Áp lực đè nặng lên thế hệ ra đời từ chính sách một con ở Trung Quốc

Chuyên gia nhận định áp lực kinh tế cùng cạnh tranh khốc liệt khiến nhóm sinh vào thời điểm Trung Quốc áp dụng chính sách một con hiện mắc kẹt giữa việc chăm sóc con cái và cha mẹ.

Áp lực đè nặng lên thế hệ ra đời từ chính sách một con ở Trung Quốc

Trao đổi với Zing, ông Jiang Quanbao – giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển và Dân số Trung Quốc, Đại học Giao thông Tây An – cho hay tại Trung Quốc, hiện có nhiều người trẻ phải phấn đấu để nuôi con lẫn cha mẹ.

Ông chỉ ra thuật ngữ cấu trúc gia đình 4-2-1 – tức là một gia đình gồm bốn người lớn tuổi (ông bà nội và ông bà ngoại), hai cha mẹ và một người con.

“Hiện nay, với hệ thống an sinh xã hội, một số người lớn tuổi được hưởng lợi, trong khi có người thì không”, ông nói. “Do đó, những người trẻ tuổi phải phụng dưỡng cha mẹ già. Theo truyền thống, những người lớn tuổi ở Trung Quốc dựa vào con cái khi về già”.

Theo Think China, những đứa trẻ đầu tiên sinh ra trong chính sách một con của Trung Quốc – nhóm nhân khẩu sinh trong khoảng năm 1976-1985 – từng được gọi là “tiểu hoàng đế” vì thu hút mọi sự chăm sóc, quan tâm. Giờ đây, họ được gọi là “thế hệ bánh mì kẹp”: Áp lực gấp đôi, mắc kẹt giữa nghĩa vụ chăm sóc con cái và cha mẹ già yếu.

Ông Jiang chỉ ra mặc dù trên toàn thế giới, các cặp đôi chỉ có một con là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là khi mức sinh toàn cầu ngày càng giảm, hiện tượng này tại Trung Quốc gây chú ý bởi chính sách một con.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ việc cùng lúc chăm sóc con cái và phụng dưỡng cha mẹ già không phải là gánh nặng lớn nhất. Gánh nặng nhất với người trẻ phải kể tới thị trường bất động sản, căn hộ đắt đỏ. Dưới áp lực kinh tế, cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ, những người trẻ tuổi bị mắc kẹt trong việc chăm sóc con cái và cha mẹ”, ông nói thêm.

Trung Quốc thực hiện chính sách một con vào năm 1980 để giảm bớt dân số, tạo điều kiện cho tăng trưởng cho kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này đã được điều chỉnh trong thập kỷ qua. Trung Quốc vào tháng 7/2021 cũng đưa ra quyết định cho phép một cặp vợ chồng có ba con và thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng và lâu dài, Tân Hoa xã đưa tin.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán quy mô dân số quốc gia đông nhất thế giới sẽ bắt đầu thu hẹp trong năm nay. Dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng sẽ “tăng tốc” trong thời gian tới, trong khi tỷ lệ sinh giảm trong nhiều năm. Đây được đánh giá là bước ngoặt với những ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của quốc gia này, theo Financial Times.

Tỷ lệ sinh phản ánh mong muốn có con

Trao đổi với Zing, ông Jiang cho hay có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ dân số sụt giảm. Yếu tố đầu tiên mà vị giáo sư nhắc tới là số lượng sinh đã giảm.

“Có 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi xuống. Đối tượng này hiện trong độ tuổi từ 20-40, tức sinh năm 1980-2000, khi chính sách một con của Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt. Thứ hai, mức sinh (số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh ra) cũng giảm”, ông cho biết.

Theo điều tra dân số năm 2020, mức sinh của Trung Quốc chỉ có 1,3. Trong khi đó, Reuters cho hay mức tiêu chuẩn dân số ổn định của OECD là 2,1.

“Do đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cùng với mức sinh cùng bị thu hẹp dẫn tới số lượng sinh giảm”, vị giáo sư cho biết.

Yếu tố thứ 2 mà ông Jiang chỉ ra là tỷ lệ tử vong và số người chết tăng. “Mặc dù người dân Trung Quốc được hưởng cơ sở y tế công cộng tốt hơn và tuổi thọ kéo dài, tốc độ già hóa nhanh chóng đồng nghĩa tỷ lệ người lớn tuổi, tử vong và số người chết hàng năm cũng tăng lên”, ông nói.

Từ năm 1990 đến 2021, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc tăng từ 68,6 lên 78,2. Tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng hơn gấp đôi, từ 5,3% lên 13,5%.

“Do đó, 2 yếu tố trên dẫn đến quy mô dân số thu hẹp, vượt quá mức cho phép trong năm 2022 này”, ông Jiang cho hay.

Bên cạnh đó, vị giáo sư cho rằng cần kể đến sự phát triển kinh tế và chính sách một con của Trung Quốc cũng góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Ông Jiang nói trong khi chính sách một con là nguyên nhân chính cho vấn đề này vào khoảng những năm 1980-1990, hiện tại, phát triển kinh tế là động lực khiến mức sinh của Trung Quốc giảm, trong bối cảnh rất nhiều người không có ý định sinh con.

“Ý định sinh giảm đi liền với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc”, ông nói, cho biết thêm trong các năm 2013, 2016 và 2021, Trung Quốc đã áp dụng chính sách sinh 2 con có chọn lọc (selective two-child), phổ cập 2 con (universal two-child) và phổ cập 3 con (universal three-child).

Theo Sciencedirect, chính sách “sinh hai con có chọn lọc” quy định các cặp vợ chồng có thể có hai con nếu một trong hai người là con một, trong khi chính sách “hai con phổ cập” quy định tất cả gia đình đều có thể có hai con.

Giáo sư Jiang nhận định số lượng sinh gần như giảm liên tiếp trong vài năm. “Điều này cho thấy tỷ lệ sinh phản ánh mong muốn có con thấp của mọi người”, giáo sư Jiang nói.

“Sinh thêm con không khiến người Trung Quốc giàu thêm”

Ông Jiang cho hay Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp vừa khuyến khích sinh đẻ, vừa giải quyết tình trạng già hóa dân số.

Tuy nhiên, vị chuyên gia từ Đại học Giao thông Tây An cũng chỉ ra thách thức lớn, khi quy mô gia đình ngày càng nhỏ, trong khi lực lượng lao động thu hẹp. “Điều này có thể gây cản trở tới sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”, ông nhận định.

Dẫu vậy, ông Jiang cũng nói một số quốc gia đã chứng kiến tình trạng dân số sụt giảm.

“Đây là quá trình tự nhiên và cần chú ý tới, nhưng không nên làm quá hiện tượng này. Do quy mô dân số, mức độ suy giảm của Trung Quốc sẽ lớn hơn so với các quốc gia khác”, vị giáo sư cho biết.

Ngoài ra, không phải chuyên gia nào cũng bi quan về tác động của tỷ lệ dân số già tới nền kinh tế.

“Nếu mọi người đều sinh con thứ hai, thì tài sản trung bình của một người Trung Quốc sẽ thấp hơn trong dài hạn, khi mức sinh cao làm giảm thu nhập bình quân đầu người. Nói cách khác, sinh thêm con không khiến người Trung Quốc giàu lên”, Jane Golley – nhà kinh tế học Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia – chia sẻ với Zing.

Bà Golley nhận định giảm mức sinh là yếu tố quan trọng trong việc giúp Trung Quốc tăng thu nhập bình quân đầu người.

“Giảm mức sinh dẫn đến giảm phụ thuộc vào lớp trẻ và gia tăng dân số trong độ tuổi lao động. Mặc dù không dẫn tới tăng hiệu quả lao động, khi có nhiều người lao động hơn trong khi bớt người phụ thuộc, điều này làm tăng thu nhập của mỗi người”, bà cho hay.

Bà Golley cho hay trong khoảng 2020-2050, dù dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm, điều này không quá ảnh hưởng tới tăng trưởng trung bình GDP.

“Việc có thêm trẻ sơ sinh không tác động nhiều tới con số này, khi phải mất tới 20 năm một đứa trẻ mới gia nhập lực lượng lao động”, nhà kinh tế học nói.

Vị giáo sư chỉ ra một số biện pháp khác có thể trở thành động lực tích cực cho tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người, chẳng hạn tăng tuổi nghỉ hưu để thúc đẩy lượng lao động trong nền kinh tế.

“Các khoản đầu tư vào giáo dục và nguồn nhân lực cũng sẽ thúc đẩy năng suất mà không tạo ra thêm nhóm phụ thuộc (là trẻ em)”, bà Golley chia sẻ.

Chính sách thai sản không tác động nhiều tới tỷ lệ sinh

Bên cạnh đó, ông Jiang cho hay Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp vừa nhằm khuyến khích sinh đẻ, vừa nhằm giải quyết tình trạng già hóa dân số.

“Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đối phó, bao gồm cả việc chuyển từ chính sách phản sinh trước đây sang chính sách khuyến sinh”, ông nói.

Reuters cho hay trong khoảng hơn một năm trở lại đây, chính quyền đã đưa ra các biện pháp như khấu trừ thuế, nghỉ thai sản dài hơn, tăng cường bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở, hỗ trợ thêm tiền cho con thứ 3 và tìm cách loại bỏ tình trạng dạy thêm đắt đỏ.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, ông Jiang nhấn mạnh nguyên nhân tỷ lệ sinh tiếp tục giảm là do mức sinh thấp, và điều này phản ánh mong muốn sinh con cũng thấp.

“Do đó, các chính sách về thai sản sẽ không dẫn đến tác động đáng kể trong thúc đẩy tỷ lệ sinh. Trên toàn thế giới, các biện pháp khuyến khích sinh có thể làm tăng tỷ lệ sinh, nhưng chỉ ở mức độ rất nhỏ”, vị giáo sư nói.

Do đó, ông Jiang cho rằng Trung Quốc nên áp dụng nhiều biện pháp hơn để giảm chi phí sinh đẻ và nuôi dạy trẻ, giảm bớt mối quan tâm về nguồn lực giáo dục tốt, để tăng tỷ lệ sinh.

Ông kỳ vọng với chiến lược Thịnh vượng chung cùng nhiều biện pháp khác, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều phương án hỗ trợ về tài chính, thuế, bảo hiểm, giáo dục, nhà ở và việc làm, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các gia đình về sinh đẻ, chăm sóc trẻ em và giáo dục.

“Hơn nữa, Trung Quốc sẽ thiết lập hệ thống dịch vụ chăm sóc nhà trẻ có giá cả phải chăng, được chính phủ trợ cấp, và thiết lập cơ sở giữ trẻ ở không gian công cộng và nơi làm việc”, ông liệt kê.

Về phía bà Golley, vị giáo sư từ Đại học Quốc gia Australia nhận định các chính sách tăng tỷ lệ sinh là không đủ để đối phó với tình trạng già hóa dân số.

Bà chỉ ra một số biện pháp khả thi hơn, bao gồm thúc đẩy vốn nhân lực của lực lượng lao động hiện tại và tương lai, đặc biệt là của nhóm dân cư nông thôn.

“Điều này có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng giáo dục, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em từ khi còn sơ sinh. Ngoài ra, cần tận dụng hơn nữa nguồn lực của lực lượng lao động nữ”, bà Golley kết luận.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,