⠀
Bài học từ cách truyền thông Nhật Bản ứng xử trước thảm họa
Trong hoàn cảnh người dân đang gánh chịu thảm họa, việc họ ngừng phát các chương trình giải trí sẽ gây thiệt hại kinh tế tức thời, nhưng hành động đó là trách nhiệm của “người trong một nước”.
Ngày 11/3/2011, một trận động đất lớn xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, kéo theo sóng thần khổng lồ và sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima, khiến nước Nhật gánh chịu thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong những ngày đó tôi đang du học tại Nhật Bản. Cho dù cách xa tâm chấn khoảng 700km và an toàn, người thân ở Việt Nam vẫn vô cùng lo lắng và muốn gọi tôi về nhà. Lúc đó tôi vừa bảo vệ xong luận văn cao học và công việc chính là dịch các bản tin trên báo, tóm tắt các bản tin trên truyền hình về thảm họa thiên tai, đưa lên mạng xã hội, blog cho bạn bè người Việt ở Nhật và gia đình ở quê nhà đọc..
Công việc giống như một phóng viên “bất đắc dĩ” đó đã giúp tôi hiểu thêm về cách thức ứng xử của truyền thông nước Nhật trước thảm họa thiên tai.
Phản ứng tức thời
Ngay sau khi động đất xảy ra, các hãng truyền hình, phát thanh Nhật Bản đã ngay lập tức thiết lập một chương trình đặc biệt với quy mô lớn chưa từng thấy để đưa tin về thiên tai. Riêng NHK, hãng truyền hình lớn có sử dụng ngân sách công để phát sóng, đã dừng các chương trình truyền hình thường lệ để dành 60 tiếng liên tục phát tin tức về thảm họa thiên tai này kể từ khi động đất xảy ra. Tính chung trong vòng hai tuần kể từ khi xảy ra động đất, NHK đã trở thành hãng truyền hình dành nhiều giờ phát sóng nhất về thiên tai với trên 300 giờ phát sóng.
Các hãng truyền hình khác như Truyền hình Nhật Bản, Truyền hình Asahi, Truyền hình Tokyo, TBS… đều có các động thái tương tự. Họ đã cắt các chương trình thường lệ và thay vào đó là chương trình đưa tin thiệt hại, hướng dẫn cứu trợ nạn nhân. Họ đã chấp nhận thiệt hại về kinh tế khi cắt đi thời gian vốn dành cho quảng cáo để thay vào đó là nội dung liên quan đến thiên tai.
Một bảng thống kê sơ bộ trên mạng cho biết hầu hết các kênh truyền hình, phát thanh nói trên đều dành ít nhất 14 giờ đồng hồ sau khi động đất xảy ra dành cho các bản tin và chương trình liên quan đến thiên tai.
Bày tỏ sự cảm thông
Trong bối cảnh người dân ở các tỉnh Đông Bắc bị thiệt hại nặng nề vì động đất, sóng thần và cả nước lo lắng vì rò rỉ phóng xạ, các kênh truyền hình ở Nhật đã ngưng chiếu các chương trình, bộ phim giải trí một thời gian để dành thời gian phát sóng nội dung liên quan đến cứu trợ thiên tai, bản đồ các khu vực nhiễm phóng xạ. Chẳng hạn NHK đã tạm thời ngưng chiếu bộ phim truyền hình “Teppan” hay “Go” đang ăn khách để phát sóng chương trình đặc biệt chuyên đưa tin tức liên quan tới trận động đất Đông Nhật Bản. Các bộ phim này được phát sóng lại như thường lệ vào ngày 19, tức là hơn một tuần sau khi thảm họa thiên tai xảy ra.
Bộ phim “Ohisama” vốn dự định được phát sóng từ ngày 28/3 đã được dời đến ngày 4/4. Kênh truyền hình giáo dục của NHK cũng tạm ngừng cả chương trình dạy tiếng nước ngoài và chương trình về nhà trường. Tuy nhiên sau đó, để đáp ứng nhu cầu của trẻ em, NHK đã tiếp tục chương trình giáo dục vào hai khung giờ: 7-9 giờ sáng và 4-6 giờ chiều.
Truyền hình Asahi cũng tạm dừng các chương trình nấu ăn, giải trí như “Căn phòng của Tetsuko” và chỉ đến ngày 15 các chương trình này mới được phát sóng trở lại.
Nhìn chung, theo quan sát của tôi trong những ngày đang sống ở Nhật đó thì các kênh truyền hình dù lớn dù nhỏ đều dành ưu tiên cho thông tin liên quan đến thiên tai và hạn chế hoặc ngừng phát sóng các chương trình hài, giải trí, quảng cáo.
Tại sao các hãng truyền thông làm như vậy?
Trong số các hãng truyền hình nói trên thì chỉ có hãng NHK (Hiệp hội phát thanh truyền hình Nhật Bản) là có nhận tiền từ ngân sách phục vụ phát sóng các chương trình giáo dục, phúc lợi xã hội. Các kênh truyền hình khác thuần túy là doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ đã chấp nhận hi sinh quyền lợi kinh tế, thậm chí vi phạm hợp đồng với đối tác để cung cấp các chương trình phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn và bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân của thảm họa động đất sóng thần.
Tại sao họ lại làm như vậy? Phải chăng trong điều lệ của hiệp hội phát thanh truyền hình nước Nhật có điều khoản nào đó ràng buộc họ? Tôi chưa có điều kiện tìm hiểu điều đó, nhưng nếu có thì có lẽ hành động của họ cũng không phải chỉ đơn giản xuất phát từ điều đó.
Trong những ngày ấy, nước Nhật thực sự đứng trước khó khăn vô cùng nghiêm trọng, nhưng người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng mua xăng và trật tự tìm nơi sơ tán. Giá cả hàng hóa không hề leo thang và trật tự xã hội vẫn được kiểm soát tốt.
Trong thảm họa, thái độ và hành vi của những người có trách nhiệm, của truyền thông sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình chung. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi thảm họa xảy ra, người Nhật đã không giấu nổi sự kinh ngạc cũng như thay đổi cách nhìn về giới trẻ khi chứng kiến sự tham gia tình nguyện của thanh niên trên khắp nước Nhật vào công tác cứu hộ, cứu nạn ở vùng Đông Bắc.
Truyền thông nước Nhật ít nhiều đã có đóng góp trong việc tạo ra sợi dây gắn kết, cảm thông và chia sẻ giữa mọi người trong hoạn nạn và lan tỏa các giá trị nhân văn đó. Trong các thảm họa thiên tai lớn, thiệt hại thứ phát có khi lớn hơn thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra trực tiếp. Thông tin nhanh, chính xác, kịp thời là một cách phòng chống các thiệt hại thứ phát đó. Vai trò và trách nhiệm của truyền thông trong các tình huống khẩn cấp được thể hiện ở đó.
Các ông chủ truyền thông Nhật đủ thông minh để hiểu rằng truyền thông luôn được xã hội nhìn nhận như là một phương tiện bảo vệ và nêu cao chính nghĩa. Trong hoàn cảnh nước Nhật gặp khó khăn và người dân đang gánh chịu thảm họa, việc họ ngừng phát các chương trình giải trí sẽ gây thiệt hại kinh tế tức thời, nhưng hành động đó cũng là hành động nâng cao uy tín và là trách nhiệm của “người trong một nước”.
Theo NGUYỄN QUỐC VƯƠNG / VIETNAMNET
Tags: Truyền thông - Báo chí, Thảm họa động đất - sóng thần Nhật Bản 2011, Nhật Bản