Bắc thang lên hỏi ông trời. Tiền chơi đa cấp có đòi được chăng?

Kịch bản đa cấp và tiền ảo lâu nay đều tương tự. Chỉ khác là cách thể hiện, biến hóa theo thực tế một cách sáng tạo đến ngạc nhiên.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, một doanh nhân trong lĩnh vực du lịch.

Buồn cười. Tiếng Việt quả khó hiểu. Đã buồn làm sao cười nổi? Hay là cười mếu. Vui mới cười chứ. Thế mới có nhiều chuyện để nói.

Thói thường, buồn đi với khóc, vui đi với cười. Ấy vậy mà thiên hạ chỉ nói “vui cười”, chứ không thấy ai nói “buồn khóc”, mà chỉ có buồn đau. Vui cười là phản xạ tự nhiên, theo bản năng nhưng niềm vui tột độ sẽ bật thành tiếng khóc. Khóc vì sung sướng cực đỉnh, vì hạnh phúc vô bờ. Đó là phản xạ có điều kiện của con người. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng một vài lần khóc vì vui. Buồn cười thì ít hơn. Buồn quá thì khóc cho vơi. Cố vượt qua nỗi buồn thì cười, vì mình vừa chiến thắng được nỗi buồn. Nụ cười tự tin, đi qua nỗi buồn, bỏ lại sau lưng và bước tới. Có người gọi đó là “thiền động”. Cách nghĩ này khác với lâu nay, buồn cười gần giống tức cười, những chuyện lếu láo.

Tôi muốn nói tới chuyện các nạn nhân tiền ảo đang tụ tập, giăng băng rôn tố cáo những nhà lừa đảo và cầu cứu chính quyền mà dư luận và mạng xã hội đang tràn ngập “còm” tá lả. Người mất tiền thì uất ức. Người bị tố cáo liên lụy thì thanh minh thanh nga vì “tình ngay lý gian” hoặc cố tình ngụy biện. Cộng đồng mạng cũng chia thành mấy phe. Người đả kích, kẻ thông cảm hoặc trung dung hay im lặng và tự rút bài học cho minh. Sau cơn cuồng nộ và tuyệt vọng, có người bật cười vì sự cả tin, nhẹ dạ của mình. May mà đổ bể sớm, thiệt hại đã chừng đó… Có người lạnh lùng phán “Có gan chơi thì có sức chịu. Mắc mớ gì cầu cứu ai. Nhà nước còn khối chuyện quan trọng gấp mấy, phải tập trung và ưu tiên giải quyết”.

Tham lam và hảo ngọt là thuộc tính của con người. Thời nào và ở đâu cũng vậy. Mật ngọt không chỉ chết ruồi mà còn chết người. Nên kẻ nịnh hót thời nào cũng có đất dụng võ, thậm chí còn sống khỏe. Còn lòng tham thì vô chừng. Nó lây lan và nguy hiểm không kém ma túy. Bụp vô là ghiền. Không chỉ tham tiền mà còn tham đủ thứ. Của cải, tình cảm, chức tước, bằng cấp, quan hệ… Cái gì cũng tham, bất chấp mọi cảnh báo và sự phi lý của thực tế.. Ấy là tôi muốn nói, làm gì mà mỗi tháng sinh lãi tới 48%. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mỗi năm chỉ mong lời được 1/10 trong một tháng của họ, là đã mừng hết lớn. Nhiều người chỉ ước không lỗ, bảo toàn được vốn là may mắn. Vậy mà ngồi không, tiền tự đẻ ra lời mỗi tháng 48%? Còn hơn chuyện khoa học giả tưởng mà bao nhiêu người tin một cách cuồng tín. Hơn cả thiêu thân!

Kịch bản đa cấp và tiền ảo lâu nay đều tương tự. Chỉ khác là cách thể hiện, biến hóa theo thực tế một cách sáng tạo đến ngạc nhiên. Ngay lúc này, hậu quả nhãn tiền như vậy nhưng các mạng tiền ảo và đa cấp vẫn rôm rả huấn luyện, tổ chức hội thảo ở nước ngoài với rất nhiều lời có cánh. Người tham gia vẫn ngày một đông. Cũng giống như đánh bài. Biết là cầm chắc thua mà vẫn cố đánh. Trò chơi may rủi này càng phát triển là vì vậy.

Có ai đó nghêu ngao: “Bắc thang lên hỏi ông trời. Tiền chơi đa cấp có đòi được chăng? Trời rằng, trời chẳng ngồi không. Chơi tiền đa cấp, mần răng mà đòi!”…

Dù người dân phớt lờ mọi cảnh báo, khi bị lừa đau và kêu cứu, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo các ngành vào cuộc. Nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Phải biết giữ mình trước những lời mật ngọt tẩm thuốc mê. Phải tự răn mình trước những hấp lực của lòng tham vô đáy.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,