Trận Làng Vây: Lần đầu chiến xa của quân Giải phóng xuất trận

Trận tiến công Cứ điểm Làng Vây tháng 2/1968 – trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng của quân đội ta vẫn để lại ký ức khó quên và những bài học kinh nghiệm về tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc…

Tác giả: Đại tá, TS Lê Quang Trung, Khoa Chiến thuật-Chiến dịch, Học viện Chính trị.

Cứ điểm Làng Vây nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, cách quận lỵ Hướng Hoá 7km và cách sân bay Tà Cơn 8km về phía tây nam, nằm trên trục Đường 9, từ Lao Bảo đi Đông Hà, Quảng Trị. Phía nam Cứ điểm có độ dốc tương đối lớn, cách Cứ điểm khoảng 2km là làng Troài và dòng sông Xê Pôn, chạy dài theo chiều tây bắc, đông nam. Đây là phía sau lưng địch và là hướng địch chủ quan, phòng ngự sơ hở, mỏng yếu.

Cứ điểm Làng Vây tương đối độc lập, được địch bảo vệ bằng 5 lớp hàng rào kẽm gai, chia thành 6 khu, có một tiểu đoàn biệt kích đóng giữ, dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ. Tổng lực lượng địch lên tới hơn 1000 tên.

Lực lượng của ta tham gia tiến công Cứ điểm Làng Vây gồm có: Trung đoàn 24 thiếu 1 tiểu đoàn, Tiểu đoàn bộ binh 3 Sư đoàn 325; 2 đại đội xe tăng (3 và 9) thuộc tiểu đoàn 198; 1 tiểu đoàn pháo lựu 122mm; 1 đại đội pháo phòng không 37mm và 3 xe AM bảo đảm phòng không; 2 đại đội đặc công; 2 tiểu đoàn công binh công trình; 1 trung đội M72.

Chiếc xe tăng PT-76 tại Tượng đài chiến thắng Làng Vây

Trong trận Làng Vây, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng 20 xe tăng PT-76. Đây là loại xe tăng lội nước hạng nhẹ của quân đội Xô Viết, nặng khoảng 14 tấn, cỡ nòng 76,2mm. Xe tăng PT-76 được giới thiệu lần đầu tiên vào đầu thập niên 1950, và sớm trở thành mẫu xe tăng trinh sát tiêu chuẩn của quân đội Xô Viết và những lực lượng quân sự thuộc khối Hiệp ước Warszawa.
.

Ngày 4/2/1968, Trung đoàn 24 được cấp trên chính thức giao nhiệm vụ tiến công Cứ điểm Làng Vây. Hướng tiến công chủ yếu do Tiểu đoàn bộ binh 3 đảm nhiệm. Giai đoạn hoả lực chuẩn bị thực hành mở cửa, đánh chiếm đầu cầu từ 23 giờ 15 phút ngày 6/2 đến 0 giờ ngày 7/2/1968. Sau 10 phút hoả lực bắn phá, lúc 23 giờ 25 phút, Đại đội xe tăng 9 bật đèn pha theo đường ôtô vào chiếm lĩnh trận địa triển khai, dùng hoả lực tiêu diệt ụ súng, lô cốt chi viện cho bộ binh, đặc công mở cửa. Thấy bộ binh mở cửa chậm, xe tăng 1 tiến lên sát hàng rào thứ 2 chi viện cho mở cửa, bắn được 2 quả thì xe tăng 1 trúng đạn, pháo thủ bắn thêm được 3 quả đạn nữa thì xe bốc cháy. Bộ binh, đặc công tiếp tục mở cửa, khi mở được 3 lớp hàng rào, địch phát hiện dùng hoả lực tập trung ngăn chặn quyết liệt không cho ta mở cửa. Vì vậy, đội mở cửa bị thương vong một số đồng chí. Đến 0 giờ ngày 7/2, sau khi chấn chỉnh lại lực lượng, Tiểu đoàn bộ binh 3 tiếp tục mở cửa và đã mở xong cả 5 lớp hàng rào. Lực lượng đột kích 1 cùng với Trung đội tăng 1 gồm: (xe tăng 2 và xe tăng 3) xung phong.

Hoả lực địch lúc này bắn mạnh vào hai bên sườn để chia cắt bộ binh với xe tăng. Xe tăng 3 do Đại đội trưởng Đại đội tăng 9 chỉ huy thọc thẳng vào khu cột cờ, không thấy bộ binh, nên xe tăng cũng dừng lại dùng hoả lực tiêu diệt hoả điểm địch, bộ binh theo xe tăng 2 tiếp tục phát triển diệt địch. Đại đội đặc công 40 cùng Trung đội tăng 2 gồm: (xe tăng 4,5,6) vượt qua cửa mở thọc thẳng vào khu VI ở phía đông. Xe tăng 6 sau khi vượt qua cửa mở dừng lại chi viện hoả lực cho bộ binh, xe tăng 4, xe tăng 5 xung phong thì bị trúng đạn bốc cháy, hy sinh 3 đồng chí trong đó có đồng chí Chính trị viên Đại đội tăng 9. Xe tăng 5 sau khi diệt xong lô cốt hoả điểm ở khu VI được lệnh phát triển sang khu I phối hợp với hướng thứ yếu 1 phía tây, mới cơ động 1 quãng xe tăng 5 bị địch bắn chặn, vì cự ly quá gần không sử dụng được pháo, pháo thủ mở nắp xe quan sát và dùng 12,7mm trên xe diệt địch và bị trúng đạn, đồng chí pháo thủ bị hy sinh…

Quân Mỹ và đồng minh cố chống cự bằng súng chống tăng M-72, nhưng đa số hơn 100 quả đạn hoặc bắn trượt, hoặc văng ra khi gặp vỏ giáp nghiêng của xe PT-76. Vũ khí hiệu quả nhất là 2 khẩu súng không giật 106,7mm thì chỉ bắn hạ được 3 xe tăng trước khi bị phá hủy.
.

Hoả lực địch lúc này phục hồi, bắn mạnh ra cửa mở khiến đột kích 2 và xe tăng 7 không vào được. Đột kích 1 và Trung đội tăng 1 đã đánh vào đến cột cờ chưa bắt được liên lạc với hướng thứ yếu 1, cùng lúc đó phát hiện hoả điểm địch đang bắn mạnh ra cửa mở, đột kích 2 chưa vào được lại tổ chức đánh từ trong đánh ra. Lúc 0 giờ 15 phút, đột kích 2 cùng xe tăng 7 đã vượt qua cửa mở đánh thẳng vào khu V, khu VI và đến 2 giờ 30 phút ngày 7/2 giải quyết xong khu V, bắt được liên lạc với Tiểu đoàn bộ binh 5 tiến công trên hướng thứ yếu 1.

Hướng tiến công thứ yếu 1 do Tiểu đoàn bộ binh 5 thiếu Đại đội 7 đảm nhiệm. Theo kế hoạch Đại đội 6 mở cửa ở bắc Đường 9, nhưng do bị lộ và thấy phía nam Đường 9 hàng rào thưa hơn nên đã chuyển về phía nam mở bằng bộc phá liên tục. 23 giờ 30 phút, Đại đội tăng 3, một bộ phận vượt qua đội hình Đại đội 6 chiếm lĩnh trận địa chi viện cho bộ binh mở cửa, đến 0 giờ 20 phút ngày 7/2 Đại đội 6 mở cửa xong, đột kích 1 vượt qua xe tăng 1 (đang nằm ở cửa mở), dùng B40, B41 tiêu diệt lô cốt, hoả điểm địch chi viện cho bộ binh, xe tăng xung phong. Trung đội tăng 1 có cả xe của đại đội trưởng cùng bộ binh xung phong. Xe tăng 1 trúng đạn, Xe tăng 2,3,4 nhanh chóng vượt qua xe tăng 1 đánh thẳng vào trung tâm bật đèn pha quan sát tiêu diệt các mục tiêu rất hiệu quả. Bộ binh cùng xe tăng đánh thẳng vào khu cột cờ, có lúc bộ binh vượt lên trước dẫn dắt xe tăng, số xe tăng còn lại ở ngoài cũng đã được lệnh bước vào chiến đấu. Đến 1 giờ 10 phút ngày 7/2, đột kích 1 bắt đầu đột phá khu trung tâm. Đến 2 giờ 25 giải quyết xong địch trên mặt đất, 2 giờ 30 bắt được liên lạc với hướng chủ yếu.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 thấy địch bị tiêu diệt nhanh quá, sinh nghi và nhận định địch có thể rút xuống hầm ngầm liền ra lệnh cho các đơn vị lùng sục tìm hầm ngầm.

Tiểu đoàn 4 thiếu 2 đại đội đảm nhiệm tiến công hướng thứ yếu 2. 23 giờ 45 mới mở được 2 hàng rào thì bị hoả lực địch ngăn chặn quyết liệt, Tham mưu trưởng tiểu đoàn lên chỉ huy thì bị hy sinh, đại đội phó, đại đội trưởng cũng hy sinh, Chính trị viên thì bị thương nặng, đến 0 giờ 20 phút mở xong được hàng rào thứ 4 thì hết bộc phá. Lúc này, hoả lực địch phục hồi bắn rất mạnh ra cửa mở, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho B41 tiêu diệt hoả điểm tạo điều kiện cho mở cửa mở, một mặt đề nghị trung đoàn tăng cường bộc phá, mặt khác ra lệnh dùng kìm, kéo cắt hàng rào để chui vào. Lúc 1 giờ 10, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho B41 tiêu diệt hoả điểm địch ở lô cốt số 2 và tự tay nâng dây thép để bộ đội chui qua hàng rào số 5 và 1 giờ 20, đột kích 1 đã chui qua hàng rào 5 vào chiến đấu, 1 giờ 30 bộc phá và cắt rào xong, lực lượng còn lại của đột kích 1 tiếp tục vào đánh chiếm. Đến 2 giờ 40 làm chủ hoàn toàn phía đông bắc Cứ điểm.

Sau khi làm chủ trên mặt đất, bắt được tù binh địch khai ra hầm ngầm có cả quân Mỹ-Sài Gòn ở dưới đó, Trung đoàn trưởng 24 ra lệnh đánh hầm ngầm. Địch trong hầm ngầm bắn ra rất mạnh, Tham mưu trưởng Trung đoàn lệnh bắn 3 quả B41 nhưng không có kết quả và đạn B40, B41 đã hết. Tham mưu trưởng ra lệnh khênh 1 tấm bê tông lớn đập lên nóc hầm ngầm kết hợp địch vận gọi hàng. Kết quả có 50 tên ra hàng. Trong số tù binh mới bắt có tên khai là còn hầm ngầm nữa. Lúc này không quân địch đánh cả bom phá, bom bi vào trong Cứ điểm ta bị thương vong một số đồng chí. Trong Cứ điểm còn lại Đại đội 7 tản ra lùng sục truy quét địch, một số tên địch sống sót chạy tìm hầm ẩn nấp đã bị bộ đội Đại đội 7 tiêu diệt và bắt sống. Đến 11 giờ ngày 7/2/1968, trận tiến công Cứ điểm Làng Vây kết thúc giành thắng lợi.

Trận tiến công cứ điểm Làng Vây để lại bài học về xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng, có xe tăng của ta tham gia lần đầu tiên trên chiến trường Miền Nam. Điều làm cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn lo lắng cần tập trung giải quyết, đó là đơn vị chưa có kinh nghiệm đánh trong công sự vững chắc. Trước đó Trung đoàn đánh trận Huội San, tuy có kinh nghiệm bước đầu, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ đánh Làng Vây thì quá lớn đối với trung đoàn. Triển khai chiến đấu trong điều kiện gấp, thời gian nắm địch chưa nhiều, bộ đội mới vào chiến trường, thiếu kinh nghiệm từ việc ăn, ở, đi lại đến trú quân. Trước khi đánh phải đưa bộ đội đến làm quen, hợp luyện với xe tăng. Trước tình hình đó, trung đoàn kịp thời nắm bắt tình hình các mặt của đơn vị, nhất là tư tưởng của bộ đội. Lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã kịp thời động viên, chấn chỉnh đội ngũ đi đôi với xây dựng quyết tâm, tổ chức luyện tập đánh địch trên sa bàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng cho đội ngũ cán bộ. Do vậy, đơn vị sôi nổi hẳn lên, cán bộ đại đội bồi dưỡng cho cán bộ trung đội, tiểu đội bồi dưỡng cho chiến sĩ của mình với tinh thần quyết tâm cao, dám đánh và quyết đánh thắng địch.

Trận Làng Vây cũng là trận ta đã quán triệt tốt phương châm “chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đánh chắc thắng”. Dù thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp, nhưng công tác chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, kiên quyết và thận trọng. Được biểu hiện trong việc nghiên cứu nắm địch, địa hình, thời tiết thuỷ văn trong khu vực tác chiến. Đặc biệt là địch, địa hình ở Cứ điểm Làng Vây và các địa hình có liên quan, để tạo lập thế trận hoàn chỉnh trước khi nổ súng tiến công, gây bất ngờ đối với địch. Quyết tâm chiến đấu sát với tình hình thực tiễn, có kế hoạch đánh đêm và sẵn sàng chuyển sang đánh ngày chu đáo.

Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm qua trận đánh này. Như nghiên cứu dự kiến địch bên trong Cứ điểm chưa triệt để, dẫn đến công tác chuẩn bị thiếu đồng bộ. Khi gặp tình huống đánh địch trong hầm ngầm xảy ra, chỉ huy còn lúng túng, buộc thời gian đánh địch phải kéo dài. Công tác tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng chưa được chặt chẽ. Bộ đội đánh nhanh, đánh lướt dẫn đến bỏ sót mục tiêu, buộc phải tổ chức đánh từ trong đánh ra gây tổn thất về lực lượng, phương tiện chiến đấu.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , ,