Bi kịch số phận của cư dân Gaza: Thà chết chứ không bỏ nhà đi một lần nữa

Đối với nhiều người dân tại Dải Gaza, bài học trong quá khứ làm họ không muốn sơ tán, dù phải sống trong điều kiện khó khăn trăm bề.

Bi kịch số phận của cư dân Gaza: Thà chết chứ không từ bỏ quê nhà một lần nữa

Những ngày gần đây, ông Mohammed Abujayyab (39 tuổi), hiện đang sống tại TP Los Angeles (bang California, Mỹ), cho biết ông rất lo lắng vì bà của ông – bà Rifa’a (88 tuổi) – đang sống ở phía bắc Dải Gaza, nơi chứng kiến diễn biến leo thang của xung đột Israel-Hamas, theo tờ The New York Times.

Ông Abujayyab cho hay công việc của ông giờ đây gần như chỉ là dán mắt vào màn hình tivi, xem tin tức và gửi đi những tin nhắn. Do đó, khi hay tin Israel gửi yêu cầu Liên Hợp Quốc sơ tán 1,1 triệu người sống ở phía bắc Dải Gaza xuống phía nam, ông lại càng thêm lo lắng.

Ông Abujayyab đang nỗ lực đề nghị bà của ông sơ tán xuống phía nam Dải Gaza để tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, bà của ông không nghe theo lời đề nghị này.

Ông Abujayyab giải thích bà Rafa’a từng sơ tán một lần vào năm 1948. Khi ấy, bà là một trong 700.000 người Palestine trốn chạy hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ do cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel. Người dân Palestine gọi sự kiện trên là Nakba (thảm họa).

Cuối cùng, bà Rafa’a đến định cư ở Dải Gaza.

“Bà ấy đã trải qua năm 1948. Bà ấy tin rằng nếu rời đi, bà sẽ không thể quay lại được. Bà nói thà ở lại chết trong nhà của bà còn hơn” – ông Abujayyab nói.

“Chứng minh thư trong đầu”

Trong hơn một thế kỷ qua, Dải Gaza – vùng đất bản lề giữa Trung Đông và châu Phi – bị nhiều thế lực khác nhau kiểm soát. Đầu tiên là đế chế Ottoman, sau đó là Anh, Ai Cập và Israel. Kể từ năm 2007, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này.

Đối với nhiều người dân ở Dải Gaza, xung đột đồng nghĩa sơ tán. Trên thực tế, khoảng 80% trong số 2,1 triệu dân ở Dải Gaza là người di cư hoặc con cháu của người di cư do cuộc chiến tranh năm 1948.

Theo ông Azmi Keshawi – nhà nghiên cứu về Dải Gaza thuộc tổ chức nghiên cứu Crisis Group tại Bỉ (tổ chức giúp ngăn chặn và giải quyết các xung đột), sự tổn thương do phải rời bỏ nơi ở của mình đã trở thành yếu tố chính trong bản sắc của người dân Dải Gaza.

“Nếu bạn hỏi quê hương của một cậu bé 10 tuổi ở Dải Gaza, cậu ấy sẽ kể cho bạn nghe rành rọt về tên ngôi làng cậu ấy sống và lịch sử hình thành của nó. Đây là cách giáo dục được truyền từ ông nội sang cha, rồi từ cha sang con. Phần lớn người tị nạn ở Dải Gaza vẫn còn giữ chìa khóa nhà và giấy tờ thuộc ngôi nhà cũ của họ. Họ mong rằng một ngày nào đó sẽ quay trở lại” – ông Keshawi nói.

Theo The New York Times, viễn cảnh người Palestine có thể quay về ngôi nhà cũ của họ là rất mơ hồ. Trước đây, ngay cả các nhà lãnh đạo của Hamas cũng ám chỉ rằng họ khó có thể giải quyết vấn đề này.

Nhưng với nhiều người dân Dải Gaza, họ vẫn luôn nhớ về quê cũ của mình. Họ tin rằng một ngày nào đó, họ sẽ về được ngôi nhà, mảnh đất ngày xưa.

Theo ông Abujayyab, điều này đã tạo nên những “chứng minh thư trong đầu” của nhiều người dân sống tại Dải Gaza.

“Thà chết chứ không đi”

Khi phía Israel cho biết họ đang chuẩn bị đổ bộ vào Dải Gaza, nhiều người dân tại khu vực này lo ngại rằng lịch sử sắp lặp lại.

Nhiều người dân Dải Gaza lo rằng họ sẽ không bao giờ được phép quay trở lại nơi mình từng sống. Họ cũng cho rằng cuộc chiến có thể đẩy họ đi rất xa, có thể là đến tận bán đảo Sinai của Ai Cập.

Khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào đầu tháng này, cô Bayan Abusultan (27 tuổi) – nhà báo tại Dải Gaza – viết trên mạng xã hội: “Cha mẹ tôi và tôi sẽ không lặp lại sai lầm của Nakba”.

Trong một video được đăng tải trên Instagram, một người dân sống tại Dải Gaza cũng bày tỏ thái độ tương tự. Khi được hỏi là có sẵn sàng đến bán đảo Sinai tị nạn không, người này dứt khoát: “Tất nhiên là không”.

“Chúng tôi sẽ không rời đi. Những gì xảy ra với ông bà tôi là quá đủ. Tôi thà chết chứ không đi” – ông nói.

Theo ước tính của phía Israel, khoảng 350.000 người Palestine vẫn còn ở phía bắc Dải Gaza. Các quan chức Israel cũng nhiều lần nhắc lại lời kêu gọi người dân Dải Gaza di chuyển về phía nam.

Ông Mahmoud Shalabi làm việc cho tổ chức Hỗ trợ y tế cho người Palestine – một tổ chức từ thiện cung cấp các dịch vụ y tế có trụ sở tại Anh. Ông Shalabi vẫn ở lại miền bắc Dải Gaza bất chấp những cảnh báo từ phía Israel, theo hãng tin AP.

Ông Shalabi cho biết việc rời bỏ ngôi nhà của mình ở phía bắc Dải Gaza không có ý nghĩa gì khi phía Israel vẫn không ngừng tấn công phía nam khu vực này.

Ông Shalabi cũng cho biết tại phía nam Dải Gaza, những nơi trú ẩn hiện đã quá đông và người dân nơi đây phải sống trong cảnh thiếu điện, nước. Điều này càng thúc giục ông và những người khác không sơ tán về phía nam Dải Gaza.

“Tại sao tôi phải rời khỏi nhà để đến ở trong căn lều tại phía nam Dải Gaza và chết tại đó?” – ông Shalabi nói.

Đi nhưng vẫn trở về

Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết số người tại khu vực này chết do xung đột Israel-Hamas đã vượt hơn 7.000. AP nhận định rằng nếu Israel đổ bộ vào Dải Gaza, rủi ro với những người sống tại phía bắc khu vực này sẽ tăng theo cấp số nhân.

Trên thực tế, những người ở lại phía bắc Dải Gaza đang sống trong tình trạng khó khăn. Họ sống ở những khu vực từng bị không kích, đối mặt tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và nước uống trầm trọng. Trong khi đó, nhiều bệnh viện tại đây đã đóng cửa.

Theo AP, tại phía bắc Dải Gaza, toàn bộ khu dân cư đã bị biến thành đống đổ nát.

“Ở khắp mọi nơi đều có những mảnh vỡ, ô tô bị phá hủy, có những ngôi nhà bị phá hủy. Thực sự rất khó đi lại vì không có nhiên liệu” – ông Shalabi nói.

Ông Shalabi cho biết ông phải đi bộ 2 tiếng để tìm thấy một tiệm bánh mì còn mở cửa. Các kệ hàng đều trống rỗng. Nhiều người dân phía bắc Dải Gaza đang sống bằng đậu đóng hộp, dứa, và ngô.

Mặc dù vậy, nhiều người đã chọn quay trở lại phía bắc Dải Gaza, vì các nơi trú ẩn ở phía nam quá đông. Các giám sát viên của Liên Hợp Quốc ước tính hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người đã quay trở lại phía bắc Dải Gaza.

Cô Ekhlas Ahmed (24 tuổi) – đang mang thai 8 tháng – nằm trong số những người này. Một tuần trước, cô đã rời phía bắc Dải Gaza. Tuy nhiên, cô quyết định trở về sau khi ngôi nhà của gia đình cô ở phía nam bị trúng một cuộc không kích của Israel.

“Đó là một tòa chung cư. Họ đã đánh bom nó. Tôi rất sợ hãi. Tất cả chúng tôi đều sợ hãi” – cô Ahmed nói.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM 

Tags: ,