⠀
Bi kịch của những con tê giác Java cuối cùng ở Indonesia
Núi lửa tiếp tục sôi sục ở phía Bắc trong khi mối nguy hiểm bệnh tật chết người lại rình rập ở phía Đông, có vẻ như những cá thể tê giác Java cuối cùng ở Ujung Kulon sắp không còn chốn dung thân.
Một con tê giác Java chết ở Vườn quốc gia Ujung Kulon năm 2018.
Vườn quốc gia Ujung Kulon nằm ở khu vực hẻo lánh thuộc cực Tây đảo Java, Indonesia. Vườn chỉ có duy nhất một lối vào từ phía đông bằng một con đường gồ ghề của dân làng địa phương. Khi bình minh ló rạng, những cánh đồng cỏ rộng lớn hiện ra dọc theo hai bên đường, những con trâu lười biếng và những lán gỗ nhỏ nằm rải rác giữa những bụi cây rậm rạp. Đó là một cảnh tượng đẹp nhưng ẩn trong sự bình yên ấy là mối nguy lớn đối với loài tê giác một sừng Java (Rhinoceros sondaicus), một trong những loài động vật quý hiếm bậc nhất hành tinh hiện đang nằm trong danh sách loài cực kỳ nguy cấp.
Chết hàng loạt vì nhiễm khuẩn và ký sinh trùng từ gia súc
Quần thể tê giác Java cuối cùng gồm 68 cá thể hiện đều đang cư trú tại Ujung Kulon. Nằm trên thềm lục địa Sundan và trong khu vực cách ly của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Krakatau, khu vực này thường xuyên phải hứng chịu sự tấn công bất thình lình của những trận động đất, sóng thần và núi lửa. Trong đó, sự kiện núi lửa phun trào năm 1883 đã cướp đi sinh mạng của hơn 36.000 người, và gần đây nhất, sự kiện núi lửa Anak Krakatau phun trào cuối năm 2018 cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm túc về cuộc sống mong manh ở Ujung Kulon.
Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở đó. Mối nguy trực tiếp và từ từ mà tê giác Java đang phải đối mặt là sống chung với hai loài gia súc hoang dã mang nhiều mầm bệnh là Bò rừng (Bos javanicus) và Trâu rừng (Bubalus bubalis). Các dân làng ở vùng đệm Vườn quốc gia phụ thuộc vào việc chăn thả trâu để lấy thịt, sữa và làm nông nghiệp xung quanh khu vực phía đông của Vườn, tại những khu vực bãi quây gia súc trong phạm vi Vườn quốc gia có ít nhất 8 cá thể tê giác Java được tìm thấy.
Ở mũi phía bắc của bán đảo, một con đường hẹp dẫn ra khỏi bãi biển bị chôn vùi dưới một “bức tường” bằng cây tà vạt. Con đường này dẫn du khách đến một trạm kiểm lâm có thể nhìn một khoảng rừng trống, nơi mà những con bò rừng thường tụ tập vào lúc hoàng hôn. Đây cũng là con đường mà những đàn bò và tê giác có thể chạm mặt nhau, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh từ bò cho quần thể tê giác nhỏ.
Minh chứng rõ nhất cho việc bệnh tật có thể gây tổn hại đến một quần thể tê giác chính là thảm họa bảo tồn tại Trung tâm Bảo tồn Tê giác Sungai Dusun ở Malaysia vào năm 2003. Toàn bộ số lượng tê giác hai sừng Sumatran (Dicerorhinus sumatrensis) đã chết sau 3 tuần sống ở đây.
Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy chúng bị nhiễm trùng khuẩn E.coli, K.pneumoniae và loài tiên mao trùng (Trypanosome evansi) sống ký sinh trong máu của trâu, bò.
Mặc dù có một số tranh luận về việc liệu tiên mao trùng có phải là nguyên nhân chính gây tử vong cho những con tê giác này hay chỉ đơn giản là làm trầm trọng thêm sức khỏe vốn đã yếu của chúng. Tuy nhiên, các tài liệu chính thức đã chỉ rõ bệnh tiên mao trùng chính là thủ phạm. Một đàn trâu sống ở sát vách rào với cơ sở bảo tồn tê giác đã gây ra dịch bệnh.
Bằng cách hoàn thành một phần vòng đời bên trong một con ruồi trâu, ký sinh trùng Trypanosoma evansi có thể vượt qua hàng rào để lây sang các vật chủ là những loài động vật có vú. Ký sinh trùng cũng là nguyên nhân lây lan bệnh mao trùng, thường gây tử vong cho loài ngựa và chó nhưng cũng có thể lây truyền âm thầm qua các loài động vật mang mầm bệnh, đặc biệt là bò. Đây là tin xấu cho những cá thể tê giác Java phải sống gần với gia súc.
Ngược lại với tê giác Java, tê giác châu Phi được biết đến là loài chứa chấp những mầm bệnh mà không bị khuất phục trước những tác động chết người của chúng.
Theo ông Robin Radcliffe, chuyên gia y học bảo tồn, Đại học Cornell, “tê giác châu Phi đã tiến hóa cùng với ký sinh trùng trong một thời gian dài và do đó họ có khả năng kháng bệnh… Những cá thể tê giác châu Phi chỉ chết vì bệnh trùng mũi khoan khi chúng bị di di chuyển từ khu vực không có bệnh sang một khu vực có tỷ lệ bệnh cao. Khả năng kháng bệnh này không phổ biến với các loài tê giác châu Á”.
Mặt khác, từ cuối những năm 1800, ký sinh trùng Trypanosoma evansi đã di cư đến Đông Nam Á, vì vậy tê giác châu Á dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Dấu hiệu ban đầu khi bị nhiễm trùng là chứng chán ăn và trầm cảm, sau đó là xuất huyết mũi, run cơ, giảm khả năng phối hợp và khó thở. Căn bệnh này cũng có thể gây chết đột ngột, không có thời gian để can thiệp thú y. Trường hợp cá thể tê giác đầu tiên chết tại Sungai Dusun là một ví dụ. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia về tê giác châu Á của IUCN năm 2004, “cá thể tê giác này không có dấu hiệu lâm sàng nào cho thấy bị nhiễm bệnh vào ngày 27 nhưng đã được phát hiện chết vào sáng 28”.
Lịch sử bệnh tật ở Ujung Kulon
Các sự kiện diễn ra tại Trung tâm bảo tồn Sungai Dusun có thể không lường trước được nhưng cũng không phải là chưa từng có tiền lệ. Vào những năm 1981 và 1982, năm cá thể tê giác đã chết tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, chiếm 10% quần thể tê giác vào thời điểm ấy. Những cá thể tê giác chết được cho là do mắc bệnh than (anthrax), tuy nhiên khi xét nghiệm các mẫu đất đều âm tính với bào tử. Năm 2010, một cuộc điều tra khác về nguyên nhân tử vong của các cá thể tê giác cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng Trypanosoma evansi trong những con ruồi sống tại Vườn quốc gia.
Một giả thuyết khác cho rằng những cá thể tê giác chết do đợt bùng phát bệnh tụ huyết trùng trâu bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra. Tháng 11/1981, căn bệnh tương tự được nghi ngờ đã gây ra cái chết của khoảng 50 con trâu và 350 con dê gần Vườn.
Vào thời điểm đó, lời giải thích này đã bị bác bỏ vì không có loài bò rừng sống cùng khu vực với tê giác.
Kể từ những năm 1980, quần thể tê giác tại Ujung Kulon đã trải qua nhiều lần chết đột ngột thường kỳ. Đã có 2 cá thể tê giác chết vào năm 2002-2003, 5 cá thể đã chết vào năm 2010-2013 và 2 cá thể vào năm 2014. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho hay “một vài cá thể tê giác trong số này đã chết do những căn bệnh lây từ loài bò rừng”.
Một nghiên cứu do các chuyên gia từ Đại học Cornell thực hiện trong năm 2018 chỉ ra rằng có thể chúng ta đã đánh giá thấp nguy cơ lây bệnh tụ huyết trùng (HS) từ những con trâu ở trong và xung quanh khu vực Vườn. Trong số 770 cá thể trâu được nghiên cứu, chỉ có 2 cá thể cho thấy triệu chứng và 14 cá thể dương tính với kháng thể HS. Toàn bộ những cá thể này không được tiêm phòng trước đó, vì vậy chúng có khả năng là động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng động vật có dấu hiệu bệnh thường chết rất nhanh nên không thể kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và người dân quanh khu vực cũng không biết làm thế nào để xác định và báo cáo các trường hợp khả nghi. Mặc dù HS được cho là đã bị xóa khỏi khu vực nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán rằng tỷ lệ trâu có khả năng bị nhiễm bệnh cao hơn nhiều so với kết quả thu được.
Làm sao để thoát khỏi rủi ro
Về lý thuyết, việc loại bỏ các tác nhân gây bệnh chính sẽ giúp giảm rủi ro đối với tê giác. Tuy nhiên, bò rừng bản địa cũng là một loài có nguy cơ tuyệt chủng và việc loại bỏ trâu sông cũng không khả thi bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.
Năm 2014, chính quyền Ujung Kulon tuyên bố sẽ tài trợ cho chương trình tiêm phòng HS hàng năm để phòng bệnh cho trâu trong khu vực, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro cho tê giác. Tuy nhiên, không có vacxin nào phòng được bệnh trùng mũi khoan.
Ông Rad Rade chia sẻ “vacxin phòng bệnh các loài tiên mao trùng không hiệu quả. Ký sinh trùng này biến đổi một cách nhanh chóng đến mức hệ thống miễn dịch đơn giản không thể theo kịp”.
Việc di dời một số cá thể tê giác đến khu vực khác cũng được tính đến.
Ông Barney Long cho hay “năm 2016, chúng tôi đã phải chia số tê giác này cho hai khu vực thay vì bỏ tất cả trứng vào một rổ là Vườn Ujung Kulon”.
“Năm 2016, các nhà bảo tồn đã kêu gọi chuyển một số cá thể loài này sang địa điểm thứ hai kể từ lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1980. Nhu cầu này hiện quan trọng hơn bao giờ hết, do thiếu môi trường sống nên quần thể tê giác không thể mở rộng ra ngoài phạm vi hiện tại, Vườn quốc gia cũng đã đủ khả năng chuyên chở. Các nhà nghiên cứu đã đạt được sự đồng thuận về việc di chuyển một số cá thể tê giác tốt giống ra khỏi Vườn, đây là cách duy nhất để tăng số lượng một cách đáng kể” – Giám đốc bảo tồn loài WWF cho biết.
Mặc dù đã thảo luận suốt 30 năm qua nhưng chưa có một kế hoạch hành động nào được thực hiện.
Nhưng nói không đi đôi với làm
Đôi khi bảo tồn chuyển vị ở một số loài tê giác khác được chứng minh cũng là nguyên nhân gây tử vong, vì vậy đây không phải là một quyết định dễ dàng. Một số chuyên ra cho rằng việc hiểu biết khoa học hơn về tê giác Java là cần thiết cho các nhà chức trách để thừa nhận những rủi ro như vậy.
Cố vấn khoa học của WWF Brian Gerber, người từng có thời gian làm việc với Tổ chức Bảo tồn tê giác Indonesia (YABI) và đã theo dõi quẩn thể tê giác tại Ujung Kulon trong 5 năm qua cho hay: “Luôn tồn tại một rủi ro trong việc di chuyển động vật và chắc chắn sẽ có nhiều rủi ro hơn nữa khi di chuyển những loài động vật mà chúng ta không hiểu biết nhiều. Các nhà khoa học đang nỗ lực hết sức có thể để giảm thiểu những ẩn số này, còn quyết định hành động cuối cùng phụ thuộc vào các quan chức Indonesia”.
Ông Radcliffe lạc quan chia sẻ: “Tôi tự tin rằng điều đó sẽ xảy ra sớm, hy vọng trong 5 năm tới”.
Trong khi đó, một số hoạt động đã được tiến hành để mở rộng môi trường sống cho tê giác, ít nhất là đến khi ý chí chính trị, nguồn tài trợ và chuyên môn được đảm bảo để thực hiện kế hoạch di chuyển quan trọng. Tám năm trước, khu vực nghiên cứu và bảo tồn tê giác Java (JRSCA) đã được thành lập ở phía đông Ujung Kulon trải dài 50 km2 và một hàng rào được xây dựng để ngăn chặn những người chăn trâu xâm lấn vào môi trường sống tê giác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực này chỉ là một giải pháp thay thế tạm thời.
Ông Radcliffe kết luận: “Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải tạo một môi trường sống thứ hai cho tê giác Java. Điều này không chỉ giúp đảm bảo cho sự tồn tại của loài khi Vườn quốc gia Ujung Kulon đột nhiên có dịch bệnh hoặc gặp phải thảm họa địa chấn mà còn mang lại nhiều lợi ích bổ sung, góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn trong công cuộc bảo tồn loài này”.
Núi lửa tiếp tục sôi sục ở phía Bắc, mối nguy hiểm chết người thì rình rập ở phía Đông. Những cá thể tê giác Java cuối cùng sắp không còn chốn dung thân. Đây chính là những rủi ro cho thấy loài động vật quý hiếm này có thể dễ dàng bị diệt vong như thế nào.
Theo BẢO VỆ RỪNG & MÔI TRƯỜNG / MONGABAY
Tags: Bảo vệ động vật, Indonesia, Tê giác, Khu bảo tồn