Về bản chất của chế độ Việt Nam Cộng hòa

Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm tay sai cho đế quốc Mỹ.

Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không phải là biên giới quốc gia. Theo Hiệp định này, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956.

Tuy nhiên ông Ngô Đình Diệm – do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm Thủ tướng của chính phủ bù nhìn Bảo Đại – đã tuyên bố không có tổng tuyển cử gì hết, trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, và đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.

Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam và tin rằng nếu tiến hành bầu cử tự do, Hồ Chí Minh sẽ giành được tới 80% số phiếu. Do vậy ông Diệm với sự giúp đỡ của người Mỹ đã phải sử dụng nhiều “mưu hèn kế bẩn” để củng cố quyền lực của mình (với tư cách là Thủ tướng), rồi gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý” để hạ bệ luôn Quốc trưởng Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam Cộng hòa” với Diệm làm Quốc trưởng và sau đó là Tổng thống.

Tiếp đó, ông Diệm áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.

Sau khi đã củng cố vững chắc chính quyền, Ngô Đình Diệm đã cho tiến hành “cải cách điền địa” với nội dung ngược với “cải cách ruộng đất” (mục tiêu dân cày có ruộng) mà cách mạng đã tiến hành trước đó. Với “cải cách điền địa”, ông Diệm đã tước đoạt đất đai của nông dân và khôi phục lại giai cấp địa chủ, tạo thêm chỗ dựa xã hội cho chế độ. Cho nên, sau này dù có mị dân đến mấy, chính quyền này cũng không giành được sự ủng hộ ở nông thôn.

Về bản chất chính trị, Việt Nam Cộng hòa đại diện cho các tầng lớp tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ.

Nền tảng trực tiếp cho sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa là chính thể “Quốc gia Việt Nam” (1949-1955) – đây là một chế độ bù nhìn do Pháp lập nên trong thời kỳ kháng Pháp và do cựu hoàng Bảo Đại (mất ngôi hoàng đế sau Cách mạng tháng Tám) làm quốc trưởng. Quốc kỳ “ba que” của Việt Nam Cộng hòa cũng chính là quốc kỳ của “Quốc gia Việt Nam” được Pháp “trao trả độc lập”.

Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm tay sai cho đế quốc Mỹ.

Theo thời gian, chính thể Việt Nam Cộng hòa ngày càng thối nát với tệ nạn tham nhũng, các cuộc đấu đá nội bộ và các cuộc đảo chính quân sự. Chế độ này không đại diện cho dân tộc và trên thực tế đã bị nhân dân và lịch sử quay lưng lại.

Quân đội, cảnh sát mang gốc gác thực dân

Quân lực Việt Nam Cộng hòa thường khoe là chiến đấu cho tự do. Tuy nhiên quân đội này lại phát xuất từ chính lực lượng ngụy quân đã sát cánh bên quân đội viễn chinh Pháp dưới lá cờ tam tài. Đa phần các tướng lĩnh cao cấp của quân đội Sài Gòn đều đã từng phục vụ trong quân đội Pháp hoặc quân đội “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại để bảo vệ nền thống trị của người Pháp ở Đông Dương.

Viên tướng tư lệnh Phạm Văn Phú, kẻ đã bại trận thảm hại tại chiến trường Tây Nguyên năm 1975, cũng từng là lính Việt chiến đấu hăng hái bên các chiến hữu Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Tại Điện Biên, ông Phạm Văn Phú khi đó si mê hát Quốc ca Pháp, hô hào các binh sĩ ngụy khác đánh trả quân Việt Minh của tướng Võ Nguyên Giáp.

Cảnh sát Quốc gia của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng không hơn. Nó bắt nguồn từ lực lượng cảnh sát và mật thám của Pháp tại Đông Dương từ năm 1946. Tướng Nguyễn Ngọc Loan – Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, người đã dùng súng lục bắn thẳng vào đầu một tù binh cộng sản ngay trước ống kính máy ảnh và máy quay phim của phóng viên ngoại quốc trên đường phố Sài Gòn năm 1968 – xuất thân là quân nhân trong quân đội Liên hiệp Pháp.

>> Vị thế pháp lý của chế độ VNCH nhìn từ góc độ công pháp quốc tế

“Dưới nhiều hình thức khác nhau, chính phủ VNCH đã thực hiện tư cách quốc gia của mình dưới góc độ công pháp quốc tế trong giai đoạn 1954-1975.

Sau năm 1975, tuy nhà nước CHXHCN Việt Nam không chính thức công nhận chính thể VNCH nhưng vẫn công nhận tư cách quốc gia của VNCH một cách gián tiếp, qua việc thừa kế hoặc tiếp nhận tư cách thành viên của VNCH tại các tổ chức và định chế tài chính quốc tế.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng công pháp quốc tế chỉ là một yếu tố mang tính kỹ thuật trong việc xác định tính chính danh của một chế độ. Một chế độ chính danh trên kỹ thuật không đồng nghĩa với việc sẽ chính danh trong tình cảm dân tộc và dòng chảy lịch sử của một đất nước.”

Theo VOV / TH

Tags: