Bi kịch tín ngưỡng của người Việt đương đại

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian Việt Nam từng thốt lên với tôi: một trong những bi kịch lớn của người Việt đầu thế kỷ XXI chính là “bi kịch tín ngưỡng”.

Những tháng đầu năm cả miền Bắc như chìm trong không khí lễ hội đậm đặc ở nhiều vùng miền, với nhiều quy mô và cũng không ít khen chê, điều tiếng, gây tranh cãi. Một trong những nơi gây tranh cãi nhất, là lễ khai ấn và bán ấn đền Tức Mặc ở Nam Định.

Buổi tối ngày rằm tháng Giêng năm nào cũng vậy, hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về đây, với hi vọng sẽ cướp được một lá ấn, một cành lộc, hay ít nhất cũng được có mặt trong sân đền vào “giờ thiêng”.

Đêm phát ấn, nơi thờ tự các vua Trần được ngăn cách với hàng nghìn người ở phía ngoài bằng lớp lớp hàng rào sắt. Những chốt gác với cảnh sát cơ động, công an, dân phòng được dựng lên khắp nơi để đảm bảo an ninh. Nhưng trong đêm khuya, có những năm mặc trời mưa rét, một đám đông đen đặc vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

Để vào được phía trong khi ấy phải được ban tổ chức cấp thẻ đại biểu. Nhưng thẻ đại biểu cũng được phân thành nhiều loại vàng, đỏ, xanh theo thứ tự ưu tiên. Sân đền cũng có hàng rào sắt chắc chắn phân chia thành nhiều khu vực, cho những đối tượng khác nhau. Có năm, số đại biểu được cấp thẻ cũng đứng kín sân.

Nhưng chính những người mang thẻ ưu tiên này lại là người ném những cơn mưa tiền lẻ rào rào vào đoàn rước kiệu từ đền Cố Trạch sang sân Thiên Trường. Sau khi kết thúc lễ khai ấn, cũng chính họ là người lao vào tranh cướp lộc trên ban thờ. Thậm chí có năm, thanh bảo kiếm của các vua Trần cũng bị giật xuống.

Quá nửa đêm, khi kết thúc lễ khai ấn, những hàng rào sắt chắn trước cổng đền mới mở cho hàng nghìn người dân ùa vào phía trong. Khuôn viên của ngôi đền khi ấy trở lên quá nhỏ bé trước dòng người thập phương kín đặc.

Những năm trước, khi ban tổ chức phát ấn luôn trong đêm cho khách thập phương thì sự hỗn loạn còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Chen giữa những cánh tay đưa ra với lấy lá ấn, những tiếng hò hét là những tiếng kêu la. Có người bị ngất, phải đưa qua tường ra bên ngoài cấp cứu.

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu và báo chí liên tục lên tiếng chứng minh việc khai ấn ở đền Trần hiện nay là xuyên tạc lịch sử. Việc xin ấn không có ý nghĩa giúp thăng quan, tiến chức như nhiều người lầm tưởng. Nhưng qua mỗi mùa lễ hội, hiện tượng hãi hùng này vẫn không hề thuyên giảm. Có năm, lễ hội đền Trần bán được hàng chục nghìn lá ấn, thu về hàng chục tỷ đồng.

Lễ khai ấn và bán ấn ở đền Trần Nam Định là hình ảnh tiêu biểu cho những lễ hội ở miền Bắc hiện nay. Bên cạnh hội làng ở quy mô nhỏ, còn giữ được sự thuần khiết, chỉ có những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh thì đa phần các lễ hội đã nhuốm màu sắc trục lợi.

Nhìn thấy sự “phát đạt” của đền Trần Nam Định, mấy năm gần đây, “đại dịch khai ấn” tràn ra nhiều địa phương dưới nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, Hoàng thành Thăng Long cũng nhiều lần rậm rịch tổ chức khai ấn, phát ấn. Nhưng vì vấp phải quá nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học nên chưa thực hiện được.

Một hoạt động khác, mang về sự nhộn nhịp không kém gì phát ấn, đó là dâng sao giải hạn. Vậy nên mấy năm qua, hàng loạt các chùa lớn ở miền Bắc đều có hoạt động dâng sớ cúng sao, bất chấp các nhà nghiên cứu, chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ít lần khẳng định việc này không có trong giáo lý đạo Phật.

Giáo sư Thịnh cắt nghĩa, nguồn gốc của thực trạng lễ hội tại Việt Nam có nguyên nhân quan trọng do lịch sử để lại. Một quãng thời gian dài sau khi giành được độc lập, nhà nước không thừa nhận tín ngưỡng, phá chùa chiền, đền miếu, xoá sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa mà ông cha đã bao đời để lại. Người Việt một giai đoạn rơi vào trạng thái “mồ côi” về mặt tâm linh.

Sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt để lại hậu quả đến tận bây giờ là nhiều người thiếu kiến thức, tham gia lễ hội với tâm thế trục lợi, gây ra hỗn loạn, xung đột. Nhưng bi kịch hơn là nhiều quan chức hiện nay không có kiến thức về tín ngưỡng nhưng lại thường tham dự các lễ hội dễ khuếch trương sự cuồng tín.

Một nhà nghiên cứu văn hoá khác thốt lên xót xa, nếu đi từ ngoài Bắc vào Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình… thì sẽ thấy rõ thực trạng mồ côi tâm linh của người Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi chính sách triệt phá các cơ sở thờ tự và nhu cầu thực hành tín ngưỡng của chính quyền trong quá khứ.

Vậy nên đến khi đất nước đổi mới, mở cửa thì người dân chỉ phục dựng lại lễ hội trên những tư liệu còn sót lại, mạnh ai người ấy làm, thành ra hỗn loạn như hiện nay.

Để giải quyết bài toán này, Giáo sư Thịnh từng nhiều lần đề nghị Bộ Văn hoá xây dựng chiến lược lâu dài, có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa để tuyên truyền, giáo dục quan chức và người dân những kiến thức cơ bản về tín ngưỡng.

Nhưng thay vì làm như vậy, suốt nhiều năm, nhà chức trách vẫn loay hoay đi tìm lời giải để dịp đầu năm, lễ hội được yên bình. Năm nào cũng có rất nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành từ cấp cao đến các địa phương nhằm “chấn chỉnh lễ hội”. Nhà quản lý thay vì đưa ra những chiến lược dài lâu thì lại cố gắng tìm cách can thiệp vào những nghi lễ truyền thống của người dân địa phương.

Bằng nhiều biện pháp hành chính, thương thuyết với người dân, các cấp ngành văn hoá cố gắng gọt dũa lễ hội cho tròn trịa, đảm bảo không gây tranh cãi, phản ứng trên báo chí và dư luận. Đó được coi là thước đo của sự thành công trong quản lý lễ hội. Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị lễ hội năm 2019, nhiều địa phương vui mừng thông báo, hội Gióng (Hà Nội) đã không còn tranh cướp lộc, hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) sẽ phát lộc thay vì cướp chiếu. Lễ hội cướp phết Hiền Quan, Bàn Giản có thể sẽ không còn tranh cướp phết…

Sau khi nghe về những cuộc “gọt giũa” trên, PGS Nguyễn Phương Châm, Viện trưởng Văn hóa phải thẳng thắn bày tỏ lo ngại, những chủ trương trên quá nặng về hành chính và là sự thất bại bởi đang làm mất bản sắc văn hoá đất nước.

Vậy nên, lễ hội mấy năm qua có vẻ đã bình yên, những đứt gãy về tín ngưỡng của người dân chưa được khoả lấp. Sự cuồng tín của nhiều người vẫn còn nguyên vẹn, chỉ trực cờ thời điểm để bùng phát.

Minh chứng rõ nhất là câu chuyện dở khóc dở cười ở Nghệ An cách đây một năm, khi hàng trăm người dân ra xem, thắp nhang cúng bái một con cá nổi lên rồi lặn xuống dưới mương nước vì tin đó là “cá thần”.

Muốn giải quyết gốc rễ bài toán bi kịch tín ngưỡng hiện nay, trước mắt, chính quyền cần trả lễ hội về để người dân tự tổ chức, quản lý, thay vì hành chính hoá các lễ hội như hiện nay. Bởi người dân chính là chủ thể văn hoá có quyền quyết định đến việc duy trì hay xoá bỏ bất kỳ nghi thức nào. Về lâu dài, những đứt gãy về tín ngưỡng cần được khoả lấp.

Theo VŨ VIẾT TUÂN / VNEXPRESS

Tags: , , ,