⠀
Vài nét chấm phá về lịch sử của nền điện ảnh Nhật Bản
Lịch sử điện ảnh Nhật Bản bắt đầu cùng lúc với sự ra đời của máy chiếu phim Kinetoscope do nhà bác học Mỹ Thomas Edison sáng chế năm 1886. Hơn 10 năm sau, hai anh em nhà Lumiere đến Nhật và thực hiện nhiều bộ phim mô tả cảnh đẹp của nước Nhật. Tuy nhiên, các đoạn phim không được bảo quản tốt nên đã mai một dần.
Đề tài geisha
Theo các sử gia điện ảnh thì bộ phim đầu tiên do chính người Nhật thực hiện ra đời vào năm 1897. Nội dung phim xoay quanh các cô gái geisha nhảy múa, lồng trong cảnh đường phố Tokyo đông đúc. Loại phim geisha với các điệu nhảy điêu luyện hầu như luôn hiện diện trên phim ảnh Nhật vào thời kỳ đầu phôi thai. Năm 1898, hai bộ phim truyện đầu tiên của Nhật đến với khán giả cùng lúc: Đó là bộ phim bi nói về việc bắt giữ một tên cướp nổi tiếng và bộ phim hài nói về một kẻ diễn trò khỉ trên bụng người đàn ông đang ngủ tại ghế đá công viên. Cả hai bộ phim đều do một nhà quay phim kiêm đạo diễn thực hiện. Cùng năm đó, bộ phim tài liệu Game Of Autumn Leaves nói về hai diễn viên kịch Kabuchi nổi tiếng ra đời. Bộ phim ngắn này vẫn còn lưu trữ tại Viện phim Nhật, còn các bộ phim trước nó đã biến mất.
Thời Nga-Nhật chiến tranh (1904-1905) nhiều nhà quay phim nước ngoài đến Nhật để ghi lại biến cố này. Công chúng Nhật rất thích xem phim chiến tranh vào thời điểm đó vì Nhật là nước thắng trận. Các rạp chiếu phim thi nhau xây dựng để đáp ứng yêu cầu này, mở đầu cho giai đoạn sản xuất phim hàng loạt. Rủi thay, chỉ có vài bộ phim của “thời kỳ bùng nổ” được giữ lại còn phần lớn đã bị thời gian phá hủy.
Đạo diễn đầu tiên
Makino Shojo là một trong các đạo diễn và nhà sản xuất phim đầu tiên của Nhật Bản. Ông đã đạo diễn và sản xuất hơn 300 phim từ 1909 đến 1928. Xuất thân từ chủ nhân một nhà hát kịch ở Tokyo, Shojo làm phim theo đề nghị của công ty Yocota chuyên nhập phim nước ngoài về chiếu ở Nhật. Khi đoàn kịch Kabuchi Onoe Matsunosuke biểu diễn thường xuyên tại nhà hát của mình, ông mời đoàn kịch đến diễn tại ngôi đền gần đó và ghi lại cảnh buổi diễn. Sau đó là một số đoàn kịch khác, và chỉ một thời gian Shojo nổi lên như nhà sản xuất phim hàng đầu Nhật Bản. Những diễn viên kịch cũng là nhân vật điện ảnh đầu tiên. Họ được khán giả hâm mộ. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Shojo và các đoàn kịch kéo dài đến năm 1921.
Năm 1911, Công ty Yokoda xuất bản một danh mục các bộ phim do họ phát hành. Danh mục cho thấy đa số các phim Nhật trước cột mốc 1911 chỉ dài tối đa 200 feet phim. Duy nhất có một phim Shojo quay đoàn kịch Onoe Matsunosuke là dài 7.170m, bằng độ dài một bộ phim truyện. Bộ phim có tên Matsunosuke Chushingura nhưng không ghi tên đạo diễn và ngày sản xuất. Các sử gia điện ảnh ước tính nó được phát hành vào năm 1910 vì bộ phim đầu tiên có đoàn kịch Onoe tham gia là Go Tadanomu (1909). Ngoài ra, Onoe chỉ cộng tác với mỗi mình Shojo nên nó cũng phải do Shojo đạo diễn. Hiện bộ phim được lưu giữ tại công ty phim Matsuda với bổ sung phần nhạc nền dân tộc Nhật Bản mà bản gốc không có và được xem là bộ phim dài xưa nhất còn lưu giữ được. Bộ phim có 42 cảnh nhưng đã mất các cảnh 14, 17, 19 và 20.
Nữ diễn viên đầu tiên
Quay sang lĩnh vực diễn xuất, nữ diễn viên đầu tiên của điện ảnh Nhật Bản là Tokuko Nagai Tagaki (1891 – 1919). Bà chỉ đóng khoảng 4 bộ phim truyện ngắn chiếu ở Mỹ và Anh từ 1911 – 1912. Chính bà đã du nhập môn múa ballet vào Nhật Bản và được tôn vinh là “Nữ hoàng múa ballet”. Chồng bà là Chunper Takagi, người Nhật, đến California (Mỹ) kiếm sống năm 24 tuổl, trở về Nhật sau vụ đại hoả hoạn ở San Francisco và cưới Tokuko khi bà mới 15 tuổi. Kết hôn chưa đầy một năm, họ đến sống tại Seattle rồi New York, Ohio, Boston nhưng công việc kinh doanh của Takagi gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Năm 1909, ông quay qua nghề ảo thuật và 2 vợ chồng đi lưu diễn từ Canada đến New England trước khi Tokuko học múa ballet tại New York dưới sự bảo trợ của một phụ nữ Nhật. Không lâu sau, bà ký hợp đồng với hãng Thanhouser ở New Rochette, New York và có mặt trong các bộ phim như The East anh The West (1911), For The Mikado (1912).
Là con gái của một chuyên viên Bộ Tài chính Nhật, Tokuko làm việc tại Ngân hàng Nhật Bản sau khi tốt nghiệp tiểu học như tạp dịch viên cho đến lúc lấy chồng. Năm 1919 bà qua đời vì xuất huyết não sau một cơn rối loạn tâm thần khi đang lưu diễn với chồng, đúng vào thời điểm sự nghiệp điện ảnh của bà đang bước vào giai đoạn chín muồi. Năm 1995, nhà phê bình điện ảnh Nagisa Oshima xuất bản cuốn sách 100 năm điện ảnh Nhật Bản trong đó có nhắc đến công lao của Shojo và Tokuko. Theo Oshima thì sau khi bộ phim Rashomon đoạt giải thưởng tại LHP Venice. Điện ảnh Nhật Bản đã bước sang “”Kỷ nguyên vàng thứ 2″” mà đại diện cho thời kỳ này là các bộ phim Seven Samurai, Gate Of Hell, Ugetsu, Tokyo Story. Còn “”Kỷ nguyên vàng thứ 3” của điện ảnh Nhật Bản được đánh dấu bằng sự thống trị của các bộ phim hoạt hình mà nổi bật nhất hiện nay là Steamboy và Innocence. Ở lĩnh vực phim truyện điện ảnh, Nhật Bản đang bị Hàn Quốc lấn lướt.
Theo THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH
Tags: Nhật Bản, Điện ảnh, Văn hóa Nhật Bản