Vì sao tôi không còn bài trừ Tết cổ truyền nữa?

Nhiều năm trước, khi mới chập chững rời giảng đường đại học bước vào thế giới việc làm, tôi cũng hừng hực khí thế tham gia câu lạc bộ “bài trừ Tết”.

Tác giả: Nguyễn Trinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học British Columbia, Vancouver, Canada.

Tết mang đến bao nhiêu phiền toái. Hai tuần cận Tết là gần như mọi người đã khấp khởi hành kiệu, nếp đậu, đường mứt; email công việc thường có lưu ý “Out of office notice” (thông báo vắng mặt), vài đối tác bắt đầu nghỉ phép rất dài.

Thế là công việc trễ nải. Một cái file muốn xong không xong nổi, hàng giao không biết khi nào tới, nhiều kế hoạch đã bàn định vẫn có thể “chờ qua Tết” mới bắt tay thực hiện. Cả một hệ thống chậm trễ lại để chuẩn bị cho vài ngày Tết. Vì vậy, phải gom Tết ta vào Tết Tây, để giữ hiệu suất, để hoà mình vào thế giới phương Tây, để bắt kịp xu hướng giản tiện, hiện đại đi chứ… – những lý lẽ ấy, lúc bấy giờ nghe ra rất thuyết phục với tôi.

Nhưng sau chục năm lăn lộn từ ta tới Tây, và khi đang ở trong lòng nền kinh tế thị trường phương Tây, nơi đầu năm mọi người chỉ được nghỉ đúng một (1/1) hoặc hai ngày (thêm 31/12), tôi bỗng thấy miên man nhớ những ngày chờ tin để biết tuần nghỉ Tết kéo dài bao lâu. Tôi bắt đầu tự hỏi, con người làm việc hùng hục để làm gì?

Ai cũng có thể bị cuốn đi trong những dự án bất tận. Thành công hun đúc tham vọng. Có người làm việc để gia đình thêm sung túc, nhưng “sung túc” là một khái niệm không có giới hạn. Có người làm vì đam mê, và đôi khi đam mê ấy xoáy họ xa khỏi gia đình lúc nào không hay. Hãy lấy Mỹ làm ví dụ, nơi lao động cật lực là giá trị cốt lõi. Phụ nữ Mỹ không có thời gian nghỉ thai sản. Mỹ cũng là quốc gia phát triển duy nhất không quy định thời gian nghỉ thai sản hưởng lương cho mẹ hoặc cha. Chính sách này phụ thuộc vào sự hào phóng của từng công ty. Sau khi sinh, đa phần các bà mẹ phải thu xếp để ngay lập tức lao vào làm việc.

Khảo sát của tiến sĩ Alexandra Michel năm 2011 với các giám đốc tài chính cấp cao ở Mỹ cũng cho thấy chức vụ càng cao, người Mỹ càng làm việc nhiều hơn. Một số giám đốc được phỏng vấn cho biết họ bị đau lưng đến mức không thể ngồi hoặc đứng làm việc bình thường, nhưng vẫn không thể bỏ sót một cuộc họp nào. Những người này, nếu biết được hàng triệu người Việt Nam và nhiều triệu người nữa ở các quốc gia Đông Á hoan hỉ đón chờ hơn một tuần nghỉ Tết, chắc họ sẽ thấy khủng hoảng lắm.

Khi đã bước ra khỏi nơi mà Tết là ngày lễ trung tâm, tôi có thể nhìn thấy Tết từ xa để bao dung với Tết hơn. Tôi không còn cảm thấy Tết là gánh nặng. Tôi bắt đầu nghĩ về bản sắc dân tộc. Tôi thích gọi “Tết” là “Tết” với bạn bè phương Tây chứ không phải “Lunar New Year Festival”, lại càng không là “Chinese New Year”. Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác có thể cùng chào đón năm mới âm lịch, nhưng mỗi nơi có những nét đẹp đặc thù, và vì vậy, Tết là Tết Việt Nam chứ không phải vay mượn ai cả. Tôi không nhìn một – hai tuần nghỉ Tết ấy là sự lãng phí, mà thấy đó là khoảng “sống chậm” cần thiết để mỗi người có cơ hội gác việc qua một bên. Nếu ta đã thực sự làm việc tập trung và năng suất, thì tiếc gì một tuần mươi ngày nghỉ ngơi. Còn nếu ta không đủ hiệu quả, thì rầy rà thêm ít thời gian liệu có được gì hơn?

Tôi cũng không xem Tết là thứ bất di bất dịch, rằng cứ Tết là phải bia rượu ê hề, xôi thịt tràn trề, phải đau đầu chuẩn bị lì xì, phải mệt mỏi đi thăm không sót cô bác nào, hoặc phải chen chân với cả triệu người cùng đổ về quê. Tôi cũng không xem Tết là dịp cho các “bi kịch tự sinh” chỉ bởi cha mẹ nhất nhất con cái phải đông đủ ngày này, hay phải sắm hết mai, đào đến lan đến cúc rồi bánh rồi mứt cho bằng chị bằng em. Tôi lại càng không thích khi Tết trở thành dịp để đo độ dẻo dai chịu đựng của các nàng dâu, cô gái trong việc bày cỗ, dọn mâm; hay xót xa khi nhìn thấy số liệu về các tai nạn tăng cao do bia rượu. Tết chắc chắn không thể bị biến thành một dịp lãng phí từ miếng ăn thức uống đến sinh mạng con người.

Cứ xem Tết như chiếc phong bao lì xì mà tổ tiên để lại. Suốt hàng nghìn năm, tổ tiên ta đã bền bỉ duy trì tập tục nghỉ ngơi, lễ lạt những ngày đầu năm để con cháu sau này không điên cuồng xoáy vào vòng tròn kinh tế. Chiếc phong bao ấy chứa một tuần hay mươi ngày tinh gọn. Việc dùng một tuần đó thế nào là ở mỗi người. Hãy để Tết là dịp để người hướng ngoại được tung tăng trẩy hội, tiệc tùng; kẻ hướng nội được an yên ngồi bên tách trà ấm, nhâm nhi bánh mứt và ngắm cành đào tinh khôi. Hãy để Tết là dịp những bậc cao niên hiền hoà xí xoá cho bọn trẻ, để chúng thỉnh thoảng được xách ba lô đi đây đó và rồi sẽ về chung vui một ngày sau Tết. Để những người trẻ dành chút thời gian bận rộn đọc nốt cuốn sách mãi dở dang suốt cả năm. Để những đứa trẻ học cách hân hoan nhận gói lì xì có lời chúc chân thành bên trong thay cho tờ polymer thẳng tắp.

Như vậy, một năm sẽ bắt đầu bằng sự hòa hợp già trẻ – lớn bé trong thiện lành, thay vì cảm giác mệt mỏi và gánh nặng.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,