Và anh nằm lại ở chiến trường K

Còn rất nhiều thân xác người lính Việt đã hóa thân trong màu xanh của những hàng thốt nốt trên xứ sở chùa tháp!

Và anh nằm lại ở chiến trường K

Năm 1978, tôi đang học lớp 7, những đứa học trò sau bao năm chiến tranh tao loạn bị trắc trở học hành nên trong lớp có đứa 12-13 tuổi nhưng có người đã 16-17 tuổi.

Ngồi cạnh tôi là chị X., tuy lớp 7 nhưng chị đã 17 tuổi. Đúng cái chỗ ngồi của tôi là chỗ ngồi của anh Ph., học lớp 8 vào buổi sáng.

Và tuy học lớp 8 nhưng anh Ph. đã 18 tuổi. Một buổi chiều đi học tôi thấy trong gầm bàn một mẩu giấy ghi “O X. ơi, thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ một người chín nhớ mười mong một người/gió mưa là bệnh của trời/ tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Với một đứa học trò lớp 7 vào những năm đó thì làm sao biết đó là thơ Nguyễn Bính? Cứ coi đó là thư tình anh Ph. viết gửi cho chị X., và buổi chiều đến lớp, chị X. lại đọc những tình thư giấu trong hộc bàn ấy. Rồi một ngày tôi không thấy những lá thư trong hộc bàn như thế nữa, nghe nói anh Ph. đã đi “nghĩa vụ” ở chiến trường Campuchia. Bẵng đi một thời gian, một hôm đến lớp thấy chị X. khóc, hỏi ra mới biết anh Ph. đã hi sinh ở Campuchia, khi anh vừa qua 18 tuổi!

Có hàng vạn người lính như anh Ph. đã hi sinh ở chiến trường đó, dang dở học hành, dang dở yêu đương và không phải ai cũng may mắn mang được chút tro cốt cát bụi về với đất mẹ. Còn rất nhiều thân xác người lính Việt đã hóa thân trong màu xanh của những hàng thốt nốt trên xứ sở chùa tháp!

Hôm qua 7/1, kỷ niệm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia, câu chuyện được nhắc đến là những người lính tình nguyện Việt Nam mà Thủ tướng Hunsen gọi là đội quân nhà Phật.

Cuộc chiến đó không dừng lại ở ngày 7/1/1979, khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh mà còn dài hơn thế, “thêm 10 năm, 8 tháng, 9 ngày” theo cách tính của một cựu binh chiến trường K., nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.

Nghề nghiệp đã cho tôi vài lần đi dọc tuyến biên giới Tây Nam từ chót mút Hà Tiên lên tận ngã ba biên giới Việt – Lào – Cam, đã vài lần đến đất nước chùa tháp, lặng người trước ngôi trường Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh – ngôi trường, nơi để con người chắp cánh cho những hi vọng thì Pol Pot đã biến nó thành “siêu địa ngục”, ở đó có những sọ người được xếp thành hình bản đồ Campuchia. Những viên gạch lót sàn mà máu của người dân bị tra tấn giết hại thấm mãi hóa một màu đen sẫm ma quái. Và kinh hoàng hơn cả là hàng vạn tấm ảnh chân dung những trẻ em Campuchia bị giết hại được treo kín trong nhiều căn phòng của bảo tàng này!

Không chỉ người dân Campuchia, trong một chuyến đi biên giới, tôi đã ghé vào Tri Tôn, Ba Chúc, hàng ngàn bó xương và hộp sọ của người dân bị lính Pol Pot thảm sát được mang từ đền tưởng niệm ra phơi nắng! Những hình ảnh mà giàu tưởng tượng đến mấy cũng không thể hình dung ra được, nhưng đó là sự thật, sự thật như chính tội ác. Tội ác man rợ của quân diệt chủng và quan thầy của chúng đã được ghi nhớ đầy ấn tượng như thế. Và tôi lại nhớ đến hàng vạn người lính tình nguyện như anh Ph.. Hàng vạn nỗi đau như thế của những ông bố bà mẹ.

Nhớ về ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia không chỉ là tưởng nhớ và vinh danh sự hi sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam. Nhắc lại tội ác của chế độ diệt chủng cũng là để không bao giờ quên bài học cảnh giác với những kẻ thù. Nhắc để biết gìn giữ Tổ quốc bình yên giữa phong ba bão động. Để những người lính như anh Ph. sẽ không dang dở học hành, dang dở yêu đương và gửi tuổi thanh xuân của mình nằm lại chốn quê người.

Theo LÊ ĐỨC DỤC / TUỔI TRẺ ONLINE (2017)

Tags: , ,