Bi kịch biến đổi khí hậu ở Myanmar: Những ngôi làng vắng người trẻ tuổi

Khu vực ngày một nóng hơn. Nhiệt độ cao kỷ lục ảnh hưởng đến vùng khô hạn của Myanmar hơn hai năm qua, trong đó bao gồm Magway, Mandalay và Sagaing…

Bi kịch biến đổi khí hậu ở Myanmar: Những ngôi làng vắng người trẻ tuổi

Trước khi mặt trời buổi sáng mang đến cái nóng ngột ngạt, những chiếc xe chất đầy đậu, vừng và lạc – các sản vật chính của vùng, khởi hành đến vùng trung tâm Magway của khu vực.

Ngày nay, thay bằng chở ngũ cốc, những chiếc xe chở các thanh niên nhân viên văn phòng. Họ đang tìm cách chạy trốn khỏi nơi từng là thủ đô nông nghiệp của Myanmar để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực, thiếu việc làm và an ninh bất ổn.

Biến đổi khí hậu, COVID-19 và những mối đe dọa an ninh kể từ khi cuộc chính biến diễn ra năm 2021 đã thúc đẩy một cuộc di cư của những người trẻ tuổi trong vùng.

Người điều hành một chương trình bữa ăn miễn phí cho người dân Magway, ông Nay Moe Swe Kyaw cho biết, kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện trong khu vực sáu tháng trước, mỗi ngày có khoảng 100 người xếp hàng bên ngoài văn phòng hộ chiếu của thị trấn.

Trong khi một số người chuẩn bị đến Nhật Bản hoặc Singapore để hoàn thành chương trình giáo dục của họ, một số khác đến Trung Quốc và Thái Lan để tìm kiếm việc làm.

Ông Nay Moe Swe Kyaw cho biết, số người đến làm hộ chiếu ngày càng đông, cảnh người chen chúc giống như đang diễn ra lễ hội.

Vùng đất “toàn người già”

Di cư không còn là vấn đề mới đối với những người đã lớn lên trên vùng đất khô cằn Magway. Biến đổi khí hậu được xem là yếu tố thúc đẩy tình trạng di cư, đặc biệt trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

Khu vực ngày một nóng hơn. Nhiệt độ cao kỷ lục ảnh hưởng đến vùng khô hạn của Myanmar hơn hai năm qua, trong đó bao gồm Magway, Mandalay và Sagaing. Hai mươi hai trong số các thành phố của Myanmar đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2020. Thị trấn chợ ven sông Chauk ở trung tâm Magway ghi nhận mức nhiệt đáng kinh ngạc 47,5°C.

Một cư dân làng Thit Gyi của Magway, cô Zar Chi Lwin cho biết gia đình cô bắt đầu trải qua tình trạng mất mùa chưa từng có vào năm 2007 do biến đổi khí hậu khiến khu vực này thậm chí không thể trồng được loại vừng đặc sản nổi tiếng.

Cô Zar Chi Lwin cho biết: “Đất nông nghiệp của chúng tôi trước đây có thể canh tác 100%, nhưng giờ giảm xuống chỉ còn từ 60 đến 40%”.

Không thể chi trả cho khoản nợ, năm 2010, gia đình cô Zar Chi Lwin đã bán đất đai mà ông bà để lại với giá bằng một nửa giá trị trước đây và di cư đến thủ đô thương mại Yangon. Cô Zar Chi Lwin chia sẻ, cha mẹ cô đã buồn rơi nước mắt vì phải rời đi.

Mười năm trước, khi được khảo sát, chỉ có 6% cư dân vùng đất khô cằn này cho biết họ có kế hoạch di cư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, ngày nay, nhu cầu cấp bách cải thiện thu nhập và tìm kiếm công việc đang đẩy những người trong độ tuổi lao động ra nước ngoài với tốc độ chưa từng có. Mất mùa cùng với hệ thống thương mại sụp đổ sau chính biến và giá trị đồng Kyat giảm mạnh đã thúc đẩy lực lượng lao động đang nợ nần chồng chất di cư tìm lối thoát.

Cô Zar Chi Lwin là một trong số đó.

Cô cho biết có tới 70% dân làng cô đã chuyển đến Thái Lan kể từ khi cô rời đi. Những người di cư chủ yếu trong độ tuổi từ 20 đến 35, ra đi với hy vọng có cơ hội kinh tế tốt hơn.

“Chỉ còn lại những người lớn tuổi trong làng, không ai trong độ tuổi lao động, vì vậy sản lượng có thể đã giảm một nửa. Điều này đẩy giá cả hàng hóa tăng cao và tình hình chính trị bất ổn khiến kinh tế càng suy giảm. Tôi thậm chí không đủ tiền mua dầu ăn!”, cô Zar Chi Lwin nói.

Tương lai bất định

Những người bị bỏ lại phía sau lo lắng rằng cuộc di cư này sẽ có ý nghĩa gì đối với gia đình họ.

Tại thành phố Yenankyaung ở phía Bắc Magway, gia đình cô Hnin Si Ni từng sống nhờ vào nguồn thu từ dầu đậu nành và dầu vừng, đặc sản nổi tiếng của khu vực trong nhiều thế hệ. Đến năm 2005, nhiệt độ ngày càng tăng khiến việc canh tác dầu và vừng gặp khó khăn.

“Gia đình anh em họ của tôi đã phải chuyển đến thành phố để tìm việc làm mới”, cô Hnin Si Ni giải thích và cho biết thêm rằng năng suất cây trồng tại trang trại của chính gia đình cô giảm 30% kể từ năm 2005 do nhiệt độ ngày càng tăng khiến đất khô cằn.

Trong khi nông dân đã quen với tình trạng đất nứt nẻ do khô hạn, Nay Moe Swe Kyaw cho biết bây giờ anh lo lắng về giá cây trồng tăng và những ngôi làng vắng người sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước.

Nay Moe Swe Kyaw cho biết: “Do giá cả hàng hóa và nhiên liệu cao hơn, người dân và các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn”. Nếu tình trạng này tiếp tục, tình hình sẽ càng nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta, đó là điều chắc chắn”.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,