Nhận diện 4 nguyên nhân lũ quét ở Việt Nam

Lũ lụt, đặc biệt là lũ quét ở miền núi nước ta chủ yếu do bốn nguyên nhân: Một là, mưa lớn; hai là, độ dốc lớn; ba là, mất rừng; và bốn là, canh tác nông nghiệp trên đất dốc.

Tác giả: PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học. Với 39 năm công tác ở Viện Dân tộc học, PGS.TS Vương Xuân Tình đã công bố hơn 100 bài báo khoa học và chương sách trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo; tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách tiếng Việt và tiếng Anh về dân tộc học.

Nguyên nhân 1 và 2 là của trời. Vùng miền núi phía Bắc, miền núi Trung Bộ và Tây Nguyên thường xuyên đối diện với mưa bão lớn. Về độ dốc, ở nước ta cũng không nơi nào có độ dốc lớn hơn các vùng miền núi phía Bắc, miền núi Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên (thuộc tỉnh Kon Tum).

Nguyên nhân 3 và 4 là do con người. Từ năm 1945 đến nay, Việt Nam mất khoảng 2 triệu ha rừng, chủ yếu do chặt phá và cũng có cả nguyên nhân chiến tranh. Đến nay, độ che phủ rừng chỉ còn dưới 40%, trong đó rừng nguyên sinh chỉ có khoảng 10%. Mấy thập kỷ qua, nhìn chung độ che phủ rừng ở miền núi đã tăng, song phần lớn là rừng trồng. Loại rừng này ngăn lũ kém hơn nhiều rừng tự nhiên. Phần đất không có rừng chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp.

Nhận diện 4 nguyên nhân lũ quét ở Việt Nam

Thôn Làng Nủ trước (trái) và sau trận lũ quét (Ảnh tư liệu).

Lũ lụt ở miền núi bao giờ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng, chỉ sau vài ngày, thậm chí ở khu vực miền Trung thì chỉ sau vài giờ. Trong cơn bão Yagi với hoàn lưu của nó, cơ quan quản lý đã không phải sử dụng phương án cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà, tuy nhiên đã có lúc diễn biến rất khẩn cấp khiến những ai quan tâm không khỏi hồi hộp… Điều này càng cho thấy, việc giảm thiểu tác hại của lũ lụt tại miền núi cũng chính là đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng.

Để giảm thiểu tác hại lũ lụt ở miền núi, đương nhiên không thể can thiệp được nguyên nhân 1 và 2, tức của trời, mà phải giải quyết nguyên nhân 3 và 4 – do con người. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu dân tộc học lâu năm ở vùng cao, tôi xin đề xuất một số kiến nghị có liên quan như sau:

1. Trong tương lai ở miền núi, cần tăng diện tích rừng đầu nguồn và tăng số lượng các vườn quốc gia, rừng đặc dụng, tức loại rừng bị cấm khai thác, sử dụng. Việc tăng diện tích này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số cộng đồng và người dân. Vì thế, Nhà nước cần có phương án đền bù thỏa đáng cho các chủ sử dụng đất, nếu đất đai của họ bị thu hồi để phục vụ mục đích đó.

2. Thực hiện chiến lược phát triển ở miền núi, cần giảm dần diện tích canh tác nông nghiệp trên đất dốc. Đến nay, canh tác nông nghiệp trên đất này vẫn là sinh kế chiếm vị trí quan trọng của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Song những chỗ canh tác ở các sườn dốc mạnh và dốc rất mạnh (26-35⁰ và trên 35⁰) chính là nơi dễ góp phần gây nên lở núi và lũ quét.

Trận lũ kinh hoàng ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai) năm 1998 bắt nguồn từ quả núi có canh tác ruộng bậc thang ngay ven đường từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa. Cán bộ và người dân ở đây cho tôi biết, do nơi làm ruộng bậc thang đất luôn ẩm ướt, gặp mưa lớn nước càng tích tụ, cộng thêm độ dốc lớn và đặc điểm kiến tạo địa chất đã gây nên trận lở núi và lũ quét kinh hoàng ấy. Sau cơn bão Yagi vừa qua, nhiều bức ảnh (chắc qua tài liệu của GIS – Geographic Information Systems) cho thấy mức độ lở núi khủng khiếp ở vùng núi phía Bắc, và hẳn trong đó có đất canh tác nông nghiệp.

Rõ ràng về chiến lược, cần giảm thiểu diện tích canh tác nông nghiệp trên đất dốc và chuyển sang trồng rừng. Cuộc chuyển đổi này sẽ rất gian nan, vì như đã nói, cần đảm bảo thu nhập cho người dân ít nhất là bằng, thậm chí nhiều hơn canh tác nông nghiệp.

Vậy nên, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược cho cuộc chuyển đổi đó, cộng thêm việc tham gia, đóng góp của nhiều nguồn lực xã hội ở trong nước và quốc tế. Cuộc chuyển đổi này cần cả hai chiều: từ trên xuống và từ dưới lên.

Từ trên xuống, là Nhà nước phải chuẩn bị xây dựng một kế hoạch dài hạn (theo các nhiệm kỳ của Chính phủ và cơ quan địa phương), đảm bảo tính khoa học và nguồn lực. Tính khoa học, là phải chỉ rõ được sự chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp trên đất dốc sang trồng rừng ở khu vực nào, địa phương nào, và trồng loại cây gì để vừa nâng cao sinh kế cho người dân, song vẫn góp phần giảm thiểu tác hại của lũ lụt. Đảm bảo nguồn lực là phải trợ giúp được người dân khi chuyển đổi, nếu thu nhập của họ bị thấp hơn canh tác nông nghiệp. Theo đó, các nhiệm kỳ của Chính phủ và địa phương phải xây dựng những chỉ số rõ ràng để thực hiện công cuộc chuyển đổi này.

Từ dưới lên, là phải có sự đồng thuận và tham gia của người dân. Muốn vậy, ngoài đáp ứng về lợi ích, cần giải thích, vận động, khuyến khích, biểu dương những cộng đồng và người dân thực hiện tốt việc chuyển đổi ấy. Cần tránh tình trạng người dân ly hương với tỉ lệ cao, đổ dồn về đồng bằng và thành phố tìm kiếm việc làm, bỏ hoang ruộng đất.

Nếu thực hiện được các điểm trên đây, tôi nghĩ rằng sẽ giảm thiểu tác hại của lũ lụt ở miền núi nước ta trong tương lai.

Theo DÂN TRÍ

Tags: