Về những món ‘quà vặt’ tầm phào của người Việt trên mạng

Việc ăn quà bằng các thứ tin tức xàm nhảm, các chuyện vặt vãnh vô vị mà lấy nó làm hay ho thú vị, nó thể hiện đúng bản chất tò mò và đa sự của phần lớn chúng ta.

Về những món ‘quà vặt’ tầm phào của người Việt trên mạng

‘Ai ai cũng phải ăn quà…’, (câu này còn có vế sau nữa: ‘Ai ai cũng phải về nhà ăn cơm’, là để nói đến chuyện cơm phở, chuyện tiểu tam, chuyện ngoài chồng ngoài vợ…). Thế nhưng chúng ta chỉ nói chuyện ăn quà theo nghĩa đen, ăn quà là ăn quà, là ăn chơi chơi thứ gì đó không phải vì đói bụng mà chủ yếu vì nhạt mồm. Và đúng là ai ai cũng phải ăn quà, quà sáng, quà chiều. Cơm đủ ba bữa ngon lành đi nữa vẫn có lúc thèm cốc chè miếng bánh. Ăn vặt cơ bản là thói quen gần như phổ biến.

Năm COVID thứ 2 này là năm quà bánh lên ngôi. Tất nhiên không chỉ thực phẩm mà mọi hình thức mua bán đều chuyển sang online một cách bắt buộc. Nhưng mua bán thực phẩm đã chế biến trên mạng đúng là nở rộ. Có lần tôi thử tìm địa chỉ mua đồ ăn online, xong hoa hết cả mắt. Hàng chục ứng dụng với hàng nghìn địa chỉ bán đồ ăn trên mạng, hầu hết những thứ được bán như thế đều có tên là quà. Phở, xôi, bún, cháo, bánh cuốn…, những thứ quà có thể ăn thay cơm đã đành, nhưng cơ man còn lại là trà sữa, dừa dầm, chè sầu, bánh gối, bánh tôm, cháo trai, cháo sườn, nộm, hoa quả dầm…

Quà cho trẻ con, quà cho người lớn nhiều không xiết kể. Chỉ cần vài thao tác của ngón tay là muốn ăn quà khắp thành phố cũng được. Ẩm thực nước ta vô cùng phong phú, quà bánh ăn vặt như trong nhiều khảo sát nhiều hơn bất kể quốc gia nào. Từ thành thị đến miền quê, bước chân ra ngõ là triền miên hàng quà.

Giãn cách xã hội khiến người ta có vẻ thích ăn quà nhiều hơn bình thường, chưa có khảo sát chính thức nào nhưng cứ nhìn tốc độ phát triển của các ứng dụng chuyên bán đồ ăn cũng như sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ “giao hàng viên” thì cũng có thể kết luận như vậy. Cũng chưa có khảo sát chính thức nào nhưng sự ăn quà sinh ra chủ yếu là do rảnh, rảnh tay chân đầu óc sinh ra rảnh miệng. Ăn quà hẳn hoi là một thú vui. Nhất là một đất nước quà bánh phong phú mọi miền như nước mình. Ai lại có thể phản đối chuyện thích ăn quà?

Nếu việc ăn quà vặt đem lại vui thú cho người ăn thì chẳng có gì để nói. Nó cực kỳ chính đáng là khác. Ai ai cũng phải ăn quà…, câu khái quát ấy đúng là tài.

Nhưng còn tài nữa khi nói ai đó “kiếm chuyện làm quà…”. Có người kiếm chuyện làm quà bởi có vô số người coi chuyện riêng tư của người khác là quà của mình. Một thứ quà chẳng cần sáng hay chiều, chẳng cần no hay đói, cứ có lúc nào là vui lúc đó.

Nhiều gấp trăm lần những ứng dụng bán thực phẩm đã chế biến, là những trang cá nhân tung tin nhảm nhí, những tin tức đã qua xào nấu và gia giảm thêm nhiều gia vị. Việc ăn quà bằng các thứ tin tức xàm nhảm, các chuyện vặt vãnh vô vị mà lấy nó làm hay ho thú vị, nó thể hiện đúng bản chất tò mò và đa sự của phần lớn chúng ta.

Vặt vãnh mà kể ra thì không biết lúc nào mới hết. Lúc nào cũng có ai đó kiếm chuyện làm quà đưa lên mạng. Nhưng rầm rộ nhất hiện nay, hào phóng phát ra rất nhiều “quà” gần đây là chị đẹp Phương Hằng. Mỗi tối livestream của chị Hằng là sôi sục ít nhất nửa triệu người xem từ gần 1 tháng nay. Không gì có thể hấp dẫn hơn nghe những chuyện người khác bị bóc phốt, những bí mật bị phơi bày, cho dù những bí mật ấy chẳng ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống của mình.

Trong những thứ quà từ các câu chuyện xàm, thứ ngon nhất dường như là quà từ câu chuyện về sự xấu xa của người khác. Chẳng ai thấy người khác xấu mà tốt lên, nhưng những người thích kiếm chuyện làm quà lại rất thành công khi cả một bộ phận xã hội luôn tin tưởng người khác đen tức là mình trắng và lên tiếng rất hùng hồn về đen và trắng, sau khi nghe các câu chuyện của họ.

Mà chẳng biết là may hay không may nữa, chuyện của người khác ở nước mình quả thật nhiều. Sau danh hài Hoài Linh đến ca sĩ Phi Nhung. Thiên hạ hả hê mỗi lần có thần tượng nào đó bị hoen ố thanh danh, dù thật hay không thật. Cũng giống như ăn quà thời COVID, các câu chuyện làm quà nở rộ cho những người rảnh rỗi. Hôm nay những người cùng làm từ thiện nói gì về Hoài Linh. Bản sao kê ngân hàng từ đâu mà ra. Nghệ sĩ nào cũng làm từ thiện mà không bị tố… Người này liên quan người nọ. Rồi những người bị điểm tên bắt buộc lên tiếng. Người này liên quan đến người kia, chuyện nọ liên quan đến chuyện kia…

Rồi hôm nay tin nhắn của Hồ Văn Cường nói gì? Phi Nhung giữ bao nhiêu tiền của con nuôi? Nghệ sĩ hay bầu sô nói gì về vụ này? Mỗi ngày có thêm cả mớ thông tin mới hoặc không mới được xào xáo, thêm bớt và bởi nhiều người háo hức quá, nên tin tức cứ nhiều thêm. Các thám tử mạng cũng như các nhà đạo đức mạng tăng trưởng số lượng mỗi ngày cũng nhanh như đội ngũ “giao hàng viên”. Thiên hạ lo COVID với vaccine chưa xong, mà những tin tức xàm thì cứ đầy trên mạng về những vụ lùm xùm vớ vẩn, kiểu trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông mỗi ngày cứ đầy lên đến phát khiếp.

Nhưng đấy cũng là chuyện thường tình, có lẽ chẳng phải riêng xứ mình mà xứ nào cũng vậy. Chỉ là mức độ hiếu kỳ mỗi nơi có giới hạn khác nhau. Giới hạn ấy có tên là văn hóa ứng xử. Chứ việc người ta phải có gì đó để giải trí, hoặc để quên đi những vấn đề của bản thân mình luôn là điều dễ hiểu. Nhưng cách mỗi nơi tìm khoái cảm bằng cách nhìn người nổi tiếng bị hạ bệ, cách sốt sắng tham gia vào những câu chuyện xàm và cho mình có quyền kết luận chắc như đinh đóng cột về một điều hoàn toàn chỉ nghe hóng hớt, thì có lẽ dân nước mình thuộc top đầu. Tất nhiên điều vừa nói chỉ là cảm tính, chẳng có khảo sát chính thức nào. Nó chỉ dựa trên thói quen thích ăn quà vặt đã thành bản sắc mà bằng chứng rõ ràng nhất là quà vặt nước mình nhiều vô kể.

Người ta ăn quà cốt để vui, chứ nghe những câu chuyện làm quà cũng cốt để vui thì cái vui ấy nhiều khi độc ác, vui trên nỗi khổ của người khác, vui trên sự bẽ bàng hoặc oan ức của người khác.

Một thức quà bánh trong một buổi sáng hay chiều, dù có thể không đủ ngon lành nhưng vẫn có thể nhẹ nhàng trôi đi, có khi như một cảm xúc, không dễ chịu cũng không đáng bận tâm. Còn thứ quà từ các câu chuyện được coi như làm quà thì ngược lại. Quà ấy mang quá nhiều cay đắng trong một xã hội ưa thích thị phi. Chẳng có gì để vượt qua nó ngoài việc mong mình đừng bao giờ là người trong cuộc.

Một xã hội nhân ái hơn được thể hiện mới chỉ dừng ở những tấm lòng thiện nguyện, những hộp cơm gói mì ở những vùng có dịch. Nhưng để có một sự thương yêu san sẻ và thật lòng với nhau hơn, có lẽ chỉ khi chúng ta bớt quan tâm những câu chuyện làm quà trên mạng.

Theo HÀ PHẠM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,