⠀
Vòng lặp nghèo khổ đang đeo đẳng nhiều người trẻ Hồng Kông
Dù làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết mình, một số người trẻ Hồng Kông vẫn khó có thể thoát khỏi vòng lặp đói nghèo vốn tồn tại qua nhiều thế hệ gia đình.
David Wong (22 tuổi) thường rơi vào tình trạng kiệt sức khi phải cân bằng giữa việc học, việc nhà và làm 2 công việc part-time cùng lúc.
Nói với SCMP, sinh viên Học viện Công nghệ và Giáo dục đại học Hồng Kông cho biết mình đang cố gắng theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, từ đó đưa gia đình thoát cảnh nghèo đói.
Thế nhưng, bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ, một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn nằm ngoài tầm với của chàng trai.
Wong cảm thấy kiệt sức, nhưng anh không còn cách nào khác để thoát nghèo. Ảnh: K. Y. Cheng.
“Tôi còn một khoản học phí khoảng 150.000 HKD (hơn 19.000 USD) cần phải trả, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ mua được nhà”, anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, những người trẻ Hồng Kông nghèo đói vẫn có thể mắc kẹt trong vòng lặp đói nghèo vốn tồn tại nhiều thế hệ.
Thua từ vạch xuất phát
Hiện Wong sống trong căn hộ cho thuê rộng 22,2 m2 ở khu Cheung Sha Wan cùng với người mẹ 50 tuổi đã ly hôn.
Do mắc chứng viêm khớp dạng thấp, mẹ anh không thể làm việc. Do đó, họ dựa vào chương trình Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA) của chính quyền, với mức trợ cấp hàng tháng khoảng 4.000 HKD.
Nhiều lần, Wong cảm thấy tồi tệ khi không đủ tiền đi học thêm hay ăn uống cùng bạn bè, và từng phải vay mượn để tham gia chuyến tham quan của nhà trường.
Suốt hơn một năm qua, anh kiếm được 3.000-4.000 HKD/tháng nhờ dạy kèm học sinh tiểu học 3 buổi tối/tuần. Gần đây, anh bắt đầu làm việc 3 ngày/tuần ở vị trí nhân viên điều chế tại một phòng khám y học cổ truyền, với mức lương 75 HKD/giờ.
Vừa làm 2 công việc, vừa chăm sóc mẹ đồng nghĩa rằng Wong sẽ phải thức muộn để hoàn thành bài tập trên lớp.
“Tôi kiệt sức nhưng không còn lựa chọn nào khác”, anh nói.
Tiền mua và thuê nhà tăng chóng mặt khiến nhiều người Hồng Kông, đặc biệt nhóm thu nhập thấp, rơi cảnh khó khăn. Ảnh: Bloomberg.
Các nghiên cứu quốc tế thực hiện ở những xã hội khác nhau phát hiện có nhiều lý do khiến cảnh nghèo khó có thể tồn tại trong gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tại Hồng Kông, người nghèo phải đối mặt khó khăn trên tất cả khía cạnh, từ việc sống trong không gian chật hẹp, cho đến thiếu nguồn lực giáo dục, thể thao và giải trí, cùng gánh nặng việc nhà.
Những sinh viên như Wong còn phải đối mặt với khoản nợ học phí khổng lồ mà mất nhiều năm mới có thể trả hết.
Đáng chú ý, vấn đề đói nghèo giữa các thế hệ đang trở nên sâu sắc và tồi tệ hơn ở xứ Cảng thơm, nhất là khi chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá mua và thuê nhà tăng chóng mặt.
Theo Báo cáo Tình hình Nghèo đói của Hồng Kông 2020 được công bố vào tháng 11 năm ngoái, 1,65 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số thành phố, sống dưới mức nghèo khổ với mức thu nhập trung bình hàng tháng bằng 1/2 thu nhập của hộ gia đình thông thường.
Con cái của một gia đình có thu nhập thấp học trực tuyến tại nhà giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: K. Y. Cheng.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Phi chính phủ Địa phương và Tổ chức Cộng đồng (SoCO) đối với 201 trẻ em và thanh thiếu niên nghèo cũng cho thấy hơn 4/5 phải làm việc nhà hoặc chăm sóc các thành viên khác trong gia đình. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của các em.
“Con cái của các hộ gia đình thua ngay từ vạch xuất phát ở mọi khía cạnh. Rất có thể cuối cùng, các em sẽ trở thành người lao động chân tay nếu đó là công việc của cha mẹ họ”, Nelson Chow Wing-sun, giáo sư danh dự của khoa công tác xã hội và quản trị xã hội tại Đại học Hồng Kông (HKU), nói.
Sức nặng của bằng cử nhân
Peace Wong Wo-ping, Giám đốc nghiên cứu và vận động chính sách của Hội đồng Dịch vụ xã hội Hồng Kông, nói rằng địa vị kinh tế – xã hội của cha mẹ có ảnh hưởng đến trình độ học vấn của con cái và cả triển vọng nghề nghiệp của chúng.
Theo dữ liệu năm 2016 của tổ chức này, 85,5% thanh niên có cha mẹ kiếm hơn 80.000 HKD/tháng sẽ đỗ đại học, trong khi chỉ 36,6% người có cha mẹ kiếm dưới 15.000 HKD/tháng trúng tuyển.
Trong khi đó, hơn 2/5 trong số những người có bằng đại học kiếm được hơn 20.000 HKD/tháng, so với khoảng 1/10 những người không có bằng. Ngoài ra, cứ 1 trên 5 người không học đại học kiếm dưới 10.000 HKD/tháng.
Giáo sư Chow của HKU cho biết sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn ở Hồng Kông đã góp phần khiến vòng lặp nghèo đói giữa các thế hệ trở nên trầm trọng hơn.
Trẻ em nghèo thường có kỹ năng ngoại ngữ kém hơn, đặc biệt là tiếng Anh, do trình độ học vấn của cha mẹ đều thấp và điều này ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển các trường điểm và đại học. Các em cũng hạn chế tiếp xúc với xã hội và kém tự tin hơn.
Dù giáo dục là yếu tố quan trọng, bằng cử nhân không còn là tấm vé giúp đổi đời. Hiện ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đành chấp nhận mức lương hạn chế.
Sự gia tăng mạnh mẽ của số sinh viên tốt nghiệp, hay còn gọi là “lạm phát bằng cấp”, dẫn đến tình trạng không đủ việc làm cấp cao, như các vị trí đúng chuyên môn và quản lý, theo tiến sĩ Xu Duoduo, trợ lý giáo sư khoa xã hội học tại HKU.
Thống kê cho thấy thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi nhân viên toàn thời gian ở độ tuổi 20-24 đã có bằng cử nhân giảm từ 19.400 HKD (năm 1994) xuống 18.000 HKD (năm 2019).
Cũng trong khoảng thời gian này, Hồng Kông trở thành một thành phố sinh sống đắt đỏ. Nhiều người trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó sẽ không thể mua nhà.
“Nỗ lực phấn đấu của người trẻ Hồng Kông sẽ chẳng theo kịp sự gia tăng chi phí sinh hoạt”, Terry Leung Ming-Nấm, trợ lý giám đốc nghiên cứu và vận động xã hội của Oxfam Hồng Kông, nhận định.
Các chuyên gia nhất trí rằng Hồng Kông cần làm nhiều hơn nữa cho những thanh niên nghèo càng sớm càng tốt. Một số biện pháp của chính quyền đã được triển khai vài năm qua, nhưng còn hạn chế về phạm vi tiếp cận và hiệu quả.
“Tất cả biện pháp nên nhằm tạo ra một môi trường phù hợp, nơi các thế hệ trẻ có thể thoát khỏi nghèo đói bằng nỗ lực chăm chỉ của họ, bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào”, nhà lập pháp phúc lợi xã hội Tik Chi-yuen nói.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Hồng Kông, Lao động - việc làm, Giới trẻ