⠀
Về Superego – cái Siêu ngã trong phân tâm học của Freud
Cái tôi, bản ngã, siêu ngã luôn là những chủ đề được bàn luận sôi nổi trong học thuyết phân tâm học của Freud. Ở bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Siêu ngã, vai trò của nó trong nhận thức, hành vi của mỗi con người được diễn tiến ra sao.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-the-superego-2795876
Theo học thuyết phân tâm về tính cách của Freud, siêu ngã là một cấu phần của tính cách hình thành từ những hình mẫu lý tưởng được thu nhận từ cha mẹ và xã hội. Siêu ngã hoạt động giúp đè nén ham muốn của bản năng và cố tìm cách khiến bản ngã hành xử có đạo đức hơn, thay vì cứ theo thực tế mà làm.
Siêu ngã hình thành khi nào?
Trong học thuyết các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục của Freud, siêu ngã là thành tố tính cách xuất hiện cuối cùng. Bản năng là bộ phận nguyên sơ, cơ bản của tính cách, có từ khi mới sinh. Kế đó, bản ngã bắt đầu hình thành trong suốt 3 năm đầu đời của trẻ. Cuối cùng, siêu ngã bắt đầu hiện diện trong khoảng độ tuổi lên năm.
Những khuôn mẫu lý tưởng góp phần hình thành bản ngã không chỉ bao gồm những tiêu chuẩn đạo đức và giá trị chủ thể học được từ cha mẹ, mà nó còn là những ý tưởng về cái đúng sai mà chủ thể tiếp nhận từ xã hội và nền văn hóa nơi chủ thể sinh sống.
Hai bộ phận của siêu ngã.
Trong tâm lý học, siêu ngã có thể được chia nhỏ hơn thành hai phần: lý tưởng bản ngã và lương tâm.
Lý tưởng bản ngã là một bộ phận của siêu ngã bao gồm những quy tắc và tiêu chuẩn quy định những hành vi tốt. Những hành vi này bao gồm các hành vi được cha mẹ và những người có thế lực khác trong xã hội chấp thuận. Nghe theo những quy tắc này sẽ làm chủ thế cảm thấy tự hào, thấy mình có giá trị và có thành tựu. Phá vỡ những quy tắc này khiến chủ thể cảm thấy tội lỗi.
Người ta thường coi lý tưởng bản ngã như một hình ảnh ta có về chính chúng ta trong trạng thái lý tưởng – những người ta muốn trở thành. Hình ảnh lý tưởng này thường được tạo hình theo người ta biết, ta lưu giữ và coi đó là tiêu chuẩn về một hình mẫu ta muốn hướng theo.
Lương tâm (nghĩ chỉ xét trong bối cảnh học thuyết của Freud – ND) được tạo thành từ những quy tắc phân định những hành vi bị coi là ‘xấu’. Khi ta thực hiện hành động tương ứng với lý tưởng của bản ngã, ta sẽ cảm thấy mình vui và tự hào về những gì mình đạt được. Khi ta làm những thứ mà lương tâm coi là ‘xấu’ thì ta sẽ trải nghiệm cảm giác tội lỗi.
Mục tiêu của siêu ngã
Công việc chính của siêu ngã là đàn áp toàn bộ những ham muốn và thôi thúc của bản năng, những cái bị coi là sai trái hoặc không được xã hội chấp nhận. Nó cũng cố ép bản ngã phải hành xử đúng đạo đức, khuôn mẫu lý tưởng, chứ không phải theo thực tế. Cuối cùng, siêu ngã luôn hướng tới sự hoàn hảo về đạo đức, không màng đến sự thực như thế nào hoặc diễn ra cái gì.
Siêu ngã cũng xuất hiện ở 3 cấp độ của nhận thức. Vì lẽ đó, ta đôi khi có thể trải nghiệm cảm giác tội lỗi mà không hiểu chính xác được tại sao ta lại cảm thấy như vậy. Khi siêu ngã thể hiện trong trạng thái ý thức, ta hiểu nguồn căn của những cảm giác này. Tuy nhiên, nếu siêu ngã trừng phạt hay đè nén bản năng trong vô thức thì ta sẽ cảm thấy tội lỗi mà không hiểu tại sao ta lại có cảm giác như vậy.
“Những thứ mà siêu ngã thể hiện là những phần ý thức rõ ràng nhất và có thể được đưa trực tiếp đến khoảng nhận thức nội tại trong tâm trí. Tuy nhiên, bức tranh về siêu ngã luôn khá mù mờ khi có những mối quan hệ hòa quyện tồn tại giữa nó và bản ngã. Lúc đó ta sẽ nói rằng cả hai là một, tức là những khi đó, siêu ngã không còn được coi là một thực thể tách rời đối với bản thân chủ thể hoặc với người bên ngoài quan sát. Ranh giới chỉ rõ ràng khi nó đối đầu với bản ngã bằng sự thù hận hoặc ít nhất là thái độ chỉ trích.”, trích lời Anna Freud trong cuốn “Bản ngã và Cơ chế phòng vệ tâm lý” xuất bản năm 1936.
“Siêu ngã, cũng như bản năng, là cái mà ta có thể nhận thức nó trong một trạng thái chính nó tạo ra trong lòng bản ngã: ví dụ khi sự chỉ trích của nó khơi gợi ra cảm giác tội lỗi,” Anna Freud tiếp tục giải thích.
———————–
Tài liệu tham khảo:
Freud A. The Ego and the Mechanisms of Defense. Karnac Books. 1992.
Theo LINDANGA.COM
Tags: Tâm lý học, Sigmund Freud