Tư duy ‘nội thành’ và sự phi lý của những ngôi nhà ống giá triệu USD

Nói về sự đắt đỏ của các căn nhà ống ở TPHCM, nhiều người tỏ vẻ hả hê khi Việt kiều kêu trời với giá của các căn nhà này.

Hai chữ “nội thành” vốn có nguồn gốc xa xưa, khi mà con người phải xây dựng thành trì. Ở thủ đô thì vua đóng trong thành, ở các thành khác thì quan đóng trong thành. Lúc nào giặc tới thì nạn dân kéo tới chạy vào trong thành, quân lính đóng cửa thành đứng trên bắn tên xuống. Vào cái thời đó thì đúng là sống trong nội thành tốt hơn hẳn sống ở ngoại thành.

Giờ thì mấy bức tường thành đã trở thành di tích lịch sử nhưng tư duy nhiều người vẫn bám cứng vào mấy bức tường thành đó. Ai cũng nhất định phải trèo vào mấy quận nội thành, quyết bám lấy cái gọi là trung tâm, xong rồi lại than thở nào là giao thông tắc nghẽn, nào là bụi bặm đầy đường, nào là lấn chiếm vỉa hè, rồi thì nhà ống chuồng cọp, rồi trộm cướp quá nhiều.

Tới lúc có người chê bai thì lại bảo rằng: “Ở trong nội thành điều kiện giáo dục tốt, bệnh viện tốt, làm ăn buôn bán tốt, bây giờ làm sao cho chỗ khác tốt thì tôi đi luôn nè”.

Bao nhiêu năm nay, cơ quan chức năng đã rất cố gắng để di dời từ cơ quan trụ sở hành chính, tới các bệnh viện lớn, tới các trường đại học ra khỏi nội thành nhưng khá chậm chạp.

Hình như tư duy này hơi phổ biến ở Đông Á. Seoul và Tokyo là hai thành phố tiêu biểu của tư duy này. Tokyo đông tới nỗi nhiều người độc thân sống trong căn nhà 5 mét vuông. Buổi sáng đi làm người dân nhét đầy các toa xe lửa, tới mức nhân viên ga tàu phải dùng tay mà nén người lại để đóng cửa tàu.

Không ai có thể nói rằng nước Nhật không đủ điều kiện để xây thêm đường sá, nhà cửa, bệnh viện hay trường học tốt ở một nơi ngoài Tokyo. Vậy mà Tokyo vẫn đông thêm, ngay cả khi dân số nước Nhật đang sụt giảm nghiêm trọng.

Nhiều người không hiểu rằng cuộc sống cần phải có sự lựa chọn. Các đô thị lớn ở Mỹ không có những cái nhà ống tự mọc lên trong đường hẻm. Thay vào đó là các chung cư lớn. Ở Manhattan, khu đắt đỏ được coi là trung tâm ở New York, những căn nhà đắt đỏ thật ra là các chung cư.

Chúng có kích thước khá bình thường, như là 80 mét vuông cho căn hộ 2 phòng ngủ, chỉ là giá rất đắt mà thôi. Ở New York không có chuyện tự dưng lại cắt ra miếng đất chia đôi theo chiều dọc rồi xây lên một căn nhà ống, rồi cứ thế nối tiếp nhau, mỗi cái ống có mặt tiền không đủ đậu chiếc xe hơi, rồi cùng nhau cãi nhau là sao đông quá.

Nhưng ở New York cũng như các thành phố lớn khác của Mỹ, ngoài khu đông đúc đó ra thì có nhiều nơi có những cái nhà liền thổ với sân vườn và cả hồ bơi, với đủ mức giá.

Đáng nói hơn, là ở những khu ngoại thành đó là nơi có bệnh viện, có trường đại học, và cả trừơng học phổ thông cũng tốt hơn. Các gia đình có con cái thì cần phải ở nơi rộng rãi để con còn có chỗ chạy nhảy vui chơi. Nắm bắt nhu cầu đó nên các khu vực dân cư bên ngoài trung tâm cũng sẽ có đủ tiện ích.

Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển đô thị hóa. Việc chấp nhận rằng con người làm nên thành phố sẽ giúp nhiều cho việc tạo ra một môi trường sống tốt hơn.

Trường đại học nên đi ra khỏi những chỗ đông đúc, bệnh viện cũng vậy, và thế là người dân sẽ đi theo những tiện ích này. Người dân chịu đi thì nhà nước mới có thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nước Mỹ đã trải qua giai đoạn đô thị hóa. Miền đông nước Mỹ thì cổ xưa hơn nên mấy cái di tích là nhà xây liền kề nhau vẫn còn, nhưng họ không xây thêm nữa. Các tiểu bang khác, các tòa nhà được xây dựng trong vòng 100 năm nay không còn bám lấy cách xây dụng thiếu an toàn nữa. Thay vào đó, người dân di chuyển ra xa hơn, quy hoạch đô thị cẩn thận hơn, xem sự rộng rãi tiện nghi là quan trọng hơn so với việc được núp dưới bức tường thành.

Quỹ đất của Việt Nam vẫn còn rất rộng. Vì vậy người dân không nên bám vào mấy cái gọi là quận nội thành mà làm khổ bản thân. Thay vào đó, người dân nên mang tư duy là dân ở đâu thì những cái phục vụ dân nó sẽ đi theo tới đó. Không thì nhà nước cũng khó quy hoạch khi người dân cứ bám lấy mấy mảnh đất nhỏ xíu rồi đổ thừa cho nhau là làm cho mọi thứ chật hẹp quá.

Theo KHANH HUỲNH / VNEXPRESS

Tags: , ,