5 cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến môi trường

Thế giới đang đứng trước một loạt khó khăn, trong đó có 5 cuộc khủng hoảng lớn là dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên, và sinh thái đều liên quan rất chặt chẽ với môi trường.

5 cuộc khủng hoảng lớn liên quan đến môi trường

Gốc rễ của mọi vấn đề là sự bùng nổ dân số vẫn đang tiếp tục tăng nhanh với tốc độ 100 triệu người/năm. Hiện dân số thế giới trên 7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên gần 10 tỷ người vào năm 2050.

Dân số quá đông không những đòi hỏi cần nhiều lương thực mà cũng tiêu thụ nguồn năng lượng, tài nguyên, khí thải do con người thải ra hàng ngày làm ô nhiểm bầu khí quyển, nước thải rác, công nghiệp cũng tăng không ngừng theo tốc độ tăng dân số.

Ngoài ra các vấn đề giao thông chen chúc, nạn thiếu nhà ở … đều gắn với dân số. Tất cả những vấn đề đó đều trở thành sức ép rất lớn đối với môi trường.

Sản xuất lương thực đòi hỏi có nhiều ruộng đất. Việc khai hoang bừa bãi khó tránh khỏi một số nơi bị sa mạc hoá và đất trồng trọt bị xói mòn. Việc tới tiêu không thích hợp có thể khiến cho đất trồng trọt bị chua mặn; việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, phân hoá học khiến nông sản bị ô nhiễm và làm ô nhiễm cả môi trường chung.

Việc sử dụng ngày càng nhiều năng lượng làm cho không khí bị ô nhiễm. Nồng độ khí cácbonic tăng lên khiến khí hậu trên Trái Đất nóng dần. Các hợp chất chứa lưu huỳnh và nitơ là nguyên nhân gây ra các trận mưa axít, ảnh hưởng tai hại đến môi trường sinh thái của nhân loại trên Trái Đất.

Nguồn tài nguyên đang cạn kiệt cũng làm cho môi trường càng xấu đi, các khoáng sản hết dần khiến con người phải đi tìm và khai thác các mỏ quặng non, hàng núi đất đá đào bới ra có lẫn chất quặng đang là vấn đề môi trường nan giải đối với các nước. Nguồn tài nguyên sinh vật có thể tái sinh cũng đang bị con người phá, đánh bắt quá mức, phá hoại nghiêm trọng các môi trường sinh thái của rừng, đồng cỏ, hồ, biển…

Có thể thấy ảnh hưởng của sự biến đổi về môi trường đối với tình trạng di cư là rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên. Các ước tính hiện tại và dự đoán tương lai về số người buộc phải di cư đang rất cách biệt, dao động từ 25 đến 50 triệu vào năm 2010 cho tới gần 700 triệu vào năm 2050. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đưa ra một con số ở khoảng giữa là 200 triệu người di cư do môi trường vào năm 2050.

Hầu hết những người buộc phải di cư đều tìm kiếm nơi trú ẩn ngay trên đất nước mình, trong khi một số khác sẽ tìm kiếm nơi nương náu tốt hơn bên ngoài biên giới. Sự mất chỗ ở và tình trạng di cư có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai các biện pháp thích nghi. Tuy nhiên, các nước nghèo không được trang bị đầy đủ để hỗ trợ thích nghi trên diện rộng.

Kết quả là các cộng đồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như bị nhốt trong vòng xoáy của sự hủy hoại sinh thái mà ở dưới đáy, các mạng lưới an sinh xã hội sẽ sụp đổ khi những căng thẳng và bạo lực gia tăng. Trong kịch bản xấu nhất nhưng hoàn toàn có thể xảy ra này, các cộng đồng lớn sẽ buộc phải lựa chọn di cư như một cách thức để tồn tại.

Xét theo quan điểm tổng thể Trái Đất là một thể thống nhất, loài người sống trên Trái Đất có liên quan chặt chẽ với vạn vật và ảnh hưởng lẫn nhau, nếu một khâu nào đó nảy sinh trục trặc tất sẽ ảnh hưởng tới các khâu khác. Mối quan hệ giữa năm cuộc lớn cũng như vậy, bùng nổ dân số sẻ ảnh hưởng đến các mặt khác, mặt khác khủng hoảng năng lượng cũng ảnh hưởng tới mặt dân số và các mặt khác. Năm cuộc khủng hoảng lớn đang thúc đẩy lẫn nhau hình thành một vòng tuần hoàn ác tính.

Bởi vậy việc bảo vệ môi trường không phải giải quyết từng vấn đề một mà phải tiến hành đồng bộ bắt đầu từ việc khống chế tỉ lệ tăng dân số, có như vậy mới có thể đồng thời giải quyết được các vấn đề dân số năng lượng, tài nguyên, lương thực sinh thái.

Theo MOITRUONG.COM.VN

Tags: , , , , ,