Bàn về những giọt nước mắt trong điện ảnh

Ở cao trào của mình, nỗi đau của con người thường mang hiện thân cụ thể, hữu hình và hữu thanh qua giọt nước mắt và tiếng khóc. 

Điện ảnh, cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, chứa đựng sức lan truyền cảm xúc mạnh mẽ, nối kết từ thế giới tác phẩm đến nội tại bản thân người tiếp nhận. Đôi khi, một tác phẩm sống dai dẳng, bất diệt trong khán giả chỉ bởi khoảnh khắc rung động được đẩy lên đến tột đỉnh và kéo dài bất tận như cơn dư chấn tâm hồn.

Hiệu ứng nghệ thuật ấy thường sinh thành chỉ bởi một chi tiết xuất hiện trên màn ảnh. Trong những sợi dây dẫn truyền cơn xung động của cảm xúc ấy, sự thể hiện nỗi đau khổ là một kênh kết nối người xem với cuộc đời, số phận của nhân vật, với các sự kiện có sức mạnh mãnh liệt nhất, lan tỏa làn sóng dữ dội nhất.

Ở cao trào của mình, nỗi đau của con người thường mang hiện thân cụ thể, hữu hình và hữu thanh qua giọt nước mắt và tiếng khóc. Trạng thái cảm xúc này đã bước từ đời thực vào thế giới điện ảnh với những sắc thái biểu hiện khác nhau, được khai thác và xử lý ở nhiều góc độ riêng.

Từ đó, yếu tố này trở thành chi tiết có năng lực chuyển tải những giá trị nghệ thuật đặc biệt, ấn tượng. Nhiều nhà đạo diễn tài ba với tâm hồn tinh tế đã phóng đẩy sự thâm nhập và đồng cảm của khán giả trước màn ảnh hòa vào nỗi đau trong sâu thẳm nhân vật bằng sự xuất hiện độc đáo, tràn trề sức gợi của giọt nước mắt.

Họ là những thầy phù thủy của nghệ thuật thứ bảy, biết đặt khán giả vào giây phút “chết lặng” tột cùng của nhân vật để khán giả không chỉ thấy mà còn cảm, không chỉ biết mà còn nhận những xúc cảm đỉnh điểm đang tồn tại và khuấy động toàn bộ thế giới bên trong của con người.

Nhiều khoảnh khắc hiện diện của giọt nước mắt đã trở nên bất hủ, nuôi dưỡng sức sống của tác phẩm, đánh thức ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ về giá trị biểu hiện của ngôn ngữ điện ảnh và mang lại sự tiếp nhận cảm xúc vừa hoàn hảo, vừa đầy bất ngờ, kinh ngạc đối với người xem.

Nước mắt: âm thanh ngoài khuôn hình

Trong Kẻ cắp xe đạp, tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa tân hiện thực Ý, đạo diễn De Sica đã để cho nỗi đau hiện diện bằng phương thức đẩy giọt nước mắt ra khỏi khuôn hình và chỉ dịch chuyển âm thanh tiếng khóc vào bên trong khuôn hình ấy. Khi đã xác minh sự thực rằng chiếc xe đạp, món gia sản quý giá của gia đình mình, bị đánh cắp, người vợ đã bật khóc nức nở.

Thế nhưng, ống kính hoàn toàn rời xa khỏi nhân vật nữ và chỉ hướng về hai người đàn ông. Tiếng khóc của người vợ vang lên, trở thành dạng thức âm thanh ngoài khuôn hình nặng sức biểu hiện. Một mặt, đó là sự bức vỡ nỗi đau bị dồn nén trong cơn cùng quẫn của người phụ nữ và của cả hai người đàn ông. Tiếng khóc như phơi trần tất cả nỗi khốn khó, đau đớn mang nặng mất mát, hụt hẫng trong họ. Nước mắt rơi ra từ người phụ nữ, nhưng đổ dài trên khuôn mặt những kẻ đàn ông vốn cũng đang giữ chặt nỗi đau vào tận sâu bên trong.

Đó là một nỗi đau bị đè nén quá sức, bỗng dưng bức vỡ trên âm thanh tiếng khóc của người vợ. Một mặt khác, khuôn mặt mang nước mắt của người phụ nữ bị đẩy ra khỏi khuôn hình cũng là một chuyển động tinh tế, nhạy cảm và tế nhị của máy quay.

Nỗi đau đớn không hiện ra trực diện nhưng khán giả vẫn nhìn thấy và lắng nghe toàn bộ sự hiện hữu bi thảm của nó. Hình ảnh nước mắt bị che khuất khiến âm thanh tiếng khóc càng nổi rõ hơn, vang bật hơn trên khuôn hình và xoáy sâu vào tâm thức của người xem.

Nước mắt: hành trình song song với thế giới đồ vật

Thế giới đồ vật cũng là một phương thức hiện hữu của tâm trạng nhân vật. Đấy là những chi tiết không có âm thanh nhưng chứa đựng năng lượng tràn trề của tiếng nói, những chi tiết bùng nổ giá trị bộc lộ.

Trong Người mẹ, một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Marxim Gorki, trường đoạn người phụ nữ ngồi bên xác chồng trong đám tang có sức ám ảnh lớn lao và cũng là một trong những trường đoạn có giá trị nghệ thuật cao.

Ở đây, ngôn ngữ điện ảnh được khai thác tối đa, thế giới hình ảnh hiện lên trong tính toàn vẹn của chính nó và tự bộc lộ ý nghĩa biểu hiện. Hình tượng người mẹ ngồi lặng im bất động tạo ra cảm giác toàn bộ thế giới bên trong cũng như xung quanh người phụ nữ đau khổ này đang đông cứng tại, trở nên tĩnh tại.

Máy quay dịch chuyển từ khuôn hình cận cảnh gương mặt người mẹ tiến đến đặc tả đôi mắt mở to, vô hồn, nhìn thẳng vào khoảng trống phía trước. Sau đó, ống kính rời bỏ nhân vật và thu vào khuôn hình cảnh đặc tả giọt nước đang nhỏ từ vòi xuống chiếc chậu.

Sự chuyển động của máy quay đã tạo nên một cảnh quay song song độc đáo, ấn tượng. Giọt nước đang chậm chậm, từ từ rơi vào chậu chính là sự phân thân của giọt nước mắt đang rỉ ra, thoáng hiện trong đôi mắt người mẹ. Một nỗi đau lớn lao chừng như ngưng đọng nơi khóe mắt ấy, không chảy nổi thành dòng, thành giọt mà lặng đi.

Hành trình song song của giọt nước và nước mắt đã đặc tả đến tận cùng nỗi đau của một người vợ mất chồng đang trông đợi con trai trở về trộn lẫn với niềm lo âu của người mẹ cho số phận của đứa con khi bà phát hiện ra khẩu súng được giấu bí mật dưới lớp ván gỗ.

Cách thức “bỏ rơi” nhân vật trung tâm để hướng đến nhân vật phụ là đồ vật, đồng thời, thông qua nhân vật phụ mà làm nổi rõ nhân vật trung tâm bằng sự so sánh song song ngầm ẩn là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật điện ảnh. Đồ vật có giá trị ẩn dụ hóa, mang ý nghĩa biểu hiện diễn biến nội tâm của con người.

Đến thời kỳ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, điện ảnh Nga cũng đã để lại cho nhân loại nhiều kiệt tác bất hủ. Ngoài những giá trị nội dung, sự vận dụng những kỹ thuật quay phức tạp cũng như việc khai thác góc quay, ánh sáng đầy sáng tạo, tác phẩm Đàn sếu baycòn để lại nhiều trường đoạn bất hủ, tác động mạnh mẽ đến thị giác và xúc cảm của người xem.

Khi đột ngột nghe thấy anh lính báo tin người yêu mình đã chết ngoài chiến trường bằng một giọng nói rất đỗi hồn nhiên, vô tình, Veronica chỉ im lặng, sững sờ. Hai bàn tay cô bóp chặt lấy chiếc khăn trong chậu xà phòng. Một âm thanh khô khốc, gọn ghẽ vang lên từ chiếc khăn bị vặn xoắn bằng một sức mạnh mãnh liệt sinh ra từ nỗi đau đớn bàng hoàng của cô gái đã đủ để thể hiện cơn chấn động tinh thần dữ dội đang chuyển biến bên trong cơ thể nhân vật.

Và cứ thế, Veronica cầm chặt chiếc khăn giữa hai bàn tay như giữ một sinh thể có khả năng chịu đựng tất cả lực dồn nén của nỗi đau trong cô, di chuyển dần vào căn phòng đầy bóng tối và bỏ mặc anh lính đang ngồi ngẩn ngơ với cây kèn Harmonica. Chiếc khăn hiện thân nỗi đau của nhân vật, đồng thời, là vật giữ thăng bằng cho tâm trạng nhân vật.

Khi Veronica quay trở ra theo hành trình ngược lại, giữ nguyên tốc độ chuyển động chậm rãi và nhẹ nhàng thả bung chiếc khăn vào chậu xà phóng, người xem có cảm giác cô đã chuyển phóng hết tất cả lực nén tâm lý vào chiếc khăn và tìm cách thoát ra khỏi sự tuyệt vọng. Đến cuối phim, khi biết rằng cái chết của Boris là một sự thật không thể chối bỏ, Veronica đã gục mặt vào đóa hoa trắng đang ôm trên tay mà khóc nức nở.

Khuôn mặt bị giấu kín trọn vẹn như một sự niêm phong kín đáo trong muôn vàn cánh hoa tạo ra hai hình ảnh đối lập: bó hoa tượng trưng cho niềm vui, sự hân hoan, hạnh phúc và gương mặt mang nỗi đau khổ, tuyệt vọng, mất mát. Thế nhưng, khi đặt hai hình ảnh ấy vào trong nhau, lấy cái này che khuất đi cái kia lại làm bật lên vẻ đẹp tuyệt vời của con người trong đau đớn. Những bông hoa trắng muốt rung lên theo tiếng nấc của cô gái mang đầy sức gợi, vừa bi thương, lại vừa trữ tình, lãng mạn.

Vật thể vô tri vô giác hiện hữu bên cạnh và song song với nhân vật, chuyển động cùng nhân vật và trở thành sự chuyển hóa của tâm trạng. Nước mắt, tiếng khóc không xuất hiện nhưng lại tràn ngập khắp không khí tác phẩm, tràn lấp khoảnh khắc và bóp nghẹt lấy người đọc, dồn dẩy cảm xúc của họ vào bên trong nhân vật, nhập làm một với nhân vật. Những khoảng lặng tột cùng của diễn xuất đã tạo nên những khoảng lặng tột cùng của tiếp nhận và dải băng tần cảm xúc liên tục truyền sóng từ nhân vật đến khán giả.

Nước mắt: góc quay của máy và tạo hình của diễn viên

Sự uyển chuyển, linh hoạt, tinh tế của máy quay trong nghệ thuật lấy cảnh (mise – en – shot) là một yếu tố quan trọng trong việc khai thác và chuyển tải thế giới cảm xúc. Đôi khi người đạo diễn chỉ quay nhân vật từ phía sau lưng, tái hiện lại sự rung động của đôi vai cũng đã vẽ lên cả bức tranh con người chìm trong nước mắt, nỗi đau. Sự tạo hình trong diễn xuất của diễn viên phối hợp với góc quay của máy đã mang lại một hiệu quả nghệ thuật cao.

Trong bộ phim câm Hòn đảo trụi của điện ảnh Nhật Bản, ngoài âm thanh của nước, tiếng dê kêu, tiếng trẻ em nô đùa… tạo nên thế giới hoạt động tràn đầy sức sống thì hầu như, các nhân vật chính tham gia vào câu chuyện đều không tạo nên một âm thanh nào.

Thế nhưng, một ngoại lệ duy nhất của âm thanh lại khiến cho cả màn ảnh rung chuyển và sức truyền cảm của tác phẩm đọng lại mạnh mẽ trong sự xuất hiện của âm thanh ấy. Sau khi đột ngột đổ hết thùng nước mà mình đã vất vả, khó nhọc mang về qua một chặng đường cheo leo, hiểm trở rồi bứt nhổ những mầm cây do hai vợ chồng chăm chút nuôi trồng, nhân vật nữ chính kêu thét lên một tiếng và đổ vật xuống đất.

Dáng nằm sấp, dẹp bẹp như úp hẳn mình vào đất cát, vùi vào đất cát khắc họa toàn bộ thân thể chuyển động trong nỗi đau của nhân vật, nhưng gương mặt bị che khuất trong chiếc nón lá to tròn. Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất người mẹ này bật khóc từ khi đứa con trai chết đi. Sự đày đọa của đời sống vật chất chật vật, khốn khó không đủ sức hủy diệt bằng sự giày vò của nỗi đau tinh thần.

Cùng với tiếng thét và cơn đổ vật ấy, nhân vật bùng nổ tất cả sức nặng bị dồn nén, chất chứa bên trong qua bao thăng trầm của cuộc sống với đỉnh điểm là nỗi mất mát đứa con trên bờ vực sinh tử. Hình hài người phụ nữ yếu đuối, nhỏ bé và đơn độc nằm dài giữa luống đất với chiếc nón lá úp trên đầu trong cơn khóc dài đã tạc nên nỗi đau dai dẳng và sục sôi, bị đào sâu nén chặt của thân phận con người.

Máy quay giữ ở vị trí góc quay từ trên cao đã thu vào khuôn hình sự tạo dáng của nhân vật và khiến cho con người hiện ra bé nhỏ, đẩy nhân vật úp sát vào đất đai như chìm lấp theo chiều từ trên xuống.

Điểm qua một vài tác phẩm điện ảnh kinh điển, có thể thấy rằng, với những đạo diễn tài năng và tinh tế, từng chi tiết đều có ý nghĩa quan trọng và là cả một thế giới phức tạp, giàu ý nghĩa. Chính vì vậy, họ lao động miệt mài và chăm chú đến từng đơn vị chi tiết. Mỗi chi tiết có một sức sống nội tại riêng và nối kết với nhau để tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn.

Bên cạnh đó, ý thức sáng tạo, sự khai thác linh hoạt và triệt để những đặc trưng riêng biệt của nghệ thuật điện ảnh đã mang lại những hiệu ứng độc đáo, đặc sắc cho đứa con tinh thần của họ. Ở đây, riêng đối với phương diện miêu tả và bộc lộ trạng thái đau khổ của nhân vật, một hệ chi tiết nhỏ nhưng có vai trò điểm chốt trong việc thúc đẩy cảm xúc của nhân vật, thúc đẩy giá trị biểu cảm của tác phẩm đến cao trào, các nguyên tắc sáng tạo đã thể hiện và minh chứng trọn vẹn ý nghĩa của chúng. Đôi mắt tinh tế của người đạo diễn sẽ mang lại sự thấu thị bằng cảm xúc cho người xem.

Bên cạnh đó, ngoài các kỹ thuật tạo dựng âm thanh ngoài khuôn hình, xây dựng thế giới đồ vật song song, kỹ thuật đặt góc quay và tạo hình của nhân vật…, vẫn còn nhiều thủ pháp nghệ thuật khác đặc tả thế giới nội tâm của con người được các nhà làm phim khai phá và vận dụng.

Những phân tích trên đây chỉ là một vài dẫn chứng nhỏ về sức sáng tạo lớn lao của người đạo diễn – nghệ sĩ trong thế giới điện ảnh.

Cuối cùng, trong cái nhìn mang tính liên hệ mở rộng đến điện ảnh Việt Nam, hình như các nhà làm phim còn chưa thực sự lưu tâm đến vấn đề này. Những cảnh quay dễ dãi theo hướng trực diện và cận cảnh vào gương mặt diễn viên cùng với tiếng khóc nức nở vẫn thường lặp đi lặp lại trên các thước phim của nước ta nhưng hầu như lại không khuấy động trong khán giả một chút cảm xúc nào, đồng thời, lại khiến cho khuôn hình trở nên thô vụng. Tinh tế, tế nhị và biểu cảm trong sáng tạo phải chăng vẫn còn là một bài học mà điện ảnh Việt Nam vẫn đang cần đến để mang lại cho khán giả một sự thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn hơn?

Theo KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ, ĐH KHXHVNV

Tags: