và lan tỏa của thực thể Hoa Hạ, Biển chưa từng trở thành một thành tố đồng tồn với Sông và đất liền. Hay nói cách khác, tư duy địa chính trị của đế chế là tư duy Sông – Đất liền. Biển chưa trở thành một thành tố trong nhận thức của đế chế.
Tuy nhiên trong sâu xa của tiến trình sống động và lan toả này đã báo trước một xu hướng hướng biển và khống chế biển. Từ thời Tần, lãnh thổ Trung Quốc có xu hướng vận động từ Tây sang Đông. Kinh đô lớn của Trung Quốc có xu hương dịch chuyển từ Tây sang Đông, hướng Biển là rất rõ: Thời Tần là Trường An, Thời Hán là Lạc Dương, đến Tống, Nguyên, Minh,Thanh là, Biện Kinh, Hàng Châu, Bắc Kinh… đều dịch chuyển gần biển hơn. Lãnh thổ Trung Quốc mở rộng theo hướng thâu nạp dần nhiều dân tộc ven, gần, cận Biển, đặc biệt Sở, Ngô, Việt và sau này là Vân Nam. Việt Nam và Đông Nam Á luôn là khát vọng của tiến trình này. Như vậy, hướng Biển là xu hướng trong tiến trình sống động và lan tỏa của lãnh thổ Trung Hoa. Vậy tại sao, chỉ cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này Trung Quốc chính thức công khai tuyên tố chủ quyền mang tính đế chế đầy sống động và lan toả của đường Biển. Biến Biển trở thành một thành tố trong tiến trình lan tỏa của đế chế Trung Hoa.
Vấn đề đặt ra là tại sao trong lịch sử nền chuyên chế, Biển chưa trở thành một thành tố trong mô hình cấu trúc địa chính trị Trung Hoa?
Trước hết, nhìn từ địa chính trị và mô thức tư duy địa chính trị Trung Hoa. Như trên đã lược dẫn về nguồn cội hình thành đế chế Hi La và đế chế Trung Hoa nhìn từ góc độ địa lý, nếu như Hi – La hình thành đế chế trên cơ sở đảo và hải đảo thì Trung Hoa hình thành đế chế trên cơ sở sông và đất liền. Từ điểm xuất phát này quy định hết sức sâu sắc trong mô thức tư duy địa chính trị Trung Hoa. Mô thức tư duy này hình thành từ rất sớm và được phát ngôn ra trong nhận thức về phương thức cai trị và chủ quyền của đế chế. Ngày nhà Hán thành lập, việc định đô trở thành một việc trọng đại. Nhiều mưu thần hiến kế việc định đô, trong đó ý kiến của Trương Lương được Hán Cao Tổ vừa lòng nhất là định đô và cai trị đế chế trên cơ sở Sông, từ sông cai trị đất liền Trương Lương nói: Tuy Lạc Dương có những hiểm trở ấy nhưng đất hẹp không quá vài trăm dặm, ruộng đất xấu lại phải đương đầu với kẻ địch cả bốn mặt, đó không phải là nước dụng vũ. Trái lại, Quan Trung bên trái có Hào Sơn, Hàm Cốc Quan, bên phải có đất Lũng, đất Thục, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm; phía Nam có của cái của đất Ba, đất Thục, phía Bắc có cái lợi đồng cỏ đất Hồ, cả ba mặt đều có thiên nhiên hiểm trở phòng giữ, chỉ dùng một mặt đông khống chế chư hầu. Khi chư hầu yên ổn thì sông Hoàng Hà, Vị Thuỷ có thể dùng để chuyên chở của cải của Thiên hạ đem về cấp cho Kinh Đô. Nếu chư hầu có biến, thì cứ thuận dòng đi xuống có thể tiện việc chuyên chở. Đó mới là thành vàng ngàn dặm, một kho báu trời cho vậy.[13] Hơn nữa, hệ thống sông đào ở Trung Quốc hình thành từ rất sớm để thuận tiện cho việc cai trị. Mặt khác, một mệnh đề được nhiều văn nhân sĩ đại phu thẩm thấu và nhắc đi nhắc lại xuyên suốt trong lịch sử: “phổ thiên chi hạ, Mạc phi vương thổ, xuất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (tất cả mọi thứ dưới gầm trời đất này, không đâu không phải là đất của Hoàng đế và sông nước này đâu đâu cũng thuộc về thiên tử). Như vậy, từ hình thành đế chế trên cơ sở Sông và đất liền, với nền nông nghiệp dựa trên cơ sở bình nguyên rộng lớn là cơ sở đảm bảo cho sự tồn tại của đế chế. Rõ ràng, điều kiện tự nhiên không tạo điều kiện thuận lợi để hình thành tư duy đế chế hướng Biển.
Mặt khác, lãnh thổ đế chế Trung Hoa hình thành trên cơ sở hạt nhân là lưu vực Sông Hoàng Hà. Tiến trình hình thành lãnh thổ đế chế là tiến trình không ngừng co giãn và bổ sung thêm vào mình những vùng đất mới. Những vùng đất quanh hai con sông Hoàng Hà, Trường Giang và những vùng đất khác quy chiếu từ hai con sông này lần lượt được đế chế lãnh thổ hoá trong tiến trình lịch sử. Trong nhiều nghìn nằm, nhiều vùng đất đã bị đế chế hoá hoàn toàn (những quốc gia quanh khu vực sông Trường Giang), có những vùng đất lớn mạnh và trở thành lãnh thổ riêng (Đại Việt) và về cơ bản đế chế nhiều lần muốn đế chế hoá như Việt Nam nhưng trong nhiều nghìn năm chưa thành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiến trình này dừng lại mà thực chất nó vẫn diễn ra liên tục. Lãnh thổ hình thành theo kiểu đó được nhiều nhà nghiên cứu hình dung theo kiểu tằm ăn lá dâu(4).Trong nền chuyên chế, đế chế Hoa Hạ đã vươn mình theo nhiều định hướng khác nhau nhưng theo trục sông và đất liền. Phần nào đó, những vùng đất và những dòng sông đã cố định hoá hoặc thuộc về những quốc gia lớn mạnh đế chế chưa thể nhập vào mình được đã lớn mạnh gây trở ngại lớn cho quá trình này. Do vậy, biển là một thành tố khác không nằm trong quy luật lan toả của đế chế.
Mặt khác, Trung Hoa là quốc gia Nho giáo. Trong quan niệm của Nho gia, Sĩ là Nho sĩ, giới Sĩ xếp thứ nhất, sau đó là công, thương. Thương mại, ngoại thương gắn với buôn bán và phát triển buôn bán theo hướng buôn bán không được đế chế coi trọng. Thời Minh sau chuyến đi của Trịnh Hoà đã đóng cửa buôn bán với các nước bên ngoài. Trong nhận thức của đế chế, hướng biển và ngoại thương sẽ rất nhanh chóng phá hoại sự tồn tại của đế chế.
Trên đây là những lý do căn bản nhất làm chậm tiến trình lan tỏa ra Biển của Trung Hoa đế chế.
3.2. Luận về Biển trong địa chính trị Trung Hoa ngày nay
3.2.1. Luận về sự tham gia của thành tố Biển trong mô hình cấu trúc địa chính trị đế chế Trung Hoa
Với tuyên bố gần đây của đế chế Trung Hoa hiện đại về chủ quyền trên biển là tuyên bố đầu tiên và thể hiện quan niệm của đế chế về Biển. Điều này có nghĩa Lợi ích cốt lõi hình chữ U được đế chế Trung Hoa ngày nay nhận thức là một thành tố của địa chính trị Trung Hoa. Thành tố Biển chính thức trở thành một trong ba thành tố của mô hình cấu trúc địa chính trị thực thể Trung Hoa: Sông – Đất liền – Biển. Đây chính là cái mà chúng tôi gọi là Thành tố trẻ trong mô hình cấu trúc địa chính trị Trung Hoa.
Rõ ràng, nhìn từ địa chính trị và một cái nhìn lịch sử sẽ cho thấy rõ nguồn gốc sâu xa và bản chất của thành tố Biển với tư cách là một thành tố “trẻ” của đế chế. Sự tham gia của Thành tố Biển trong mô hình cấu trúc địa chính trị Trung Hoa nằm trong mạch tiến trình lan tỏa và sống động của đế chế Trung Hoa từ sâu xa trong lịch sử.
Mô hình cấu trúc của đế chế Trung Hoa hình thành từ nguồn cội và dần trở thành trục chủ đạo của tiến trình hình thành và vận động của đế chế gồm hai thành tố cơ sở và cơ bản: Sông và đất liền. Trên đại thể, trong suốt tiến trình sống động và lan tỏa của mình, hai thành tố này không ngừng mở rộng và bổ sung. Hệ thống sông được tạo bởi trụ cột là hai sông lớn Hoàng Hà và Trường Giang. Đất liền được bổ sung thêm nhiều vùng đất mới trải qua các thời đại. Nhìn tổng quát, đến thời đại nhà Thanh, lãnh thổ đế chế đã mở rộng nhất trong lịch sử. Về cơ bản, đế chế Trung Hoa đã vươn mình gần như từ cội nguồn đến hạ nguồn của những con sông lớn này, luôn tham vọng sông chảy tới đâu, lãnh thổ Trung Quốc vươn tới đó. Và nhiều vùng đất chung quanh đã nhập vào với đế chế.
Với một cái nhìn lịch sử về lãnh thổ Trung Hoa như vừa dẫn ra ở trên, có thể thấy, về cơ bản lãnh thổ Trung Quốc là một tiến trình không ngừng vận động và không ngừng nhập vào mình những vùng đất mới ở chung quanh. Những đế chế lớn như Tần, Hán, Đường, Nguyên, Thanh đều nhập vào mình những vùng đất mới, mở rộng và làm mới đế chế. Việc bổ sung thêm vào trong mình thành tố biển nằm trong quy luật này của tiến trình hình thành đế chế. Nhưng bản chất và khác biệt của nó so với truyền thống là, nếu như trong truyền thống địa chính trị đế chế chỉ gồm thành tố sông và đất liền thì đây là lần đầu tiên, đế chế bổ sung vào mình thành tố Biển.
3.2.2. Căn nguyên Biển trở thành một thành tố trong cấu trúc địa chính trị Đại Hán
Qua những phân tích trên đây có thể đi đến một cái nhìn tổng quát mang tính quy luật của tiến trình hình thành và lớn mạnh của đế chế Trung Hoa nhìn từ địa chính trị.
Chiến lược tàm thực là đặc trưng nổi bật trong toàn bộ tiến trình hình thành đế chế nhìn từ địa chính trị. Tàm thực trong thời đại chuyên chế được diễn ra liên tục xuyên suốt trên hai trục Sông và đất liền. Từ trước thời Tần, Hán, Đường,Tống, Nguyên, Minh, Thanh đế chế luôn được bổ sung và tái bổ sung thêm sông và vùng đất mới. Diện mạo lãnh thổ ngày nay là tiến trình của nhiều nghìn năm này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đế chế luôn lớn mạnh và không có những vùng đất tách ra độc lập. Có sự độc lập và tự chủ ở những quốc gia mà trước đây đế chế hình dung là Man Di. Tuy nhiên, những quốc gia độc lập này luôn luôn bị đe dọa bởi chiến lược tàm thực này.
Chiến lược tàm thực đã diễn ra trên sông và đất liền nhiều nghìn năm qua. Đây là lần đầu tiên chiến lược này hướng ra Biển Đông. Tại sao vậy? Từ góc nhìn địa chính trị và đặc trưng hình thành đế chế nhìn từ địa chính trị có thể thấy hướng ra Biển Đông là một sự thức tỉnh của đế chế, sự tự nhận thức của đế chế.
Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các quốc gia Phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Mỹ… đến Á Đông và thuộc địa hóa nhiều quốc gia ở khu vực này. Trung Quốc không là thuộc địa nhưng lãnh thổ bị xâu xé bởi nhiều quốc gia lớn này và đặc biệt là Nhật Bản. Trung Quốc đã tự hỏi tại sao nền văn minh và quốc gia lớn bậc nhất thế giới này lại bị các quốc gia nhỏ hơn xa hơn và kém vĩ đại huy hoàng hơn đến xâm chiếm. Trong nhiều vấn đề chủ chốt được đế chế phản tư, có một góc nhìn được đế chế quan tâm là họ đặt câu hỏi tại sao những nước như Anh, Pháp, Hà Lan… và cả Nhật nhỏ bé như vậy lại có thể trở thành lớn mạnh và đi xâm chiếm các nước khác lớn và vĩ đại hơn ? Trung Quốc đã tiến hành làm một bộ phim tài liệu phỏng vấn những chính trị gia, những học giả, nhà sử học những nhà quản lý hành đầu Thế giới Phương Tây đều nhận được một câu trả lời là: sở dĩ các quốc gia này lớn mạnh là bởi họ khống chế được những tuyến đường biển chiến lược. Bộ phim tư liệu này đã được phát liên lục nhiều kỳ trên đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ngay lập tức, Mỹ và nhiều quốc gia Phương Tây đã mua và phát lại bộ phim tài liệu này? Người đứng sau tư tưởng này là Giáo sư Đại học Bắc Kinh Tiễn Thừa Đán “Năm 2006, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cho chiếu một loạt phim lịch sử có tựa “Sự vươn lên của các cường quốc” (Đại Quốc Sử Kí”), rất thành công. Phim thực hiện những cuộc phỏng vấn các sử gia, các nhà lãnh đạo thế giới, đã được đánh giá là khá chính xác. Kênh lịch sử của Mĩ đã mua lại bản quyền và đem chiếu ở Hoa Kì. Cuốn phim dài 1.250 phút cắt nghĩa nguyên nhân các đế quốc đã vươn lên, phát triển và lụi tàn. Đó là các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Nga và Mĩ. Người đứng sau tư tưởng này, Giáo sư Đại học Bắc Kinh, Tiễn Thừa Đán đã hiểu được ý nghĩa lời kêu gọi trong phim: “chỉ vì Trung Quốc, người dân Trung Quốc, chủng tộc Trung Quốc đã được sống dậy và tham gia thêm một lần nữa vào sân khấu thế giới[14](5).
Rõ ràng, Trung Quốc đã hiểu đúng được căn nguyên của sự lớn mạnh các quốc gia đã đến xâm lược mình. Đã hiểu ra được nguyên nhân của sự lớn mạnh của họ và điểm yếu cốt tử của mình so với các quốc gia Phương Tây.
Vì vậy, một lần nữa chiến lược tàm thực đã áp dụng trên sông và đất liền lại được tái áp dụng trên Biển. Lãnh thổ Trung Quốc ngoài đại lục giờ đây có thêm đường lưỡi bò hình chữ U trên biển hết sức vô lý. Biên giới lãnh thổ trong tham vọng của Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử vươn ra Biển Đông xa đến như vậy.
4. Kết luận
Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là trở thành một đế chế cường thịnh nhất thế giới. Muốn làm được như vậy, Trung Quốc buộc phải khống chế được Biển Đông, tuyến đường chiến lược nối Đông Á với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và bởi kinh nghiệm của các quốc gia lớn mạnh trên thế giới, có khống chế được tuyến hàng hải chiến lược này mới đảm bảo sự lớn mạnh của Trung Hoa. Và Trung Hoa mới thực sự tham gia thêm một lần nữa vào sân khấu thế giới như lời nhận định của GS.Tiễn Thừa Đán, Đại học Bắc Kinh, Trung Hoa.[15], [16]. Khi biển trở thành một thành tố mới trong lịch sử Trung Hoa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp đến nhiều nước lân bang, trong đó đặc biệt nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp Việt Nam, xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là bắt mạch đúng căn nguyên cội nguồn và dã tâm của những tuyên bố gần đây trên biển của Trung Quốc. Và ở tầm vĩ mô chúng ta cần có nhìn nhận đúng động thái này để có những biện pháp ứng xử phù hợp với tham vọng của Trung Quốc.
—————————————
Chú thích:
[1] [2] [13] Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ, Tạp chí Triết học, Viện Triết học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, Số 4/1980, tr. 99 – 118
[4] Thanh sử cảo, quyển 54, Chí 29, Địa lý 1. Trung Hoa thư cục cuốn 8. Tr,1891
[5] [6] Lịch sử thế giới cổ đại, Lương Ninh chủ biên, Nxb Giáo dục,2010. tr.161
[7] Hán thư, quyển 28 hạ, Địa lý chí 8 hạ. Bản Trung Hoa Thư cục, tr. 1630.
[8] Cựu Đường thi, quyển 38, chí 18, Địa lý 1, Tổng luận, Bản Trung Hoa thư cục cuốn 5, tr. 1384-1385
[9] Nguyên sử, quyển 63, Chí 15, Địa lý 6, Bản Trung Hoa Thư Cục, cuốn 5, tr. 1538-1539
[10] Minh sử, quyển 45, Chí 21, Địa lý 6. Trung Hoa thư cục cuốn 4,tr. 1145-1147.
[11] Minh sử quyển 304, Liệt truyện 192, Trịnh Hòa. Trung Hoa thư cục cuốn 26, tr.7766-7768
[12] Thanh sử cảo, quyển 54, Chí 29, Địa lý 1. Trung Hoa thư cục cuốn 8. Tr,1891
[13] Sử ký, Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1995, tr. 293
[14] [15] Trung Quốc sau khủng hoảng, Nguyễn Nhã tổng hợp và dịch Nxb Tri Thức, 2011, tr. 190
[16] Những tư liệu trong chính sử Trung Quốc chúng tôi tham khảo của tác giả Nguyễn Hoàng Quân, in trong sách Người Việt với Biển, Nxb Thế giới, 2012, PGS.TS Nguyễn Văn Kim chủ biên. Trân trọng cám ơn tác giả và chủ biên cuốn sách.
(1) Mốc thời gian mang tính tương đối, được hiểu là thời điểm trước khi Trung Hoa tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hình lưỡi bò trên Biển Đông
(2) Trung Quốc từ rất sớm đã rất sợ cư dân phía Bắc. Vạn Lý Trường Thành được hiểu là biểu tượng của sự sợ hãi của Hán tộc đối với cư dân Phương Bắc.
(3) Xem, An Ninh thế giới giữa tháng, bài: không thể nhận được những gì không phải của mình của tác giả Trần Ngọc Vương. Số 55, ra thứ 2, ngày 13/8/2012, Tr. 8-9.
(4) Chữ dùng của ông Trần Ngọc Vương
(5) Bài báo là Lemonde diplomatique, nguyên bản tiếng Anh, tác giả Olivier Zajec, tháng 9 -2008. Thông tin này người viết dẫn lại theo cuốn sách Trung Quốc sau khủng hoảng, dưới con mắt các nhà báo và các chuyên gia kinh tế quốc tế, do Nguyễn Nhã tổng hợp và dịch, Nhà xuất bản tri thức, 2011, bài Tham vọng của hải quân Trung Quốc, tr. 190.
Theo TRỊNH VĂN ĐỊNH / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Tags: Trung Quốc, Trung Hoa cổ, Bá quyền Trung Quốc, Biển