⠀
Ẩn số về vụ va chạm tàu ngầm Xô – Trung ở Biển Đông 1983
Nghe đến tên “K-10”, thủy thủ tàu ngầm Nga ngay lập tức nghĩ tới con tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương, do đại tá hải quân Valery Medvedev chỉ huy. Và tất nhiên cả thông tin về việc Medvedev đâm chìm một tàu ngầm Trung Quốc, khiến khoảng 100 người chết.
Đừng cố gắng tìm kiếm thông tin về vụ việc này trên “google” hoặc không gian Internet – bạn sẽ không thể tìm thấy các chi tiết của thảm họa này. Bởi vì nó chẳng để lại một dấu vết nào đáng chú ý trong bất kỳ bài viết hoặc tài liệu nào cả. Và người Trung Quốc cũng không thông báo cho thế giới tin tức cụ thể về nó. Người Nga thích làm ra vẻ chẳng có gì như thế cả.Trong trường hợp tốt nhất, bạn sẽ chỉ thấy một bài viết trên “Wikipedia”, có đoạn: “21/01/1983. K-10. Đề án 675, Echo-II. Liên bang Xô Viết. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình. Đâm vào một đối tượng không rõ trong tư thế bơi ngầm. Sau khi nổi lên mặt biển không phát hiện thấy có gì ngoài những vết dầu loang.
Không nước nào trong số các nước trong khu vực Thái Bình Dương có thông báo về vụ tai nạn tàu ngầm của mình. Mãi hai năm sau, trên báo chí Trung Quốc xuất hiện cáo phó về sự hy sinh ngày hôm đó của một nhóm các nhà khoa học trên tàu ngầm. Về mặt chính thức, những sự kiện này không trùng khớp nhau”.
Chúng ta sẽ cố gắng để so sánh để tìm ra những thông tin hữu ích hiếm hoi. Dẫu chỉ vì Medvedev đã 28 năm sống chung với ký ức ấy.
Những bí mật của Chiến tranh Lạnh
Mới đây tôi đã gặp gỡ với cựu thuyền trưởng tàu ngầm nguyên tử “K-10″ Valery Nikolaevitch. Thành phố Obninsk ngoại ô thủ đô Moskva. Căn hộ bình thường với cảnh quan cũng bình thường.
Bức tranh trên tường miêu tả biển và tàu ngầm cho biết rằng có một gia đình thủy thủ đang sống ở đây. Trên chiếc bàn đọc sách ta nhìn thấy một mảnh kim loại dày – một mảnh vỏ bền (vỏ chịu áp lực) thân tàu ngầm: rõ ràng, người thuyền trưởng đã chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà báo. Valery trong quân phục sĩ quan. Để lấy can đảm chăng ?
Để bắt đầu chúng ta hãy nhớ lại rằng vụ va chạm của “K-10” với một con tàu “nào đó” không phải vụ đầu tiên cũng không phải là vụ cuối cùng. Nếu bạn liệt kê tất cả các vụ va chạm ngầm dưới nước, bạn có thể có ấn tượng rằng các đại dương thế giới đang đầy ắp những chiếc tàu ngầm bơi trong đó, như món súp rau luộc – thịt băm.
Theo kiểu này, cả đến vụ tai nạn xảy ra gần đây của con tàu du lịch khổng lồ chở khách “Concordia” tại bờ biển nước Ý cũng có một phiên bản sự kiện cho rằng đó là vụ va chạm với tàu ngầm.
Còn một số những tin đồn đáng nhớ khác: người Mỹ đã nhiều lần bị cáo buộc rằng do lỗi của họ mà xảy ra tai nạn của tàu ngầm “Kursk”: đồn rằng, hai tàu ngầm Hoa Kỳ lớp Los Angeles – Memphis và Toledo – có mặt trong khu vực tập trận của Hạm đội Biển Bắc ngày 12 tháng 8 năm 2000. Memphis sau khi tai nạn xảy ra đã đến cảng Bergen của Na Uy để sửa chữa. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không cho phía Nga kiểm tra các tàu ngầm này để đảm bảo rằng không tàu nào trong số chúng bị hư hại.
Anh hùng Liên Xô, Phó Đô đốc Yevgeny Chernov nhớ lại trường hợp khi tàu ngầm “K-306” của chúng ta đâm thẳng vào tàu ngầm Mỹ “Patrick Henry”, tàu bị đâm buộc phải nổi lên, và thủy thủ đoàn của con tàu bắt đầu cuộc đấu tranh kịch liệt giành lấy sự sống.
Đô đốc Igor Kasatonov trong hồi ký của mình, “Hạm đội đi vào đại dương” cho biết : “20 vụ va chạm tàu ngầm, phần lớn là lỗi của người Mỹ đã xảy ra vào thời gian gần đây. Nghiêm trọng nhất là cú “taran” trực diện của “K-19” ngày 15 Tháng 11 năm 1969, làm cho tàu ngầm Mỹ “Gato” (SSN-615 Gato) chúi xuống đáy biển Barents. Khi đó, chỉ phép lạ đã cứu người Mỹ thoát khỏi cái chết”.
Những ví dụ như vậy có hàng chục nếu không phải hàng trăm. Các tai nạn và thảm họa, theo lẽ thường, không được mô tả trên báo chí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vâng và đằng sau chúng luôn là các bí mật. Thời ấy không có Internet và Wikileaks. Các thủy thủ theo thói quen không có khuynh hướng đào bới quá khứ.
Tuy nhiên, mặc dù đã rất muộn, nhưng sự thật vẫn được người ta cố gắng phơi bày. Do đó dù chỉ xuất hiện các vết dầu, điều này cũng chỉ ra rằng có một tai nạn ở đâu đó sâu thẳm trong lòng biển. Chỉ ai tầm nhìn ngắn mới phẩy tay gạt nó sang một bên khi nhìn vào vết dầu loang. Tuy thế cũng không cần phải khơi quá sâu vào vết thương cũ. Điều cần thiết ít nhất là phải học được những bài học và ngăn chặn sự tái phát của những bi kịch.
Chiến sỹ tàu ngầm bạn tôi, hiện đã về hưu, Anatoly Safonov, trong trang web của mình đã viết: “… Đại tá hải quân Valery Medvedev là một người yêu đất nước mình, nơi ông đã phục vụ cả cuộc đời mình một cách vô vị lợi. Tình yêu của ông với Tổ quốc được ông thể hiện trong sự thực hiện mẫu mực nghĩa vụ phục vụ … “
Những lời giống như trích ra từ nhận xét làm mẫu của chi bộ đảng. Tuy nhiên, trong những lời của Safonov, không có sự thiên vị tình cảm, cũng không phải thể hiện như sự ca tụng các cơ quan công tác đảng-công tác chính trị, những từ này thuần túy áp dụng cho Medvedev và chúng là công bằng và chính xác.
Điều duy nhất mà Safonov không mặn mà với nó trong bản khắc họa đặc điểm mẫu mực của người thủy thủ can đảm này, – câu hỏi câm lặng của lịch sử: Tại sao ông ấy im lặng rất lâu mà không dám nói ra sự thật về chuyện đã xảy ra? Đi quá lên phía trước, tôi xin lưu ý: dường như tôi thấy trong suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi, Valery Nikolaevitch vẫn còn rất nhiều điều chưa nói hết.
Vậy đấy, ngồi trước mặt tôi là một người hưu trí còn rất mạnh khỏe tầm vóc không cao. Ông nói giọng đều và khẽ, không như bình thường, không như những thuyền trưởng hải quân thường nói.
Valery Nikolaevitch nhớ lại vụ đâm chìm tàu ngầm Trung Quốc …
Vụ va chạm dưới độ sâu 54m
Ngày 22/1/1983 “K-10” đang ở biển Đông. Chuyến hành quân phục vụ chiến đấu tiếp tục như thường lệ, và như người ta nói trong những trường hợp như vậy, “không dấu hiệu nào báo trước tai ương”.
Độ sâu dưới sống tàu – 4500 mét (chiến sỹ tàu ngầm hay đùa: “Năm phút đi xe buýt”). Đó là một ngày thứ bảy. Sau khi tắm, các thành viên trên tàu ngầm xem phim trong khoang đầu tiên.
Họ đã tới khu vực dự kiến liên lạc sớm hơn tám giờ so với thời hạn ấn định. Chính khu vực này lại đòi hỏi đi vào đúng thời gian theo lịch trình quy định.
Thuyền trưởng Medvedev quyết định xác minh xem có sự theo dõi của lực lượng chống ngầm của Mỹ và Nhật Bản hay không. Khi quay tàu theo hướng ngược lại ông nhận được báo cáo tương ứng của các chiến sỹ thủy âm. Tất cả đều sạch! Chiều sâu lặn hiện tại – 54 m.
Đột nhiên có một cú đẩy: có cảm giác con tàu đã va chạm với một chướng ngại. Cú va này có vẻ êm, nhưng thực sự rất mạnh. Do sự va chạm mà toàn bộ thân tàu rung mạnh. “K-10”, hình như bị mắc vào một đối tượng không xác định rõ, di chuyển cùng với nó một lúc. Sau đó, vật thể kia mới rời ra. Ngay lập tức, trên tàu tuyên bố báo động khẩn cấp
Ba khoang phía mũi đầu tiên vẫn kín nước cùng với những người đang ở trong đó. Qua loa phóng thanh đường liên lạc truyền âm nội bộ Medvedev điện hỏi khoang thứ nhất. Đáp lại – chỉ có sự im lặng.
Tai nghe ù. Có thể tưởng tượng được cảm giác của thuyền trưởng trong thời điểm này. Trong khi đó tàu ngầm vẫn đang đi đúng hướng trước đó và trên chiều sâu đã định, hơi giảm nhẹ tốc độ. Và độ chênh mớn (hay độ chúi dọc) tăng rất nhẹ về phía mũi tàu.
Medvedev cho biết: “Tôi liên tục gọi khoang thứ nhất. Do cú đâm mạnh khi va chạm, các thủy thủ chắc chắn sốc nặng, họ cần làm rõ tình hình trước đã … Sau hai phút, với tôi có lẽ như vô tận, từ khoang thứ nhất có báo cáo: khoang kín!“.
Lúc 21 giờ 31 phút, tàu ngầm nổi lên mặt biển. Một cơn bão nhiệt đới đang hoành hành dữ dội trên biển. Sức gió mạnh khủng khiếp cùng với các con sóng khổng lồ ném con tàu qua lại như ném một mảnh ván nhỏ. Đêm ở các vĩ độ này rất tối, có thể, vì thế khi sục sạo mặt biển qua kính tiềm vọng quang học, Medvedev, theo lời ông nói lại, không thấy có gì.
Ông ra lệnh quay trở lại điểm va chạm. Đến đó, họ cùng với hoa tiêu và người đánh tín hiệu nhìn thấy ánh sáng màu da cam nhấp nháy của một chiếc tàu ngầm đang xa dần. Sau khoảng 30-40 giây, ánh đèn mất dạng.
Medvedev lặp đi lặp lại nhiều lần: “bây giờ lần đầu tiên tôi mới nói về việc nhìn thấy những ánh đèn nhấp nháy của một chiếc tàu ngầm…“
Valery Nikolaevitch dừng lại và im lặng. Rõ ràng, ông đang nhớ lại những khoảnh khắc khó khăn. Ông đã hàng trăm lần hình dung việc trở lại khu vực này và cố gắng tìm hiểu va chạm xảy ra với con tàu nào. Ông đi đến kết luận rằng mình đã va chạm với người Trung Quốc. Và đây là lý do tại sao.
Theo một sắc lệnh của Chính phủ Liên Xô ngày ngày 01/09/1959, từ tháng Ba đến tháng 12 năm 1959 tại Phòng thiết kế TSKB-16 đã chuẩn bị bản vẽ thi công và tài liệu kỹ thuật của đề án 629 với tổ hợp D-1 và tên lửa R-11FM để chuyển giao cho CHND Trung Hoa.
Vào mùa thu năm 1960, tại nhà máy đóng tàu Đại Liên (CHND Trung Hoa, trước đó thuộc vùng Viễn Đông Nga) đã đặt ky cho tàu ngầm Trung Quốc đầu tiên đề án 629. Để tăng tốc độ đóng nó đã sử dụng rộng rãi các kết cấu đóng tại Liên Xô, cũng như thiết bị máy móc trong chiếc tàu ngầm K-139 (hạ thủy tháng 5 năm 1960). Việc đóng tàu ngầm của Trung Quốc hoàn thành vào cuối năm 1961 và tàu nhận số mạn là 200. Đồng thời, tại Komsomolsk-na-Amur người ta đặt ky cho một tàu ngầm dưới số hiệu xuất xưởng là 138.
Sau khi đóng xong tàu đã được chuyển từng phần sang Trung Quốc và vào cuối năm 1962 đưa vào hoạt động theo số hiệu 208. Muộn hơn, hai năm sau sự kiện với “K-10”, mới được biết vào năm 1983, chiếc tàu ngầm Trung Quốc № 208 đã hy sinh với toàn bộ thủy thủ đoàn và một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư đang thực hành công tác thử nghiệm tên lửa đạn đạo JL-1 của Trung Quốc.
Khi tính đến biên chế thủy thủ đoàn các tàu ngầm đề án 629 vào khoảng 100 người và thậm chí còn có một nhóm các chuyên gia dân sự, chúng ta có thể ước đoán chính xác số lượng nạn nhân.
Cũng cần lưu ý rằng phía Trung Quốc vẫn chưa chính thức gắn sự hy sinh của tàu ngầm với vụ va chạm này. Bây giờ gần như có thể nói với sự chắc chắn tuyệt đối rằng tàu ngầm của Trung Quốc đã chìm trong vụ va chạm với “K-10”. Có thể nếu tàu ngầm “K-10″ có mặt tại điểm va chạm sớm năm giây trước đó, chính nó sẽ nằm ở độ sâu 4.500 mét.
… Medvedev, tất nhiên, ngay lập tức báo cáo hạm đội về vụ va chạm. Đáp lại, ông được lệnh quay trở về căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam trong tư thế đi nổi. Hộ tống tàu ngầm “K-10” là tàu khu trục săn ngầm cỡ lớn BPK “Petropavlovsk”.
Khi xem xét chiếc tàu ngầm (để thực hiện điều này người ta phải tạo ra độ chênh mớn dọc về phía đuôi tàu), mới thấy rõ rằng mũi tàu ngầm đã bị hư hỏng nặng. Giữa phần cấu trúc mũi bị vặn xoắn của “K-10” đã tìm thấy những mảnh kim loại lạ. Đường sống tàu bằng thép của “K-10” có độ dày 30 mm và chiều dài khoảng 32 mét trong vụ va chạm này bị cắt như thể bộ râu bị chiếc dao cạo cắt sắc lẹm.
Sau khi kiểm tra tàu ngầm bộ tư lệnh hạm đội quyết định rằng trong điều kiện bị nạn thế này tàu không đủ sức vượt qua 4.500 km về căn cứ chính trong tư thế bơi ngầm, khi vượt qua eo Bashi, Okinawa và eo biển Triều Tiên sẽ đi trong tư thế nổi.
Tất nhiên, đó gần như một việc điên rồ: Thiệt hại nặng như vậy mà lại đi ngầm dưới nước! Tuy nhiên, mệnh lệnh là mệnh lệnh. Không có sonar, gần như bơi mò, nhưng đã vượt qua 4.500 km một cách bình thường. Medvedev đặt niềm tin vào thủy thủ đoàn của mình. Và thủy thủ đoàn đã không làm thuyền trưởng của mình thất vọng. Trong một chuyến đi như vậy và với một tình huống khác, phần thưởng sẽ sáng ngời trên ngực các thủy binh.
Nhưng lần này không phải như vậy. Lần này, Tổng tư lệnh Hải quân Xô Viết S.G.Gorshkov đã tuyên bố trừng phạt Medvedev.
“Góc mù” và “góc chết”
Bản thân xuất hiện không chỉ các chi tiết của vụ việc, mà còn cả các câu hỏi: làm sao việc này có thể xảy ra? Thủy văn trong khu vực phức tạp? Tính năng sonar tồi? Sự huấn luyện yếu kém của các đội viên thủy âm? Sự tồn tại của cái gọi là khu vực mù hay khu vực chết? Tại sao thủy thủ đoàn của tàu ngầm Trung Quốc cũng mắc cùng một sai lầm như thế?
Biết rằng các chuyên gia Cục kỹ thuật Hạm đội Thái Bình Dương và Tổng cục Kỹ thuật Hải quân Liên Xô đã điều tra nguyên nhân xảy ra tai nạn. Tại sao trong trường hợp này, ngay cả những thủy thủ tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương cũng không biết gì về nó?
Có ý kiến của một người tham gia vào sự kiện. Aleksandr Dobrogorsky phục vụ trên “K-10”, vào ngày hôm đó, ông đang giữ chức trách kỹ sư cơ khí trực ban của tàu.
Dưới đây là những gì ông đã viết cho tôi: “Theo những gì tôi nhớ – phải mất một thời gian không nhỏ, – chúng tôi bắt đầu vòng sang trái, và sau đó là cú đâm. Đó là một vụ va chạm. Nghĩa là, họ (tàu ngầm Trung Quốc – Tác giả) đang nắm đuôi chúng tôi. Hoặc giả đúng là sự tình cờ định mệnh, không, tôi không tin: đại dương của Thế giới quá lớn đối với những sự tình cờ tương tự.
… Tại sao người Trung Quốc không đoán ra động tác của chúng tôi, tức động tác lượn vòng? Chỉ có Chúa mới biết. Chắc có lẽ toàn bộ đội thủy âm của họ đều bị huấn luyện tồi.
Theo như tôi biết, đối với việc các tàu ngầm theo dõi nhau chúng cần phải ở các độ sâu khác nhau và phải cách đối tượng một khoảng cách nhất định để nếu xảy ra bất cứ điều gì, tàu ngầm có thể đủ thời gian làm động tác ngược lại. Nhưng lần này điều đó không xảy ra: Hai hạt cát gặp nhau trong các độ sâu vô hạn, đơn giản chỉ là một hiện tượng nào đó …
… Khi đến Cam Ranh, các thành viên của Ủy ban Nhà nước đang chờ đợi chúng tôi. Người ta không cho phép chúng tôi tới cầu tàu, và chúng tôi thả neo. Xuồng cao tốc đưa các thành viên của ủy ban và thợ lặn tới. Không ai được phép lên boong. Các chuyên gia kiểm tra tất cả. Kết luận kiểm tra, chúng tôi không được biết. Medvedev bị cắt đứt von đường đi học viện, không được lên quân hàm (đại tá hải quân – biên tập.) Công bố hình thức kỷ luật nhân danh Tổng tư lệnh Hải quân.
… Sau khi trở về Pavlovsk, người ta bắt tay vào việc cắt khỏi tàu chúng tôi các ống phóng ngư lôi bị hư hại, nắp che của chúng ở thời điểm va chạm đã bị xé, mà trong đó có ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân.
Trao đổi với một số chiến sỹ tàu ngầm khác mới rõ rằng sỹ quan cao cấp trên tàu “K-10” là tham mưu trưởng sư đoàn tàu ngầm 29-1 trung tá hải quân Krylov. Sau vụ va chạm tàu thuyền nhân viên Chi nhánh cơ quan đặc biệt đã thu giữ nhật ký hải trình tại buồng chỉ huy trung tâm và cabin hoa tiêu. Krylov tiếp xúc rất lâu với các nhân viên đặc biệt. Kết quả cuộc trò chuyện cá nhân dẫn đến quyết định chép lại những nhật ký này.
Chép lại cả nhật ký vận hành thiết bị năng lượng chính, vì chế độ tốc độ của tàu ngầm nguyên tử khi chạy trong khu vực trực thi hành nhiệm vụ chiến đấu đã bị vi phạm mạnh và tàu đã đến khu vực sớm 3 giờ. Xâm nhập vào khu vực trực chiến sớm hơn là không thể được. Vì thế, chúng tôi đã chạy loanh quanh gần khu vực này cho đến khi va chạm với người Trung Quốc”.
Dưới đây là ý kiến của cựu thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân Viktor Bondarenko, người mà chúng tôi cũng gặp ở đó, tại Obninsk:
– Valery Nikolaevitch đã làm tất cả mọi thứ một cách chính xác. Tại sao ông đến khu vực sớm 8 tiếng đồng hồ, rõ ràng, điều này có cơ sở nào đó, nhưng nó là vấn đề của ông ấy. Việc xấu không phải là thông số thời gian – khi va chạm, khi quay trở lại nơi va chạm, tốc độ đó là thế nào, v.v…
Tàu ngầm diesel Trung Quốc theo dõi tàu ngầm hạt nhân – chỉ có người nghiệp dư mới suy đoán như vậy. Người Trung Quốc đang trải qua các giai đoạn thử nghiệm tuần tự, thủy thủ đoàn chưa hoàn thành nhiệm vụ, họ không được phép sa vào các nhiệm vụ không phải của mình, ngoại trừ các bài thử nghiệm.
Thậm chí nếu họ phát hiện ra một tàu ngầm hạt nhân Liên Xô, họ phải điện báo về sở chỉ huy bờ, và tiếp tục công việc của mình. Nói chung trên cả hai tàu ngầm, xét các đặc tính kỹ thuật trạm thủy âm của chúng giống hệt nhau.
Thủy thủ đoàn “K-10” đã làm việc hết sức mình, còn động tác kiểm tra các góc hướng phía đuôi họ thực hiện rất có trách nhiệm, và các đội viên thủy âm làm việc này rất kỹ lưỡng.
Hãy suy nghĩ. Một khi các tàu va chạm nhau, nghĩa là chúng đang ở tại cùng một độ sâu – 54 m. Hơn nữa, Medvedev cho biết tại thời điểm này, có một cơn bão đang gầm rú trên mặt biển. Nếu vậy, tiếng ồn của hai tàu ngầm sẽ bị tiếng ồn của biển che lấp. Trong tình huống này, ngay cả những sonar tốt và một đội viên thủy âm xuất sắc cũng không phân tách nổi tiếng ồn của tàu ngầm khỏi tiếng ồn chung của biển – đó là một tiên đề.
Medvedev nói rằng sau khi nổi lên, ông đã thấy một ánh sáng nhấp nháy màu da cam. Điều này có nghĩa tàu ngầm Trung Quốc cũng nổi lên, còn tại sao sau đó nó bị đắm – đó còn là một câu hỏi.
Nếu nó không bị chìm sau khi va chạm, và nổi lên, và sau đó mới bị đắm, điều đó hoàn toàn chưa hiểu được. Nghĩa là, họ đã làm một việc gì đó sai, bởi vì phép lạ thường không có, nếu mọi thứ oái oăm như vậy, thì sau khi va chạm, họ đã như viên đá rơi tọt xuống đáy biển trong khi nhắc đến Mao. Vậy thì, Valery Nikolaevitch không cần tự đổ tất cả tội lỗi cho mình để làm gì.
Theo TIỀN PHONG
Tags: Trung Quốc, Liên Xô, Biển Đông