⠀
Vì sao nền thể thao Ấn Độ không thể vươn ra tầm thế giới?
Kết quả nghèo nàn của đoàn thể thao Ấn Độ tại các kỳ Olympic là điều khó lý giải bởi quốc gia này có 1,3 tỷ dân với nền kinh tế trị giá gần 3.000 tỷ USD.
Tay vợt P.V. Sindhu của Ấn Độ tranh tài tại Olympic Tokyo. Ảnh: AFP.
Thất bại khó hiểu
Nếu các chỉ số xã hội học cũng giống như một bảng xếp hạng thì Ấn Độ đoạt huy chương bạc về quy mô dân số với 1,339 tỷ dân, cùng huy chương vàng về số người ở độ tuổi thanh niên với 581 triệu người.
Tại Tokyo năm nay, Ấn Độ chỉ giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng, xếp hạng 48 toàn đoàn. Đã 25 năm kể từ ngày Leander Paes chấm dứt chấm dứt cơn khát huy chương của Ấn Độ cùng câu nói nổi tiếng “người Ấn Độ chúng tôi có thể làm được mọi điều trong thể thao”, Olympic vẫn là một bài toán hóc búa với Ấn Độ.
Viết trên tờ Mint, nhà báo Manu Joseph cho rằng Ấn Độ thiếu đi một hệ thống hỗ trợ tương xứng dành cho các vận động viên, dù rằng là một đất nước cuồng nhiệt với thể thao.
Bắn súng là một bộ môn thu hút được số lượng không nhỏ thanh niên tham gia, sau khi xạ thủ Abhinav Bindra giành huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008.
Vào giai đoạn đầu của Olympic Tokyo năm nay, khoảng 10 xạ thủ Ấn Độ có mặt trong nhóm dẫn đầu ở hầu hết nội dung. Nhưng một cách khó hiểu nào đó, Ấn Độ không giành được bất cứ huy chương nào trong bộ môn bắn súng. Thay vào đó là những câu chuyện lục đục nội bộ giữa ban huấn luyện.
Raninder Singh, lãnh đạo đoàn Ấn Độ dự Olympic, bác bỏ thất bại của đội bắn súng, thay vào đó còn tỏ ra vui mừng.
“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể trong xây dựng lực lượng và chuẩn bị cho Olympic. Tôi sẽ không bào chữa cho màn trình diễn không như kỳ vọng, nhưng tôi chỉ muốn nói là hãy nhớ rằng phần lớn họ đang ở tuổi 19”, ông Singh nói.
Dù vậy, quan chức đoàn Ấn Độ cũng vẫn phải thừa nhận thất bại trong bộ môn bắn súng là điều “khó có thể lý giải”.
Trong một bộ môn đòi hỏi chính xác cao như bắn súng, có lẽ kỳ vọng từ hơn 1 tỷ người dân ở quê nhà đã trở thành áp lực đề nặng lên đôi tay của các xạ thủ.
P.V. Sindhu là nữ vận động viên Ấn Độ đã giành huy chương đồng môn cầu lông tại Olympic năm nay. Trả lời sau khi lên bục nhận giải, Sindhu cười và nói “tôi chắc chắn hàng tỷ người Ấn Độ đang ủng hộ và theo dõi chúng tôi thi đấu, xin cảm ơn các bạn”.
“Olympic là giải đấu rất quan trọng với chúng tôi. Bình thường chúng tôi đấu với các đối thủ ở những giải khác, cứ mỗi hai tháng một lần, và chúng tôi đánh bại họ rất đơn giản. Nhưng khi Olympic đến, chúng tôi tự nghiêm trọng hóa vấn đề, và áp lực cũng đến theo, ảnh hưởng tới phong độ thi đấu”, vận động viên bắn cung Atanu Das cho biết.
5 vấn đề của Ấn Độ
Ronojoy Sen, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Nam Á, thuộc Đại học Singapore, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến Ấn Độ đến nay mới chỉ giành được tổng cộng 9 huy chương vàng Olympic, trong đó có đến 8 chiếc từ môn khúc côn cầu trên cỏ – vốn là thế mạnh truyền thống.
Đầu tiên, thể thao và chủ nghĩa dân tộc tại Ấn Độ không bao giờ được gắn chặt với nhau.
“Điều họ thực sự coi trọng không phải là thứ thể thao dân tộc chủ nghĩa, điều diễn ra ở Trung Quốc hay các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Ở đây, người ta coi trọng bản chất của việc chơi thể thao”, ông Ronojoy cho biết.
Lý do thứ hai, theo ông Ronojoy, là Ấn Độ không có những dự án nuôi gà nòi, đầu tư ăn tập từ bé cho các vận động viên hay đầu tư trọng điểm để gặt huy chương cho những bộ môn cụ thể, như cách làm của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ ba là đặc điểm kinh tế xã hội của Ấn Độ, ông Ronojoy nói. Hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn, cơ sở vật chất lạc hậu, chế độ dinh dưỡng thiếu thốn, là rào cản cho đa phần người dân Ấn Độ tham gia chơi các môn thể thao.
“Trong tầng lớp tinh hoa, cha mẹ sẽ ưu tiên con trẻ giỏi giang trong lĩnh vực học thuật. Còn với tầng lớp trung lưu nếu muốn tồn tại được, nếu muốn có cuộc sống sung túc, tốt nhất không nên tập trung vào thể thao”, ông Ronojoy cho biết.
Theo chuyên gia của Đại học Singapore, Ấn Độ không có bộ môn thế mạnh cụ thể, và đây là nguyên nhân thứ tư. Khúc côn cầu trên cỏ, môn từng là thế mạnh truyền thống năm xưa, giờ Ấn Độ cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Nguyên nhân thứ năm theo ông Ronojoy, là việc Ấn Độ không có hệ thống ươm mầm tài năng thể thao như các trường đại học tại các nước Mỹ, Anh hay Australia.
Hy vọng đang le lói?
Vài năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã đầu tư nhiều hơn cho mục tiêu nâng cao thành tích huy chương tại các kỳ Olympic.
Năm 2018, tay vợt Sindhu đứng thứ 7 thế giới trong danh sách vận động viên nhận nhiều tiền tài trợ nhất.
Ngoài ra, những chương trình do tư nhân tài trợ nhằm nuôi dưỡng tài năng trẻ cũng xuất hiện, như “Olympic Gold Quest” hay “Anglian Medal Hunt”.
Tại Olympic năm nay, các nữ vận động viên Ấn Độ đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho đất nước. Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, đô cử Saikhom Mirabai Chanu đã giành huy chương bạc cử tạ hạng cân 49 kg, sau khi từng vấp ngã trước áp lực tại Rio de Jainero 5 năm trước.
Chiếc huy chương đồng còn lại của đoàn Ấn Độ thuộc về nữ vận động viên Lovlina Borgohain trong bộ môn quyền anh.
Đội khúc côn cầu nam của Ấn Độ đã không giành bất cứ huy chương nào kể từ Olympic Moskva năm 1980. Tới nay, nhiều người Ấn Độ vẫn đổ lỗi nguyên nhân thất bại là bởi IOC chuyển sang sử dụng cỏ nhân tạo của hãng AstroTurf.
Nếu như vào thập niên 1960, việc Ấn Độ để thua Pakistan trong trận chung kết và tuột mất tấm huy chương vàng là một thảm họa tận thế, thì nay, thua trận với đội tuyển khúc côn cầu Ấn Độ đã không còn là điều quá chấn động.
“Độ tuổi trung bình của đội tuyển năm nay là 26. Nói thật, tất cả họ đã sống qua một thời kỳ tan nát trái tim của khúc côn cầu Ấn Độ”, nhà báo Mihir Vasavda của Indian Express cho biết.
Năm nay, đội khúc côn cầu nam Ấn Độ lọt vào vòng bán kết. Trong trận đấu hôm 3/8, các chàng trai Ấn Độ bị nhà đương kim vô địch thế giới Bỉ hạ gục với tỷ số 5-2.
Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, 3 tuyển thủ Ấn Độ đổ gục xuống sân đấu. Hình ảnh của họ phản chiếu sự nặng nề của đoàn Olympic Ấn Độ năm nay: chuẩn bị, hy vọng, rồi thất bại đau đớn.
Một trong các thành viên của đội là Dilpreet Singh bước tới, lần lượt đỡ từng người đứng dậy, để họ có thể tiếp tục cố gắng. Hai ngày sau đó, trong một trận đấu như một lời khẳng định rằng người Ấn Độ có thể làm được, đội tuyển khúc côn cầu nam Ấn Độ vượt qua đội tuyển Đức để giành huy chương đồng, tấm huy chương mà tờ Times of India miêu tả là “vàng ròng”.
Và sau 2 tuần chờ đợi, điều 1,3 tỷ dân Ấn Độ chờ đợi nhất đã thực sự đến. Tối 7/8, vận động viên ném lao Neeraj Chopra đã mang về cho đoàn thể thao Ấn Độ huy chương vàng đầu tiên tại Olympic Tokyo. Đây cũng là tấm huy chương vàng Olypic đầu tiên Ấn Độ từng giành được trong bộ môn này.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Ấn Độ, Thể thao