Trật tự an ninh hậu Thế chiến II sắp sụp đổ?

Cạnh tranh Mỹ-Trung, Nhật Bản tái vũ trang, khủng hoảng tên lửa Triều Tiên, hợp tác Nga-Trung ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ảnh hưởng của Mỹ đã dần suy giảm trong suốt gần một thập kỷ qua, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Tất cả đang làm nổi lên những quan ngại rằng trật tự an ninh hậu Chiến tranh Thế giới II sắp sụp đổ.

Bài viết của tác giả B. A. Hamzah, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc phòng, Kuala Lumpur, Malaysia và thường xuyên giảng dạy về các vấn đề quốc tế. Bài viết được đăng trên Asia Sentinel.

Các sự kiện trên khắp châu Á – bao gồm cạnh tranh Mỹ-Trung, Nhật Bản tái vũ trang, khủng hoảng tên lửa Triều Tiên, hợp tác Nga-Trung ngày càng gia tăng và nhiều vấn đề khác – đang làm nổi lên những quan ngại rằng trật tự an ninh hậu Chiến tranh Thế giới II sắp sụp đổ. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi đắc cử đã nhanh chóng rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – thỏa thuận tập hợp 12 quốc gia cùng với nhau đối phó với Trung Quốc – có thể coi là sai lầm lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ thực ra đã dần suy giảm trong suốt gần một thập kỷ qua, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy còn Mỹ thì rơi vào trạng thái “hôn mê”.

Chính sách “xoay trục sang châu Á” của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa bao giờ thực sự diễn ra, mà mới chỉ dừng lại ở các hành động mang tính biểu tượng như triển khai một nhóm binh lính tới Úc. Mặc dù chậm trễ song Mỹ đang tìm cách điều chỉnh lại bằng các cuộc tập trận chung với sự tham gia của 8 tàu chiến cùng với 10 quốc gia Đông Nam Á trong tuần này ở Biển Đông. Nỗi lo sợ rằng trật tự cũ do Mỹ bảo đảm đang sụp đổ đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi các cuộc biểu tình không có hồi kết ở Hong Kong, căng thẳng ở Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung – điều mà nhiều người lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh Mỹ thậm chí không còn nỗ lực tìm cách thể hiện tầm ảnh hưởng của mình, tình hình đã trở nên xấu hơn sau khi xuất hiện các cuộc tuần tra chung trên không tầm xa giữa Nga và Trung Quốc – đây là các cuộc tuần tra đầu tiên kiểu như vậy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù việc Mỹ cho các tàu chiến qua lại Eo biển Đài Loan là nhằm răn đe Bắc Kinh, song Trung Quốc không hề cảm thấy bị hăm dọa, mà trên thực tế còn lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông gần Đài Loan. Cuộc tập trận quân sự này sẽ là cuộc tập trận thứ ba kể từ khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có các máy bay chiến đấu F16. Tuy nhiên, như mạng tin Asia Sentinel từng đưa tin, các máy bay chiến đấu này vẫn bị tụt hậu so với những chiến đấu cơ “thế hệ thứ năm” được phát triển tại Trung Quốc.

Những căng thẳng trên đã thể hiện sự bất lực hoặc sự thiếu cam kết của Washington trong việc kiểm soát các sự việc và đóng vai trò đi đầu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga, đối đầu với Mỹ trong khu vực, đã làm phức tạp thêm những tính toán an ninh. Nếu không có sự hiện diện của Mỹ để “hạ nhiệt” tình hình, những bất đồng vốn luôn âm ỉ này sẽ gây ra các cuộc bùng nổ chính trị, và tiếp sau đó cuộc chiến thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn cũng sẽ tác động tới trật tự an ninh hiện nay. Quyết định của Hàn Quốc hồi tuần trước rằng nước này sẽ không gia hạn tiếp Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản là một ví dụ cho thấy mọi chuyện có thể đi theo hướng sai lầm nhanh chóng tới mức nào. Quyết định hủy bỏ Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo là một lời đáp trả đối với việc trước đó Tokyo đã cấm xuất khẩu các vật liệu dùng để chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.

Mối bất hòa giữa hai cường quốc đang làm xói mòn cơ chế/ cấu trúc hợp tác an ninh truyền thống trong khu vực. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự được tạo ra nhằm cung cấp những tin tình báo về Triều Tiên, trong bối cảnh có tin Bình Nhưỡng đang bắn thêm nhiều tên lửa tầm trung. Thất bại của Mỹ trong việc ngăn cản các đồng minh hiệp ước can dự vào các cuộc chiến thương mại và xóa bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo đã cho thấy rõ rằng ảnh hưởng của Washington đang suy giảm, bất chất việc Mỹ vẫn duy trì hơn 80.000 binh lính, các tài sản hải quân và không quân ở Đông Á. Điều này cũng phản ánh mong muốn của các đồng minh của Mỹ về việc được hành động độc lập khỏi “nước bảo trợ”. Mỹ cũng thất bại trong việc ngăn chặn Nga và Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập chung trên không lần đầu tiên, sử dụng các máy bay tuần tra tầm xa là Xian H-6K của Trung Quốc và máy bay Tupolev Tu-95Ms của Nga – máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân – ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, mục đích của cuộc diễn tập vừa qua là “tăng cường sự ổn định toàn cầu”. Cuộc diễn tập này cũng nhằm gửi một thông điệp tới Washington rằng Bắc Kinh và Moskva đang tiến tới một sự hội tụ chiến lược. Quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) được ký kết với Nga càng đẩy nhanh tiến trình này.

Nhiều người cho rằng quyết định của Washington là nhằm vào các lực lượng hạt nhân tầm trung của Trung Quốc, vốn không bị ràng buộc với Hiệp ước INF. Quan trọng hơn là, điều này cũng có nghĩa rằng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ đang có nguy cơ bị Trung Quốc và Nga xâm phạm. Bất chấp các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và trên không, Mỹ vẫn không thể hăm dọa Trung Quốc và không buộc được nước này phải ngừng quân sự hóa Biển Đông. Trên thực tế, đến năm 2012, sau khi chiếm được bãi cạn Scarborough, bất chấp sự phản đối của Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino và Washington, Bắc Kinh đã biến 7 bãi chìm thành các đảo nhân tạo với các căn cứ quân sự trên đó. Bắc Kinh đã xây đường băng trên cả 7 đảo nhân tạo này nhằm triển khai sức mạnh tại khu vực. Nhiều người coi đây là những tiền đồn quân sự có thể được sử dụng để chống lại Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Khi Manila kiện lên Tòa trọng tài thường trực ở La Haye để phản đối cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố không tham dự phiên tòa. Năm 2016, tòa án này ra phán quyết ủng hộ Philippines. Thay vì tìm cách xóa bỏ sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ lại chẳng làm gì cả. Hiện nay, Bắc Kinh đang viết lại quy tắc can dự ở Biển Đông trong cái gọi là “đường 9 đoạn”. Bất chấp sự phản đối của Manila, các tàu của Hải quân Trung Quốc vẫn đi qua các đảo của Philippines một cách đơn giản mà không hề bị ngăn chặn. Mặc dù chắc chắn Philippines sẽ không tiếp tục cúi đầu sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte kết thúc, song Manila không có đủ sức mạnh để làm được gì nhiều.

Mỹ đang “lấy lòng” các nước để triển khai các tên lửa tầm trung chống lại Trung Quốc. Cho tới nay, chưa có nước nào chắc chắn đồng ý với Mỹ. Úc, nước tham gia lực lượng bảo vệ hàng hải do Mỹ bảo trợ ở Vịnh Persia, mập mờ ám chỉ rằng Mỹ chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào về việc triển khai tên lửa ở Úc. Trong khi đó, Tổng thống của Philippines – quốc gia là đồng minh hiệp ước của Mỹ kể từ năm 1951 – tuyên bố rằng ông sẽ không cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ của nước này. Seoul cũng nói rằng họ không có kế hoạch thảo luận về việc triển khai tên lửa với Mỹ. Tiết lộ của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney, rằng “Mỹ không còn là quốc gia có vị thế vượt trội về quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và khả năng của Mỹ trong việc giữ ưu thế trong cán cân sức mạnh ngày càng trở nên không chắc chắn”, đã làm gia tăng những lo ngại về tầm ảnh hưởng đang bị suy giảm của Washington. Bản báo cáo này, với tiêu đề “Ngăn chặn khủng hoảng: chiến lược, chi tiêu quân sự và phòng thủ tập thể của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được xuất bản ngày 19/8, kêu gọi các đồng minh của Mỹ ở khu vực có một chiến lược tập thể để đối phó với sức mạnh quân sự đang lớn dần lên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thiếu sót của Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng không phải là điều dễ giải quyết trong ngắn hạn, khiến cho chiến lược mà Bộ Tứ (gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) đề xuất nhằm chống lại Trung Quốc chỉ là một cuộc diễn tập vô ích. Tại sao những quốc gia này – tất cả đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc – lại phải “liều mạng” vì một chính phủ Mỹ vốn đang mắc kẹt với các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và “đối mặt với cuộc khủng hoảng vỡ nợ”?

Điều quan trọng nhất của bất kỳ chiến lược quân sự nào là giành chiến thắng, điều mà trong trường hợp này dường như khó có thể đạt được. Lẽ ra thế giới nên chú ý tới lời cảnh báo năm 1990 của ông Charles Krauthammer – một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Mỹ – rằng giai đoạn đơn cực của Mỹ sẽ rất ngắn ngủi. Khi đó, không ai quan tâm tới lời cảnh báo của ông.

Những người khác, như Fareed Zakaria, đã đưa ra nhiều dự báo về một thế giới hậu Mỹ. Trong một bài bình luận đăng trên Foreign Affairs (số tháng 7-8/2019), Zakaria đã thẳng thắn nói ra điều đó. Ông viết rằng Washington, “từ một vị trí chưa từng có trong lịch sử, đã không xử lý tốt vai trò bá chủ của mình và lạm dụng quyền lực, mất đi các đồng minh và khiến kẻ thủ trở nên bạo gan hơn”. Một “bản cáo trạng” như vậy càng làm xói mòn lòng tin của mọi người vào cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của nước Mỹ.

Cuối cùng, Gideon Rachman của tờ Financial Times đã viết rất đúng. Ông nói rằng mặc dù nhìn bề ngoài, những sự kiện nói trên dường như không có mối liên hệ gì với nhau, “song tổng hợp lại, chúng chỉ ra rằng trật tự an ninh khu vực đang dần tan vỡ”.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,