Xin trả lại cho dòng Mekong những gì thuộc về nó

Phía sau vẻ đẹp có khi là những cái bẫy, là hiểm họa ẩn tàng, và con người luôn chạy theo những cái đẹp trước mắt mà quên đi những tai họa sau đó.

“Con đập không phải là món quà hữu nghị, nó là một cái bẫy…” – chi tiết “nặng ký” nhất trong phim hoạt hình Frozen II (Nữ hoàng băng giá II) trở đi trở lại trong những ngày đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán và xâm nhập “mặn”.

Để thu phục tộc người Northuldra, những người tôn thờ và sống theo tự nhiên, vua Arendelle – ông nội của Elsa đã cho xây con đập ngăn dòng sông để làm món quà hữu nghị. Người Northuldra đâu ngờ chính điều đó đã phá vỡ trạng thái cân bằng của thiên nhiên, làm cho thiên nhiên nổi giận trừng phạt họ…

Mở đầu phim, vua cha kể cho Elsa và Anna về khu rừng phép thuật: “Xa thật xa đến tận cùng phương Bắc, có một khu rừng cổ xưa, bên trong chứa đầy phép thuật. Nhưng phép thuật đó không phải của những bà tiên bị mất trí, nó được bảo vệ bởi các linh hồn quyền năng nhất trên đời, là của khí, của lửa, của nước và của đất.

Đó cũng là quê hương của tộc người Northuldra huyền bí. Họ tận dụng lợi thế từ quà tặng của khu rừng, họ rất khác với chúng ta, nhưng họ hứa sẽ làm bạn hữu với chúng ta. Để vinh danh điều đó, ông nội của con là vua Runeard đã xây cho họ một con đập để làm tăng sức nước, như một món quà hòa bình…”.

Sau đó, trong sự kiện khánh thành con đập, người Northuldra bỗng nhiên tấn công quân đội và vua Arendelle; khiến Anna phải thảng thốt hỏi: “Ai lại tấn công người tặng quà cho mình chứ?”.Tiếng hát của mẹ thiên nhiên từ khu rừng phép thuật cứ vang vọng trong tâm trí của Elsa, và rồi cô bé quyết tâm đi vào khu rừng phép thuật để tìm ra giọng hát ấy. Quá khứ tội lỗi của ông nội cô dần dần được phơi bày…

Còn nhớ khi Anna lần đầu tiên thấy con đập, cô bé đã trầm trồ kinh ngạc vì sự hùng vĩ của nó. Cô đã rất tự hào về công trình của ông nội dành cho người dân Northuldra, mà đâu biết rằng đó là tội ác. Điều này làm tôi nhớ lại hình ảnh hàng ngàn người dân Trung Quốc lũ lượt đi xem đập Tam Hiệp trên dòng sông Dương Tử. Đây là con đập lớn nhất thế giới được khởi công xây dựng năm 1994 và hoàn thành năm 2009.

Con đập sở hữu hàng loạt kỷ lục thế giới như đập được xây dựng bằng bê tông và thép có chiều cao 181m, hồ chứa rộng nhất trải dài 610km2, hơn 102.600.000 mét khối đất đã được chuyển để mở đường cho 27,2 triệu mét khối bê tông và 463.000 tấn thép đủ để xây dựng 63 tháp Eiffel, công suất lắp đặt 18.2GW, cuối cùng là chi phí theo công bố bỏ ra để xây dựng đập lên tới 22,5 tỷ USD.

Người dân Trung Quốc rất tự hào về đập thủy điện Tam Hiệp. Nó thật sự là công trình vĩ đại. Nhưng họ đâu biết rằng chính con đập ấy đã phá vỡ hệ sinh thái của con sông lớn thứ ba thế giới, dẫn đến biến đổi khí hậu. Đó là chưa kể khi xảy ra sự cố vỡ đập, nước sông Dương Tử bị “nhốt” lâu ngày sẽ hung hãn nhấn chìm vùng hạ lưu…

Khi Elsa rơi vào lòng con đập, cô bé đã thấy quá khứ ông nội mình chuẩn bị quân đội để tiêu diệt người dân Northuldra khi họ đến xem con đập. Vị trưởng tộc đã nói với vua Runeard rằng: “Vua Runeard, con đập không làm tăng sức nước bên tôi. Nó đang hủy hoại khu rừng và đang cắt rời phương Nam…”. Khi người trưởng tộc tội nghiệp nhận ra được điều đó thì mọi thứ đã muộn.

Sông Mekong, con sông bao đời mang dòng phù sa bồi đắp cho đồng bằng các tỉnh miền Tây Việt Nam trước khi hòa vào biển. Chín nhánh sông như chín con rồng trải khắp đồng bằng đã nuôi lớn người dân miền Tây. Nhưng từ khi Trung Quốc, Lào xây hàng chục con đập ở thượng nguồn sông Mekong, thì dòng Cửu Long đã cạn nước, đất đai nứt nẻ, khí hậu biến đổi, không còn những mùa nước nổi với biết bao tôm cá, phù sa…

Người dân miền Tây đang phải đối mặt với đại hạn xâm mặn, không còn nước ngọt để tưới tiêu, người dân phải mua từng khối nước ngọt với giá rất cao. Giờ đây, có lẽ sau những mùa trái cây thơm ngọt, những hạt gạo trắng tinh mà chúng ta ăn hằng ngày, còn có lẫn nước mắt và đôi khi cả máu.

Trong tháng Ba, mức độ xâm mặn tại hệ thống các sông đồng bằng sông Cửu Long đạt đến đỉnh điểm của năm, tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn sẽ trầm trọng gay gắt, thì trong tháng Tư, Lào tiếp tục khởi công xây dựng đập Luang Prabang. Đó sẽ là kết cục bi thảm cho vùng hạ lưu sông Mekong và cho hơn 20 triệu dân miền Tây.

Khi Anna phá vỡ con đập, mọi thứ lại trở về trạng thái ban đầu của nó. Thiên nhiên vẫn hiền hòa ban tặng con người, vạn vật những món quà vô giá. Tôi còn nhớ câu thoại của Elsa khi tái sinh người tuyết Olaf: “Thật may là nước cũng có ký ức”.

Đúng vậy, ký ức của dòng sông Mekong khi đổ vào đồng bằng sông Cửu Long là những hạt phù sa bồi đắp nuôi dưỡng những thân lúa trổ bông, kết hạt làm nên vựa lúa gạo lớn nhất nhì thế giới. Là nguồn hải sản dồi dào. Là phù sa vun trồng những mùa trái cây thơm ngọt.

Là dòng nước hiền hòa chở nặng phù sa nuôi dưỡng khí chất người miền Tây hào sảng… Có lẽ mọi thứ đang mất dần. Xin hãy trả lại tất cả cho dòng Mekong những gì thuộc về nó.

Xem hết phim, tôi cứ nghĩ hoạt hình bây giờ chắc không chỉ dành riêng cho trẻ em nữa. Rõ ràng phim làm cho trẻ em, nhưng thông điệp thì dành cho người lớn.

Phía sau vẻ đẹp có khi là những cái bẫy, là hiểm họa ẩn tàng; và con người luôn chạy theo những cái đẹp trước mắt mà quên đi những tai họa sau đó. Khí hậu đang biến đổi, thiên nhiên chỉ chực chờ nhấn chìm mọi thứ vào cơn giận dữ của nó. Xin hãy nhớ rằng, thiên nhiên cũng có những ký ức.

Theo TRẦN LÝ CHÍ TÂN / PHỤ NỮ ONLINE 

Tags: ,