⠀
Trẻ, khỏe và rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của nhân công Việt Nam
Cạnh tranh trong bức tranh kinh tế đang không mấy sáng sủa, cạnh tranh giữa người với máy, cạnh tranh giữa người với người trong cùng lãnh thổ và sau đó là với đồng nghiệp tại các quốc gia khác. Bức tranh này không phải là viễn cảnh cũng chẳng cần tưởng tượng, mà đó là điều đang hoặc chắc chắn xảy ra, chỉ là vấn đề thời gian.
Tác giả: Trần Hùng Thiện, doanh nhân.
Tháng trước thôi, giới Marketing truyền nhau thông tin về công ty sữa lớn nhất Việt Nam có tỉ lệ chọi khi ứng tuyển vào một vị trí thuộc phòng Hoạch định chiến lược là 1/150. Dưới 1% cơ hội chiến thắng là một cuộc đua quá khắc nghiệt.
Sẵn mối tò mò: với công ty hàng đầu Việt Nam thì như thế, vậy ở thị trường gần nhất, nhiều cơ hội hơn và đương nhiên mức độ cạnh tranh cũng cao hơn, tình hình liệu có khác, tôi đóng vai người đi tìm việc, lên LinkedIn gõ nghề “Business Analyst” ở Singapore. Kết quả không làm tôi bất ngờ: 50% tuyển dụng có trên 100 ứng viên và 50% còn lại thấp nhất là 20, cao nhất là 97 ứng viên cho một vị trí, chỉ sau một tháng đăng tin.
Cũng tháng trước, một doanh nghiệp Australia đang vận hành một trang thương mại điện tử tại Australia và New Zealand gửi cho tôi bảng báo cáo tình hình kinh doanh. Nhìn vào báo cáo tài chính, tôi hơi giật mình vì chi phí nhân sự quá thấp, thấp đến mức nghi ngờ nên tôi phải hỏi kỹ. Câu trả lời tôi nhận được là “toàn bộ nhân viên Marketing là người Philippines”. Mức lương theo giờ của các nhân viên này chỉ bằng 1/5 so với người bản địa. Và cũng một lần nữa nhìn kỹ vào bản báo cáo, tôi không cần phải hỏi về mức độ hiệu quả của đội “offshore” này. Tôi chỉ, với tư cách là người Việt Nam, mong họ trả lời tại sao là người Philippines mà không phải là đất nước nào khác. “Vì tiếng Anh rất tốt, họ lại cực kì siêng năng học hỏi để hiểu thêm văn hóa Australia. Các bạn ấy càng làm càng tiến bộ mà chúng tôi không cần phải yêu cầu gì nhiều hơn”.
Hai tuần trước, một người bạn đang ở Mỹ nhắn tin “khoe” rằng đã thành công trong việc xây dựng lại toàn bộ cách làm việc cho công ty mình tại Việt Nam, mang công nghệ vào những nơi có thể và kết quả là giảm số lượng nhân sự từ 150 xuống 60. Tôi biết đối với bạn đó là tin vui bởi trong kinh doanh, bài toán “giảm chi phí”, trong đó có chi phí nhân sự, luôn là việc nên làm. Nhưng trong lòng tôi không khỏi nghĩ về 90 nhân sự không nằm trong danh sách những người được giữ lại. Làn sóng sa thải mấy năm nay chỉ được nghe ở những tập đoàn đại thụ tầm cỡ toàn cầu, thì sớm thôi sẽ lan ra khắp mọi nơi, không hạn định về quy mô nữa.
Tôi cũng vừa có phiên chia sẻ ngắn ở Sydney trong ngày hội “Vietnam – Australia IT Day”. Câu hỏi của các cử tọa (là các doanh nghiệp IT ở Australia) đơn giản đến mức đáng ngạc nhiên: Việt Nam có còn duy trì được lợi thế nhân công trẻ, khỏe và rẻ không; và liệu các bạn trẻ ngành IT có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh không nếu chúng tôi quyết định đến đó mở công ty.
Câu hỏi vốn không khó nhưng tôi thoáng buồn. Bởi vì, hỏi tức là đã trả lời – hồi đáp của tôi có thể sẽ đôi chút giúp họ có cái nhìn tốt hơn về thị trường lao động Việt nhưng đã bao lâu rồi, và những ai tại các thị trường (tiên tiến) nào nữa vẫn còn có những băn khoăn rất cơ bản này?
Theo báo cáo mới nhất của Education First, Việt Nam xếp hạng 58/113 quốc gia xét về góc độ “thông thạo tiếng Anh” với điểm index 505 và xếp loại “tương đối thành thạo”, mấp mé ở mức “thành thạo thấp” cho những quốc gia dưới 500 điểm. Không tốt cũng chẳng tệ nhưng rõ ràng là có quá nhiều điều cần phải được thực thi để cải thiện tình hình. Cuối câu trả lời của mình, tôi có bông đùa với các chủ doanh nghiệp rằng thôi thì cứ đến trước đi, thế nào cũng có người giỏi tiếng Anh ra tiếp chuyện các bạn. Và tôi mong câu đùa của tôi sẽ không còn cần đến nữa khi trình độ tiếng Anh của chúng ta tốt hơn trong tương lai.
Những câu chuyện trên cho thấy mức độ cạnh tranh trong thị trường lao động trong thời gian sắp tới chỉ có chiều hướng đi lên chứ không thể nào giảm bớt. Cạnh tranh trong bức tranh kinh tế đang không mấy sáng sủa, cạnh tranh giữa người với máy, cạnh tranh giữa người với người trong cùng lãnh thổ và sau đó là với đồng nghiệp tại các quốc gia khác. Bức tranh này không phải là viễn cảnh cũng chẳng cần tưởng tượng, mà đó là điều đang hoặc chắc chắn xảy ra, chỉ là vấn đề thời gian.
Có quá nhiều điều để làm, còn quá nhiều thứ để học là những gì từng người lao động phải trang bị cho mình để không rơi vào bẫy “năng lực trung bình” – giỏi không giỏi, dở không dở – và trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi sinh thái việc làm.
Luôn luôn dè chừng xem có điều gì mới đang diễn ra, luôn trong tâm thế học thêm và đặc biệt là tỉnh táo trước những thông tin mang tính “yêu chiều sự đứng yên” là những điều cần để tâm, nhằm đảm bảo một suất lao động tốt trong bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào.
Theo VNEXPRESS
Tags: Lao động - việc làm