Vài nét về chủ nghĩa biểu hiện trong nghệ thuật

Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism) là khuynh hướng nghệ thuật và văn học xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ 20 ở Tây Âu, trước hết là ở Đức, chủ trương chống lại chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa tượng trưng, đề cao thế giới nội tâm và những xúc cảm chủ quan độc đáo của người nghệ sĩ, coi thường hiện thực và đối tượng khách quan của nghệ thuật.

Trong hội hoạ, chủ nghĩa biểu hiện cho rằng chỉ có những mảng và khối màu sắc và những viền đậm nét của sự vật mới truyền được những chấn động và rung cảm của người nghệ sĩ đối với người xem. chủ nghĩa biểu hiện khai thác những yếu tố của nghệ thuật tạo hình nguyên thuỷ và trung cổ, hội hoạ của P. Gauguins, V. van Gogh, chú trọng làm nổi lên tính tổng hợp của các hình thái, sức gợi cảm của màu sắc. Đại diện của trào lưu này ở Áo, Đức là các hoạ sĩ nổi tiếng như P. Klee (1879 – 1940), V. V. Kandinskij (1866 – 1944), F. Marc (1880 – 1916), E. L. Kirchner (1880 – 1938)…

Chủ nghĩa biểu hiện cũng có những điểm khác nhau về mặt phong cách. Có người cuối cùng đi vào chủ nghĩa trừu tượng, có người lại thiên về tính hiện thực của tác phẩm. Ở Hà Lan, Pháp, Hoa Kì, Nam Mĩ, trào lưu này trong hội hoạ đều có những thời kì rất thịnh hành. Ở Pháp, G. Rouault (1871 – 1958) và C. Soutine (1894 – 1943) là những hoạ sĩ dẫn đầu của chủ nghĩa biểu hiện.

Ở Mexico, Brazil, chủ nghĩa biểu hiện có những màu sắc riêng mang tính cách tân mạnh bạo và gần gũi với quần chúng. Trong điêu khắc, khuynh hướng này cũng có một thời nổi bật với các nhà điêu khắc người Đức như W. Lehmbruck, người Hà Lan như O. Jespers. Danh hoạ P. R. Picasso (1881 – 1973) trong giai đoạn đầu chính là một đại diện xuất sắc của chủ nghĩa biểu hiện.

Trong sân khấu, chủ nghĩa biểu hiện thể hiện ở sự phê phán trật tự xã hội đương thời và sân khấu giáo điều, công thức. Trang trí sân khấu không mô phỏng thực tại đời sống mà nhằm làm rõ cách nhìn nhận cuộc sống đặc biệt của tác giả thông qua các nhân vật. Trong chủ nghĩa biểu hiện tập trung sự chú ý vào những sự việc và sự kiện thứ yếu nhưng có sức kích động cảm giác của người xem, những tương phản ánh sáng, những kiểu nói và động tác cuốn hút được người xem là chủ yếu. B. Brecht nhà văn lớn của Đức, là người đại diện cho sân khấu biểu hiện chủ nghĩa.

Trong điện ảnh, chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện trong điện ảnh Đức từ 1915 – 25, thời kì khủng hoảng, mâu thuẫn xã hội sâu sắc sau Chiến tranh thế giới I. Phim của các nhà điện ảnh theo chủ nghĩa biểu hiện thể hiện cuộc sống thực tại thông qua xúc cảm cá nhân, pha trộn tư tưởng chống đối chiến tranh, chống quyền lực độc đoán, với những cảm giác chủ quan, thần bí. Phim tiêu biểu là “Phòng làm việc của bác sĩ Caligari” [đạo diễn Đức R. Wiene)].

Trong âm nhạc, chủ nghĩa biểu hiện đã đưa ra những bản nhạc gọi là “đa âm” phức tạp, rối ren và khó hiểu.

Trong thơ, chủ nghĩa biểu hiện rất coi thường những quy tắc về tính lôgic của tư duy, kết cấu và phong cách.

S.T

Tags: