Biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới như thế nào?

Australia bốc cháy, rét kỷ lục ở Ấn Độ, tuyết biến mất ở mùa đông Moskva, lũ lụt nghiêm trọng ở Indonesia… cho thấy những tác động khủng khiếp mà biến đổi khí hậu gây ra với thế giới.

Biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới như thế nào?

Thảm kịch cháy rừng ở Australia

Nhiều bang của Australia đang trải qua thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Con số thiệt hại về người và tài sản tiếp tục tăng nhanh và cháy rừng chưa biết đến khi nào sẽ chấm dứt. Liên tiếp trong vài tuần qua, bầu trời nhiều khu vực ở quốc gia châu Đại dương chuyển sang màu đỏ máu.

Hàng trăm đám cháy vẫn đang vượt tầm kiểm soát trên khắp Australia, phá hủy hàng triệu ha rừng, cướp đi sinh mạng của 18 người, thiêu rụi ít nhất 1.200 ngôi nhà.

Cháy rừng là mối lo ngại thường trực ở Australia trong mùa hè khô nóng. Tuy nhiên năm nay các đám cháy bùng phát sớm với sức tàn phá khủng khiếp hơn hơn. Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết cực kỳ khô nóng ở một số khu vực ghi nhận tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 năm qua như một phần của New South Wales và Nam Queensland. Cục Khí tượng Australia cho biết nguyên nhân hạn hán một phần là do nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn ảnh hưởng đến các hình thái mưa.

Nhiệt độ không khí ấm lên cũng trở thành tác nhân thúc đẩy hạn hán và hỏa hoạn.

Bất chấp thực tế nhãn tiền, giới chức Australia vẫn tranh cãi kịch liệt về biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà hoạt động môi trường, các nhà lập pháp kêu gọi Thủ tướng Morrison – người luôn khẳng định cháy rừng và biến đổi khí hậu không hề liên quan đến nhau – cần thay đổi quan điểm và làm nhiều hơn để chống lại tác động biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Morrison vẫn phớt lờ nhận định cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn, đồng thời phản bác ngược những chỉ trích nhắm vào chính sách chống lại biến đổi của Australia.

Mùa Đông không tuyết ở Moskva

Nước Nga đang phải trải qua mùa Đông ấm áp nhất trong hơn 100 năm qua kể từ năm 1891 trong bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nền nhiệt toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

Theo ông Roman Vilfand, người đứng đầu Cơ quan thời tiết Gidromedtsentr, nhiệt độ trung bình của Moskva trong năm nay đã chạm mốc 7,6-7,7 độ C, xô đổ kỷ lục trước đó.

Nga nổi tiếng với mùa Đông lạnh giá, nhưng năm nay tuyết vẫn chưa rơi. Các khu trượt tuyết trong thành phố bị đóng cửa, nụ tầm xuân cũng bắt đầu đâm chồi sớm trước 2,3 tháng so với mọi năm. Giới chức Nga thậm chí phải sử dụng tuyết giả để chuẩn bị cho các sự kiện đón năm mới.

Ngay cả Siberia, nơi được biết tới với mùa đông khắc nghiệt, tháng 12 ở đây trở nên “ấm áp dị thường”.

Trong cuộc họp báo cách đây 2 tuần, Tổng thống Putin thừa nhận biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa trực tiếp với Nga, khiến đất nước này đang ấm lên gấp 2,5 lần so với mức trung bình của hành tinh. Ông nói thêm rằng Nga đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiều thành phố ở phía Bắc được xây dựng trên băng vĩnh cửu.

Lạnh kỷ lục ở Ấn Độ

New Delhi đang trải qua những ngày Đông lạnh giá nhất trong hơn 100 năm qua kể từ năm 1901 khi nhiệt độ giảm xuống còn 2,4 độ C.

Sương mù dày đặc bao trùm thành phố làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng tới các chuyến bay và giao thông đi lại trên các con phố.

Nhiệt độ giảm, độ ẩm cao và tốc độ gió thấp cũng khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Cơ quan khí tượng Ấn Độ dự báo nhiệt độ những ngày tới sẽ tiếp tục giảm. Mưa cũng có thể xuất hiện khiến cho không khí lạnh càng tê buốt.

Kể từ ngày 14/12, hầu hết các khu vực ở New Delhi trải qua đợt lạnh 15 ngày lạnh tê tái liên tiếp. Thông thường, mỗi đợt lạnh giá ở mùa đông của Ấn Độ chỉ kéo dài từ 5-6 ngày. Lần lạnh dài như mùa đông năm nay từng được ghi nhận là vào tháng 12/1997.

Các nhà khoa học tin rằng hiện tượng này lầ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân chủ yếu là do khí nhà kính, quá trình sử dụng đất và vành đai rừng.

Lũ lụt nghiêm trọng ở Indonesia

Ít nhất 16 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán trong trận lụt tồi tệ nhất tấn công thủ đô của Indonesia kể từ năm 2013.

Mưa to, nước dâng cao khiến hàng nghìn người ở Jakarta phải sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời. Điện bị cắt ở hàng loạt khu dân cư trên khắp Jakarta. Một số một số tuyến tàu và một sân bay của thành phố cũng phải dừng hoạt động.

Người phát ngôn Cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia Agus Wibowo cho biết những cơn mưa gió mùa gây ra lũ trên những dòng sông nhấn chìm ít nhất 90 khu phố.

Jakarta những năm qua đang chìm dưới mực nước biển với tốc độ nhanh do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, Jakarta sụt lún thêm 25cm, khiến thành phố 30 triệu dân này dễ bị tổn thương vì lũ lụt.

Năm 2002, một bức tường được xây dựng ở quận Muara Baru ở phía Bắc Jakarta để ngăn lũ lụt. Bức tường ngày càng được xây cao qua các năm nhưng không có tác dụng.

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cam kết chính quyền sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng trên hai con sông lớn, bao gồm xây đập và cống để ngăn chặn lũ lụt trong thành phố.

Theo VTC

Tags: