Vài nét về lịch sử Triều Tiên thời cổ đại – Go Chosun

Go Chosun (Triều Tiên cổ) là quốc gia cổ đại đầu tiên của dân tộc Triều Tiên, được hình thành dựa trên nền tảng văn hóa thời kỳ đồ đồng. Triều Tiên cổ trải qua những thay đổi về mặt chính trị và văn hóa từ Dangun Chosun (Đàn Quân Triều Tiên) đến Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên) và cuối cùng là Wiman Chosun (Vệ Mãn Triều Tiên).

Vài nét về lịch sử Triều Tiên thời cổ đại – Go Chosun

Lăng mộ Dangun ở Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên.

A. Dangun Chosun (khoảng từ năm 2333 TCN – năm 1122 TCN)

Đây là giai đoạn sơ sử mang đầy tính truyền thuyết và hư ảo của người Triều Tiên

Dangun (Đàn Quân) thống nhất các bộ tộc ở phía Tây Bắc bán đảo Triều Tiên và vùng Yoryeong Manju (Liêu Ninh Mãn Châu) rồi dựng lên nước Go Chosun (Triều Tiên cổ).

Một số sách sử cũng có đề cập tới sự kiện này.

Sách Ngụy thư ghi rằng:

“2000 năm trước, có Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lập đô ở A Sa Dal (A Tư Đạt), đặt tên nước là Chosun (Triều Tiên), cùng thời với vua Cao Nghiêu (Trung Quốc).

Sách Cổ ký ghi rằng:

Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lên ngôi vua vào năm Canh Dần đời Đường Cao Nghiêu năm thứ 50. Ngài lập kinh đô ở Pyeong Yang (Bình Nhưỡng), đặt tên nước từ đầu là Chosun (Triều Tiên), sau lại dời đô về A Tư Đạt vùng núi Bạch Nhạc. Ngài cai trị đất nước ở Beak Ak San (núi Bạch Nhạc) 1500 năm, trở thành thần núi của A Tư Đạt. Tuổi thọ của Đàn Quân là 1.908 tuổi.

Tuy vậy, đây chỉ là huyền sử còn trên thực tế giai đoạn này người Triều Tiên sống thành tập hợp các bộ tộc sống rải rác trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc ngày nay.Giai đoạn này người Triều Tiên bắt đầu biết sử dụng đồ đồng trong lao động cũng như trong chiến tranh.

Cùng với sự hình thành văn hóa thời kỳ đồ đồng, nhiều bộ tộc đã xuất hiện ở phía Tây Bắc bán đảo Hàn và vùng Yoryeong Manju (Liêu Ninh Mãn Châu), đứng đầu các bộ tộc này là các tộc trưởng. Đàn Quân thống nhất các bộ tộc này rồi dựng lên nước Triều Tiên cổ. Việc dựng nước Triều Tiên cổ của Đàn Quân chứng tỏ bề dày lịch sử rất lâu đời của đất nước Triều Tiên. Đồng thời, sự kiện dựng nước của Đàn Quân và quan điểm dựng nước vì lợi ích của toàn dân đã trở thành nguồn động lực khơi gợi niềm tự hào dân tộc mỗi khi dân tộc Triều Tiên lâm nguy. Thông qua câu chuyện lập quốc của Đàn Quân, chúng ta có thể hình dung phần nào về thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc Triều Tiên. Việc xuất hiện gấu và hổ trong câu chuyện thần thoại “Dangun dựng nước” phản ánh yếu tố của tín ngưỡng sùng bái động vật đặc trưng (vật tổ, tô-tem) vào thời tiền sử; còn các chức quan Phong bá, Vũ sư, Vân sư (chủ quản mưa, gió, mây) được nhắc đến trong thần thoại này chứng tỏ quốc gia đầu tiên của dân tộc Triều Tiên được thành lập trong bối cảnh xã hội nông nghiệp.

B. Kija Chosun (khoảng từ năm 1122 TCN – năm 194 TCN)

Sách Cổ ký ghi rằng:

Chu Vũ Vương lên ngôi năm Kỷ Mão và phong đất Triều Tiên cho Kija (Cơ Tử).

Đây được coi là thời kỳ Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên). Tuy nhiên, rất ít tư liệu lịch sử cũng như dấu tích của thời kỳ này còn lại cho tới ngày nay nên thông tin về thời kỳ này cũng còn khá mơ hồ.

C. Wiman Chosun (khoảng từ năm 194 TCN – 108 TCN)

Cùng với sự phát triển của văn hóa thời kỳ đồ đồng, Triều Tiên cổ dần đóng vai trò là trung tâm văn hóa – chính trị và khuếch trương thế lực của mình. Vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên (TCN), Triều Tiên cổ phát triển thành một quốc gia thống trị một vùng đất đai rộng lớn ở phía Bắc bán đảo Hàn và vùng Mãn Châu, lấy trọng tâm là vùng Liêu Ninh. Vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Wiman (Vệ Mãn) hình thành thế lực ở vùng phía Tây, đánh đuổi Joon Wang (Chuẩn Vương) rồi trở thành vua của nước Triều Tiên cổ (năm 194 TCN). Vào thời kỳ này, văn hóa đồ sắt cũng bắt đầu lan tỏa. Dựa vào nền tảng này, Triều Tiên cổ đã thống nhất các bộ tộc ở xung quanh rồi nhanh chóng mở rộng thế lực của mình. Thêm nữa, nhờ vào việc trở thành vùng trung chuyển giao thương giữa nhà Hán của Trung Quốc và các nước nhỏ ở phía Nam bán đảo Triều Tiên.

Thời kỷ này đánh dấu nhiều bước phát triển của nền văn minh Triều Tiên: hệ thống luật pháp ra đời, các tầng lớp xã hội được phân chia… Thủ công nghiệp của Triều Tiên Cổ cũng phát triển với các ngành chế tác đất nung, đồ đồng, làm trang sức… khá tinh xảo. Nông nghiệp của Triều Tiên cổ là ngành kinh tế chính của đất nước. Công cụ lao động bằng đồng, sau đó là sắt, đã giúp nâng cao năng suất lao động rất nhiều.

Quân đội Triều Tiên cổ được trang bị gươm, giáo, mũi tên đồng. Từ năm 300 TCN, do sự phát triển của công nghệ rèn sắt, quân đội Triều Tiên cổ đã phát triển khá mạnh với những lực lượng bộ binh mang giáp sắt và vũ khí sắt. Các bộ tộc nhỏ trong khu vực đã bị người Triều Tiên đánh bại và trở thành phiên thuộc của Triều Tiên.

Sau khi thống nhất các bộ tộc xung quanh rồi nhanh chóng mở rộng thế lực của mình, Triều Tiên cổ nhận được nhiều lợi ích về mặt kinh tế và trở thành một quốc gia giàu mạnh. Khi trở nên cường thịnh, Triều Tiên cổ có ý chống đối nhà Hán. Nhà Hán liền sai quân bao vây, tấn công thành Wang Keom (thành Vương Kiệm) là kinh thành của Triều Tiên cổ. Cháu trai của Vệ Mãn là Woo Keo Wang (Hữu Cừ Vương) kháng cự quyết liệt quân nhà Hán trong vòng một năm nhưng cuối cùng, thành Vương Kiệm thất thủ, đất nước Triều Tiên cổ diệt vong vào năm 108 TCN. Sau khi bình định được Triều Tiên, nhà Hán đặt bốn quận là Chin Beon (Chân Phan), Im Doon (Lâm Đồn), Nak Rang (Lạc Lãng), Hyeon To (Huyền Thố).

Đến năm 82 TCN, nhân dân các dân tộc Triều Tiên nổi dậy đấu tranh giành lại độc lập, buộc quân Hán rút khỏi 3 quận, nhà Hán chỉ còn khống chế được một số khu vực của Lạc Lãng.

Theo LỊCH SỬ CÓ GÌ HAY

Tags: ,