⠀
Trung Quốc đang âm thầm tiến hành cuộc chiến giành nguồn nước
Nỗi ám ảnh mới của Trung Quốc hiện nay là nước ngọt, nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để duy trì sự sống nhưng đang ngày càng khan hiếm và đe dọa tương lai của kinh tế khu vực châu Á. Trung Quốc đang tìm cách để kiểm soát thượng nguồn bằng cách nắn các dòng chảy qua biên giới qua các con đập và những cấu trúc hạ tầng khác.
Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi các hoạt động tái vi phạm của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, Bắc Kinh lại đồng thời lặng lẽ tập trung vào các vùng nước khác, nơi có những con sông bắt nguồn từ lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát như Tây Tạng và chảy qua các quốc gia láng giềng. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm vơ vét các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nỗi ám ảnh mới của Trung Quốc hiện nay là nước ngọt, nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để duy trì sự sống nhưng đang ngày càng khan hiếm và đe dọa tương lai của kinh tế khu vực châu Á.
Với việc xây dựng các đập nước lớn trên các con sông quốc tế, Trung Quốc đang muốn nắn lại các dòng chảy qua biên giới tự nhiên (với các nước láng giềng). Trong số những con sông mà họ nhắm tới có sông Mekong, tuyến đường thủy huyết mạch của khu vực Đông Nam Á, và sông Brahmaputra, nguồn sống của Bangladesh và vùng Đông Bắc Ấn Độ. Với nền kinh tế “khát tài nguyên” nhất trên thế giới, Trung Quốc đã phải tăng tốc để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với nguồn tài nguyên thiết yếu nhất là nước ngọt, họ đang tìm cách để kiểm soát thượng nguồn bằng cách nắn các dòng chảy qua biên giới qua các con đập và những cấu trúc hạ tầng khác.
Cũng giống như các quốc gia Vùng Vịnh ngồi trên kho dự trữ dầu và khí đốt khổng lồ, Trung Quốc kiểm soát nguồn tài nguyên nước bao la xuyên quốc gia. Bằng cách chiếm “tháp nước” của châu Á là Cao nguyên Tây Tạng năm 1951, họ đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực đầu nguồn của hệ thống các con sông lớn ở châu Á. Những hành động của họ trong những năm gần đây nhằm thiết lập ảnh hưởng đối với các nước láng giềng ở khu vực hạ nguồn của các con sông trên. Ví dụ như, Trung Quốc đã xây dựng 8 đập lớn trên sông Mekong ngay trước khi dòng sông này chảy vào lãnh thổ nước khác, và họ đang xây hoặc quy hoạch xây thêm 20 con đập khác. Những đập này cho phép Trung Quốc kiểm soát lưu lượng nước và các trầm tích giàu khoáng chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc sống của 60 triệu người ở khu vực Đông Nam Á. Với quyền lực của mình, Bắc Kinh đã từ chối tham gia hiệp ước của Ủy ban sông Mekong và thay vào đó đã thu hút các quốc gia hạ nguồn dễ bị tổn thương tham gia sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mekong do họ đưa ra, vốn thiếu các quy tắc ràng buộc.
Chính sách đơn phương tương tự của Trung Quốc đã làm gia tăng những căng thẳng liên quan tới nguồn nước với Ấn Độ, quốc gia có nhiều con sông quan trọng bắt nguồn từ Tây Tạng. Năm 2017, Trung Quốc đã vi phạm 2 hiệp định song phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý, khi từ chối cung cấp các dữ liệu thủy văn cho Ấn Độ, tăng cường biện pháp vũ khí hóa để chia sẻ các dữ liệu về lưu lượng các con sông ở thượng nguồn. Việc từ chối cung cấp dữ liệu dường như để trừng phạt việc Ấn Độ đã tẩy chay Hội nghị cấp cao Vành đai và Con đường diễn ra tại Trung Quốc cũng như cuộc xung đột ở biên giới hồi mùa Hè năm ngoái ở khu vực Cao nguyên Doklam thuộc Himalaya.
Năm ngoái, hiện tượng thời tiết gió mùa trên sông Brahmaputra đã gây ra trận lũ lụt lịch sử, gây thiệt hại lớn về người và của, đặc biệt là ở bang Assam của Ấn Độ. Những mất mát về người đã có thể giảm bớt nếu Trung Quốc không từ chối cung cấp dữ liệu giúp hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt của Ấn Độ hoạt động hiệu quả hơn. Trong khi Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu họ có tiếp tục chia sẻ dữ liệu trong năm nay hay không, thì một vấn đề quan trọng mới lại bất ngờ nổi lên trong quan hệ với Ấn Độ – đó là việc nước của sông Siang – con sông huyết mạch thuộc hệ thống sông Brahmaputra – bất ngờ trở nên ô nhiễm và vẩn đục khi dòng nước từ Tây Tạng bắt đầu chảy vào Ấn Độ. Điều này đã làm gia tăng mối lo ngại ở khu vực hạ nguồn của Ấn Độ và các nơi khác về việc các hoạt động của Trung Quốc ở thượng nguồn có thể đe dọa sức khỏe hệ sinh thái của các con sông ở biên giới theo cách đã làm ô nhiễm các con sông ở Trung Quốc, bao gồm cả sông Hoàng Hà – cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Sau nhiều tuần im lặng về sự ô nhiễm của sông Siang, ngày 27/12/2017, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng một trận động đất xảy ra tại Đông Nam Tây Tạng hồi giữa tháng 11/2017 “có thể đã dẫn đến hiện tượng đục ngầu” ở con sông này. Tuy nhiên, dòng chảy của sông Siang, một trong những con sông lâu đời nhất trên thế giới, đã biến thành màu xám đen trước khi trận động đất xảy ra.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khai thác mỏ và xây đập lớn ở Đông Nam Tây Tạng. Cao nguyên Tây Tạng vốn rất giàu tài nguyên nước và khoáng sản. Trong khi âm thầm triển khai một loạt dự án thủy điện ở Tây Tạng, điều có thể ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy xuống khu vực phía Nam và Đông Nam châu Á, Trung Quốc dường như cũng đang hào hứng với ý tưởng đổi hướng hệ thống sông Brahmaputra ở thượng nguồn. Một cuốn sách xuất bản năm 2005 đã bênh vực cho việc nắn lại dòng chảy của sông Brahmaputra tới trung tâm khu vực phụ lưu của sông Dương Tử. Mới đây, một tờ báo của Hong Kong cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra đến Tân Cương bằng cách xây dựng đường hầm dài nhất thế giới. Bắc Kinh đã phủ nhận điều này, tương tự như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 đã từng bác bỏ việc Trung Quốc có bất cứ ý định nào về việc biến 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự.
Hơn một nửa số đập lớn trên thế giới hiện nay là ở Trung Quốc. Để đánh lạc hướng sự chú ý (của quốc tế) khỏi việc họ tiếp tục xây đập ồ ạt và từ chối tham gia hiệp ước chia sẻ nguồn nước với các nước láng giềng, Trung Quốc đã rất hào hứng tuyên bố về các hiệp định chia sẻ dữ liệu thủy văn của họ. Tuy nhiên, năm 2017, Trung Quốc đã cho thấy rằng họ có thể vi phạm những hiệp định đó nếu muốn. Trên thực tế, việc từ chối cung cấp các dữ liệu thủy văn cho Ấn Độ cho thấy Trung Quốc đang sử dụng nguồn nước xuyên biên giới như một công cụ ngoại giao cưỡng chế. Chẳng hạn như chính sách đơn phương mang tính thách thức của Trung Quốc khẳng định một điều rằng để hoàn thành một dự án xây đập lớn, họ đã ngắt dòng chảy của sông Xiabuqu – một nhánh thuộc sông Brahmaputra, hồi năm 2016 và hiện đang biến một nhánh sông khác là sông Lhasa, thành một loạt hồ nhân tạo.
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm ở sông Siang chỉ có thể được làm rõ nếu Trung Quốc đồng ý tham gia một cuộc điều tra chung với phía Ấn Độ, bao gồm một cuộc khảo sát khoa học về các khu vực thượng nguồn của sông này ở Tây Tạng. Đó là cách duy nhất để tìm hiểu ngọn nguồn của tình trạng ô nhiễm này đang giết chết sự sống dưới nước của sông Siang.
Đừng nhầm lẫn: Trung Quốc, bằng cách tăng cường kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới thông qua các công trình thủy điện, đang lôi kéo các nước láng giềng ở khu vực ven sông vào các cuộc chơi địa chính trị “được ăn cả, ngã về không” trong các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Trong khi âm thầm tiến hành các cuộc chiến tranh nước, Trung Quốc cố tuân theo nguyên tắc trung tâm của nhà lý luận quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc Tôn Tử – “tất cả các cuộc chiến tranh đều dựa trên sự dối trá”.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE GLOBE AND MAIL
Tags: Trung Quốc, Tài nguyên thiên nhiên, Nguồn nước