⠀
Kiến trúc xanh ở Việt Nam: Con đường từ truyền thống đến hiện đại
Bây giờ, cụm từ Kiến trúc xanh (Green Architecture) hay Công trình xanh (Green Building) đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống xã hội, là cụm từ hot nhất, được nhắc nhiều nhất trong giới kiến trúc sư (KTS) và giới đầu tư – kinh doanh bất động sản.
Kiến trúc xanh và phát triển bền vững
Mặc dù từ khi ra đời đến nay, các tiêu chí xác định công trình xanh hay kiến trúc xanh không phải là yêu cầu bắt buộc (được luật hóa), nhưng các KTS, mỗi khi thiết kế một dự án kiến trúc bất kỳ nào đó có quy mô lớn hay nhỏ, thấp tầng hay cao tầng, xây dựng đồng bằng, hay trung du, miền núi thì cũng cố gắng sáng tác theo hướng kiến trúc xanh. Điều này khẳng định, ở nước ta, kiến trúc xanh đã và đang trở thành xu hướng kiến trúc tiến bộ nhất trong thế kỷ XXI.
Vậy kiến trúc xanh là gì, bản chất của nó được thể hiện trong kiến trúc như thế nào, sự khác biệt giữa kiến trúc xanh và công trình xanh ra sao? Đã có nhiều bài viết (và cả tranh luận) của các KTS, các nhà nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch đô thị, môi trường, địa khí hậu đề cập đến xu hướng tiến bộ mang tính toàn cầu này.
Cách đây gần 30 năm, vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm ứng phó với thực trạng bất ổn do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu và hệ sinh thái của trái đất đang bị hủy hoại bởi con người (riêng ngành Xây dựng đã tiêu tốn hơn 40% tài nguyên năng lượng hóa thạch và cũng thải vào không khí một lượng tương tự khí CO2) đe dọa môi trường sống bền vững, thì tại Mỹ – quê hương của các tòa nhà chọc trời, đã ra đời “Phong trào Công trình xanh”. Phong trào này kêu gọi và khuyến khích xây dựng các tòa nhà theo hướng thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống; giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước và vật liệu xây dựng; tạo môi trường sống an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho người dân, nhất là cư dân đô thị. Với mục đích cao cả ấy, Phong trào Công trình xanh đã nhanh chóng được nhiều nước trên thế giới ủng hộ, lan tỏa khắp toàn cầu, được coi như một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới.
Cũng vào thời điểm đó, năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Rio de Janeiro – Brazin đã thông qua Chương trình nghị sự 21 về Phát triển bền vững (Sustainable Development) với sự tham dự của các quốc gia. Và từ đó, các nước đã coi Phát triển bền vững như là “kim chỉ nam” trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của đất nước mình. Cụm từ “kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” xuất hiện trong bối cảnh ấy và được làm rõ qua tác phẩm “Sustainable Architecture” của James Steele xuất bản năm 1997. Còn Ken Yeang, KTS, nhà sinh thái học nổi tiếng Malaysia, người đi tiên phong trong xu hướng kiến trúc sinh thái, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, với các tác phẩm kiến trúc sinh thái độc đáo được xây dựng ở Malaysia, như tòa nhà EDITT Tower, Menara Mesiniaga (an IBM Franchise)… hay Genome Research Building ở Hong Kong… đã chỉ ra rằng, “Kiến trúc xanh hoặc kiến trúc bền vững đơn thuần chỉ là những thuật ngữ khác nhau về vấn đề thiết kế với thiên nhiên và thiết kế với môi trường”.
Xanh từ truyền thống…
Kiến trúc xanh hay công trình xanh về bản chất là giống nhau. Có khác chăng là các tiêu chí của công trình xanh có tính định lượng, được xác định cụ thể bằng thuật toán, đo đếm bằng các con số thông qua máy móc và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (như máy điều hòa không khí, kính chống nhiệt, vật liệu không nung, trí tuệ nhân tạo…). Còn tiêu chí của kiến trúc xanh chỉ mang tính định tính, đề cao sáng tạo của KTS, dùng thủ pháp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra (theo 5 tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam). Nhưng kiến trúc xanh phải có giá trị thẩm mỹ, tức là phải “đẹp”. Kiến trúc xanh còn có tính văn hóa (kế thừa và phát huy), tính xã hội, tính cộng đồng rất cao (phổ cập, ứng dụng). Cũng chính điều này đã giúp chính quyền đô thị có cái nhìn tích cực hơn trong quản lý sử dụng các không gian công cộng (công viên, hồ nước, cây xanh, thảm cỏ…) và khuyến khích cư dân trồng cây xanh, trồng hoa trên mái, trên ban công, lô gia tại các ngôi nhà, căn hộ của mình cũng như giữ gìn sự “xanh – sạch – đẹp”.
Ở nước ta, khái niệm về kiến trúc xanh xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ này qua tác phẩm kiến trúc độc đáo “Cà phê Gió và Nước” làm hoàn toàn bằng vật liệu tre (tầm vông), lá truyền thống của KTS trẻ Võ Trọng Nghĩa, xây dựng tại Thành phố. Thủ Dầu Một (Bình Dương – 2006). Từ năm 2011 đến nay, với sự ra đời Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam cùng sự vận động kiên trì của Hội KTS Việt Nam, kiến trúc xanh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một xu hướng kiến trúc tiến bộ được giới KTS hưởng ứng, được xã hội quan tâm. Còn trong lịch sử phát triển kiến trúc của dân tộc, các tiêu chí mà kiến trúc xanh thời hiện đại đang hướng tới, đã từng thấm đẫm một cách tự nhiên trong kiến trúc Việt qua hàng ngàn năm.
Nông thôn đồng bằng Bắc bộ được tạo nên bởi những quần cư sinh sống của các dòng họ, dòng tộc quây quần thành làng, thành xóm với lũy tre xanh bao bọc. Những ngôi nhà hai hay ba gian hai chái có tường vách bằng đất trộn rơm, mái lợp rạ, hệ khung nhà làm bằng tre liên kết với nhau bằng các con sỏ, chốt, lạt buộc (cũng từ vật liệu tre) được dựng trên nền đất đầm chặt, hướng về phía nam để đón gió mát về mùa hè, tránh nắng phía tây và gió lạnh về mùa đông.
Khuôn viên của từng gia đình nông dân được bố trí rất khoa học (theo kinh nghiệm dân gian truyền thống), như có nhà chính (nơi ở và thờ tự), nhà phụ (là bếp, kho, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm). Trước nhà có sân phơi, hàng cây ăn trái như chanh, bưởi và vài ba cây cau, sau nhà là rặng chuối. Nhiều nhà còn đào ao thả cá, thả bèo, hay rau muống để có thức ăn cho người và vật nuôi. Ao vừa là nơi chứa nước phòng khi mưa to gây ngập úng, vừa làm chức năng điều hòa khí hậu cho ngôi nhà trong những ngày hè nóng bức.
Xưa, khuôn viên nhà này ngăn cách với nhà kia không bằng tường rào xây, mà bằng chính cây xanh như chuối, trúc, ô rô đơn giản là hàng rau ngót, mồng tơi xanh mướt hoặc râm bụt đỏ rực. Một vài nơi ở vùng Sơn Tây có loại đất quý, màu vàng thổ, ở rất sâu. Khi khai thác thì rất mềm, nhưng đưa lên mặt đất thì cứng lại, gọi là đá ong. Từ bao đời, người dân vùng này đã biết khai thác sử dụng để làm vật liệu làm nhà, làm công trình công cộng của làng…, tạo nên một thứ kiến trúc nông thôn xứ Đoài rất đặc sắc, tồn tại và phát triển đến ngày nay, như làng cổ Đường Lâm là ví dụ.
Còn ở vùng trung du, miền núi phía Bắc, đồng bào các dân tộc từ xa xưa đã biết sử dụng vật liệu hữu cơ sẵn có trong tự nhiên để xây dựng nhà ở như nhà trình tường (bằng đất) của người Nùng, nhà sàn bằng gỗ, tre của người Thái, người Mường, nhà làm bằng đất hay bằng đá như của bà con người Mông… Đặc biệt, nhiều dân tộc, đồng bào rất hạn chế việc san lấp địa hình để làm nhà, mà họ đều nương vào địa hình tự nhiên để xây dựng nhà ở, làng bản, như canh tác trên các thửa ruộng bậc thang độc đáo vậy. Chính vì thế mà bản làng người Mông thường rất thưa thớt, nhà này cách xa nhà kia và nhà thường dựng trên sườn núi cao hay triền dốc. Bà con các dân tộc rất yêu quý nguồn nước sạch từ trên núi chảy về các con suối. Họ còn làm đường dẫn nước từ suối cao về nhà bằng các ống nứa, ống tre, luồng. Bà con người Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao còn rất giỏi làm “Cọn nước” để đưa nước từ suối thấp lên tưới cho các thửa ruộng trên cao hay vào các đường ống dẫn nước về nhà ở, bản làng trên cao. Cọn nước hình tròn có đường kính từ 2,5 m đến 7 – 8 m với nhiều nang chứa nước được làm bằng gỗ, tre, có trục xoay. Cọn nước có khả năng đưa nước lên cao tới 7 – 8 m. Đến ngày nay, dù bản làng đã có điện, phương tiện chuyển nước đơn sơ này vẫn đang được bà con các dân tộc nhiều nơi sử dụng, trở thành một di sản văn hóa quý giá trong đời sống các dân tộc miền núi phía Bắc.
Những ngôi nhà nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ cùng với ngôi đình làng, chùa làng, cổng làng… và nhà ở của bà con các dân tộc miền núi đã tạo nên một kho tàng kiến trúc Việt vô cùng phong phú, đặc sắc, vô cùng bình dị, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, với con người thấm đẫm tính văn hóa, tính nhân văn.
Như vậy, có thể thấy, cách ứng xử với thiên nhiên trong quá trình lao động sản xuất, tạo dựng nhà ở, không gian sống từ ngàn năm xưa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam chính là hình ảnh mẫu mực về kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng mà kiến trúc hiện đại ngày nay đang hướng đến.
Đến môi trường sống xanh hiện đại
Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các KTS và các nhà đầu tư bất động sản ứng dụng vào trong thiết kế kiến trúc các công trình nhà ở (cao tầng hay thấp tầng, biệt thự) và công trình công cộng (như trường học, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí) tại các khu đô thị mới. Đây là sự phát triển tích cực của kiến trúc. Với mật độ xây dựng chỉ từ 20 – 30%, với các thiết kế theo hướng kiến trúc xanh, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư lớn có uy tín thực hiện đã đem đến cho người dân một không gian sống xanh, một nơi cư trú an toàn, bền vững và thân thiện. Đó chính là những nơi đáng sống!
Thế nhưng, môi trường sống của xã hội không chỉ bó hẹp với các khu đô thị mới lẻ tẻ, mà nó là vùng nông thôn, các thành phố, đô thị với tổ hợp quần cư rất lớn có địa giới hành chính rộng vài chục đến vài ngàn km2, có dân số từ vài trăm ngàn đến chục triệu người do Nhà nước quản lý. Vì thế, việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư bất động sản, của KTS mà hơn hết, có tính quyết định là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các nhà lập quy hoạch.
Nói đến kiến trúc xanh là nói đến cây xanh, mặt nước, cho dù công trình kiến trúc xanh không chỉ là trồng nhiều cây xanh.
Một đô thị xanh phải là đô thị có môi trường sống xanh với một tổng thể kiến trúc xanh đơn lẻ được sắp xếp hài hòa và được quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị, cho dù là khu phố cũ hay khu phố mới.
Một đô thị có nhiều không gian xanh, công viên, hồ nước, thảm cỏ, vườn hoa được quan tâm, thường xuyên chăm sóc; các đường phố không bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn, râm mát bóng cây với các phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân sử dụng nhiên liệu sạch, không xả thải khí độc; những công trình đang xây dựng được che chắn an toàn… sẽ tạo nên một môi trường sống xanh.
Một đô thị mà cư dân luôn biết tuân thủ pháp luật, xây dựng hay cải tạo nhà ở theo giấy phép, có văn hóa ứng xử nơi công cộng, không xả rác thải, nước thải bừa bãi ra đường phố, biết chăm chút không gian ở của mình luôn sạch sẽ, xanh mát hoa lá trên ban công, trên từng mái nhà… sẽ góp phần làm cho đô thị trở nên xanh và thân thiện với thiên nhiên, với con người.
Một chính quyền đô thị với những người lãnh đạo xanh, có tri thức, có văn hóa, có năng lực quản trị và liêm chính sẽ có nhiều biện pháp hiệu quả để xây dựng đô thị trở nên xanh và phát triển bền vững.
Tất cả những điều đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn, hiện thực hơn, bền vững hơn khi chúng ta bước vào thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với công nghệ số, internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
Và đó là điều tôi tin!
Theo KTS PHẠM THANH TÙNG / BÁO XÂY DỰNG
Tags: Đô thị, Con người và thiên nhiên, Phát triển bền vững