Bàn về ‘nhà nước liêm chính’

Trong lịch sử cũng như thời kỳ hiện đại, nhà nước liêm chính, mà trước hết là chính phủ liêm chính, là tất yếu khách quan cho sự tồn tại của nhà nước trước yêu cầu phát triển xã hội, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, dân chủ hóa xã hội và hội nhập quốc tế. 

Bàn về ‘nhà nước liêm chính’

Tác giả: PGS, TS Lê Minh Quân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017.

Những đặc trưng chủ yếu của nhà nước liêm chính là:

1. Chính đáng trong xác định chức năng, nhiệm vụ

Liêm đi đôi với chính, có chính mới có liêm, do vậy nhà nước liêm chính trước hết là nhà nước có tính chính đáng (tính chính danh, tính hợp thức). Tính chính đáng của nhà nước hình thành trên cơ sở: ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tính tất yếu khách quan trong việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước; yêu cầu, điều kiệnvà định hướng phát triển của xã hội.

Tính chính đáng của nhà nước là sự thừa nhận và tôn trọng của xã hội (thể hiện ở những chuẩn mực xã hội về sự phù hợp với lẽ phải và công bằng) đối với nhà nước về: chức năng và nhiệm vụ, vị trí và vai trò, quyền và nghĩa vụ (bổn phận), quy mô và phạm vi ảnh hưởng; tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức; các nguồn lực mà nhà nước sử dụng, những ích lợi mà nhà nước mang lại cho xã hội; khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Tính chính đáng của nhà nước bao hàm: tính đại diện (đại diện cho quyền và lợi ích của người dân); tính hợp pháp (tuân thủ các quy tắc, quy định pháp lý); tính hợp lý (khách quan, khoa học trong xác định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ); tính hợp lệ (sự thừa nhận và tin cậy của người dân, sự phù hợp với đạo đức và những giá trị xã hội khác); tính giá trị (sự hữu ích của nhà nước, của sự quản lý đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội, duy trì an ninh và trật tự – an toàn xã hội); v.v..

Trong chế độ dân chủ, tính chính đáng của nhà nước thể hiện ở: tính hợp hiến, hợp pháp thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, dựa trên các nguyên tắc của bầu cử tự do và công bằng; phạm vi, mức độ và chất lượng ủy quyền, mức độ và chất lượng ủy quyền càng cao, dân chủ càng thực chất thì tính chính đáng của nhà nước càng cao. Nhà nước tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật và chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nhà nước do người dân cử ra để quản lý đất nước và chịu sự kiểm tra, giám sát của người dân, chịu trách nhiệm trước người dân.

Tính chính đáng của nhà nước là cơ sở để xác định chức năng, nhiệm vụ, vị trí và tầm quan trọng của nhà nước. Theo đó, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước trở nên rõ ràng, không chồng chéo, ít tầng nấc; ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức quyền, trốn tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ; phân công, phân nhiệm trách nhiệm, nghĩa vụ rõ ràng, thẩm quyền giải quyết công việc cụ thể, bộ máy tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản; các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức… thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Tính chính đáng là cơ sở tạo nên sức mạnh và hiệu quả hoạt động của nhà nước, giảm thiểu chi phí cho quá trình thực thi quyền lực, quá trình quản lý nhà nước đối với xã hội.

Nhà nước cần đến tính chính đáng và phải giữ được tính chính đáng như là yêu cầu nội tại hàng đầu bảo đảm sự liêm chính. Đó là vì chỉ có căn cứ vào thực tiễn của yêu cầu, điều kiện và định hướng phát triển của xã hội mới có thể xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của nhà nước; từ chức năng, nhiệm vụ của nhà nước mới xác định được đúng tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của nhà nước, từ đó mới xác định được và đúng đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức, bộ máy, như cách nói của V.I.Lênin, là phục vụ nhiệm vụ chứ không phải ngược lại.

Sự liêm chính cần có từ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cơ chế vận hành đến phẩm chất và năng lực của mỗi cán bộ, công chức, thể hiện ở tính liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích của người dân lên trên hết; trước hết và tuyệt đối không vụ lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm (lợi ích nhóm với nghĩa tiêu cực); đúng đắn, công khai, minh bạch trong lời nói và việc làm; không lạm dụng quyền lực; thực hiện đúng trách nhiệm; không để thất thoát, lãng phí, không tham ô trong quá trình điều hành mọi hoạt động của nhà nước.

Hơn nữa, nhà nước liêm chính là một cơ thể sống hoàn chỉnh, được hoạt động với “công suất” cao nhất của cả bộ máy như một chỉnh thể thống nhất và của từng thành viên trong những chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Nhà nước liêm chính không phải là một tổ chức vô hình, trừu tượng, mà là một tập hợp đầy đủ các thành viên cùng chung sức thực hiện những mục tiêu chung và những chức năng, nhiệm vụ cụ thể được phân công đối với từng cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Mỗi công việc cụ thể đều có con người cụ thể phụ trách và phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá và truy cứu trách nhiệm với các hình thức biểu dương, khen thưởng đến các biện pháp kỷ luật, miễn nhiệm, bãi nhiệm, v.v..

2. Pháp chế trong tổ chức, vận hành bộ máy

Nhà nước liêm chính là nhà nước tôn trọng và thực hiện nghiêm pháp chế, bởi pháp chế là chế độ và trật tự pháp luật, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác; không có tổ chức, cá nhân nào, trong bộ máy nhà nước nằm ngoài sự quy định của hiến pháp, pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức nhà nước đều phải bị nghiêm trị. Pháp chế thể hiện sự đòi hỏi và những yêu cầu đối với các chủ thể pháp luật phải triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật trong mọi tổ chức và hoạt động của nhà nước. Từ đây, nhà nước liêm chính thể hiện bằng chính sách, pháp luật và thực thi công vụ của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức; ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả tình trạng lạm dụng chức quyền; mở rộng sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của nhà nước, nhất là hoạt động chính sách công.

Tổ chức và vận hành nhà nước theo nguyên tắc liêm chính đòi hỏi: thực hiện đúng sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật; pháp luật hóa các cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm minh; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền để trục lợi cá nhân; tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước theo các hệ thống, tiêu chuẩn liêm chính; xác định thực hành liêm chính là giá trị có tính nguyên tắc và cốt lõi; đồng lòng, cam kết và thực hiện liêm chính; có năng lực khuyến khích liêm chính; có môi trường liêm chính (môi trường hành chính công trong sạch, đơn giản hóa hành chính; minh bạch trong các lĩnh vực hành chính quản trị công, tài chính công, tài sản công, v.v..); có cơ chế bảo đảm không thể, không dám và không cần tham nhũng; thúc đẩy minh bạch, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Tổ chức, bộ máy nhà nước, nhất là bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn; nền công vụ và nền hành chính nhà nước mang tính ổn định và có tính độc lập tương đối; chế độ tuyển dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức dựa trên tài năng và cống hiến, bảo đảm công bằng; thường xuyên đổi mới, cải tiến để hoàn thiện; tận tụy phục vụ người dân. Có cơ chế giám sát bộ máy nhà nước, làm rõ các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; quy rõ trách nhiệm tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức. Có các cơ chế giám sát của nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội đối với tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước; phát huy vai trò các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong việc kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

Việc lựa chọn, tuyển dụng công chức dựa trên những nhu cầu và quy định cụ thể của từng vị trí trong hệ thống cơ quan nhà nước với tiêu chí hiệu quả cao nhất (kết quả cao nhất – chi phí thấp nhất). Việc tuyển chọn công chức được tiến hành công khai; mọi công dân đều có quyền và cơ hội trở thành công chức, có quyền và cơ hội tham gia lựa chọn và bãi miễn công chức. Hơn nữa, lựa chọn công chức trở thành quyền cơ bản và thiết yếu như quyền phổ thông của người dân, thay vì chỉ là công việc của chính bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức. Nhà nước chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Người đứng đầu cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân về tổ chức và hoạt động của nhà nước.

3. Chặt chẽ, nghiêm minh trong cơ chế kiểm soát quyền lực

Chặt chẽ, nghiêm minh trong cơ chế kiểm soát quyền lực là yêu cầu nội tại của nhà nước liêm chính. Đó là do quyền lực nhà nước trong quá trình tổ chức và thực thi luôn đòi hỏi sự tập trung cao, nhưng phải được kiểm soát. Tập trung và kiểm soát là hai mặt của một thể thống nhất trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

Trong nhà nước liêm chính, kiểm soát quyền lực là nhằm làm cho quyền lực nhà nước được thực hiện đúng mục đích, có hiệu lực và hiệu quả; ngăn chặn, phát hiện và xử lý những sai phạm. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong các tổ chức nhà nước bằng các thể chế, cơ chế kiểm soát và tự kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, các chuẩn mực đạo đức và dư luận xã hội. Kiểm soát quyền lực diễn ra thường xuyên, trong mọi giai đoạn, mọi khâu của quá trình thực thi quyền lực nhà nước, từ xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, thực thi pháp luật, chính sách đến giải quyết khiếu nại, tố cáo; từ ra quyết định đến tổ chức thực hiện và đánh giá quyết định.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước liêm chính là các chế độ, phương thức, cách thức, biện pháp và quy trình (trình tự) giải quyết các mối quan hệ giữa các thể chế nhà nước với nhau và với xã hội nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước luôn thuộc về nhân dân. Việc lựa chọn và sử dụng các cơ chế kiểm soát quyền lực do hoàn cảnh khách quan quy định, nhưng cũng phụ thuộc vào ý chí và năng lực chủ quan của người cầm quyền. Tính chất, bản chất và mục tiêu của chế độ chính trị và nhà nước quy định cách thức lựa chọn và sử dụng các cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước liêm chính là nhằm bảo đảm quyền lực của người dân và phục vụ lợi ích của người dân.

Trong điều kiện nhà nước liêm chính, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện trước hết bằng sự phân định rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước; thực hiện các cơ chế kiểm tra, giám sát, giải trình, chất vấn và phúc đáp; điều trần, tín nhiệm, miễn nhiệm và bãi nhiệm định kỳ và không định kỳ, v.v.. trên cơ sở các nguyên tắc, các quy định của hiến pháp, pháp luật. Ngoài ra, kiểm soát quyền lực nhà nước còn được thực hiện bằng cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa đảng cầm quyền, nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, v.v..

Nhà nước xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý, giám sát, điều hành bộ máy tổ chức và cán bộ, thay vì chỉ tập trung vào xử lý đối tượng riêng lẻ và các hành vi tham nhũng cá nhân. Có cơ chế ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng trốn tránh của cá nhân những người sai phạm; tạo thuận lợi cho việc xác định trách nhiệm và xử lý triệt để những sai phạm của tổ chức và cá nhân trong thực thi công vụ.

4. Công khai, minh bạch trong trách nhiệm giải trình

Trong nhà nước liêm chính, trách nhiệm giải trình là việc tổ chức, cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình; phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu hậu quả khi chưa làm tròn trách nhiệm. Theo đó, nhà nước phải thực thi trách nhiệm báo cáo một cách công khai, minh bạch, nhất là các hoạt động có liên quan đến quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước; thực hiện phân cấp, phân quyền theo hướng trao quyền tự chủ, sáng tạo cho địa phương, cơ sở và người dân. Nhà nước liêm chính là nhà nước có khả năng thực thi các quy định về trách nhiệm giải trình, thực hiện một cách công bằng và nhất quán các quy định của chính sách, pháp luật; giảm thiểu các cơ hội cho việc sử dụng quyền hạn một cách tùy tiện.

Trách nhiệm giải trình bao gồm nhiều nội dung, từ giải trình về tính hợp hiến, hợp pháp, đúng đắn của các quyết định đến công tác tổ chức, cán bộ và xử lý khiếu nại, tố cáo v.v.. Trách nhiệm giải trình không chỉ là trách nhiệm có tính đạo đức mà còn có tính pháp lý; không chỉ tạo sự thống nhất và đồng thuận mà còn có tính chế tài trong các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan hành chính nhà nước trước xã hội. Trách nhiệm giải trình còn là kênh đối thoại giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các thông tin, quyết định và biện pháp của cơ quan quản lý nhà nước.

Trách nhiệm giải trình bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ máy nhà nước nói chung, của những người nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước, trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (tập trung vào việc tuân thủ quy tắc, các chỉ thị và chỉ đạo từ bộ máy nhà nước, với đặc điểm là cấp bậc và hình thức thưởng phạt về hành chính); trách nhiệm giải trình của cấp trên đối với cấp dưới (tập trung vào các kết quả mà một cá nhân hay một cơ quan có trách nhiệm thực hiện với đặc điểm là tiếp nhận sự phản hồi từ người dân về cung cấp dịch vụ công) và sự tham gia trong quá trình ra quyết định; trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước đối với xã hội (trách nhiệm ra bên ngoài). Giải trình không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền của một chủ thể nhất định khi giải thích cho việc làm của mình là đúng đắn, hợp pháp. Trách nhiệm giải trình không chỉ mang tính bị động (khi có yêu cầu) mà còn mang tính chủ động (để tìm sự ủng hộ, chia sẻ, đồng thuận xã hội) từ phía cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch, thường xuyên và kịp thời, các cơ quan nhà nước, các cấp lãnh đạo, quản lý cần tiến hành theo các bước: cam kết trách nhiệm giải trình; đánh giá rủi ro giả thiết sẽ xảy ra khi vi phạm cam kết giải trình; thiết kế, xây dựng chương trình giải trình; triển khai thực hiện giải trình; giám sát quá trình thực hiện; báo cáo kết quả giải trình và chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước cơ quan dân cử, người dân và doanh nghiệp về giải trình.

5. Liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức trong nhà nước liêm chính, trước hết là người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, vì có cần, có kiệm thì mới liêm khiết, chính trực. Đó là những người chịu trách nhiệm trước người dân; chịu khó học hỏi, cầu tiến bộ, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; biết phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm; chân thành, đoàn kết, thật thà, trung thực, khiêm tốn; “dĩ dân vi bản”, “dĩ công vi thượng”; không sợ nguy hiểm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ; có kế hoạch, sáng kiến, có năng lực và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách; giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân; có khả năng xử lý xung đột, trình độ giao tiếp tốt; cần cù, chăm chỉ làm việc, biết sử dụng của công hợp lý, có ích; giữ mình trong sạch, không tham ô, hối lộ; xử lý công việc chính xác, ngay thẳng, không thiên vị.

Về ý thức và quyết tâm chính trị, cán bộ, công chức trong nhà nước liêm chính là những người ưu tú, có ý thức, có lý tưởng và quyết tâm chính trị, lấy mục đích cao nhất là phục vụ người dân, phục vụ đất nước. Về năng lực và trình độ, đó là những người được lựa chọn, tuyển dụng một cách nghiêm túc; được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, khoa học; được quản lý, sử dụng một cách hợp lý; được tạo cơ hội thăng tiến một cách công bằng; được đãi ngộ một cách xứng đáng dựa trên năng lực và cống hiến. Về thái độ và trách nhiệm, đó là những công bộc của dân; có kỷ luật, mẫn cán và chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Về đạo đức và tư cách, đó là những người tận tụy phụng sự người dân, tận tâm thực thi pháp luật. Đó là những người, theo cách nói của Hồ Chí Minh, đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát huy điều hay, sửa đổi những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Về phong cách, đó là những người giản dị, gần dân, thân dân, tôn trọng và học hỏi dân; chăm lo tiết kiệm sức dân, bồi dưỡng sức dân.

Như vậy, nhà nước liêm chính ở cả góc độ tổ chức bộ máy, con người và công việc là nhà nước thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm quyền làm chủ của người dân; nhận thức và thực hiện đúng đắn quyền hạn và trách nhiệm của mình; biết thực hành liêm và giữ liêm, biết chống bất liêm bằng pháp luật, bằng đạo đức, bằng lời nói và việc làm; v.v.. Nhà nước liêm chính không chỉ thể hiện ở phẩm chất đạo đức mà còn thể hiện năng lực pháp lý của bộ máy và cán bộ, công chức nhà nước. Nhà nước liêm chính, như cách nói của Hồ Chí Minh, là nhà nước “xóa bỏ những tiêu cực như tham lam, gian giảo, lười biếng”, ngăn chặn và khắc phục “những tệ trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ và kiêu ngạo”; “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”; nhà nước vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

——————————-

Tài liệu tham khảo

1. D.Acemoglu và James A.Robinson: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, Tại sao các quốc gia thất bại, NxbTrẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2013.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) – Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Tài liệu giảng dạy phương pháp quản lý đào tạo cán bộ và công chức (Dùng cho hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.
3. Ngân hàng Phát triển châu Á: Các nguyên tắc về liêm chính và hướng dẫn, tháng 12-2012.
4. Lê Minh Quân, Bùi Việt Hương (Đồng chủ biên): Những tiếp cận mới về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
5. Đặng Đình Tân: “Phát huy dân chủ trong hoạch định chính sách công”,Tạp chí Lý luận chính trị, số 10-2006.
6. Phạm Thái Việt:Vấn đề điều chỉnh chức năng và thể chế nhà nước dưới tác động của toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.
7. Trịnh Thị Xuyến: Kiểm soát quyền lực nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ 

Tags: , ,