Việt Nam muốn gì từ Mỹ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Mặc dù luôn tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, dường như Việt Nam đang mong muốn có quan hệ an ninh vững chắc hơn với Washington.

Việt Nam muốn gì từ Mỹ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Tác giả: Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, Hoa Kỳ.

Nguồn: Derek Grossman, “What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea?”, The Diplomat, 04/01/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thành Long.

Khi chính quyền sắp tới của Tổng thống Biden xây dựng chính sách chiến lược ở khu vực Biển Đông, một đối tác quan trọng ở khu vực mà họ cần quan tâm đến đó là Việt Nam. Nhiều năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông vẫn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển đang tranh chấp này. Trong khi chính quyền mới của Biden có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực trong quan hệ song phương, thì ở chiều ngược lại, việc Hà Nội đang thực sự muốn tìm kiếm điều gì từ Washington trong việc giúp ngăn chặn Trung Quốc một cách hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Một báo cáo nghiên cứu cho RAND mà tôi thực hiện gần đây cho thấy Việt Nam rất kiên định theo đuổi chiến lược cân bằng khéo léo trong quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày một nóng lên. Mặc dù Hà Nội muốn chống lại những hành vi không phù hợp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đồng thời Hà Nội cũng hiểu tương lai của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào mối quan hệ hòa bình với Bắc Kinh. Do đó, Hà Nội thường tránh công khai các ưu tiên chính sách của mình, và ngay cả khi trao đổi riêng, các quan chức Việt Nam vẫn rất tế nhị và khó nắm bắt một cách rõ ràng.

Điều đó khiến Washington rơi vào tình trạng “mù mờ”. Nhưng qua việc nghiên cứu và thảo luận của tôi với nhiều đối tác Việt Nam suốt những năm qua, một số ưu tiên chính sách đang dần trở nên rõ ràng.

Thứ nhất, Việt Nam khá hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 13 tháng 7 rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận các yêu sách biển của Bắc Kinh quanh các các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough, bãi cạn Luconia và đảo Natuna Besar. Trước thời điểm đó, việc Washington ủng hộ sự toàn vẹn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên tranh chấp khác trước yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là một “bí mật mở”, nhưng tuyên bố của Pompeo là lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức xác nhận nó. Tuyên bố được đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 4 năm ngày Philippines thắng kiện Trung Quốc và Washington đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với phán quyết này, điều về cơ bản đã vô hiệu hóa toàn bộ cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Sau tuyên bố của Pompeo, Việt Nam có lẽ cảm thấy an tâm hơn một chút rằng Hoa Kỳ đã có kế hoạch hỗ trợ Hà Nội trong việc bảo vệ các yêu sách biển ở quần đảo Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đặc biệt, Washington còn nhấn mạnh rằng Bãi Tư chính – nơi đã xảy ra cuộc đối đầu lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2019 – là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế không có tranh chấp của Việt Nam. Hà Nội sẽ rất hài lòng nếu chính quyền Biden tái khẳng định lập trường chính sách này. Nhưng chắc chắn Việt Nam còn tìm kiếm nhiều hơn thế, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng vào năm 1996, tức là tạo ra vùng nội thủy bên trong đường cơ sở nối các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa– và vào tháng Tư vừa rồi tiếp tục mở rộng kiểm soát hành chính đối với Hoàng Sa (và Trường Sa) dưới danh nghĩa thành phố Tam Sa có trụ sở ở đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Nếu đội ngũ của Biden đưa ra một tuyên bố tương tự bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa (và tốt hơn nữa là chủ quyền của Trung Quốc với chính quần đảo này), thì đây sẽ là một món quà lớn cho Hà Nội.

Thứ hai, như tôi từng viết trên trang The Diplomat, Việt Nam đã âm thầm ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vì chiến lược này có đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc trên Biển Đông và cho thấy ý định của Washington muốn duy trì sự hiện diện ở khu vực trong nhiều năm tới. Thật vậy, trong những cuộc thảo luận của tôi với một số người Việt Nam, tôi được nghe một cách chắc chắn từ họ rằng Hoa Kỳ không được phép để cho việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hồi năm 2012 lặp lại một lần nữa. Do đó, nếu chính quyền Biden giữ nguyên chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (mà theo tôi là nên tiếp tục), thì điều đó có khả năng sẽ báo hiệu cho Hà Nội rằng Washington đang nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hành động tương tự và Hoa Kỳ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu có những hành vi vượt quá giới hạn mới.

Chắc chắn, việc Việt Nam ngầm ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ đi kèm với một số điều cần lưu ý. Chẳng hạn, họ không muốn thấy quan hệ Mỹ-Trung trở nên đối nghịch đến mức buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa hai cường quốc. Hà Nội cũng thường giữ im lặng trước sự gia tăng các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Mặc dù Việt Nam ủng hộ việc thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và nhằm duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, nhưng Hà Nội cũng không muốn thấy FONOPs được thực hiện tại các vùng biển quanh lãnh thổ mà mình kiểm soát. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Hoa Kỳ vẫn làm như vậy. Trong tương lai, Hà Nội sẽ muốn FONOPs tiếp tục tập trung vào quần đảo Hoàng Sa để khiến Trung Quốc giảm bớt các hành vi “hung hăng” ở đây.

Thứ ba, việc xuất hiện tại các diễn đàn quan trọng của khu vực, như từ trước đến nay, là một phần quan trọng trong cuộc cạnh tranh ở Đông Nam Á. Thật không may, Mỹ có khá nhiều việc phải làm trên khía cạnh này. Vài năm qua, chính quyền Trump đã cử đại diện cấp không đủ cao tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á, khiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thất vọng. Vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm 2020 đã bị cản trở bởi đại dịch, nhưng Hà Nội vẫn tổ chức được các sự kiện qua kênh trực tuyến. Nhưng trong hai năm liên tiếp, chính quyền Trump chỉ cử Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien tham dự sự kiện – điều cho thấy rõ sự xem nhẹ đối với các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự, nhất là khi không cần phải di chuyển xa (sự kiện diễn ra trực tuyến).

Nếu chính quyền Biden muốn cải thiện hình ảnh của mình ở Việt Nam và khu vực nói chung, thì việc cử các quan chức cấp cao tham dự các sự kiện này – tốt nhất là đích thân tổng thống – sẽ rất quan trọng. Khi tham gia, chính quyền sẽ có lợi nếu nhắc lại tuyên bố của Pompeo về Biển Đông và xa hơn, nếu có thể, là về Hoàng Sa. Ở mức tối thiểu, Hà Nội kỳ vọng rằng Washington sẽ tiếp tục nhấn mạnh chính sách lâu đời của mình trong việc duy trì một trật tự khu vực dựa trên chuẩn tắc và luật lệ.

Thứ tư, có những cơ hội riêng cho Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh với Việt Nam. Quả thật, chính sách quốc phòng “Bốn Không và Một Tùy” của Hà Nội – trước đây là “Ba Không” (không liên minh quân sự, không có căn cứ nước ngoài trên đất Việt Nam, không đi với nước này chống lại nước kia) – đang hạn chế việc hợp tác giữa hai nước, nhưng chắc chắn là có dư địa cho các hình thức hợp tác ít khiêu khích hơn. Ví dụ, Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực thu thập tình báo trên biển để giúp nước này hiểu rõ hơn về những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Các hình thức hợp tác an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HA/DR) hoặc tìm kiếm cứu nạn (SAR), cho phép tổ chức các cuộc diễn tập song phương dù không có khía cạnh tác chiến nhưng vẫn có thể cung cấp các kỹ năng quan trọng cho các lực lượng vũ trang Việt Nam. Hà Nội cũng hoan nghênh việc Washington giúp đỡ nâng cao năng lực cảnh sát biển sau khi chuyển giao các tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam.

Hơn nữa, sách trắng quốc phòng mới nhất của Việt Nam, được công bố vào tháng 11/2019, cũng có hai điểm bổ sung. Đầu tiên là có thêm một chữ “không” thứ tư, đó là cam kết không bao giờ khơi mào hoặc đe dọa khơi mào xung đột vũ trang. Tuy nhiên, “Một Tùy” lại khá phù hợp với Hoa Kỳ khi sách trắng viết: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết…” Hà Nội rõ ràng đang để mở khả năng làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh với Mỹ trong tương lai, nhưng không nêu đích danh Mỹ, nếu sự quyết đoán của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở Biển Đông. Do đó, chính quyền Biden có thể được hưởng lợi từ một Việt Nam tích cực tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, sau khi nắm quyền, chính quyền Biden có thể muốn tiếp tục thúc đẩy Việt Nam nâng cấp quan Việt-Mỹ từ “đối tác toàn diện” thành “đối tác chiến lược.” Làm như vậy sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam có một sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ và có thể mở ra hợp tác an ninh sâu rộng hơn. Ngay từ năm 2011, Việt Nam đã nghĩ đến điều đó, nhưng chưa rõ vì sao mọi chuyện vẫn không tiến triển. Tuy nhiên, chính quyền Biden sẽ có cơ hội hiếm hoi thảo luận về khả năng này với các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản dự kiến diễn ra trong tháng 1. Tùy vào sự sắp xếp nhân sự sau Đại hội, ban lãnh đạo mới có thể đủ vốn liếng chính trị để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Cho dù việc nâng cấp quan hệ có xảy ra hay không, Việt Nam nhiều khả năng sẽ ngày càng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ để đẩy lùi Trung Quốc trên Biển Đông. Chính quyền Biden nên tìm cách tận dụng những cơ hội này đồng thời phối hợp hành động với các đồng minh và đối tác khác – cụ thể là “các đối tác cùng chí hướng” như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – những bên có thể bổ sung cho sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,