Vai trò của UAV nhìn từ cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh

Cuộc xung đột quân sự giữa Azerbaijan và Armenia diễn ra ở Nagorny-Karabakh khác hẳn với các cuộc xung đột quân sự ở quy mô hạn chế trước đây ở việc sử dụng rộng rãi các máy bay tiến công không người lái (UAV) chiến đấu và trinh sát trong các đội hình đơn lẻ hoặc nhóm.

Vai trò của UAV nhìn từ cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh

Phương thức tác chiến mới này có khả năng thay đổi hoàn toàn bộ mặt của tác chiến trên bộ trong các xung đột tương lai.

Nhỏ, rẻ nhưng hiệu quả

Cả Azerbaijan và Armenia đều công bố thông tin về tác chiến ở Nagorny-Karabakh rất đều đặn với các chứng cứ bằng hình ảnh hoặc trang bị thu được trên chiến trường. Tuy nhiên, có một điều thấy rất rõ ràng là vai trò đặc biệt của các loại UAV trong hoạt động quân sự của mỗi bên. Chính chúng mới là phương tiện then chốt giúp xác định chiến lược và chiến thuật của các hoạt động chiến đấu của cả hai bên. Cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh là những bước thực nghiệm quan trọng về việc tích hợp sâu máy móc vào trong chiến đấu, khi những người điều khiển chúng có thể ngồi cách xa chiến trường hàng trăm km.

Ưu thế quan trọng nhất của UAV so với một cỗ máy chiến đấu có người điều khiển là giá thành tương đối rẻ và tính phổ biến. Các đơn vị UAV sẽ hiệu quả hơn khi hoạt động theo nhóm với con số có thể tính tới hàng trăm đơn vị. Nếu điều này trở thành thực tế là sẽ là ác mộng cho bên phòng thủ. Hiện tại, các chủng loại của UAV quân sự đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều quân đội trên thế giới. Chúng thực hiện nhiều vai trò khác nhau, từ trinh sát tới tấn công, thậm chí là cả tấn công cảm tử (kamikaze).

Tại cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh, Azerbaidjan nổi trội hơn với các loại UAV từng qua thử lửa của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Rất nhiều đoạn clip miêu tải UAV Bayraktar TV2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo mang vũ khí tấn công chính xác vào các phương tiện chiến đấu của Armenia đã được phía Azerbaijan công bố.

Giới chuyên gia tính toán, UAV có giá đắt nhất được Azerbaijan sử dụng là phiên bản trinh sát Heron mua từ Israel có giá khoảng 20 triệu USD, trong khi đó phần lớn các loại UAV tấn công khác chỉ có giá từ khoảng 100.000-600.000 USD. Mục tiêu của chúng là các phương tiện thiết giáp phần lớn có giá trên 1 triệu USD, thậm chí là xe tăng T-90 có giá tới 4,5 triệu USD. Như vậy, trong các phương án tấn công, chỉ cần một UAV hoàn thành nhiệm vụ thì đã mang lại lợi ích gấp hàng chục lần giá thành của UAV được sử dụng.

Nhà phân tích quân sự Nga Aleksey Khlopotov đánh giá, điểm mạnh nhất của UAV đã được thể hiện trong cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh là việc chúng hoàn toàn kiểm soát bầu trời và chủ động về mặt chiến thuật và thời điểm công kích. “UAV đang đặt dấu chấm hết cho việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật bọc thép lục quân. Chúng hoàn toàn không có khả năng phòng vệ trước các máy bay không người lái, ngay cả khi có hệ thống bảo vệ chủ động”, chuyên gia Aleksey Khlopotov nhận định. Khác với phần lớn các loại vũ khí truyền thống như pháo, tên lửa chống tăng đều tấn công ở mặt phẳng ngang, những vị trí phương tiện chiến đấu thường được bọc giáp và bảo vệ tốt nhất, thì UAV lại tấn công theo mặt phẳng thẳng đứng. Tất cả các loại xe chiến đấu, xe tăng đều có phần giáp bảo vệ yếu nhất ở nóc xe. Ngoài ra, việc các loại UAV được tích hợp một phần trí thông minh nhân tạo giúp kíp điều kiện phát hiện và định vị mục tiêu hiệu quả hơn so với lực lượng tác chiến mặt đất. Chính những sự khác biệt này đã tạo ra hiệu quả trong tác chiến của UAV trên chiến trường.

Vỏ quýt dày, sẽ có móng tay nhọn

Chia sẻ về phương thức đối phó với chiến thuật sử dụng rộng rãi UAV trên chiến trường tương lai, Tổng biên tập Tạp chí “Sức mạnh Tổ quốc” của Nga, Alexei Leonkov cho rằng, hiệu quả trên chiến trường của các loại UAV phần lớn do phương thức tác chiến có nhiều điểm mới lạ. Hiệu quả của chúng sẽ giảm dần theo thời gian khi bên phòng thủ có sự chuẩn bị tốt hơn cả về trang bị và huấn luyện cho người lính.

“Bất kỳ máy bay không người lái nào cũng chỉ tấn công hiệu quả, khi bên phòng thủ không có các phương tiện phòng không hiệu quả tương ứng”, chuyên gia Alexei Leonkov đánh giá. Điểm yếu của UAV là có vận tốc nhỏ và khả năng cơ động hạn chế nên rất dễ bị các phương tiện phòng không tiêu diệt. Nó có thể bị bắn hạ đơn giản bằng những tổ hợp tên lửa phòng không vác vai hay súng máy hạng nặng trên xe tăng. Chỉ cần xuất hiện trong tầm nhìn của một xạ thủ được huấn luyện phù hợp, UAV sẽ bị tiêu diệt. Đối với các loại UAV có tầm tác xạ lớn hơn như loại Bayraktar TV2 của Thổ Nhĩ Kỳ, thì các phương án áp chế điện tử hoặc ngăn chặn bằng các tổ hợp pháo-tên lửa là khả thi. Vấn đề nằm ở chỗ không phải quân đội nào cũng có đủ các phương tiện chiến hiện đại như vậy, nhất là ở các vị trí tuyến đầu.

Để ngăn chặn UAV cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các tuyến phòng thủ cứng (pháo, tên lửa phòng không) và mềm (tác chiến điện tử) để đạt hiệu quả cao nhất. Tại Syria, phiến quân đã không ít lần sử dụng UAV mang thuốc nổ tấn công các căn cứ Hmeymim và Tartus, nhưng đều thất bại vì hệ thống phòng thủ nhiều lớp tại đây. Còn ở điều kiện dã chiến, phương án đối phó hiệu quả với UAV chính là vũ khí năng lượng cao. Tại Diễn đàn Army-2020, Nga đã giới thiệu tổ hợp vũ khí laser cơ động chuyên trị UAV với tầm bắn hiệu quả 3-5km. Tuy nhiên, các chiến thuật đối phó UAV vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và còn cần nhiều thực nghiệm trên chiến trường.

Chuyên gia Alexei Leonkov nhấn mạnh, triển vọng của UAV trong lĩnh vực quân sự là rất rộng mở và có tương lai. Việc sử dụng UAV được tiến hành tại Nagorny-Karabakh vẫn chỉ là các thử nghiệm và hiệu quả của chúng hiện nay chưa so sánh với các loại hỏa lực truyền thống, nhưng tương lai thì sẽ khác…

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , , ,