Về chuyện hãi hùng mang tên nhà vệ sinh công cộng ở các đô thị Việt Nam

Tôi luôn cố gắng nín thở mỗi khi phải vào các nhà vệ sinh công cộng tại TP HCM. Người dân không thể có chất lượng cuộc sống cao nếu chính quyền không nhìn thấy nhu cầu cơ bản và thiết yếu của họ.

Tác giả: Võ Nhật Vinh, Tiến sĩ, hiện là Chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp).

Sinh thời, ba tôi rất thích được chơi cùng con cháu, nhưng ông không bao giờ đi cùng chúng tôi đến các địa điểm tham quan du lịch.

Cùng lắm, ông chỉ chịu đến các tòa nhà trung tâm thương mại và rất ngại di chuyển bằng ôtô đường xa. Người lớn tuổi thường có nhu cầu đi vệ sinh nhiều và ba tôi sợ không tìm được nhà vệ sinh đúng nghĩa.

Dịp Tết Dương lịch vừa qua, khi ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, tôi và các con cũng phải cố gắng nín thở mỗi khi vào các nhà vệ sinh nhếch nhác, bốc mùi. Ngay tại TP HCM, sau nhiều lần chịu đựng tình trạng tồi tệ này, tôi đành chọn cách ghé vào mua ly nước ở một quán cafe nào đấy để được sử dụng nhà vệ sinh.

Ảnh: Nhất Thịnh / Báo Thanh Niên.

Tạp chí uy tín hàng đầu Nhật Bản Nikkei Asia gần đây dẫn kết quả khảo sát của QS Supplies (Anh) cho biết, Hà Nội có hơn 400 nhà vệ sinh công cộng, TP HCM có khoảng 200; đứng thứ 66 và 67 trong tổng số 69 thành phố du lịch lớn được xếp hạng, tính theo số nhà vệ sinh công cộng trên km vuông. Thứ hạng này thua xa Kuala Lumpur (hạng 42) và Bangkok (45). Paris là thành phố có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao nhất thế giới (6,72 cái/km2). Mật độ của TP HCM và Hà Nội đều là 0,01 cái/km2 – bằng Johannesburg và chỉ cao hơn Cairo (0,002 cái/ km2) trong danh sách.

Thực tế, số nhà vệ sinh công cộng ở tình trạng sử dụng được còn thấp hơn nhiều do sự xuống cấp, hư hỏng. Cả hai thành phố từng có những dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng nhưng tất cả đều đang nằm trên giấy vì nhiều nguyên nhân.

Hôm 3/3, Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo nóng về vấn đề triển khai nhà vệ sinh công cộng, nơi người dân có nhu cầu tiếp cận lớn. Nội dung chính của chỉ đạo liên quan đến các hướng tháo gỡ để nhanh chóng xây dựng mới các nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo tôi, để tháo gỡ, có một số việc quan trọng cần xác định trước.

Thứ nhất, tôi chưa thấy báo cáo cụ thể nào đề cập tới tình trạng hiện tại của 200 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố, mức độ hư hỏng ra sao và việc bảo trì, sửa chữa được thực hiện như thế nào. Theo trải nghiệm của tôi, rất nhiều nhà vệ sinh công cộng đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng hoặc bốc mùi hôi thối, kể cả tại trung tâm quận 1. Nhiều nơi khác thường xuyên bị đóng cửa. Điều này khiến tôi nghi ngại về hiệu quả của công tác vận hành, bảo dưỡng. Vậy số phận của hàng loạt nhà vệ sinh công cộng sắp được xây dựng mới sau khi đưa vào hoạt động sẽ ra sao? Liệu chúng có chung số phận với 200 nhà vệ sinh hiện có?

Thứ hai, số liệu về nhà vệ sinh công cộng thường gây ra lo ngại về khả năng thu hút du khách nước ngoài. Nhưng với tôi, những số liệu này trên hết minh chứng cho sự báo động về điều kiện sống của chính người dân tại hai thành phố lớn nhất nước. Các hướng tiếp cận với vấn đề này trước đây chủ yếu tập trung vào việc xây dựng hình ảnh đẹp cho thành phố nhằm tránh “mất mặt” với khách quốc tế. Nhà vệ sinh công cộng sẽ không làm “mất mặt” thành phố nếu nó được tiếp cận với một hướng khác, như cách xác định của TP HCM, hướng đến nhu cầu của người dân.

Trước tiên, nhà vệ sinh không phải là “công trình phụ” như tên gọi vẫn thường được sử dụng trong các công trình, mà là một cấu trúc xây dựng tối quan trọng trong đời sống con người. Vì lẽ đó, nhà vệ sinh công cộng trước hết phải được chính quyền các cấp xem như một công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân giống như các công trình cầu đường vậy. Sự quan tâm đúng mực, có trách nhiệm là một bước khởi đầu quan trọng để giải quyết vấn nạn này.

Kế đến, nếu đã coi nhà vệ sinh công cộng là một hạng mục thiết yếu cho đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân, hoạt động của nhà vệ sinh công cộng sẽ là một sản phẩm mà thị trường của nó hết sức rộng lớn – nhất là ở các đô thị có 8 triệu hay 10 triệu dân như Hà Nội và TP HCM. Đặc trưng của nền kinh tế thị trường là sự cạnh tranh với sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong gần 40 năm qua từ khi Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường, các sản phẩm mà người dân được sử dụng ngày càng có chất lượng cao hơn và đa dạng hơn. Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cũng đã từng đưa ra ý kiến về việc tận dụng nguồn vốn xã hội hóa. Singapore – quốc gia nổi tiếng về sự sạch sẽ – đang áp dụng chính sách như vậy. Chính quyền chỉ cần lo về quy hoạch và các quy chuẩn, còn lại hãy để các doanh nghiệp lo.

Người dân không thể có chất lượng cuộc sống cao nếu chính quyền không nhìn thấy nhu cầu cơ bản và thiết yếu của họ. Hình ảnh đẹp trong mắt du khách quốc tế sẽ bắt đầu từ hình ảnh người dân bản địa được chăm sóc chu đáo các nhu cầu sống cơ bản và thiết yếu, trong đó có nhà vệ sinh công cộng.

Theo VNEXPRESS 

Tags: , ,