Vài suy ngẫm về chuyện quan chức đi máy bay hạng thương gia

Một số rất lớn người Việt cả đời vẫn chưa đi máy bay lần nào. Họ sẽ nghĩ gì nếu biết nhiều quan chức thoải mái bay hạng thương gia bằng tiền họ đóng thuế? Còn quan chức vẫn muốn bay hạng thương gia ư? Được thôi, sau khi dẹp xong corona, Nhà nước hãy ra quy định như ông Duterte đã làm!

Vài suy ngẫm về chuyện quan chức đi máy bay hạng thương gia

>> Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô: Hiểm họa từ tầng lớp đặc quyền trong Đảng
.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines không những nổi tiếng với những chiến dịch “bàn tay sắt” chống nạn ma túy mà còn rất nghiêm khắc với các quan chức chính phủ cả về nạn tham nhũng lẫn lãng phí trong chi tiêu công.

Hai năm trước, ông ra lệnh tất cả quan chức chính phủ Philippines phải dùng hạng vé phổ thông trên các chuyến công tác ra nước ngoài(1). Chính ông Duterte cũng thường xuyên bay hạng phổ thông về thăm nhà ở thành phố Davao miền Nam Philippines, cách thủ đô Manila gần 1.000 cây số.

“Mọi công chức phải bay bằng hạng phổ thông… Tiền không phải của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải bay với giá vé thấp nhất”, trang web của ABS-CBN dẫn lời Tổng thống Duterte. Ông cũng bảo ông không cấm quan chức đi vé hạng thương gia, nhưng họ phải bù đủ khoản chênh lệch. “Quý vị muốn thoải mái ư? Trả thêm tiền thôi”(1).

Thực ra, chuyện quan chức tại các nước – thậm chí cả người đứng đầu chính phủ hay nguyên thủ quốc gia – bay bằng hạng phổ thông hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng như mọi người dân thường hoàn toàn không phải là chuyện hiếm. Chẳng hạn, mấy năm trước báo chí Việt Nam đăng tải từ nguồn nước ngoài hình ảnh hai vị thủ tướng lúc bấy giờ của New Zealand, ông Bill English, đi máy bay hạng phổ thông, và Úc, ông Malcolm Turnbull, đi xe điện ngầm như mọi người.

Chẳng nói đâu xa, báo chí Việt Nam cũng đã viết về chuyện Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sang Việt Nam dự hội nghị APEC năm 2006 trên chuyến bay về nước đã chọn hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways. Có báo còn cho biết tổng chi phí cho chuyến bay của ông Lý và đoàn tùy tùng 10 người chỉ tương đương 12 triệu đồng Việt Nam theo thời giá lúc bấy giờ(2).

Không phải ai cũng từng trải cảm giác bay hạng thương gia thoải mái thế nào, đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài. Nhưng cũng chính sự khác biệt đó khiến giá ghế hạng thương gia đắt hơn rất nhiều so với hạng phổ thông. Đắt hơn bao nhiêu? Cũng khó nói cụ thể bởi vì giá vé tùy thuộc nhiều yếu tố, như hãng máy bay, đường bay, thậm chí cả ngày bay. Nhưng tờ USA Today dẫn nguồn chuyên san du lịch The Travel Insider cho biết trung bình một ghế hạng thương gia trên một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đắt gần 10 lần so với vé phổ thông(3), nghĩa là chỉ một người bay hạng thương gia có thể đã đủ chỗ cho 10 người khác hạng phổ thông trên cùng một chuyến bay.

Đó là chuyện xứ người, còn xứ mình thì sao? Một bài báo kể câu chuyện như sau của TS. Lê Đăng Doanh. Ông Doanh nói: “Trong cùng một chuyến công tác từ Hà Nội đi TPHCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, trong khi lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cùng với đại sứ của các nước đang cho chúng ta vay tiền đều ngồi ghế hạng phổ thông… Tôi cũng chính là người tham gia chuyến bay và cũng ngồi cùng hạng phổ thông với họ”(2).

Theo tác giả bài báo trên, cấp thứ trưởng đi hạng vé thương gia không có gì sai theo quy chế hiện hành. Tuy nhiên, như câu chuyện TS. Lê Đăng Doanh kể lại, nhiều người dân chắc hẳn không thể không có sự so sánh. Họ sẽ đặt câu hỏi vì sao quan chức ở các nước giàu hơn chúng ta làm được từ lâu, còn chúng ta vẫn chưa làm như vậy. Ai cũng biết dù ngân sách quốc gia eo hẹp, chi thường xuyên để nuôi bộ máy công quyền lại chiếm hơn 80% tổng chi ngân sách (tính đến 15-2-2020)(4). Ngược lại, chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 5,1%, một tỷ lệ quá khiêm tốn so với nhu cầu phát triển của một đất nước đang phát triển. Chắc chắn những khoản chi như vậy – bao gồm cả chi cho các vé thương gia trung bình đắt gấp 10 lần vé phổ thông như đã nói ở trên – cũng làm gánh nặng ngân sách càng nặng thêm.

Tất cả những câu chuyện trên đều đều được kể từ nhiều năm về trước, thậm chí chuyện bay giá rẻ của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xảy ra gần 15 năm. Trong suốt thời gian đó, không ít lần chúng ta nêu rõ quyết tâm chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, giảm nợ công. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã làm gì thiết thực để biến quyết tâm thành hành động hiệu quả?

Một số rất lớn người Việt cả đời vẫn chưa đi máy bay lần nào. Họ sẽ nghĩ gì nếu biết nhiều quan chức thoải mái bay hạng thương gia bằng tiền họ đóng thuế? Còn quan chức vẫn muốn bay hạng thương gia ư? Được thôi, sau khi dẹp xong corona, Nhà nước hãy ra quy định như ông Duterte đã làm!

————————–

Chú thích:

(1)https://news.abs-cbn.com/news/02/06/18/duterte-tells-govt-execs-fly-economy-class
(2)http://danviet.vn/tin-tuc/quan-xu-ngheo-di-hang-thuong-gia-thu-tuong-nuoc-giau-ngoi-may-bay-gia-re-928846.html
(3)https://traveltips.usatoday.com/business-vs-economy-class-103443.html
(4)https://vov.vn/kinh-te/ganh-nang-chi-thuong-xuyen-van-rat-lon-1018613.vov

Theo SƠN TÙNG / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: