Aleksandra Pakhmutova – người phụ nữ vĩ đại của nền âm nhạc Nga

Aleksandra Pakhmutova là nhạc sĩ tài danh của Liên bang Xô viết trước đây và Liên bang Nga sau này. Bà là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như “Hy vọng”, “Dịu dàng”, “Thời thanh niên sôi nổi”, “Tạm biệt Moskva”…

Aleksandra Pakhmutova – người phụ nữ vĩ đại nền âm nhạc Nga

Năm tháng và những con số

Pakhmutova sinh ngày 9/11/1929 tại làng Beketovka, ngoại ô thành phố Stalingrad (nay là Volgograd). Lên 5 tuổi, bà đã viết bản nhạc đầu tiên (Tiếng gà gáy) dành cho đàn dương cầm. Trong những năm 1942 – 1943, nhạc sĩ đi sơ tán ở Karaganda (thuộc nước Cộng hòa Kazakhstan), thời kỳ này, bà sáng tác những ca khúc đầu tiên của mình.

Năm 1943, Pakhmutova vào học Trường Âm nhạc trung ương ở Moskva. Năm 1953, bà tốt nghiệp Nhạc viện Moskva thuộc lớp sáng tác của giáo sư Vissarion Shebalin, và sau đó, dưới sự hướng dẫn của ông, bà làm nghiên cứu sinh.

Bài hát đầu tiên của Aleksandra Pakhmutova được nhắc đến trên báo chí là “Hành khúc kỵ binh”, phổ thơ của Yulia Drunina. Sau đó, đã xuất hiện nhiều ca khúc, hầu hết đều phổ thơ của chồng bà, nhà thơ Nikolay Dobronravov.

Bạn bè của nhạc sĩ nói rằng, thời gian dường như bất lực đối với Pakhmutova. “Mặc dù tuổi đã cao, bà vẫn rất hiện đại, thích nghe những câu chuyện thú vị. Với bà, bạn có thể chia sẻ bất kỳ sự kiện đương thời nào hoặc kể chuyện tiếu lâm, chẳng khác gì một người tầm 30 – 40 tuổi, bởi vì tâm hồn bà còn rất trẻ”, ca sĩ Lev Leshchenko nhận xét.

Viết sử qua bài hát

Gia tài của Aleksandra Pakhmutova gồm 400 bài hát. Ở Nga, nhiều người thuộc các ngành nghề khác nhau… đều coi bài hát của Pakhmutova là bài ca của ngành mình. Nhiều bài hát của bà gắn liền với những bộ phim như “Ba cây dương ở Plyushchikha”, nơi nữ nhân vật Tatyana Doronina hát bài “Dịu dàng” trên taxi dưới cơn mưa xối xả.

Còn ca khúc “Những người hùng thể thao” viết chung với Nikolay Dobronravov năm 1972 về chiến thắng của đội tuyển bóng rổ Liên Xô tại Thế vận hội mùa hè năm 1972 ở Munich, được lấy làm nhạc nền cho bộ phim “Tiến lên”, sản xuất năm 2017.

Bài hát của Pakhmutova “Tạm biệt Moskva” tại lễ bế mạc Thế vận hội mùa hè năm 1980 ở Moskva do hai ca sĩ Lev Leshchenko và Valentina Tolkunova thể hiện đã khắc sâu vào tâm khảm của hàng triệu người Nga và công dân của nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Nhiều năm liền, bài hát yêu thích nhất của ca sĩ Leshchenko là “Chúng mình không thể sống thiếu nhau”. “Bài hát này nói lên rằng trong thế giới của tốc độ chóng mặt, chúng ta phải nâng niu cuộc sống hơn.

Trong sự hỗn mang, điên loạn đang diễn ra xung quanh, nhạc sĩ đã thể hiện một cách chính xác niềm thanh thản và những tình cảm hết sức dịu dàng, tinh tế giữa con người với con người. Tất cả các bài hát của Pakhmutova bao giờ cũng vẫy gọi con người vươn lên, hướng dẫn con người, không một chút gượng ép và giáo huấn”, ca sĩ Lev Leshchenko nói.

Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Edita Pyekha thể hiện ca khúc “Hy vọng” không kém phần đặc sắc và nổi tiếng. “Bài hát này luôn được chào đón nồng nhiệt tại các buổi hòa nhạc, bởi vì Pakhmutova là một tài năng lớn”, nữ ca sĩ nhớ lại. “Cá nhân tôi không quen biết nhạc sĩ, bà có những ca sĩ yêu thích của mình.

Nhưng với tư cách là một người đã cống hiến hết mình cho âm nhạc, tôi có thể nói rằng Aleksandra Pakhmutova là một nhân cách lỗi lạc, người sẽ thuộc về hàng ngũ các nhạc sĩ kinh điển trong thể loại ca khúc của chúng ta. Bà là một tài năng lớn, bà là cả một thời đại, tài năng âm nhạc của bà không ai sánh kịp. Đối với tôi, Soloviev-Sedoy, Pakhmutova là những cái tên đứng ngang hàng”, Pyekha thừa nhận.

“Hiện nay ca khúc của chúng ta không có chiều sâu, chúng ta không có gì để nương tựa. Các nhạc sĩ trẻ hiện nay thường viết về những điều vặt vãnh, thiếu nghiêm túc. Mà sự nghiêm túc không phải là hát đúng âm điệu và gào đến khản cổ”, nữ ca sĩ Babkina nhận xét.

Người phụ nữ vĩ đại

Mặc dù thường xuyên bận rộn với công việc sáng tạo, Pakhmutova luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà từng lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Nga, là đại biểu HĐND thành phố Moskva và Xô viết tối cao – ủy viên Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao nước Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga. Hiện nay, Aleksandra Pakhmutova là thành viên của Hội đồng Nghệ thuật thuộc Giáo hội Chính thống Nga.

“Aleksandra Pakhmutova là một người phụ nữ tuyệt vời, quyến rũ, tuy có vóc dáng nhỏ bé, nhưng vĩ đại, bà là cả một thời đại”, ông Leonid Kalinin (Chủ tịch hội đồng chuyên gia về nghệ thuật nhà thờ, kiến trúc và phục chế thuộc Giáo hội Chính thống Nga) nhận xét.

Cặp đôi sáng tạo hi hữu

Pakhmutova gặp chồng mình, thi sĩ Nikolay Dobronravov, trong thời gian làm việc tại phòng phát thanh thiếu nhi của Đài phát thanh Liên bang. Kể từ đó, cặp đôi không bao giờ rời xa nhau, nhiều tác phẩm của họ đã trở thành bài hát nổi tiếng ở Liên Xô và Nga, trong đó đáng kể nhất là bài “Dịu dàng” và “Hy vọng”.

Ca khúc “Dịu dàng” ra đời năm 1965, đến nay hầu như ai cũng thuộc. Đây cũng là bài hát mà nhà du hành vũ trụ Yury Gagarin đã nghe trước khi bay vào vũ trụ.

Điều lạ là, ca khúc này đã thất bại trong buổi ra mắt đầu tiên. Sau buổi biểu diễn, Pakhmutova nhớ lại: Nữ ca sĩ Maya Kristalinskaya rời khỏi sân khấu trong sự im lặng khán giả, và tác giả đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích.

Sau đó khán giả đã “thẩm thấu” cái hay của bài hát trong bộ phim “Ba cây dương ở Plyushchikha” của đạo diễn Tatyana Lioznova. Ca khúc “Dịu dàng” đã vang lên trong một trường đoạn của bộ phim.

Vậy là “Dịu dàng” đã trở thành bài hát nổi tiếng nhất của cặp đôi Dobronravov và Pakhmutova. Nó đã trở thành tiết mục yêu thích của các ca sĩ nổi tiếng của Liên Xô và Nga như Dmitry Khvorostovsky, Lyudmila Zykina, Natalya Vetlitskaya, Diana Arbenina và Tamara Gverdtsiteli…

Năm 1971, sau khi sáng tác “Hy vọng”, nhạc sĩ đã gửi cho các ca sĩ, trong đó có nữ ca sĩ Anna German ở Warsaw (Ba Lan) ngay lập tức hưởng ứng. Nhờ sự thể hiện của ca sĩ Warsaw, nhạc phẩm này đã trở nên nổi tiếng thế giới. Từ đó, việc nghe bài hát này trước khi bay vào vũ trụ đã trở thành truyền thống của các phi hành gia Liên Xô.

Theo BÁO NGA

Tags: , , ,