Bàn về mối quan hệ giữa nghệ thuật với tín ngưỡng

Cái gì là cầu nối giữa sự vô tri vô giác hay là những ý tưởng rất mờ ảo vốn có của tín ngưỡng nói chung với loài người trần tục? Đó chính là đời sống tinh thần, là nghệ thuật.

Bàn về mối quan hệ giữa nghệ thuật với tín ngưỡng

Một mặt thì nghệ thuật đơn giản hóa những khía cạnh khó hiểu của tín ngưỡng qua những biện pháp như ẩn dụ hay hình tượng hóa. Nhưng chính nghệ thuật cũng tiếp thêm sức sống cho tín ngưỡng bằng cách khớp chúng với những lý tưởng của con người. Chính nhờ sự “sắp đặt” mang tính tự nhiên ấy mà tín ngưỡng có chỗ đứng trong tâm thức con người. Không nói gì xa, chúng ta có thể thấy ngay điều này trong những đồ vật mà các dân tộc, tôn giáo,… trên thế giới bày biện trong nhà họ nhằm mục đích trừ tà hay cầu phúc.

Tranh in ván gỗ

Ví dụ rõ ràng nhất minh chứng cho sự xuất hiện của nghệ thuật trong các đồ vật mang tính tín ngưỡng là những bức tranh dân gian in ván gỗ. Người dân các quốc gia châu Á, kể cả Việt Nam nữa, có phong tục treo trong nhà mình một, hai bức tranh truyền thống vừa như là vật trang trí, lại vừa như một cách để rước lộc vào nhà. Chính vì thế mà chủ đề của các bức tranh này thường xoay quanh những bối cảnh sống thường ngày như cảnh chợ, cảnh chùa chiền, cảnh lễ hội,… Bối cảnh nào cũng toát lên sự thanh nhã, vui vẻ, phồn hoa. Đấy chính là cái cách để người ta gửi gắm ước mong về một cuộc sống tương lai viên mãn và đầy tính thẩm mĩ.

Một bước cao hơn nữa, chúng ta có thể nhận ra phong tục tranh thờ của nhiều dân tộc tại Việt Nam, Thái Lan, Nepal, và các quốc gia Đông Á khác. Tính hình tượng hóa là một cấu thành không thể thiếu của tranh thờ – cho dù đối tượng được bức tranh miêu tả có là Đức Phật từ bi hỉ xả hay các giống loài quỷ hung dữ cõi địa ngục thì cũng đều được vẽ sao cho nhân vật trở thành lý tưởng của chính những đức tính họ đại diện. Đây là một thủ pháp nghệ thuật không có gì mới mẻ, nhưng sức ảnh hưởng lên nội tâm người xem tranh khó có thể đo đếm hết được.

Indulgence

Trong đời sống người Công giáo, nhiều nhà thờ khi xưa có tục ban phát cho các cá nhân sùng đạo và sống có đức độ trong số con chiên của họ những tờ giấy chứng nhận gọi là “Indulgence”. Những tờ giấy này là minh chứng cho những hành vi ngoan đạo của người được nhận, từ đó các tội lỗi bản thân gây ra đã được tha thứ. Rồi sau khi người đó qua đời thì linh hồn của họ sẽ đi lên thiên đàng. Thoạt đầu các “Indulgence” được các cha xứ viết tay, rồi sau khi máy in bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 15, người ta bắt đầu khắc nên những âm bản trên gỗ để in “Indulgence”, tương tự như cách các nghệ nhân Việt Nam in tranh dân gian vậy.

Đến nay các viện bảo tàng vẫn còn giữ lại được nhiều tờ “Indulgence” từ thời trung cổ với những hình ảnh và câu chữ được thể hiện một cách rất xinh đẹp. Những mô-típ trang trí thường thấy trên tượng, tranh tường, và các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khác cũng cùng có mặt trên những tờ “Indulgence”, cho thấy một sự kết nối giữa người nghệ sĩ và lý tưởng nghệ thuật. Nếu xét thêm cả các tài liệu khảo cứu nói rằng trong nhà thờ xưa có cả một tầng lớp tu sĩ chuyên làm “Indulgence”, thì thật chẳng có lý do gì không xếp những tờ giấy chứng nhận này vào nhóm các tác phẩm nghệ thuật cả.

Kadomatsu

Nếu có một dân tộc là bậc thầy của nghệ thuật sắp đặt, thì đó là người Nhật Bản. Với một nền văn hóa thấm đẫm chất pagan của Thần đạo và tư tưởng Thiền của Phật giáo, người Nhật rất quan trọng không chỉ đặc tính của một vật thể, mà còn cả vị trí, cách thức vật thể đó nằm trong một bối cảnh nhất định. Chính mối quan tâm đó đã được người Nhật thể hiện ra cuộc sống thường ngày dưới hình thức của những tác phẩm nghệ thuật như vườn đá và cây cảnh bonsai.

Một nét tín ngưỡng mang màu sắc của nghệ thuật sắp đặt Nhật Bản là những cái chậu Kadomatsu. Để làm được một chậu Kadomatsu là cả một quá trình vô cùng công phu. Sau khi người thợ đã tìm được một cái chậu ưng ý, họ sẽ lấy ba thanh tre dài ngắn khác nhau để cắm vào chậu. Ba thanh tre này biểu trưng cho Thiên – Địa – Nhân, còn những thứ hoa cỏ bày biện dưới chân chúng là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Thường thì trước cửa nhà người Nhật vào ngày đầu năm mới sẽ đặt hai chậu Kadomatsu ở mỗi bên, một bên là đàn ông, bên còn lại tất nhiên là đàn bà. Đến ngày trăng rằm tháng giêng, các gia đình sẽ đem những chậu Kadomatsu của nhà mình hóa đi giống như người Việt Nam đốt vàng mã vậy.

Tuy chịu ảnh hưởng rất nhiều của nghệ thuật cắm hoa Ikebana, nhưng nguồn gốc của Kadomatsu lại nằm trong hệ tư tưởng của Thần đạo – người Nhật theo Thần đạo tin rằng mọi vật đều có linh hồn của riêng chúng, và ngày năm mới là dịp để các linh hồn này dạo chơi. Họ coi những chậu Kadomatsu như là các đền thờ nhỏ đặt trước cửa nhà mình để mời các linh hồn vào chơi, rồi sau đó sẽ phù hộ cho gia chủ trong cả năm – một truyền thống tương tự ở Việt Nam là tục đón ông Công, ông Táo vào đêm 30 Tết.

Thảm Ba Tư

Danh tiếng của thảm Ba Tư (nay là đất nước Iran) đã vang đến mọi ngóc ngách của đời sống tinh thần và vật chất trên khắp thế giới. Những tấm thảm Ba Tư được dệt bằng len, tơ tằm hay sợi bông có những hoa văn phức tạp đến mức một nghệ nhân chuyên nghiệp cũng mất đến ba, bốn năm để dệt xong một tấm thảm. Bất cứ gia chủ nào sở hữu một tấm thảm Ba Tư cũng sẽ khiến cho ngôi nhà của họ trở nên sang trọng hơn gấp nhiều lần. Tuy vậy, nhiều người mua thảm Ba Tư mà không nhận ra giá trị tín ngưỡng của những đồ vật này.

Theo phong tục xa xưa, người Ba Tư cho rằng nếu họ trải những tấm thảm có họa tiết mang tính trừ tà thì sẽ ngăn chặn được quỷ dữ đi vào nhà họ. Sau này, họ lại có thêm ý nghĩa về việc giáo dục con người của thảm Ba Tư. Những người Ba Tư theo đạo Hồi một ngày phải tổ chức cầu nguyện ba lần, lần nào họ cũng phải quỳ gối cúi đầu. Trong lúc cúi đầu như thế thì cái đầu tiên đập vào mắt họ là những tấm thảm. Vì thế cho nên người Ba Tư mới bắt đầu dệt vào thảm những đoạn trích hay cả một bức tranh mô tả cảnh lấy từ trong Kinh Koran để họ có thể luôn luôn học theo lời răn của Thánh Allah.

Giá trị nghệ thuật của thảm Ba Tư vì thế không thể nào tách riêng ra khỏi giá trị tôn giáo của chúng, cũng giống như là những nhà thờ Hồi giáo với tư cách di sản kiến trúc – nhiều họa tiết, mô-típ trang trí có mặt trong cả nhà thờ lẫn trên những tấm thảm. Ngày nay, trong bối cảnh nhiều nét tín ngưỡng của Hồi giáo đang dần dần đi vào quên lãng, những giá trị được lưu trữ trong từng sợi vải của những tấm thảm vẫn còn đang tồn tại và phát triển rất mạnh. Đó chính là nhờ cách thể hiện tín ngưỡng qua nghệ thuật như đã nói ở trên đã tiếp thêm sức sống cho cả hai.

*

Vẫn còn nhiều người lầm tưởng rằng, cuộc sống thường ngày của họ không hề có sự hiện diện của nghệ thuật. Trái lại, nghệ thuật có ở mọi nơi trong cuộc sống của họ, từ cách ăn nói đến biểu lộ cảm xúc bằng ngôn ngữ cơ thể. Vậy nên, nghệ thuật có thể được tìm thấy ở mọi nơi, kể cả trong những vật dụng để trừ tà hay rước lộc về nhà. Thật chẳng có gì lạ khi nghệ thuật cũng xen vào lĩnh vực tâm linh nói chung và cách đồ vật nhằm mang lại hạnh phúc cho người sở hữu chúng. Mà chẳng phải rốt cục cả hai – nghệ thuật và tâm linh – chẳng phải đều là chỗ để chúng ta gửi gắm những ước mong về một tương lai đẹp đẽ, hạnh phúc và no đủ sao?!

Theo CÔNG HỘI / VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN

Tags: ,