⠀
Yasunari Kawabata – lữ khách u buồn muôn đời đi tìm cái đẹp
Yasunari Kawabata (1899-1972) là nhà văn Nhật Bản, người thứ hai ở châu Á vinh dự được nhận giải Nobel văn học năm 1968 (sau R. Tagore).
Cho dù có nghi ngờ điều gì đó trong việc trao giải Nobel văn học thì các tác phẩm của các tác giả đoạt giải đều là sự kết tinh nhuần nhuyễn tính văn hóa độc đáo dân tộc với những vấn đề chung của toàn nhân loại. Đây là chủ điểm trăn trở của văn học Việt Nam với câu hỏi tại sao Việt Nam chúng ta chưa có tác phẩm văn học đoạt giải Nôben? Lý giải câu hỏi này sẽ là một hội thảo rất lý thú và hữu ích khi chúng ta so sánh, đánh giá, phân tích tác phẩm của Y.Kawabata chẳng hạn, với tác phẩm nào đó của nhà văn nào đó của Việt Nam thì sẽ có bài học kinh nghiệm… Đặt vấn đề này ra để khẳng định rằng Y.Kawabata là nhà văn rất Nhật Bản và rất nhân loại. Và, nếu theo cách nhìn, cách đánh giá của Việt Nam thì có thể xếp Y.Kawabata vào trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật. Y.Kawabata sáng tác theo chủ nghĩa duy cảm mới trên cái nền đặc trưng nổi bật của văn học, văn hóa Nhật Bản thiên về duy cảm, duy mỹ, để khai mở góc sâu thẳm trong tâm hồn nhân loại, bất kể thời đại xã hội nào. Thảo luận về Y.Kawabata có thể bàn về tính truyền thống và cách tân, tính dân tộc và hiện đại, dân tộc và quốc tế, tính phương Đông và phương Tây trong sáng tác của ông… Ở đây, chúng tôi chỉ xin bàn đôi nét về cái đẹp với nghĩa rộng của từ này trong sáng tác của Y.Kawabata.
Trước hết, Y.Kawabata là nghệ sĩ kỳ công với cái đẹp. Hay như một số người đã viết Y.Kawabata là lữ khách u buồn muôn đời đi tìm cái đẹp. Y.Kawabata là nhà văn thể hiện vẻ đẹp Nhật Bản, con mắt nhìn thấu cái đẹp, người cứu rỗi cái đẹp… Những nghiên cứu đó về sáng tác của Y.Kawabata để nhận xét thiên hướng và phong cách Y.Kawabata đều có cơ sở, có sự thống nhất chung đúng. Xét trên tư tưởng và quan niệm sáng tác của Y.Kawabata với các tác phẩm mà nhà văn sáng tác chúng ta đều thấy có sự nhất quán. Y.Kawabata có quan điểm thẩm mỹ về nguyên tắc phản ánh. Nhà văn quan tâm tới sự tồn tại của cái đẹp, kỳ công khám phá ra cái đẹp và khi thấy cái đẹp hiện hữu trong cảm giác, Y.Kawabata đã cố hết sức nâng niu nó. Vì, hơn ai hết, Y.Kawabata hiểu được cái đẹp tinh khiết ấy thật mỏng manh, tan biến nhanh như bong bóng xà phòng, rơi rụng ngay như cánh hoa anh đào đang độ khoe hương sắc rực rỡ nhất. Vậy nên nhà văn rất buồn, tiếc nuối. Cái đẹp mong manh ấy cứ đối lập với khát vọng của nhà văn, của con người Nhật Bản và nhân loại nói chung là muốn nó vĩnh hằng. Đặc biệt đối với người Nhật Bản, ham muốn vĩnh cửu cái cảm xúc tình yêu, kỷ niệm rung cảm với cái đẹp chí ít cũng tồn tại ở tất cả những năm tháng của vòng đời người trên trần thế. Khát vọng ấy của người Nhật được hằn sâu trong văn hóa Nhật Bản và được thể hiện rõ nhất ở Y.Kawabata qua quá trình sáng tác của ông.
Chúng ta cần bắt đầu xem xét tư tưởng và quan niệm sáng tác của Kawabata rồi đối chiếu với cả quá trình sáng tác của ông để xem tư tưởng và quan niệm ấy được thể hiện và phát triển ra sao. Cuối cùng chúng ta sẽ rút ra được cá tính, hay nói thô mộc hơn là chân tướng của nghệ sĩ độc đáo này trong dòng chảy của văn học Nhật Bản và của nhân loại nói chung. Y.Kawabata cho rằng cuộc sống của chúng ta bị hỗn hợp của cái thật và cái không thật, cái tinh khiết và cái nhơ bẩn, cái chân thành và cái giả dối. Nghệ sĩ là người lao động phải tìm ra cái thật, cái tinh khiết, cái chân thành để tạo ra cái đẹp. Người nghệ sĩ khám phá, tái sinh vẻ đẹp tinh khiết của cuộc sống ở trẻ nhỏ, ở các cô gái trẻ, ở người sắp chết. Vì họ là những người có đôi mắt ngây thơ, cảm xúc tinh khiết, không tham lam, không thèm muốn, không chiếm đoạt, không hủy diệt. Tương ứng với những tính chất ấy là cái đẹp, cái chân thành và nỗi buồn làm cho cảm xúc con người lắng sâu trong cuộc sống. Tác phẩm là dòng ý thức được kỹ thuật chấp cánh. Trong dòng mạch sáng tác của Y.Kawabata, chúng ta đều thấy ông thể hiện tác phẩm bằng dòng ý thức, một lối kết cấu hiện đại của tiểu thuyết phương Tây. ảnh hưởng phương Tây của Y.Kawabata đã rõ, nhưng không thể chỉ ra ông bị ảnh hưởng từ văn phái nào cụ thể, mà hầu như các thứ chủ nghĩa đều phảng phất trong ông. Vậy nên chỉ có thể nói đó là chủ nghĩa hiện đại.
Y.Kawabata là vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản. Truyện Genji của Murasaki đã “ảnh hưởng sâu xa đến bút pháp và tâm hồn” nhà văn, như ông đã thừa nhận, như chúng ta cũng thấy. Nhật Chiêu cũng đã đề cập tới môtop hình nay bóng cũ sử dụng trong Truyện Genji qua bài viết của ông trên tạp chí Văn học, số 11-2001. Truyện Genji là tiểu thuyết tâm lý đầu tiên, tôn thờ cái đẹp thời Heyan. Y.Kawabata là nhà văn kế thừa và phát huy cao độ việc tôn thờ cái đẹp trong tính cách người Nhật Bản từ Truyện Genji bằng những phân tâm sâu sắc của người hiện đại. Tác phẩm của Y.Kawabata không chỉ là “hình nay bóng cũ” (Ngàn cánh hạc) mà còn là “hình nay, hồn nay” trong khát vọng cái đẹp hoàn hảo (Ngàn cách hạc, Xứ tuyết).
Để khám phá thêm được tâm chất của Y.Kawabata ngoài những gì mà các nhà nghiên cứu, các luận án, luận văn đã đề cập, chúng ta xem xét đôi ba tác phẩm trong các thời đoạn sáng tác của Y.Kawabata cho đến khi nhà văn từ giã cõi đời. Trước khi khát quát điểm này, chúng tôi muốn định vị Y.Kawabata là nhà mỹ học theo trường phái mỹ học chủ quan.
Tiểu thuyết ngắn Vũ nữ Idu (1925) mô tả tinh tế vẻ đẹp của cô vũ nữ 17 tuổi trẻ trung đầy sức sống hòa trong ánh nắng xuân bên con suối trong ngần mà nhà văn gặp trên đảo này. Cảm xúc của nhà văn thanh thản, hòa thành dòng nước tinh khiết nhưng đồng thời cũng ở trong trạng thái trống rỗng kỳ diệu, nó bồng bềnh ghi khắc một ấn tượng khó quên về cái đẹp, một cảm giác buồn man mác khi rời xa cái đẹp. Có thể nói, đây là cái đẹp khởi đầu mà Y.Kawabata nâng niu trên hành trình dõi theo nó một cách kỳ công trong suốt cuộc đời nhà văn.
Đến Xứ tuyết (1947), kết quả sau hơn hai thập niên nhà văn trải nghiệm cuộc đời, cái đẹp không chỉ là ấn tượng quan sát như Vũ nữ Idu mà nó đã lẩn vào bên trong, đằm thắm, cái đẹp và tình yêu hòa quyện bao chứa trong nỗi cô đơn. Ba lần đến xứ tuyết vào ba mùa khác nhau, nhân vật Simamura song tồn hai mối tình với Kômakô và Yôkô. Những ngày ở xứ tuyết Simamura luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt của Yôkô – cô gái mà anh gặp trên chuyến tàu đêm. Đọc tác phẩm, các nhà nghiên cứu nói tới nhân vật Kômakô với sự phân tích tâm lý tế vi được toát ra từ bên trong nhân vật để phát lộ ra bên ngoài cái thật, cái đẹp tinh khiết. Hoặc người ta dễ nhận ra hai mối tình, một nặng về thể xác, một nặng về tâm hồn. Rút cuộc, trong lòng Simamura ngân lên nỗi u buồn, hoài niệm về mối tình đã mất. Thế nhưng, rất hiếm người để ý và đặt câu hỏi nhà văn có ý đồ gì khi phân tâm chi ly mỗi nét nhân vật Kômakô, trong khi đó lại dành cảm xúc dịu dàng nâng niu nhân vật Yôkô, nhân vật mà Simamura chỉ quan sát qua tấm kính cửa sổ toa tàu để tạo ra cảm giác lắng sâu và ám ảnh? Tại sao nhân vật Simamura từ biệt xứ tuyết và không bao giờ trở lại nữa sau khi Yôkô bị chết trong đám cháy? Ở cả hai nhân vật nữ này, nhà văn đều phát hiện ra cái đẹp rất kỳ công. Song thật ra, ngay nhà văn cũng nhận thấy cảm xúc tinh khiết nhất của mình nằm ở nơi người con gái Yôkô, cái khao khát đeo bám mà không bao giờ tới được tận cùng. Như thế, cái đẹp được tìm thấy, tồn tại và nó tiếp tục được tái tạo mãi trong cảm giác buồn vì nó mong manh, cố nâng niu bởi luôn thường trực nỗi lo sợ nó nhạt phai, tàn lụi. Ấy là tâm trạng thẳm sâu của những người nặng lòng theo chủ nghĩa cảm giác. Chung quy lại, vẫn theo môtip hình và bóng, Y.Kawabata khát vọng tiến tới tìm cái đẹp (như một nhà văn Nga đã từng nói đại ý: trong con người tất cả đều phải đẹp: đẹp cả quần áo, đẹp cả bộ mặt, cả tâm hồn và ý nghĩ) lý tưởng thuần khiết trong ước vọng lồng ghép hai (hay nhiều) người con gái đẹp thành một người đẹp đa sắc (loại hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng, nếu các loại hoa làm thành bó ta sẽ có hoa đẹp đa sắc).
Cũng theo hệ mạch này, chúng ta đến với Ngàn cánh hạc (1951). Vấn đề ở đây là tại sao Y.Kawabata lại đặt tên tác phẩm là Ngàn cánh hạc, trong khi đó người đẹp có chiếc khăn thêu những con chim hạc chỉ xuất hiện thoáng qua, cách xa người quan sát và ít có mối dây liên hệ với nhân vật chính nhưng anh ta lại cứ đeo bám ý muốn đuổi bắt cái đẹp ấy về mình? Phải chăng ngoài những vấn đề mà chúng ta khai thác, đánh giá tác phẩm thì ý tưởng tận cùng, sâu xa của nhà văn nằm chính ở chỗ lý giải này. Cái đẹp, cái chân thành và nỗi buồn ẩn sâu trong tâm lõi và bao quanh (bọc kín) nó bởi một lớp chất tạo của những sợi dây oan trái, trầm luân của những mối tình, mà trà đạo là cái cớ để tác giả thổ lộ tâm can. Đến Ngàn cánh hạc, nhà văn vẫn trung thành với truyền thống hình nay bóng cũ và kết cục bằng cái chết của nhân vật để cái đẹp vẫn hiện tồn dường như bất tử trong tình yêu hiện hữu, dư tình.
Cuối cùng, là một lô một lốc người đẹp trong Người đẹp say ngủ. Vẫn là sự phân tâm sâu sắc theo dòng ý thức nhưng nhân vật đối trọng với cái đẹp, hay nói cụ thể hơn, đối trọng với những người đẹp là nhân vật đã già, cả về tuổi đời, về sự từng trải, cả về sinh lực tự nhiên của đời người. Giấc ngủ say của các cô gái đẹp như cái bóng của sự chết, còn các ông già đến đây tìm sự bất tử. Nhà văn miêu tả cái thực và ảo, tìm cái đã mất đang còn đọng lại, cái đang tiêu tan trong cảnh thực và ảo. Đây như những trang hồi ký cuối cùng của đời người đối diện với cái đẹp tinh khiết với xiết bao nỗi buồn.
Để kết luận, xin mượn tiêu đề bài viết của Phedorenko, rằng Y.Kawabata có con mắt nhìn thấu cái đẹp. Suốt cuộc đời mình Y.Kawabata đi tìm, kỳ công nâng niu cái đẹp với ước vọng cái đẹp hoàn hảo, lý tưởng hiện tồn ở tình yêu, cuộc sống như mong ước của mỗi chúng ta và của toàn nhân loại.
Theo ĐỨC NINH / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Văn học, Yasunari Kawabata