Báo quốc tế viết về ‘nền công nghiệp buôn lậu động vật’ ở Việt Nam

Một cuộc điều tra mới đây đã phơi bày 1 sự thật đáng sợ: Ngay gần trung tâm Hà Nội tồn tại một băng nhóm chuyên buôn lậu các bộ phận quý hiếm của động vật với tổng giá trị lên tới hàng triệu USD. Những kẻ buôn lậu trú ngụ trong một ngôi làng nhỏ cạnh thủ đô đã sử dụng Facebook như một kênh liên lạc để buôn bán bất hợp pháp một lượng lớn ngà voi, sừng tê và chi hổ.

Bài viết được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh cuối năm 2016.

Ủy ban Tư pháp cho Động vật hoang dã (WJC) đã có một bản điều tra công phu và sẽ công bố vào trung tuần tháng 11 này tại Điện Hòa Bình, Hague. Một trong những điều WJC kịch liệt nhắm tới đó là việc các tay buôn lậu đang lợi dụng sự phổ cập của các trang mạng xã hội nhưu Facebook để biến nơi đây thành những kênh buôn bán bất hợp pháp một cách dễ dàng.

“Có hẳn một nền công nghiệp buôn lậu động vật”, Olivia Swaak-Goldman, Chủ tịch của WJC, cho biết. Cuộc điều tra được thực hiện suốt trong năm qua tại Nhị Khê, một thiên đường buôn lậu tại Việt Nam. 51 kẻ buôn lậu sử dụng Facebook và WeChat, tạo ra những “chợ ảo” với tổng giá trị số lượng động vật và bộ phận động vật lên tới 53 triệu USD.

Trên Facebook, mặt hàng được ưa chuộng từ những kẻ buôn lậu tại Nhị Khê thông thường là ngà voi đã qua chế biến; tuy nhiên ngà voi nguyên bản và cả xương hổ cũng luôn được ưa chuộng. “Mạng xã hội đã mở hẳn một đại siêu thị cho thế giới”, Swaak-Goldman cho biết.

Những vật phẩm được bày bán qua các nhóm bí mật được quản lý chặt chẽ, có nghĩa là người mua và người bán muốn tham gia “chợ” phải được quản trị viên phê duyệt. Khi đã được phê duyệt rồi, người bán sẽ liên lạc với người mua qua hộp thư cá nhân.

Nếu như Facebook là kênh liên lạc phổ biến thì WeChat Wallet lại cung cấp hình thức thanh toán. Báo cáo của WJC đã chỉ ra rằng Facebook chủ yếu được những kẻ buôn lậu tại Nhị Khê sử dụng để buôn bán với dân địa phương hoặc các nước Nam Á; còn WeChat là phương thức liên lạc chính với những tay buôn người Trung Quốc.

Mạng xã hội đúng là mảnh đất vàng đối với các tay buôn lậu. Tháng 3 vừa rồi, một tổ chức chống buôn lậu động vật khác cũng đã chỉ ra rằng Facebook đã trở thành một kênh buôn bán thuận tiện dành cho những kẻ buôn lậu động vật tại Malaysia, cũng với phương thức hoạt động như đã đề cập bên trên.

Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Facebook tỏ ra vô cùng kiên quyết: “Facebook không chấp nhận việc buôn bán động vật và chúng tôi sẽ không ngần ngại bài trừ thẳng tay những nội dung gây hại tới cộng đồng, miễn là chúng tôi nhận được báo cáo về nội dung đó”.

Swaak-Goldman thì cho rằng Facebook cần mạnh tay hơn, ví dụ như xóa vĩnh viễn những tài khoản của nhóm buôn lậu, cùng với đó là thông báo cho lực lượng chức năng. Phản hồi lại điều này, Facebook cho biết họ sẽ cần phải xem xét độ nghiêm trọng của các nhóm buôn bán trước khi đưa ra quyết định. Còn lại, Facebook từ chối đề cập đến trường hợp cụ thể khi làm việc với các cơ quan pháp luật.

Nhị Khê là một ngôi làng nhỏ với vài nghìn nhân khẩu. Trước đây, làng Nhị Khê được biết tới là một làng nghề điêu khắc gỗ, tuy nhiên những năm gần đây, kinh tế của địa phương đã có bước chuyển biến bởi những hoạt động phi pháp của giới buôn lậu động vật. Làng Nhị Khê cách Hà Nội khoảng 20km, và cũng không quá xa biên giới Trung Quốc – đặc điểm địa lý đã khiến nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng để buôn lậu.

Trong bản điều tra của mình, WJC cho biến những kẻ buôn lậu đã tẩu tán được 907 xác voi và 225 xác hổ. Những chuyên gia khẳng định đa phần những con hổ này không phải hổ hoang dã, bởi nếu đối chiếu với số lượng hổ hoang dã trên thế giới thì 225 là một con số rợn người.

Nhưng kinh khủng hơn là số lượng sản phẩm tê giác đã từng “qua tay” dân buôn lậu Nhị Khê. Số lượng chỉ ra rằng, có khoảng 579 con tê giác đã bị sử dụng để lấy sừng, da… Con số này bằng khoảng một nửa số lượng tê giác bị giết tại Nam Á trong năm vừa qua.

Và đó mới chỉ là những con số được phát hiện. Phần chìm của tảng băng có lẽ không thể nói chính xác được. Báo cáo của WJC còn chỉ ra giới buôn lậu Nhị Khê còn buôn bán gấu, tê tê, đồi mồi và chim hồng hoàng.

Tháng vừa qua, một bản báo cáo được công bố đã chỉ ra rằng số lượng động vật hoang đã đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, đến năm 2020, thế giới sẽ phải đối mặt với viễn cảnh mất đi 2/3 số lượng động vật hoang dã.

Nạn buôn lậu động vật hoang dã có thể sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới đợt tuyệt chủng thứ 6 trong lịch sử thế giới. Tổng giá trị động vật bị buôn lậu đạt khoảng 23 tỷ USD, đứng thứ 4 sau buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn lậu người (đó là chưa kể số cá bị buôn lậu, ước tính khoảng 10-23,5 tỷ USD).

Trong năm vừa qua, những kẻ buôn lậu ở Nhị Khê đã không còn bày bán tràn lan các sản phẩm của họ. Thay vì đó, họ rút về hoạt động kín đáo hơn qua kênh buôn bán online. “Phía trên cửa hàng có dán quảng cáo bán sừng tê giác, hổ, ngà voi bằng tiếng Trung Quốc. Mua chúng dễ như mua đồ ăn nhanh vậy”, Swaak-Goldman nói.

Ngà voi là một trong những sản phẩm luôn được săn lung để làm đồ trang trí, trong khi sừng tê được coi là một vị thuốc quý (dù khoa học đã chứng minh thành phần của sừng tê giác không khác gì móng tay người). Còn các bộ phận của hổ thì càng ngày càng trở thành một biểu tượng dành cho phái mạnh. Trang sức vuốt hổ dường như là thứ không thể thiếu đối với các tay anh chị Việt Nam.

Nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Hổ được liệt kê vào sách đỏ IUCN. Một số phân loài hổ đã bị tuyệt chủng và số còn lại ở Đông Nam Á (hổ Sumatra, hổ Malaysia và hổ Đông Dương) đang trên bờ vực tuyệt chủng. Trong khi đó, từ năm 2007-2015, châu Phi đã mất khoảng 110.000 con voi do nạn săn trộm. Voi rừng, loài khó săn hơn voi hoang mạc, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Các chuyên gia từ lâu đã nhận định Việt Nam là một thiên đường buôn lậu động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác. 3 trên 5 loài tê giác đã được liệt kê vào Sách đỏ ở hạng mục cực kỳ nguy cấp, trong khi cứ mỗi năm bình quân thế giới mất đi khoảng 1000 con tê giác trắng do nạn săn trộm. Thậm chí, nạn săn trộm còn gây thiệt hại về người, khi bên kiểm lâm cũng như thợ săn hoàn toàn có thể mất mạng trong khi làm việc.

WJC tin rằng việc “đánh sập” chợ buôn lậu Nhị Khê sẽ là một đòn mạnh giáng vào nạn buôn bán trái phép tê giác trên toàn thế giới. Nếu bị bắt, những kẻ buôn lậu động vật hoang dã ở Việt Nam sẽ đối mặt với bản án 3 năm tù giam, với mức cao nhất là 7 năm tù giam nếu kẻ buôn lậu bị phát hiện dính líu tới nhiều đường dây buôn bán. Những án phạt này nhẹ hơn nhiều nếu so với các tội phạm khác như buôn bán heroin có thể dẫn tới án chung thân hoặc tử hình.

Gần đây, Việt Nam đã cho thấy những động thái tích cực trong kế hoạch chống buôn lậu động vật hoang dã. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các cơ quan địa phương mạnh tay chống nạn buôn lậu động vật hoang dã. Việt Nam cũng đã bắt tay với Mỹ trong công cuộc chống buôn lậu quốc tế. Vào 17/11 tới, Việt Nam sẽ tổ chức một Hội nghị quốc tế bàn về động vật hoang dã trên toàn cầu.

WJC hy vọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam sẽ có hành động thiết thực chống lại ổ buôn lậu động vật tại Mỹ Khê. Những thông tin sẽ được WJC cung cấp trên website của họ bắt đầu từ ngày hôm nay.

Theo VNTINNHANH / THE GUARDIAN

Tags: ,