Ô nhiễm không khí tác động đến những bộ phận nào trên cơ thể con người?

Ô nhiễm không khí gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp lên các bộ phận của con người như thế nào? Có những cách nào để cách bảo vệ hệ hô hấp khỏi ô nhiễm không khí?

Ô nhiễm không khí tác động đến những bộ phần nào trên cơ thể con người?

Ô nhiễm không khí gây ra nhiều tác động tiêu cực tới con người. Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Theo báo cáo mới nhất của WHO, ô nhiễm không khí đã gây ra cái chết của hơn 6 triệu người mỗi năm vì các lý do như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Ảnh hưởng đến não: Ô nhiễm có thể tác động tới não bộ, làm suy giảm nhận thức và mất trí nhớ. Theo kết quả nghiên cứu 20.000 phụ nữ ở Chicago, những người sống trong khu vực bị ô nhiễm bị suy giảm trí nhớ và kỹ năng tư duy so với những người sống ở nơi không khí sạch sẽ.

Gây vô sinh ở nam giới: Một nghiên cứu năm 2008 đánh giá tỷ lệ thụ tinh của đàn ông tại Upper Silesia, khu vực ô nhiễm nhất ở Ba Lan, cho thấy tỷ lệ vô sinh ở đây là cao hơn so với những vùng khác. Theo kết quả của nghiên cứu khác ở Cộng hòa Séc, ADN trong tinh trùng đàn ông trẻ tuổi bị loãng ra vào mùa đông, thời điểm không khí bị ô nhiễm cao hơn do đốt than sưởi.

Ảnh hưởng tới sức khỏe tim: Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim, thậm chí còn có thể dẫn tới đau tim ở những người vốn có trái tim không khỏe mạnh.

Làm tăng nguy cơ ung thư: Hít phải quá nhiều chất độc có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Đây là một trong những nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí.

Làm tăng nguy cơ tiểu đường: Các chất gây ô nhiễm trong không khí có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường. Theo các chuyên gia y tế, điều này là do cơ thể liên tục phải chống lại các chất gây ô nhiễm và tình trạng viêm do các chất này gây ra.

Ảnh hưởng đến phổi: Hít phải khói bụi ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến phổi dễ bị hư hỏng. Nó cũng có thể làm trầm trọng các triệu chứng ở những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản. Một nghiên cứu cũng kết luận tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao hơn nhiều so với những vùng khác.

Tổn thương da: Ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại đáng kể đến làn da của bạn. Nó đẩy nhanh quá trình lão hóa và ảnh hưởng đến collagen trong cơ thể.

Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần: Đây là cảnh báo của các nhà khoa học đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 20/8/2019 trên tạp chí PLOS Biology của Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng phơi nhiễm với các chất bụi bẩn trong không khí từ thuở bé có liên quan tới việc gia tăng hơn gấp hai lần nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt ở những bệnh nhân Đan Mạch, cũng như gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách, trầm cảm và lưỡng cực. Dữ liệu ở Mỹ còn cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tình trạng bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng hơn.

Các tác hại khác: Các ảnh hưởng sức khỏe khác do ô nhiễm không khí bao gồm kích thích ở mắt, ho, các rối loạn hô hấp và sổ mũi.

5 cách bảo vệ hệ hô hấp khỏi ô nhiễm không khí

Đeo khẩu trang: Người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để giảm bớt tiếp xúc với khói bụi, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc… Nếu nhà ở cạnh đường, bạn không nên mở cửa sổ thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm. Khi phải làm việc ở nơi có nhiều bụi bẩn, khí thải, bạn luôn mang khẩu trang, không dùng tay ngoáy mũi. Bên cạnh sử dụng khẩu trang, vệ sinh mũi mỗi ngày góp phần bảo vệ sức khỏe mũi xoang cho cả gia đình tốt hơn.

Xịt sạch mũi: Thói quen này góp phần phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp. Để vệ sinh mũi, bạn có thể áp dụng công thức 1-2-3 gồm xịt sạch mũi mỗi ngày, hai lần vào buổi sáng và tối, ba lần vào mỗi bên mũi. Vệ sinh mũi mỗi ngày làm sạch vi khuẩn, bụi bẩn, hỗ trợ loại bỏ tác nhân gây bệnh viêm mũi, viêm xoang cho gia đình. Xịt mũi sau khi đánh răng xong vào buổi sáng vì lúc này nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm cao hơn dễ gây kích ứng, ứ đọng dịch tiết, sổ mũi…. Xịt mũi vào buổi tối giúp làm sạch bụi sau ngày dài tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Bạn có thể xịt ba lần vào mỗi bên mũi để đưa lượng nước đủ thấm vào ngóc ngách trong mũi, tống được tác nhân gây bệnh ứ đọng trong ngách mũi.

Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh ứ đọng bụi bẩn, vi khuẩn. Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn nên uống 2-2,5 lít nước; một lít nước cho trẻ trên một tuổi mỗi ngày. Bé từ 6-12 tháng cần 100 ml nước trên kg cân nặng (bao gồm cả sữa). Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột không cần uống nước. Nếu bé ra nhiều mồ hôi do còi xương hoặc đi ngoài phân táo bón, mẹ cho con uống thêm 100-200 ml.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng: Trẻ con chịu nhiều ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí vì cấu tạo niêm mạc mũi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu. Mẹ cần xây dựng chế độ ăn cho bé đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết. Trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Mẹ nên bổ sung protein từ thịt, cá, trứng sữa… vào bữa ăn hàng ngày của bé, hạn chế ăn nhiều thức ăn lạnh vì dễ khiến nhiệt độ vòm họng thay đổi đột ngột, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.

Chú ý khi dùng điều hòa: Môi trường trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm gây ra viêm mũi, viêm xoang… Điều hòa góp phần giúp thanh lọc không khí nhưng cần sử dụng đúng cách. Vệ sinh định kỳ để tránh vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ. Nhiệt độ trong phòng và môi trường không được chênh lệch quá 5 độ C. Với phòng của trẻ, mẹ không để luồng khí máy lạnh thổi trực tiếp vào chỗ nằm, đắp chăn mỏng cho bé. Nhiệt độ phòng trẻ nên giữ khoảng 26-28 độ C vào ban ngày, 27-28 độ C vào ban đêm. Nếu cho trẻ sơ sinh nằm trong phòng máy lạnh khi thời tiết nóng, mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn.

Theo MOITRUONG.COM.VN

 

Tags: ,