Vái tứ phương và khối u ác tính trên mạng internet

Một trang tin đã kể câu chuyện về những bệnh nhân tuyệt vọng vì ung thư phổi, nay chiến thắng số phận bằng cách từ chối sự giúp đỡ của y học hiện đại, tự chữa theo phương pháp “Thực dưỡng Ohsawa”.

Bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc

Là một bác sĩ, tôi vừa mừng cho những bệnh nhân ấy, vừa băn khoăn trăn trở. Tôi trăn trở bởi tôi hiểu, chữa bệnh ung thư là một hành trình gian truân và đau đớn, mà trên hành trình ấy sẽ có rất ít người được trở về với ngôi nhà của mình.

Bản thân tôi, nếu không được đào tạo kiến thức y khoa bài bản, thì chắc chắn nội dung câu chuyện này cũng sẽ làm cho tôi rơi vào trạng thái mất kiểm soát, tin và sẵn sàng làm theo những lời chỉ dẫn.

“Thực dưỡng Ohsawa” bản chất là một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, được tác giả của nó – Ohsawa ví như một phương pháp thiền giúp cho cơ thể vượt qua được những căn bệnh hiểm nghèo.

Chế độ ăn kiêng ấy theo nguyên tắc giảm dần, chia làm 10 giai đoạn. Giai đoạn đầu có 10% ngũ cốc, 30% rau, 10% súp, 30% thịt cá, 15% hoa quả, 5% tráng miệng. Mỗi giai đoạn tiếp theo tăng 10% tỉ lệ hạt, loại bỏ đều các tỉ lệ khác. Đến giai đoạn thứ 4 thì bỏ hẳn hoa quả. Giai đoạn thứ 6 loại bỏ hẳn thịt cá. Giai đoạn cuối cùng loại bỏ hẳn ngũ cốc và chất lỏng.

Xâm nhập vào Mỹ từ cuối thập niên 50, phương pháp này lan rộng. Trong thập niên 60, nhiều trường hợp tử vong hoặc thập tử nhất sinh vì suy dinh dưỡng và mất nước do ăn kiêng đã được ghi nhận.

Năm 1971, hội đồng dinh dưỡng Mỹ phải lên tiếng cảnh báo. Những con số nạn nhân thiếu máu, hạ Protein máu, hạ Kali và Calci máu, suy kiệt cơ thể, suy thận do thiếu nước… đủ làm các chuyên gia ở một quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất thế giới phải giật mình lo ngại.

Vậy tại sao thế giới vẫn tin “Thực dưỡng Ohsawa”?

Quan điểm khởi đầu của Ohsawa chỉ là thực hành một cách sống tôn trọng cả thể chất lẫn tinh thần, nó không phải là hình thức trị liệu y học đặc biệt, cũng không phải là một tôn giáo để có thể tạo nên đức tin.

Nhưng về sau, những tư tưởng triết học siêu hình, nhưng siêu tôn giáo Nhật Bản đã tác động vào “Thực dưỡng Ohsawa”, làm cho nó trở thành một thứ khoa học phản lại khoa học.

Bản thân Ohsawa không chủ trương chẩn đoán bệnh và ăn kiêng để điều trị khỏi ung thư, nhưng những học trò năng nổ của ông lại gán cho nó cái tác dụng thần kỳ ấy. Để rồi nó trở thành một truyền thuyết được lưu truyền mãi tới hôm nay.

“Thực dưỡng Ohsawa” đã có mặt ở Việt Nam từ trước năm 1975 và âm thầm truyền bá nhưng khá mạnh mẽ. Những cuốn sách của Michio Kushi – học trò tích cực nhất của Ohsawa – đã được dịch sang tiếng Việt và không ít người coi là cẩm nang gối đầu giường.

Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân tôn sùng Kushi như thánh, họ học thuộc những điều Kushi dạy như kinh. Những phép dưỡng sinh chữa bệnh huyền bí xuất phát từ trước tác của ông cũng có dịp phát triểm rầm rộ ở Việt Nam.

Điển hình như phong trào nhân điện gần 20 năm về trước, một phương pháp được cho là có thể truyền năng lượng và khả năng chữa bách bệnh, nó làm u mê bao người bệnh, lôi kéo họ trốn viện nằm chờ chết ở nhà.

Chúng ta cũng không lạ gì với những người rao giảng Reiki với khả năng siêu phàm, họ có thể đặt tay lên bất kì chỗ nào của cơ thể và đọc vài câu thần chú là bách bệnh chữa khỏi, khối ung thư ác tính cũng tiêu tan.

Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến hàng loạt “các cô các cậu” viết chữ còn chưa xong, vậy mà họ tự xưng có khả năng chữa bệnh siêu phàm: vỗ tay vào lưng, giẫm chân lên lưng, thậm chí là sờ ngực… Điều đặc biệt là không chỉ những người dân kém hiểu biết, mà ngay cả những người có trình độ học vấn cao, những nhân vật nổi tiếng như diễn viên nghệ sĩ, cũng đều tin theo cách chữa trị ấy.

Đã là con người, ai cũng yêu mạng sống, dù có đau khổ đến mấy thì họ cũng muốn được sống chứ chẳng ai mong chết. Bởi vậy mà người bệnh ung thư khi họ không tin vào y học hiện đại, thì bất cứ điều gì có thể bấu víu họ đều tin.

Đó là lí do để họ lũ lượt tìm đến những bà mán chữa ung thư, hay bỏ điều trị, quay trở về nằm nhà uống nước lá đu đủ chờ chết trong hy vọng. Có bệnh vái tứ phương. “Một ai đó đã chữa khỏi” – như tin tức ở đầu bài viết – là quá đủ để tìm đến một phương mà “vái”.

George Ohsawa hay Michio Kushi, cả hai đều là những con người xuất chúng, tư tưởng của họ có rất nhiều những ưu điểm. Nhưng không vì thế mà mọi phương pháp của họ rao giảng và truyền bá đều là chân lý đúng đắn. Đặc biệt là khi nó đã biến dạng đôi chút qua truyền miệng, và qua niềm tin của những người tuyệt vọng.

Bởi vậy mà tôi cho rằng, không chỉ với người bệnh ốm yếu (đặc biệt là bệnh nhân ung thư), mà ngay cả với anh chị em khỏe mạnh đang theo đuổi “Thực dưỡng Ohsawa”, hay đơn giản như các phương pháp thanh lọc cơ thể (detox) đang được báo chí và diễn đàn chia sẻ chóng mặt; thì chúng ta hãy tỉnh táo suy nghĩ cân nhắc thiệt hơn, xem có phù hợp với cơ thể mình hay không, hãy ứng dụng.

Và điều cuối cùng, là khi một thông tin không đúng bản chất vấn đề, người tiếp nhận thông tin một cách mù quáng và lan truyền nó rộng rãi, thì đó chính là một khối u ác tính của xã hội.

Nếu đó là một thông tin sai lệch về xã hội, thì có thể xã hội sẽ kịp đề kháng, phản biện và phủ nhận nó.

Nhưng nếu đó là một thông tin sai lệch về y học và sức khỏe, thì có thể người tiếp nhận sẽ… không bao giờ còn cơ hội mà phản biện nữa.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,