Về chuyện ‘cuồng’ và ‘loạn’ chứng chỉ IELTS ở Việt Nam

Khi nghe tình trạng một số phụ huynh ép con học để thi IELTS ngay từ cấp 1, đồng nghiệp Tây của tôi nói thật kinh khủng.

Trước khi thảo luận về IELTS tại Việt Nam, xin nói rõ là tôi ủng hộ chứng chỉ IELTS, một trong nhiều cách để chứng minh năng lực tiếng Anh hiện tại. Nhưng tôi mong muốn mọi người hiểu rằng nó không phải là đỉnh cao hay con đường duy nhất như nhiều người học hay phụ huynh (người chi tiền học) lầm tưởng.

Tôi từng du học cả đại học và thạc sĩ ở nước nói tiếng Anh bản ngữ, làm trong ngành giảng dạy tiếng Anh gần chục năm nay tại trường đại học, từ các cơ quan đoàn thể đến tư nhân, xin chia sẻ một số quan điểm chung về việc tiếp cận chứng chỉ tiếng Anh IELTS tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, trải nghiệm từ một người dạy tiếng Anh ở nhiều môi trường và cho nhiều lứa tuổi, tôi thấy rằng, rất nhiều bạn điểm cao tiếng Anh (cả điểm trên trường lớp hoặc chứng chỉ IELTS…) đều không có khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả, cả ở môi trường Việt Nam và khi đi du học.

Trong khi đó cũng có rất nhiều người không có bằng cấp nhưng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh lại rất hiệu quả. Các doanh nghiệp tuyển dụng cũng hãy cởi mở và đừng đánh trượt hay loại bỏ những ứng viên chưa hoặc không có IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Anh ngay từ đầu. Hãy cho họ cơ hội thể hiện khả năng bằng hình thức khác hoặc một thời điểm khác.

Thứ hai, tôi đã từng dạy nhiều bạn sinh viên có bằng IELTS 8.0 và 8.5 (điểm tối đa là 9.0). Đối với tôi, họ chỉ là những người học và thi IELTS giỏi và sớm thôi.

Những bạn có điểm tiếng Anh cao không nhất thiết có lợi thế trong các môn chuyên ngành, và ngược lại cũng vậy. Rất nhiều bạn vẫn đỗ đại học, tốt nghiệp loại giỏi bất kể trình độ tiếng Anh của bản thân.

Tôi cũng mong sao một số cơ sở giáo dục tạo điều kiện chấp nhận nhiều hình thức chứng minh khả năng tiếng Anh của sinh viên khi tốt nghiệp thay vì là chỉ chấp nhận một số chứng chỉ như IELTS.

Tiếng Anh là một trong rất nhiều môn học, thậm chí nó là môn năng khiếu. Vậy mà nhiều sinh viên không thể ra trường được vì thiếu chứng chỉ quốc tế, dù đã hoàn thành các học phần tiếng Anh trên lớp, thì quả là bất cập. Bất cập cho những người không có khiếu ngoại ngữ, và nhất là cho những bạn gia cảnh không dư dả gì (riêng tiền đăng ký thi IELTS là khoảng 5 triệu đồng một lần, chưa kể chi phí tham gia nhiều khóa học/luyện thi).

Thứ ba, tiếng Anh rất quan trọng với rất nhiều ngành nghề trong thời đại ngày nay, chứng chỉ IELTS cũng rất có ích trong việc chứng tỏ khả năng tiếng Anh. Nhưng lầm tưởng nó là con đường duy nhất, lấy nó làm thứ thúc ép con em mình phải đạt được từ khi còn trên ghế nhà trường (cấp 1,2,3), khi kiến thức xã hội và tư duy phản biện còn chưa đủ đầy thì quả là khó khăn cho các bé/các bạn … và cả người dạy.

Thứ tư, nếu cuồng chứng chỉ và thi cử, thì xuất hiện rất nhiều lò luyện và dạy mẹo, học tủ để đạt điểm tốt. Nhưng chất lượng tiếng Anh thực sự, cảm thụ và khả năng sử dụng ngôn ngữ thì nó đâu chỉ gói gọn trong kỳ thi cụ thể nào đâu.

Điều này thể hiện rất rõ đối với rất nhiều bạn đi du học, hụt hẫng, lẻ loi và khó hoặc không thể hoà đồng vì lầm tưởng có bằng IELTS là sẽ du học thành công như mong muốn.

Thứ năm, khi đi du học hoặc xét học bổng, các bạn được ưu tiên sẽ là những bạn học rất giỏi các môn học khác (ví dụ điểm tổng kết các môn cấp 3). Còn bằng IELTS hay các chứng chỉ tương tự thì các trường sẽ xếp cuối cùng vì nó chỉ để chứng tỏ bạn dùng Tiếng Anh được thôi. Đây gần như là yêu cầu đương nhiên, học ở nước ngoài thì phải học bằng tiếng Anh. Vì thế, mức 6.0 hoặc 6.5/9.0 là mức nhà trường thường yêu cầu khi đi du học hoặc xét học bổng rồi.

Điều đó cho thấy chứng chỉ IELTS chỉ giúp chứng minh bạn có khả năng tiếng Anh để theo học bằng ngôn ngữ này thôi. Tôi biết nhiều người (gồm phụ huynh và học sinh) nghĩ IELTS là con đường duy nhất. Nhưng có nhiều cách để chứng minh khả năng tiếng Anh. Tôi và rất nhiều người khác đi du học mà không phải thi IELTS, TOEFL, TOEIC. Phụ huynh và học sinh hãy chủ động tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn.

Thứ sáu, IELTS hay những chứng chỉ tương tự không xấu. Nhưng cách tiếp cận học tiếng Anh, tiếp cận thi lấy những chứng chỉ đó ở Việt Nam, và cách một số cơ sở giáo dục yêu cầu bắt buộc phải có để xét tốt nghiệp như hiện tại thì nó cực đoan và tạo ra nhiều hệ lụy.

Tôi rất buồn khi nhận được những câu hỏi: “Em đang không biết gì tiếng Anh, mất gốc, muốn học IELTS được 7.0, thầy cho em xin học lớp IELTS với ạ”, hay “bây giờ các bạn khác ai cũng học mà thấy bảo học cái này rồi là được tuyển thẳng đại học, rồi xin được học bổng”.

Vậy là lại quẩn quanh tư duy học để thi, và thêm cả áp lực từ bạn bè và gia đình khác. Thực tế cho thấy chứng chỉ tiếng Anh đang bị thương mại hoá, cuồng hoá tới mức rất nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh lầm tưởng nó là con đường duy nhất, là đỉnh cao của ngoại ngữ. Không hẳn. Bản thân tôi và rất rất rất nhiều người dùng tiếng Anh chưa từng thi IELTS bao giờ.

Thứ bảy, hệ lụy của việc này dẫn đến việc các bé, các bạn học sinh, sinh viên lại thêm áp lực thi thêm một kỳ thi, thậm chí từ cấp 1 đã phải đi học IELTS. Các đồng nghiệp Tây của tôi nghe vậy và thốt lên “kinh khủng”.

Tôi ủng hộ tính hữu ích của IELTS và các chứng chỉ quốc tế tương tự, và đang chia sẻ để mọi người (cả người học và người chi tiền) hiểu rằng có rất nhiều con đường để chinh phục cũng như thể hiện được việc dùng tiếng Anh tốt để phục vụ công việc cụ thể.

Tôi chỉ không hài lòng việc thần thánh hóa chứng chỉ ngoại ngữ IELTS ở nhiều cấp độ trong xã hội Việt Nam hiện tại, việc mà dẫn đến những hệ lụy như đã đề cập.

Hãy tiếp cận việc học tiếng Anh như một phần trong hành trình chinh phục tri thức, coi nó là một phần của cuộc sống. Đừng đau đáu phải có bằng này, chứng chỉ kia để rồi dẫn đến hệ lụy học mẹo, học thuộc, học tủ để có điểm cao, và đánh giá nhau qua tấm bằng IELTS.

Khi bản thân cảm nhận được nó rồi thì việc học và thực hành tiếng Anh trở nên nhẹ nhàng và thú vị. Và khi đó những bài kiểm tra, kỳ thi chứng chỉ (ví dụ IELTS) sẽ chỉ ngốn mất chút ít thời gian và công sức làm quen dạng đề khi bạn cần thi thôi.

Mỗi chứng chỉ, kỳ thi đều có những nét riêng và được yêu cầu bởi những tổ chức khác nhau ở thời điểm nhất định. Vậy cách tốt nhất là tâm niệm học tốt và dùng tốt. Khi nào cần chứng chỉ gì đó cụ thể thì đó là lúc bỏ chút ít thời gian và công sức ôn thi sau.

Có rất nhiều địa chỉ luyện thi tin cậy, nơi sẽ giúp các bạn làm quen với dạng đề và ôn luyện trong thời gian ngắn. Nhưng quan trọng nền móng cảm thụ và làm chủ tiếng Anh của bạn cần phải trau dồi qua năm tháng cho vững và bền đã.

Có một câu mà tôi xin tạm dịch: “Ngày xưa, nếu Albert Einstein mà phải thi chứng chỉ tiếng Anh để nhập cư sang Mỹ thì chắc ông ấy cũng sẽ không nổi tiếng, thành công, và không trở thành nhà khoa học có khả năng đóng góp được nhiều cho nhân loại đến vậy”.

Mở rộng ra thì tôi thấy tiếng Anh là một môn năng khiếu, và xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng trên mạng để thấy rằng Tiếng Anh quan trọng nhưng không phải tất cả, tam dịch: “Ai cũng là thiên tài ở khía cạnh nhất định. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá dựa trên khả năng leo cây của nó thì con cá đó sẽ sống cả cuộc đời mình nghĩ rằng nó vô dụng”.

Xin nhắc lại là tôi ủng hộ chứng chỉ IELTS, một trong nhiều cách để chứng minh năng lực tiếng Anh hiện tại. Nhưng tôi hy vọng mọi người hiểu rằng nó không phải là đỉnh cao hay con đường duy nhất.

Mong cho thật nhiều người học và phụ huynh hiểu thêm về IELTS qua những trải nghiệm và chia sẻ cá nhân của tôi, và đưa ra những quyết định phù hợp hơn cho mình. Chứ giờ câu cửa miệng “…có bằng IELTS chưa” hay là “IELTS mấy chấm” ngay khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc khi đi xin việc thực sự làm tôi buồn, và cảm thấy hoang mang khi biết có nhiều gia đình bắt con em mình đi học, cày IELTS từ cấp 1.

Theo ĐIỆP LÊ / VNEXPRESS

Tags: ,