‘Xin cô nâng điểm cho con tôi’

Một phụ huynh bảo tôi “gì cũng sẵn sàng, chi tiền bao nhiêu cũng được, miễn là điểm cao, tốt nghiệp loại giỏi để về quê xin việc cho dễ”.

‘Xin cô nâng điểm cho con tôi’

Cô người quen này cũng là một giáo viên, có con theo học trường đại học nơi tôi đang công tác.

Vì con của chị này đỗ vào trường với điểm vừa đủ và học khá ngoại ngữ, nhưng môn chuyên ngành chính không tốt bằng các bạn cùng lứa, nên chị rất lo lắng, sợ con gái của mình không theo được.

Tôi có dạy con gái của cô bạn học kỳ này và phải nói thẳng là xếp ở top cuối của lớp. Trên lớp, em ít phát biểu vì tự ti, khi nộp bài tập cũng thiếu cẩn thận, chỉn chu, mắc những lỗi rất cơ bản.

Nhưng từ khi con gái vào trường, cô bạn liên tục đưa đến nhà tôi mang theo nhiều quà cáp để nhờ tôi “dìu dắt”. Tôi không ngại việc “dìu dắt” sinh viên của mình, nhưng không phải “dìu dắt” theo kiểu nâng điểm.

Khi tôi từ chối và tỏ ý không muốn cô đến nhà quà cáp, cô chuyển sang gọi điện nhờ mẹ tôi tác động thêm, mong tôi thương tình với lý do rằng gia đình cô có hoàn cảnh đặc biệt. Cô đã ly dị và tái hôn nên con gái không có được một gia đình trọn vẹn.

Có hai lý do chính khiến tôi không thể đồng tình với cô trong chuyện này. Thứ nhất, cô đang mù quáng chạy theo thành tích, muốn con mình phải bằng bạn bằng bé, thậm chí hơn bạn hơn bè để mình được nở mày nở mặt mà không hề quan tâm thực lực của con ra sao, con còn thiếu cái gì, phải làm gì để giỏi lên.

Giống như không ít phụ huynh khác, cô chỉ chăm chăm nhìn vào điểm số mà không hiểu bản chất của nó. Tôi theo học ngành sư phạm, có học môn Kiểm tra và Đánh giá, trong đó nói rất rõ điểm số chỉ là sự số hoá lượng kiến thức, kỹ năng hoặc năng lực mà học sinh đạt được, dùng cho mục đích đánh giá, quản lý giáo dục.

Nói dễ hiểu, trong mỗi môn học có vô vàn kiến thức kỹ năng lớn nhỏ mà học sinh phải học (ví dụ toán có số học với rất nhiều phép tính, hằng đẳng thức, phương trình, có hình học không gian với vô số hình khối khác nhau… ).

Khi giáo viên cần báo cáo cho cấp trên hay phụ huynh về tình hình học của con, họ không thể viết một tờ sớ dài lằng nhằng chỉ ra cụ thể từng loại kiến thức con đã học và chưa học.

Vì vậy, cần có một con số, ví dụ số 7, để lượng hoá rằng con đã học được 70% lượng kiến thức của môn này. Điểm số 7 là một cách nhanh gọn cho người ngoài thấy kết quả học tập của con, rất tiện lợi cho thống kê và quản lý giáo dục diện rộng.

Nhưng cô người quen của tôi và nhiều phụ huynh lại chỉ chú trọng con được mấy điểm, 6, 7 là thấp còn 9, 10 mới là cao. Thực ra, câu hỏi “con được mấy điểm?” không quan trọng bằng câu hỏi “con đã học được gì? Con còn thiếu những phần nào? Con phải làm gì tiếp theo để học tốt hơn?”.

Tôi hiểu nhiều người cho rằng không có thời gian để tìm hiểu kỹ như vậy, nhưng làm giáo dục vốn luôn cần sự sát sao và tốn kém thời gian công sức nếu muốn thu được lợi ích thực sự. Vì vậy, hiện đang có rất nhiều kêu gọi trong giáo dục nước ta rằng thay vì quá để ý đến kết quả đầu ra (outcome-oriented), chúng ta nên quan tâm hơn đến quá trình học (process-oriented).

Lý do thứ hai tôi không đồng tình là vì cô nhìn bề ngoài thì giống một người mẹ rất thương con, nhưng thực chất cô đang yêu thương con mình theo một kiểu rất độc hại.

Sâu thẳm bên trong, cô không hề tin tưởng con của mình. Với cô, con gái là một đứa rất kém cỏi, để tự thân nó sẽ không bao giờ giỏi lên được, vì vậy cô phải chạy vạy xin xỏ cho con được điểm cao lên.

Nếu tôi là con cô, tôi sẽ cực kỳ tự ti về bản thân và cũng sẽ chẳng thèm nỗ lực. Tại sao phải nỗ lực nếu biết thừa mình kém cỏi trong khi đằng nào mẹ cũng chạy điểm cho mình? Cứ chơi bời an nhàn để mọi thứ cho mẹ lo. Đi học thì mẹ chạy điểm cho, ra trường thì mẹ chạy việc cho. Cả đời cứ thế là xong.

Trong Tiếng Anh có một khái niệm “self-fulfilling prophecy“, tạm dịch là lời tiên tri tự ứng nghiệm. Khi cha mẹ, thầy cô có một niềm tin ban đầu là một đứa trẻ có năng lực kém, họ dễ có những hành động để củng cố niềm tin ấy (ví dụ chỉ giao cho những bài tập dễ, không động viên trẻ phấn đấu, hay đi xin điểm cao cho trẻ như trường hợp này).

Từ đó, bản thân đứa con cũng tin là mình yếu kém, cộng thêm việc thiếu những điều kiện cần thiết để phát triển, dẫn tới kết quả là trẻ thực sự trở nên yếu kém dù năng lực ban đầu không phải như vậy. Đây là một điều những bậc cha mẹ và người làm giáo dục phải cực kỳ cẩn thận.

Tôi thấy rất thương cho cô bé trong câu chuyện này, nhưng không phải vì có một gia đình thiếu trọn vẹn. Chuyện đó cũng đáng thương nhưng không đáng thương bằng việc bà mẹ đang nhân danh “yêu con” mà tự tay cắt đi “đôi chân” của con mình, khiến nó cả đời không thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình với suy nghĩ mình kém cỏi, vô dụng.

Rất có thể cô gái này sẽ phải sống cả đời trong sự bảo bọc che chở của mẹ, để mẹ quyết định thay mọi việc. Rồi đến một tuổi nào đó, khi gặp phải va vấp trong cuộc sống và nhìn lại, em ấy sẽ nhận ra mình chẳng có năng lực gì và không thể tồn tại nếu không có mẹ bên cạnh. Khi ấy không biết em ấy sẽ cảm thấy bất lực và oán hận mẹ mình tới mức nào.

Bản thân tôi vẫn luôn tin rằng làm cha mẹ là một quá trình chuẩn bị con mình cho một tương lai không có mình bên cạnh. Dù cha mẹ không hỗ trợ bên con 24/7 thì con vẫn có thể tự đứng vững, tự chăm sóc mình, tự đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời và chịu trách nhiệm với những quyết định đó.

Tôi hiểu làm được điều này không hề dễ dàng, nhưng nếu thực sự yêu thương con và nghĩ về lâu dài cho con, thì có lẽ đây vẫn là cách tốt nhất, là điều cha mẹ nên làm và phải làm.

Theo THUY LAN / VNEXPRESS

Tags: ,