Vài nét về vai trò của tàu sân bay Mỹ trong tác chiến trên biển

Hiện nay, Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều hàng không mẫu hạm nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nước thực hiện nhiều hoạt động tác chiến biên đội tàu sân bay nhất.

Vài nét về vai trò của tàu sân bay Mỹ trong tác chiến trên biển

Trong thành phần lực lượng vũ trang Mỹ, biên đội tàu sân bay đóng vai trò tác chiến quan trọng nhất. Giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng, khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến, biên đội tàu sân bay sẽ thực hiện một số vai trò chủ chốt có thể nêu ra sau đây.

Đầu tiên là nhiệm vụ căn cứ di động của máy bay trên tàu. Mục đích đầu tiên của việc thiết kế và chế tạo tàu sân bay là nhằm xây dựng một căn cứ di động trên biển, chuyển đường băng cất/hạ cánh của máy bay từ đất liền lên trên tàu, từ đó giúp máy bay có tính cơ động tốt hơn cũng như phạm vi hoạt động rộng hơn.

Do đó, trong tác chiến trên biển, sự đe dọa của hỏa lực đến từ trên không luôn có tính sát thương lớn hơn, cũng là yếu tố mà các tàu mặt nước khó ngăn chặn. Việc sử dụng máy bay trên tàu trong chiến tranh trên biển đã làm cho chiến trường tác chiến trên biển chuyển từ tác chiến trong không gian phẳng dần chuyển sang không gian lập thể hóa.

Trong tác chiến, tàu sân bay và cụm chiến đấu của nó có khả năng chi viện hỏa lực hiệu quả cho tàu mặt nước và những khu vực gần bờ. Phương thức chi viện hỏa lực của tàu sân bay hiện đại chủ yếu có hai loại: thứ nhất là thông qua hành động tập kích trên không của máy bay trên tàu đối với tàu và mục tiêu trên bộ của đối phương; thứ hai là tiến hành tấn công thông qua tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước hoặc từ tàu ngầm biên chế trong cụm chiến đấu.

Hai phương thức này được sử dụng trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ, ví dụ như trong chiến tranh vùng Vịnh, Hải quân Mỹ đã bố trí tổng cộng 6 hàng không mẫu hạm tới khu vực này, khi nhiều nhất đã điều tổng cộng hơn 400 máy bay trên tàu thực hiện không kích Iraq, chiếm khoảng 21% tổng các đợt tấn công của Quân đội Mỹ.

Giống như tác chiến trên bộ và trên không, tác chiến trên biển cũng cần phải tập trung triển khai binh lực có ưu thế.

Cụm chiến đấu tàu sân bay hiện đại thông thường bao gồm từ 6 đến 8 tàu mặt nước và từ 1 đến 2 tàu ngầm, nhân viên và lực lượng không quân trên tàu có khoảng 10.000 người, nếu tàu sân bay còn phải đảm nhận nhiệm vụ mang theo lực lượng hải quân đánh bộ, thì số lượng binh lực vận chuyển còn phải nhiều hơn.

Bởi vậy, số lượng binh lực do một cụm chiến đấu tàu sân bay cung cấp là tương đối lớn, sự tập kết binh lực mang tính quyết định này là tiền đề và cơ sở để thực hiện tác chiến trên biển.

Sau cùng là nhiệm vụ nắm quyền kiểm soát trên không và trên biển.Việc giành được quyền kiểm soát trên biển hiện đại trước tiên được quyết định bởi việc thiết lập quyền kiểm soát trên không tại vùng biển đó.

Do phạm vi hoạt động của máy bay trên tàu sân bay không bị hạn như các sân bay trên bộ nên bán kính tác chiến của máy bay trên tàu sân bay có thể lên tới trên 1.000km, hơn nữa lại có hỏa lực tương đối mạnh, nên dễ dàng giành quyền kiểm soát trên không tại khu vực tàu sân bay hoạt động.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,