⠀
Ẩn số về cái chết của con gái bà Trần Lệ Xuân
Ngô Đình Lệ Thủy là con gái đầu lòng của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân. Trong những ngày tình hình chính trị của miền Nam ngày ấy có nhiều rối ren, căng thẳng, Ngô Đình Nhu đã để cho Trần Lệ Xuân xuất ngoại tham dự các hội nghị với hi vọng cải tiến được tình hình chiến sự.
Khi sang nước ngoài Lệ Xuân đã mang theo cô con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy để có mẹ có con trong lúc đàm phán, hữu sự. Bởi Lệ Thủy đã là một sinh viên đại học nên có thể giúp đỡ Lệ Xuân trong những khi cần thiết trả lời báo chí. Nhưng không ai ngờ rằng, lần ra đi này là lần ra đi không có ngày trở lại Việt Nam của Trần Lệ Xuân và cô con gái rượu.
Bị ném trứng thối và đe dọa cài bom
Đầu tháng 9/1963, Trần Lệ Xuân bắt đầu cuộc hành trình xuất ngoại. Nơi hai mẹ con Trần Lệ Xuân đặt chân đến đầu tiên là Nam Tư để tham dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Quốc tế sau đó sang Roma. Cuối tháng 9/1963, Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy rời Roma sang Paris. Khi tới phi trường Orly, Lệ Xuân và con gái bị hàng trăm sinh viên Việt và Pháp chờ ở cổng sân bay để “trao tặng” cho những quả trứng thối. Cảnh sát Pháp nhanh chóng cho một chiếc xe riêng đón hai mẹ con tại chân thang máy bay, để thoát khỏi đám đông bên ngoài.
Hai mẹ con Trần Lệ Xuân được trú ngụ tại một khách sạn hạng sang ở Paris. Cả ngày hai mẹ con không dám rời khỏi phòng. Có nhiều người cho rằng hai mẹ con bị mệt, số khác lại nói mẹ con Trần Lệ Xuân sợ phản ứng của sinh viên. Hai hôm sau, cảnh sát Paris nhận được điện thoại cho biết khách sạn nơi mẹ con Trần Lệ Xuân ở có gài một quả bom. Lực lượng cảnh sát vội đổ xô đến bao vây và lúc soát hơn nửa tiếng đồng hồ nhưng không tìm thấy gì. Mẹ con Trần Lệ Xuân được một phen hồn vía lên mây.
Ngay ngày hôm sau Trần Lệ Xuân cho mở cuộc họp báo trong gian phòng chật hẹp với sự tham dự của gần 200 ký giả quốc tế nhưng cuộc họp báo cũng nhờ đến cảnh sát Pháp bảo vệ an ninh. Từ khách sạn Kleber tới tòa đại sứ chỉ vài trăm mét, nhưng khi xe chở mẹ con Trần Lệ Xuân vừa xuất hiện đã bị sinh viên đón sẵn ở đầu đường, liệng sơn vào xe và hô đả đảo Trần Lệ Xuân. Tại Pháp mẹ con Trần Lệ Xuân chỉ ở lại đúng 5 ngày và nhanh chóng bay sang Mỹ tiếp tục cuộc hành trình “giải độc”.
Vừa mới chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Mỹ, hai mẹ con Trần Lệ Xuân lại bị những cuộc họp báo sỉ vả, nên hai ngày liền hai mẹ con cứ nằm lỳ trong khách sạn. Sau hai ngày nằm im để nghỉ ngơi và hoạch định kế hoạch với các quân sư, Lệ Xuân đã tổ chức bữa cơm tại khách sạn lớn nhất New York là Waldorf- Astaria do câu lạc bộ báo chí hải ngoại chủ trì mời Trần Lệ Xuân và báo giới tới dự. Sau đó, Lệ Xuân và con gái tới đại học Harvard để nói chuyện, lại bị các sinh viên “chào đón” bằng trứng ung và cà chua ném vào xe, đến lúc vào giảng đường luật khoa để nói chuyện thì bị các phóng viên chất vấn tới tấp.
Trong những ngày lưu lạc ở xứ người với nhiệm vụ “giải độc”, mẹ con Trần Lệ Xuân đang dừng chân ở đất Mỹ thì được tin các tướng lãnh làm đảo chánh lật đổ Diệm-Nhu một cách thê thảm trong một chiếc xe bọc sắt. Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Thủy bàng hoàng, hai mẹ con vội vàng thu xếp trở về Roma để gặp Ngô Đình Thục xem ai giết Diệm-Nhu. Rời Mỹ mẹ con Trần Lệ Xuân để lại sau lưng những vụ kiện cáo về tiền bạc. Tới Roma mẹ con Trần Lệ Xuân lại phải nhận thêm một tin buồn nữa Ngô Đình Cẩn bị án tử hình. Đến đây, mẹ con Trần Lệ Xuân quấn ba vành khăn tang trên đầu.
Cái chết bất ngờ
Sau cái chết của người thân, Trần Lệ Xuân được Ngô Đình Thục cấp cho một căn nhà ở cùng với con gái lớn Lệ Thủy. Nhiều phóng viên biết nơi cư trú đã đến gặp Lệ Xuân xin phỏng vấn về chính trị Việt Nam nhưng Lệ Thủy đã thay mặt mẹ ra trả lời các báo, nếu muốn phỏng vấn thì phải trả tiền trước với giá 500-1000 USD cho một cuộc phỏng vấn trong 15 phút, lâu hơn thì phải trả thêm tiền, và Lệ Thủy là người mặc cả trong việc này.
Một số người thân tín của Lệ Xuân cho biết, sở dĩ Lệ Xuân làm giá cao như vậy là vì bà rất kỵ hay nói cách khác ghét ký giả Mỹ. Làm như vậy, Lệ Xuân không muốn họ quấy rầy mình, nhất là sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Trần Lệ Xuân không còn đủ tỉnh táo để bình tâm trả lời phỏng vấn một cách đàng hoàng được.
Khi đó, Ngô Đình Lệ Thủy đang học năm thứ 3 Y Khoa, được Ngô Đình Thục mua cho một chiếc xe Peugeot 404 để đi lại. Tuy nhiên, không ngờ, chiếc xe định mệnh đã kết liễu cuộc đời của Ngô Đình Lệ Thủy.
Theo lời của linh mục Trần Thanh Giản, một linh mục của sinh viên công giáo tại Paris thời 1954-1964 từng kể lại: “Nhiều người cứ cho rằng sau năm 1963, mẹ con Trần Lệ Xuân sống như một bà hoàng trên đất Pháp. Nhưng, bà Nhu và các con chỉ sống bình thường như mọi người. Ban đầu, tiền sống hàng tháng được ông bà Ngô Đình Luyện giúp đỡ khá nhiều, nhưng gia đình của Ngô Đình Luyện cũng chẳng khá giả gì nên tiền hỗ trợ cũng thưa dần rồi hết”.
Riêng về phần Ngô Đình Lệ Thủy đã lớn nên những lúc nghỉ học thường được bạn bè sinh viên Việt và Pháp rủ đi chơi xa để quên đi nỗi buồn của gia đình đang gánh mấy cái tang trong một năm. Lệ Thủy thường đi khiêu vũ với các bạn cùng trường tới khuya. Chính vì nỗi buồn gia đình nên nhiều buổi dự tiệc, Lệ Thủy thường uống rượu say để quên đời.
Trong một lần Lệ Thủy uống rượu ngà ngà say, sau buổi khiêu vũ ra về, cô lái xe Peugeot 404 một mình đã bị tai nạn. Lệ Thủy vừa lên xe, mở khóa xe, rồ ga để chạy thì chiếc xe vọt nhanh húc vào cột đèn, đầu xe rúm lại, Lệ Thủy đang ôm tay lái bị mảnh kính xe vỡ đâm vào người và tay lái đập bể ngực, tắt thở ngay trên xe.
Cũng theo linh mục Phan Thanh Giản cho biết, khi biết tin Lệ Thủy bị tử nạn xe hơi là vào lúc nửa đêm ngày 12/4/1967 đã làm Lệ Xuân ngất xỉu tại chỗ. Lúc mất, Lệ Thủy mới tròn 22 tuổi.
Nói về cái chết của Ngô Đình Lệ Thủy, một số người thân cận với gia đình Lệ Xuân cho rằng, khi học tại Paris Lệ Thủy có quen thân với một vị thái tử của một nước châu Á. Vị thái tử này tuy đã có vợ, nhưng vẫn có cảm tình với Lệ Thủy. Họ thường gặp nhau ở những bữa tiệc thịnh soạn. Có thể hai người chỉ là bạn bè, nhưng nhiều người lại nhìn họ bằng con mắt khác, cho rằng hai người là “bồ bịch” của nhau. Do vậy, cái chết của Ngô Đình Lệ Thủy là do cơ quan an ninh của nước đó đã phá hoại xe của Lệ Thủy bằng cách tháo đi một con ốc trong bộ phận tay lái, nên khi Lệ Thủy rồ máy cho xe chạy thì tay lái không còn điều khiển được nữa và gây ra tai nạn.
Hồi ức đau buồn
Bà Trần Lệ Xuân từng kể lại trong hồi ký của mình: “Ngô Đình Lệ Thủy sinh năm 1945 tại Huế. Năm đó, Ngô Đình Nhu đang trốn tránh ở khu Phát Diệm thì Trần Lệ Xuân và con gái Lệ Thủy đang ở Huế. Khi Lệ Thủy mới được 4 tháng thì hai mẹ con chứng kiến cùng lúc hai cái chết của Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân (con trai Khôi) bị xử tử. Rồi sau đó, Diệm-Nhu và Cẩn rồi Lệ Thủy đều lần lượt ra đi”. |
Theo NGƯỜI ĐƯA TIN
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Trần Lệ Xuân