⠀
Viết từ đảo Nam Yết, Trường Sa
Giữa Trường Sa, bên chiếc TV độc nhất, trong túi có mấy đồng tiền lẻ sau nửa năm vẫn còn nguyên vẹn. Người lính nghĩ gì khi xem tin về đại án kinh tế?
Một ngày giữa năm 2015, trung úy Đang về phép sau một năm đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Người lính trẻ mang theo niềm háo hức bởi lần đầu tiên, anh sẽ được gặp con gái hơn một tuổi.
Vợ sinh con khi anh đang làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết. Chân đang bước nhanh hơn khi về đến ngõ, run run khi mường tượng ra cảnh được ôm con gái vào lòng.
Nhưng trái ngược với tưởng tượng của Đang, con gái khóc thét khi thấy mặt anh. Người được gọi là cha – đứng trước mặt bé đen sạm, gầy guộc vì nắng gió và thiếu rau xanh, khác hoàn toàn người trong ảnh mẹ hay cho bé xem. Cha con nhìn nhau bỡ ngỡ. Lần đầu tiên trong đời, nước mắt người lính đảo rơi.
“Tủi lòng và xót lắm”, Đang nhớ lại lúc ấy. Ở nơi đầu sóng gió, người lính không sợ gì, nhưng lại sợ cái cảm giác bị con mình xa lánh.
Một tháng phép, Đang phải thực hiện một “nhiệm vụ” mới. Đó là dành hết thời gian để chơi với con, dỗ dành để con bé quen với sự tồn tại của mình và chịu gọi “cha”. Ban đêm, gia đình ba người nằm trên cùng một chiếc giường, con bé ngó sang, nhìn anh đăm đăm như người lạ, rồi quay mặt đi. Mỗi lần như thế, Đang lại có cảm giác như mình vừa làm sai chuyện gì.
Một tuần trước khi quay lại đơn vị, con gái mới rụt rè chịu gọi anh một tiếng “ba”. Nghe tiếng gọi, người lính đảo một lần nữa rưng rưng. Nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc đúng nghĩa của một người được làm cha.
Hơn 1.000 ngày làm cha, trung úy Đang có tổng cộng khoảng 60 ngày được ở bên con, còn lại là ở đơn vị và ngoài đảo. Giờ mỗi lần nghe tiếng con trong điện thoại, lòng người cha vẫn rạo rực vui dù chẳng nghe rõ vì sóng điện thoại ngoài đảo cứ bập bõm. “Lúc ấy, cảm tưởng những thiếu thốn ở đảo chẳng còn là gì đáng ngại. Buồn vui để hết trong lòng, chỉ biết nói cảm ơn vợ vì đã thay mình dậy dỗ con”.
Câu chuyện của trung úy Đang, không phải là cá biệt. Trong câu chúc cuối năm họ gửi về đất liền, trước là chúc gia đình ăn Tết vui vẻ, sau là cảm ơn người vợ đã làm thay cả phận sự lúc họ vắng nhà.
Tàu ra đảo cuối năm, lẫn trong những thùng quà của các đơn vị, tổ chức, còn có thêm chiếc máy xay đậu nành, sữa chua, C sủi của ai đó gửi từ đất liền cho lính đảo, bù đắp phần nào sự thiếu hụt rau xanh. “Cuộc sống bây giờ của lính đảo so với khoảng chục năm trước được sự quan tâm của Nhà nước, quân đội đã được cải thiện rất nhiều”, anh trả lời giảm tránh khi tôi hỏi về những thiếu thốn ở đảo chìm.
Ở đây, phương tiện kết nối “tin tức có hình” duy nhất với đất liền là chiếc tivi. Nhưng trong những ngày cuối năm này, tin mà họ được xem nhiều nhất lại là phiên tòa xử một đại án kinh tế liên quan đến lãnh đạo cấp cao. Hàng loạt những cán bộ từng giữ trọng trách bị khởi tố. Hàng loạt con số quá nhiều số 0 làm hoa mắt người chứng kiến.
“Đau lòng và xót xa” là cảm giác của Đang khi nghe tin tức ấy.
13 năm vào bộ đội, ba “tăng” đi đảo, tiền lương, phụ cấp của trung úy Đang được chuyển hết vào chiếc thẻ ATM vợ giữ. Giữa năm ngoái, Đang lên tàu đi thay quân ở đảo chìm Đá Thị, thứ quan trọng nhất trong balô quân trang là những tấm ảnh vợ con được rửa ra để ngắm cho đỡ nhớ. Ngoài ra chỉ có thêm thuốc men, muối vừng, hai chiếc áo cộc tay giá 150.000 đồng vợ anh mua. Trong ví Đang có mấy đồng tiền lẻ, sau nửa năm vẫn còn nguyên vẹn, vì “ở đảo có buôn bán gì đâu”.
Người lính ấy không giữ gì lại cho riêng mình. Số tiền trong ví Đang, đếm đi đếm lại, có tổng cộng ba mươi hai nghìn đồng.
Theo HOÀNG PHƯƠNG / VNEXPRESS