⠀
Trào lưu tiền ảo: Khi lòng tham lớn hơn sự hiểu biết
Bất chấp cảnh báo từ nhiều chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới về nguy cơ tan vỡ của bong bóng tài chính do nạn đầu cơ những đồng tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) như Bitcoin, Ethereum, Ripple hay Moreno… gây ra, không ít người Việt Nam vẫn liều lĩnh lao vào làm giàu bằng cách “chơi tiền ảo”, kể cả người chưa hay biết gì về bản chất của chúng.
Cơn sụt giá của các đồng tiền kỹ thuật số lớn như Bitcoin, Ethereum trong giai đoạn vừa qua dường như không ảnh hưởng nhiều tới người chơi tiền “ảo” ở Việt Nam. Từ các nhóm kín “chơi coin” của người Việt Nam trên mạng xã hội đến các sàn giao dịch chấp nhận địa chỉ IP Việt Nam, hoạt động tư vấn, trao đổi và mua bán tiền kỹ thuật số vẫn diễn ra nhộn nhịp. Các máy tính chuyên dụng “đào” Bitcoin, Litecoin vẫn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư nhập khẩu hàng loạt về Việt Nam với giá dao động từ 20 đến 70 triệu đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 12-2017, đã có 2.470 máy “đào” Bitcoin, Litecoin (máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền “ảo” trên mạng) được nhập khẩu vào nước ta. Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017 có đơn vị kê khai nhập khẩu tới gần 1.500 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin và Litecoin với tổng giá trị ước tính khoảng 129 nghìn USD. Số vốn đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng không ít người hy vọng họ sẽ nhanh chóng trở nên giàu có với giá trị tăng vọt của một số đồng tiền điện tử như hiện nay. Những biểu đồ xanh đỏ nhảy múa trên sàn giao dịch khiến họ quên đi một thực tế đáng buồn: rất nhiều trường hợp đã rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần, tự tử vì các đồng tiền chỉ tồn tại trên thuật toán dữ liệu này.
Năm 2009, trên cơ sở công nghệ Blockchain (chuỗi khối), một người đàn ông bí ẩn tự xưng là S.Nagatomo đã sáng tạo ra mạng lưới tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên có tên gọi là Bitcoin. Kể từ đó đến nay, theo thống kê của trang coinmarketcap.com, đã có gần 1.400 đồng tiền kỹ thuật số đã được lưu thông trên các sàn giao dịch ảo trên toàn thế giới. Giống như Bitcoin, những đồng tiền kỹ thuật số khác đều được các nhà sáng lập ngợi ca là “tiền tệ của tương lai” vì không thể bị lạm phát, thao túng, có độ bảo mật cao, giao dịch thuận tiện, đáng tin cậy hơn so với hệ thống ngân hàng tài chính hiện nay do được vận hành tự động trên hệ thống dữ liệu của máy tính. Tuy nhiên, có vẻ như các cam kết này hoàn toàn trái ngược với sự thật đang diễn ra trên thị trường tiền tệ. Những thí dụ ít ỏi về ưu điểm của Bitcoin nói riêng, công nghệ blockchain nói chung được một số tờ báo và website tô vẽ cũng không thể che giấu thực tế những đồng tiền kỹ thuật số hiện nay có quá nhiều hạn chế để trở thành một phương tiện tích trữ, thanh toán, giao dịch trong nền kinh tế thế giới.
Theo thống kê của trang digiconomist, chỉ riêng mạng lưới Bitcoin đã tiêu thụ lượng điện năng lên đến 37.49 Terawatt giờ, gấp 70 lần so với mạng lưới của Visa, cao hơn nhu cầu sử dụng điện của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do đó, dễ hiểu vì sao giá thành tạo ra một đồng Bitcoin lên đến 1.000 USD. Một thống kê khác của digiconomist cho thấy, tổng số lượng giao dịch trên hệ thống mạng Visa đạt 82,3 tỷ lượt/năm, gấp 3.248 lần so với khả năng xử lý của mạng Bitcoin. Điều này đã chứng tỏ khả năng xử lý giao dịch của công nghệ Blockchain hết sức chậm chạp. Cuối tháng 11-2017, giới đầu tư tiền “ảo” tại Việt Nam và thế giới thậm chí từng phải méo mặt khi hai sàn giao dịch tiền kỹ thuật số khổng lồ là Coinbase và Gemini bị sập hệ thống dữ liệu vì lý do “lượng truy cập cao nhất mọi thời đại”. Tuy sự cố được khắc phục ngay sau đó, nhưng cũng kịp khiến thị trường giao dịch kịp bốc hơi một lượng tiền khổng lồ đến từ sự giảm giá đột ngột của Bitcoin.
Bên cạnh khả năng giao dịch yếu kém, các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số cũng không hề an toàn như quảng cáo. Trong cuốn sách nổi tiếng Blockchain: Bản chất của Blockchain, Bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai tiền tệ, tác giả M.Gates đã nhận định: “Thật khó để khiến người ta tin tưởng một hệ thống có thể bị tội phạm sử dụng thoải mái, đặc biệt là vì nhiều máy tính đang vận hành mạng lưới lại được đặt tại nhiều quốc gia không được chính phủ sở tại quy định và kiểm soát” (sđd, tr.116). Nhận định của M.Gates là có cơ sở bởi trên thực tế, các sàn giao dịch tiền ảo liên tục bị nhiều tổ chức tội phạm lợi dụng để thực hiện các thương vụ phi pháp như rửa tiền và buôn bán ma túy. Năm 2014, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới thời điểm đó là Mt.Gox đã tuyên bố phá sản sau khi dính líu tới thị trường ma túy trực tuyến Con đường tơ lụa (Silk Road). Ngày 25-7-2017, hàng nghìn người chơi tiền ảo tại Việt Nam và thế giới đã rơi vào cảnh điêu đứng sau khi sàn giao dịch BTC-E bị chính phủ Mỹ cho dừng hoạt động. Không những vậy, quản trị viên của website này là A.Vinik còn bị bắt vì hành vi rửa tiền cho các tổ chức tội phạm lên đến bốn tỷ USD.
Theo số liệu của Similarweb, tại thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm về số người giao dịch trên BTC-E. Tuy cam kết trả lại tiền mặt cho người chơi sau khi tái hoạt động nhưng đến đầu tháng 1-2018, giao dịch của BTC-E dưới tên miền wex.kayako.com vẫn chưa được khôi phục, dấy lên nguy cơ mất trắng số tiền hàng triệu USD của nhiều nhà đầu tư vào website này. Trước sự hoành hành của giới tội phạm trên sàn giao dịch tiền ảo, tuyên bố vô trách nhiệm mới đây của nhà phát hành đồng tiền Moreno như đổ thêm dầu vào lửa: “Chúng tôi chắc chắn không muốn tội phạm sử dụng đồng tiền Moreno. Tuy nhiên, nếu các bạn sử dụng đồng tiền này thì không thể phòng tránh được việc tội phạm cũng sử dụng chúng”.
Rõ ràng, cơ chế lưu trữ, giao dịch tiền dữ liệu một thời từng là niềm tự hào của những người phát minh ra công nghệ blockchain đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Ngoài việc che giấu nhiều giao dịch “đen”, các sàn tiền “ảo” còn là mục tiêu của tin tặc. Ngày 20-12-2017, Yobit – sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu Hàn Quốc, đã nộp đơn xin phá sản sau khi bị tin tặc đánh sập gây thiệt hại lên đến 73 triệu USD. Đây không phải trường hợp đầu tiên một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số bị tin tặc tiến công. Trước Yobit, nhiều sàn giao dịch tiền kỹ thuật số khác là Crypsty, Bitfinex hay Bithumb từng là nạn nhân của tin tặc với số tiền “ảo” bị cướp có giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Điều đáng lo ngại là dù còn tồn tại vô số yếu kém như vậy, nhưng ngày càng có nhiều người bất chấp rủi ro, lao vào đầu cơ với hy vọng đồng tiền kỹ thuật số sẽ liên tục tăng giá trên thị trường giao dịch. Tại Việt Nam, những buổi thuyết trình, khóa học về bí quyết kiếm hàng chục tỷ đồng từ tiền kỹ thuật số đang diễn ra sôi động, bỏ qua các cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, báo chí… Số lượng người giàu lên bất thường chỉ từ phát hành, “đào” và giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế và luật pháp đặt nghi vấn về những hình thức lừa đảo đa cấp trá hình ẩn sau nó. Trong đó, nổi bật và dễ thực hiện nhất có lẽ là chiêu bài phát hành đồng tiền kỹ thuật số mới theo mô hình ICO (Initial Coin Offering). Bước một, các dự án ICO dụ dỗ nhà đầu tư bỏ tiền thật để mua các đồng tiền ảo phổ thông trên thị trường như Bitcoin, Ethereum, Ripple. Sau đó, những nhà đầu tư này tiếp tục dùng Bitcoin để mua lại những “đồng tiền kỹ thuật số mới”.
Sau khi nhận được những đồng tiền kỹ thuật số vô giá trị này, nạn nhân được lựa chọn giữa hai phương án: rao bán hoặc đầu cơ (lending). Nếu tham gia đầu cơ, nạn nhân sẽ được dự án hứa hẹn trả lợi nhuận theo mô hình đa cấp với lãi suất lên đến hàng chục phần trăm một năm. Thực chất, đây vẫn là trò lừa đảo Ponzi truyền thống (lấy tiền đầu tư của người sau để trả cho người trước). Khi thu đủ lợi nhuận từ các nạn nhân, những dự án ICO lừa đảo sẽ ngừng hoạt động.
Thời gian qua, các dự án ICO đa cấp như vậy mọc lên nhan nhản tại Việt Nam, thu hút hàng nghìn người hám lợi, kém hiểu biết. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cấm việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền “ảo” tương tự làm phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, để đưa những dự án ICO đa cấp ra pháp luật lại hết sức khó khăn, nhất là khi đối tượng lừa đảo đặt các máy chủ xử lý hệ thống giao dịch tiền “ảo” ở nước ngoài. Cuối tháng 11-2017, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt khẩn cấp ba đối tượng cầm đầu đường dây đầu tư tiền “ảo” AOC sau khi những kẻ này đã chiếm đoạt trót lọt hàng chục tỷ đồng.
Về mặt bản chất, sự tăng giá của những đồng tiền “ảo” hiện nay xuất phát từ nạn đầu cơ trên thị trường giao dịch, qua đó tạo nên các bong bóng tài chính khổng lồ tương tự “bong bóng vàng ảo Forex”, “bong bóng cổ phiếu Dotcom”. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI: “Có hai lý do khiến Bitcoin tăng giá phi mã: nó là công cụ mang tính đầu cơ, cũng có thể là công cụ chuyển tiền bất hợp pháp bởi tính ẩn danh của công nghệ này. Nhưng ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy, người đó sẽ chết. Khi nó (Bitcoin) sập sẽ gắn với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Bản thân nhiều nhà đầu tư tiền “ảo” dù không hiểu bản chất của Blockchain và tiền “ảo” cũng luôn rỉ tai nhau rằng, đây là hoạt động đầu tư mạo hiểm chỉ có 1% thành công.
Như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền “ảo”, nhất là sau những biến tướng đang diễn ra rất khó lường trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trước khi trông chờ vào sự bảo vệ của pháp luật, những nạn nhân của vòng xoáy tiền “ảo” phải tự trách mình. Bởi lẽ “tiền tự đẻ ra tiền” chỉ là câu chuyện ngụ ngôn chế giễu những kẻ tham lam.
Theo QUANG TIẾN / NHÂN DÂN ONLINE
Tags: Tài chính, Bitcoin - Tiền ảo, Kinh doanh - Sản xuất